Ngài đại sứ đặc biệt và "duyên nợ" với Việt Nam

    Cách đây 30 năm, không ai có thể tin vào lòng tốt của một người đàn ông Nhật Bản dành cho những đứa trẻ Việt Nam xa lạ. Dù nhiều người đã dùng lời lẽ thiếu tôn trọng nói về ông, nhưng vẫn không thể ngăn ông nỗ lực đem đến một cuộc sống tốt hơn cho trẻ em Việt Nam. Và rồi, những đóng góp của ông đã được công nhận. Người đàn ông đó chính là ngài Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt Sugi Ryotaro.

    Duyên nợ với Việt Nam bắt đầu từ một chuyến đi

    Ông Sugi Ryotaro đến Việt Nam lần đầu tiên trong chuyến thăm một cô nhi viện ở thủ đô Hà Nội vào ngày 27/07/1980 với tư cách là danh ca kiêm diễn viên Nhật Bản.

    Ông nói với báo giới rằng: “Tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy bữa ăn của những đứa trẻ trong cô nhi viện, chỉ toàn cháo và một ít rau củ. Mùi của nó thì kinh khủng đến nỗi tôi không thể hình dung được đó là thức ăn. Vì vậy mà những đứa trẻ nơi đây thường kém phát triển về thể chất”.

    Ngài đại sứ đặc biệt
    Ông Sugi Ryotaro đến thăm trẻ em Việt Nam năm 1989 (Nguồn: Nikkei)

    Giọt nước mắt làm nên nghĩa cử cao đẹp

    Trong khi phát kẹo thì ông Sugi nhìn thấy một bé gái buồn bã đứng một mình, tách khỏi những đứa trẻ khác. Nhờ thông dịch viên, ông mới biết rằng đứa bé ấy đang khao khát được có cha mẹ. Nguyện vọng của bé gái đã khiến ông không kìm được nước mắt. Kể từ lúc ấy, ông quyết định nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi.

    Có người nói vui rằng mỗi lần ông Sugi đến Việt Nam ắt hẳn sẽ có thêm con nuôi. Tính đến nay, ông Sugi đã có hơn 150 người con nuôi tại Việt Nam. Nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là ông chưa bao giờ thiên vị con nuôi hơn những đứa trẻ chưa được nhận nuôi. Tất cả những đứa trẻ ông gặp đều nhận được sự bảo trợ, chăm sóc giống nhau.

    Ngài đại sứ và con nuôi năm 1993
    Ông Sugi Ryotaro và con nuôi năm 1993 (Nguồn: Nikkei)

    Người con nuôi đầu tiên của ông là cô Nguyễn Thanh Nga (42 tuổi), hiện tại đã lập gia đình và có 2 con. Cô chia sẻ rằng, dù không gặp ông Sugi thường xuyên nhưng ông vẫn luôn là người cha mà cô yêu quý. Cô cũng dành cho mẹ nuôi, nữ danh ca Godai Natsuko, một tình cảm trân trọng.

    Khi lòng tốt bị người đời hoài nghi

    Năm 1989, ông Sugi đã hỗ trợ 500 đô la đầu tiên cho cô nhi viện. Sau đó, ông tiếp tục đóng góp thêm vào mỗi dịp đến Việt Nam. Cho đến năm 2000, tổng số tiền mà ông Sugi đã quyên góp là 1,7 tỷ yên. Khi được hỏi về lý do tại sao ông giúp đỡ trẻ em Việt Nam thì ông nói rằng ngay chính ông cũng không biết. Nhưng ông đã thử tưởng tượng bản thân trong hoàn cảnh giống vậy, điều đó đã dẫn ông đến quyết định giúp những đứa trẻ bất hạnh kia có được niềm vui trong cuộc sống.

    Đại sứ đặc biệt Sugi Ryotaro và học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu
    Ngài Đại sứ và những học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Nguồn: Tạp chí Gia đình và trẻ em)

    Tuy nhiên, những hành động đẹp của ông đã bị dè bỉu trong thời điểm đó. Người ta cho rằng ông đạo đức giả, chỉ đang đánh bóng tên tuổi. Ngay cả một chính trị gia Nhật Bản vào lúc ấy cũng lãnh đạm phán xét: “Những người nổi tiếng như ông Sugi có lắm tiền nhỉ.”. Thế nhưng đối với ông, những câu nói đó không quan trọng. Ông luôn tâm niệm nếu chỉ thích được người khác công nhận hay muốn nhận lại một thứ gì đó thì thà rằng đừng làm các hoạt động xã hội.

    Vị Đại sứ thực thụ không chức danh cho đến khi được công nhận

    Ngoài quyên góp tiền, ông Sugi còn đầu tư cho tương lai của những đứa trẻ mồ côi. Vào năm 1992, một trung tâm Nhật ngữ được thành lập tại Hà Nội với sứ mệnh thúc đẩy hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Ông đã dùng tiền của mình để đầu tư các trang thiết bị, sách vở và hỗ trợ chi phí đào tạo.

    Ông cho rằng: “Phần lớn những đứa trẻ cơ nhỡ không nhận được sự giáo dục tốt, nhưng nếu các con biết tiếng Nhật thì cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cao hơn”. Cho đến nay, có tới hàng ngàn người đã tốt nghiệp và làm việc tại các công ty Việt – Nhật. Hiện nay, trong giới IT Nhật Bản, số lượng kỹ thuật viên xuất thân từ Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, một phần là nhờ vào sự giúp đỡ của ông Sugi Ryotaro.

    Khi bị chỉ trích “làm từ thiện vì dư tiền”, ông đã thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình là tiền rất cần thiết nhưng không có tiền thì vẫn có thể bỏ thời gian để giúp đỡ cộng đồng. Nếu không có tiền bạc lẫn thời gian thì cũng có thể chia sẻ hiểu biết của mình, để chỉ dẫn những người đang làm công việc thiện nguyện, đó cũng là một đóng góp to lớn.

    Ngài Đại sứ tại lễ ký dự án nâng cấp Làng trẻ em Birla Hà Nội
    Ông Sugi Ryotaro tại lễ ký dự án nâng cấp Làng trẻ em Birla Hà Nội năm 2017 (Nguồn: CAND)

    Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nhằm mang lại một cuộc sống tươi đẹp hơn cho những đứa trẻ cơ nhỡ tại cô nhi viện, ông Sugi Ryotaro đã được bổ nhiệm là Đại sứ đặc biệt Nhật – Việt vào năm 2007.

    kilala.vn

    03/09/2019

    Bài: Hà Vy
    Nguồn: Nikkei Style

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!