Kinh nghiệm vàng phòng bệnh vặt cho trẻ mầm non Nhật

    Trẻ em ở bậc mầm non có sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh vặt, đặc biệt là vào mùa nóng. Do đó không chỉ trong gia đình mà ở mọi trường mầm non Nhật đều có những nguyên tắc, thói quen sinh hoạt để giúp trẻ phòng bệnh cảm cúm, bệnh truyền nhiễm. Những kinh nghiệm từ phòng bệnh cho trẻ từ người Nhật sẽ giúp ích rất nhiều cho các mẹ ở Việt Nam, đặc biệt là TP. HCM nơi mà khí hậu nhiệt nắng nóng quanh năm.
    phòng bệnh ở trường mầm non Nhật
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Vì sao vào mùa hè trẻ dễ mắc bệnh cảm cúm, truyền nhiễm?

    Nhiều người thường cho rằng chúng ta chỉ dễ mắc bệnh cảm cúm vào mùa đông lạnh ẩm. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè, thể lực của chúng ta bị tiêu hao, sức đề kháng vì thế mà suy giảm. Đó chính là cơ hội để vi khuẩn, vi rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Vì thế mùa hè chính là mùa dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm và cảm sốt hơn các mùa khác. Đặc biệt là ở con trẻ, do sức đề kháng còn yếu nên việc bị mắc các bệnh truyền nhiễm hay cảm cúm trong mùa hè là điều thường xuyên xảy ra.

    Những nguyên tắc, thói quen sinh hoạt để phòng bệnh cảm cúm, bệnh truyền nhiễm

    Trong nhật kí gửi cho phụ huynh về chương trình học, mục tiêu giáo dục trẻ ở trường hàng tháng, nhà trường sẽ kèm theo những thông tin về mùa dễ lây lan dịch bệnh và cách phòng tránh bệnh để tư vấn cho gia đình. Nhờ đó, phụ huynh sẽ chú ý hơn đến các biện pháp an toàn để phòng tránh bệnh và chăm sóc con.

    Rửa tay, súc miệng mỗi khi ở bên ngoài về

    Ngay từ khi trẻ được 1 tuổi và biết đi, mọi gia đình Nhật đều chú trọng dạy trẻ thói quen rửa tay, súc miệng khi đi ở ngoài về. Không chỉ trong gia đình mà ở mọi trường mầm non hay trường học của Nhật, việc dạy cho học sinh rửa tay bằng xà phòng và súc miệng sau khi đi dạo ở công viên về vào mỗi buổi sáng rất được coi trọng. Kể cả khi vừa đến trường, trẻ cũng được học thói quen ra bồn rửa tay rồi mới bước vào lớp.

    rửa tay súc miệng khi ở bên ngoài về
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Ở trường mầm non của Nhật, phụ huynh cũng không được phép bước vào phòng học của con để đón, mà cô giáo sẽ gửi trả học sinh ở trước cửa ra vào phòng. Bởi vì khi đi từ bên ngoài vào, chúng ta sẽ đem theo rất nhiều bụi bặm, vi khuẩn,. và chúng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan bệnh cho trẻ ở trong trường.

    Ngoài ra, việc vệ sinh cá nhân như cắt móng tay, tránh để móng tay dài cũng rất được chú trọng. Vì khi móng tay dài, vi khuẩn sẽ trú ngụ trong đó, chưa kể đến việc nếu trẻ dùng móng tay cào xước những chỗ ngứa do muỗi hay côn trùng cắn đốt sẽ tăng nguy cơ bị lây bệnh về da.

    Đồ dùng cá nhân luôn được chú trọng

    Mỗi đứa trẻ ở trường mầm non của Nhật trước khi đi học đều được ba mẹ chuẩn bị đồ dùng cá nhân hàng ngày: 2 - 3 cái khăn ăn, 1 cái khăn lau tay, 2 - 3 cái yếm cho trẻ dưới 3 tuổi, 1 cái cốc, 1 cái thìa và 1 cái nĩa, 2 bộ quần áo và 4 - 5 cái bỉm cho trẻ vẫn còn dùng bỉm. Mỗi cuối ngày, giáo viên sẽ đem trả để phụ huynh tự giặt và hôm sau lại mang đồ mới đến.

