Món cà ri tình yêu ở Shika
Đã gần 6 năm nấu cà ri phục vụ thực khách Việt – Nhật ở trung tâm TP.HCM, nhưng anh Shika – chủ nhân cà ri Shika - chưa bao giờ nhận mình là người thích nấu nướng. Chuyện mở nhà hàng, nấu cà ri, đơn giản chỉ vì muốn luôn được ở bên người anh yêu nhất đời.
Câu chuyện tình yêu của ông chủ tiệm cơm cà ri Nhật Bản Shika trên đường Nguyễn Văn Tráng nghe chẳng khác gì một đoạn tiểu thuyết lãng mạn. Anh Shika làm kỹ sư công trình, đi các nước trên thế giới, đến Việt Nam làm công trình và đem lòng yêu một cô gái Việt. Khi xác định lập gia đình, nếu tiếp tục theo nghề sẽ phải đi liên tục, vợ chồng không muốn rời nhau nên cả hai cố nghĩ phải làm một việc gì đó, dù trái với chuyên môn, nhưng cốt yếu để lúc nào cũng được ở bên nhau.
Cách đây 6 năm, ở TP.HCM các quán ăn kiểu Nhật ra đời khá nhiều, hầu hết là Sushi, mì Udon. Cả hai vợ chồng Shika vẫn chưa biết phải chọn làm nghề gì cho phù hợp, họ tìm đến bác Haru – một người Nhật đã hơn 70 tuổi, cũng là một giáo viên chuyên dạy miễn phí tiếng Nhật cho sinh viên Việt. Bác Haru kể lại câu chuyện thời trẻ khi làm việc ở Thượng Hải, ông rất thèm cơm cà ri, bởi đó là một trong 49 món Nhật phải ăn trước tuổi 50, nhưng ở Thượng Hải không có quán bán cơm cà ri Nhật. Ông bày cho người phiên dịch cũng là trợ lý của mình mở tiệm bán cơm cà ri. 3 năm sau, khi quay lại Thượng Hải, tiệm cà ri đông nghịt người, khách phải xếp hàng để đợi được phục vụ.
Ý tưởng mở quán cơm cà ri ngay lập tức được vợ chồng Shika tán thành, vì lúc đó chưa có một tiệm cơm cà ri Nhật đúng nghĩa ở Việt Nam. Cả hai vợ chồng khăn gói sang Tokyo, ở liền ba tháng ròng để đi ăn khắp các tiệm cơm cà ri, ngán đến tận cổ nhưng vẫn cố nuốt và tìm ra những khẩu vị đặc trưng để chồng ghi chép, lưu lại, khi về nhà mua sách vở về cách nấu cà ri Nhật để học hỏi thêm, tìm nguồn thông tin trên mạng. Vợ xin làm phục vụ tại các quán cơm cà ri Nhật, chỉ để học cung cách phục vụ khách hàng theo kiểu Nhật.
Sau ba tháng, bữa cơm cà ri đầu tiên ở Việt Nam được trịnh trọng chuẩn bị, anh Shika mời bạn đến ăn thử, và câu nhận xét thật ngắn gọn: “Đừng nấu nữa”. Shika tiết lộ: “Tôi là người mù ẩm thực Nhật, bởi từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ nấu ăn. Thế nên thời gian đầu nấu thử, món cà ri nào ra cũng thất bại, tôi bị bạn bè chê liên tục, đều khuyên bỏ nghề. Nhưng tôi phải quyết tâm, vì nếu thành công, đó là cách duy nhất để tôi và vợ lúc nào cũng bên nhau.Nếu chuyện nấu cà ri thất bại, tôi phải quay lại nghề cũ, lại phải đi khắp nơi, tôi không muốn vậy, và vợ tôi cũng thế”.
Thời gian ở Tokyo, vợ chồng Shika đi ăn cà ri và thích nhất vẫn là các quán cổ truyền, từ đó tự định hình khi về Việt Nam, hai vợ chồng sẽ mở một nhà hàng mang phong cách đặc trưng, quy mô nhỏ, chỉ cần vài khách mỗi ngày, đủ ăn đủ sống. Và đằng sau những thất bại, món cơm cà ri Shika dần dần hình thành, Shika chia sẻ: “Tôi tự tay nấu vì mỗi món cà ri của tôi đều mang dấu ấn riêng, không theo bất kỳ quy chuẩn, khuôn phép, công thức nào, tôi nấu cà ri theo bản năng, kinh nghiệm và tình yêu. Khách đến khi ăn, sẽ cảm nhận rõ từng khẩu vị ấy trong món cà ri của tôi”.
Quán cơm cà ri ra đời và thực đơn chỉ vỏn vẹn 3 – 4 món, nhưng nay sau gần 6 năm, thực đơn quán đã hơn 17 món cà ri khác biệt cùng các loại bánh đặc trưng kiểu Nhật do vợ Shika thực hiện. Đề cập đến thực đơn cơm cà ri, Shika bật mí: “Dễ ăn nhất là món cà ri heo, vì gần gũi với người Việt. Ở Nhật món cà ri bò phổ biến hơn vì nguyên liệu ngon, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. 5 năm trước, 90% khách đến quán là khách Nhật, giờ thì 90% là khách Việt, đa phần là nhân viên văn phòng và các bạn trẻ”.
Tổ ấm của gia đình Shika cũng là quán cơm cà ri nhỏ gọn, chứa tối đa chừng 20 người nhưng đầy ấm cúng, thân thiện, lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của chủ quán, nhân viên và cả thực khách. Thực đơn món đã phong phú, nhưng Shika cho biết anh vẫn phải học và tìm những cách chế biến mới từng ngày để hoàn thiện mình, phục vụ khách hàng, có điều lạ, cho đến giờ, dẫu thành công, nhưng khi hỏi giờ đã thích nấu ăn chưa? Shika thực lòng: “Tôi vẫn không thích, trong tuần có ngày nghỉ là tôi đưa cả nhà đi ăn ở ngoài”.
Lời nhắn dễ thương từ Shika: “Món ăn sẽ ra lâu, mong quý khách thông cảm, chỉ một mình anh Shika nấu cơm cà ri Nhật Bản cho quán. Ngoài nước cà ri, các nguyên liệu khác đều rất tươi, khi quý khách gọi món, anh Shika mới bắt đầu nấu. Nấu nước ngọt từ xương thịt, rau củ mất ba ngày. Nhân viên đều là sinh viên yêu thích Nhật Bản, không chuyên nghiệp nhưng sẽ cố gắng phục vụ quý khách hết mình…”
16/03/2015
Bài và ảnh: Thiên Ý
Đăng nhập tài khoản để bình luận