Nara - thành phố thân thiện với trẻ em
Mục đích của sắc lệnh là để cho trẻ em Nara được sống hạnh phúc và phát triển với những ước mơ và hy vọng vào tương lai. Ngoài ra còn nhằm tạo dựng một đô thị cho phép trẻ em được chung tay với người lớn. Những ý tưởng cơ bản được lấy từ Hiến pháp Nhật Bản và Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em ban hành năm 1989.
Trong năm 2012, Nara đã thành lập một ủy ban nghiên cứu và tổ chức 17 cuộc hội thảo riêng biệt về sắc lệnh này. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức 6 cuộc thảo luận nhóm cho trẻ em trong năm 2012 và 5 cuộc trong năm 2013. Trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 17 sống trong thành phố đã được chọn thông qua các kênh tuyển lựa công khai, bàn luận với sinh viên đại học và các thành viên ủy ban để việc thảo luận về sắc lệnh được thêm phần hiệu quả.
Các em đã chủ động bày tỏ quan điểm của mình và những ý tưởng đó đã được phản ánh trong sắc lệnh. Các đề xuất bao gồm:
"Xin hãy lắng nghe những ý kiến của trẻ em không phân biệt thành phần xuất thân";
"Hãy mở rộng các con đường đến trường để đảm bảo an toàn"; và
"Hãy thiết lập một hệ thống để đánh giá xem liệu ý kiến của trẻ em có thiết thực".
Cụ thể, Hội nghị Trẻ em Nara sẽ được mở để cung cấp cho trẻ cơ hội tham gia và trình bày ý kiến. Hội nghị sẽ được điều hành bởi trẻ em thông qua các sáng kiến tự nguyện, cho phép các em gửi ý kiến đến thị trưởng (Điều 12).
Người lớn, bao gồm các quan chức thành phố, các bậc cha mẹ, cư dân địa phương và cán bộ cơ sở giáo dục cũng như nhân viên trường học đã được yêu cầu nỗ lực hơn nữa để tạo ra môi trường an toàn cho trẻ, bảo vệ các em khỏi những nguy hiểm như tội phạm, tai nạn giao thông và thảm họa thiên nhiên (Điều 16).
Ngoài ra, còn yêu cầu xây dựng những sân chơi để trẻ em có thể phát triển bản thân thông qua tiếp xúc với thiên nhiên và một loạt trải nghiệm vui đùa và tương tác với những trẻ khác (Điều 17).
Sắc lệnh cũng quy định vai trò của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuẩn bị môi trường làm việc cho phép người lao động có thể cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái (Điều 10).
Những quy định khác trong Tuyên bố 21 điều bao gồm hỗ trợ công cộng cho trẻ em khuyết tật và các gia đình cha mẹ đơn thân, cũng như các biện pháp đối phó với tình trạng bị lạm dụng hay bị bắt nạt.
Bên cạnh việc thúc đẩy xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em, Nara còn hướng đến việc tạo dựng một cộng đồng mà mọi người dân và du khách đều có thể tận hưởng bầu không khí thân thiện và thoải mái.
Ở Nhật, Thành phố Kawasaki (Kanagawa) là đô thị đầu tiên ban hành một sắc lệnh về quyền trẻ em trong năm 2000. Sau Nara, các thành phố khác dự kiến sẽ tích cực vận động các sáng kiến tương tự.
Theo japanfs.org/Kilala
30/07/2015
Theo japanfs.org. Dịch: NGUYÊN GIANG. Ảnh: FLICKR
Đăng nhập tài khoản để bình luận