    Chính bởi tất cả mọi đồ dùng để vệ sinh cá nhân này đều được dùng riêng và thay mới hàng ngày nên mọi thứ đều sạch sẽ và tiết giảm rất nhiều nguy cơ lây lan bệnh trong trường học, nhất là bệnh đau mắt đỏ, bệnh về chân tay miệng.

    Bổ sung nước thường xuyên và vận động thật nhiều vào buổi sáng

    Ở mầm non của Nhật, trẻ sẽ được đi dạo, chơi các trò chơi phải vận động thật nhiều vào mỗi buổi sáng để tăng cường sức khỏe. Đặc biệt là vào mùa hè, giáo viên rất chú trọng dạy cho trẻ thói quen phải bổ sung nước sau mỗi hoạt động thể chất để cơ thể mình không bị mất nước. Phụ huynh không bao giờ kêu ca phàn nàn với trường chuyện con mình chơi dưới trời nắng nóng 30°C hay dưới trời lạnh 3,4°C. Chỉ khi trên 32°C thì trẻ mới bị hạn chế chơi ngoài trời nắng mà không có bóng cây.

    cho trẻ vận động nhiều
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Sinh hoạt đúng quy tắc

    Đảm bảo trẻ ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa, đi ngủ sớm, dậy sớm đúng giờ giấc.

    Nhiệt độ phòng luôn được giữ ở 27 - 28°C

    Nguyên tắc này giúp cơ thể không quá lạnh khiến cho khả năng miễn dịch bị suy giảm.

    Những thực phẩm dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ

    Tăng cường sức đề kháng bằng thực phẩm là một cách phòng bệnh vô cùng hiệu quả cho trẻ. Mùa hè là mùa mà không chỉ trẻ con, đến người lớn cũng thấy uể oải với việc ăn uống do thời tiết quá nóng. Điều này sẽ dễ khiến cho cơ thể bị suy nhược và mắc bệnh hơn. Vì thế cần lưu ý cung cấp cho cơ thể những yếu tố dinh dưỡng quan trọng sau đây:

    thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ
    (Ảnh minh họa: kash/ PIXTA)

    Vitamin B: để gây cảm giác thèm ăn. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin B gồm có thịt heo, lươn, trứng, đỗ tương, chuối. Buổi sáng nếu trẻ uể oải không muốn ăn thì một trái chuối cũng có thể cung cấp rất nhiều năng lượng.

    Vitamin C: có rất nhiều trong rau và hoa quả như rau cải, súp lơ xanh, ớt chuông xanh, những loại rau màu vàng và màu xanh. Ngoài ra vitamin C cũng giúp giảm stress rất tốt nên những mẹ bị stress với việc chăm con cũng rất cần bổ sung chất dinh dưỡng này cho cơ thể.

    Những loại rau giúp phục hồi sinh lực, tăng sức đề kháng và phòng cảm cúm: như cà tím, bí ngô, cà chua, dưa chuột, khổ qua.

    Lưu ý:

    Vào mùa hè, số ca ngộ độc thức ăn ở trẻ em có xu hướng tăng cao. Vi khuẩn thường dễ thích nghi ở môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao nên những nước nhiệt đới như Việt Nam càng có nguy cơ xảy ra bệnh rất lớn. Có 3 nguyên tắc để phòng tránh các bệnh về ngộ độc thức ăn là:

    ▪ Hạn chế nguy cơ gia tăng vi khuẩn bằng cách giữ thực phẩm ở nhiệt độ thấp như cho vào tủ lạnh.

    ▪ Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, nên khử độc thường xuyên sau khi dùng xong nếu cần thiết.

    ▪ Thịt trước khi chế biến nên cho vào nước nóng từ 75°C trở lên để diệt sạch vi khuẩn.

    Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

    28/09/2017

    Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!