Học sinh Nhật nghĩ gì về việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý?

    Vào năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua luật sửa đổi đối với bộ Luật Dân sự, theo đó, từ ngày 1 tháng 4 năm 2022, tuổi trưởng thành về mặt pháp lý của Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 18 tuổi.

    Đối với việc sửa đổi này, lý do chính được đưa ra là để những thanh niên ở tuổi 18 và 19 có quyền độc lập về tài chính và xã hội. Ở Nhật Bản, học sinh trung học thường tốt nghiệp lúc 17 hoặc 18 tuổi, trong khi tuổi trưởng thành theo mặt pháp lý là 20 tuổi, vì vậy, những người đi làm mà không học lên đại học vẫn phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ khi làm một số thủ tục pháp lý như đăng ký thẻ tín dụng hay mua, thuê căn hộ. Hoặc một trường hợp khác, những thanh niên sống trong gia đình không tốt, thường bị bạo hành vẫn bị ràng buộc vào một môi trường không an toàn, trong khi họ có thể đi làm và có khả năng tự nuôi sống bản thân. Chính vì những lý do đó mà qua nhiều lần xem xét, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định giảm tuổi trưởng thành từ 20 tuổi xuống còn 18 tuổi.

    Line Research đã thực hiện một cuộc khảo sát dành cho các học sinh trung học Nhật Bản để xem ý kiến của họ về vấn đề này, cũng như để biết được họ hiểu gì về những thay đổi sắp tới. Với đối tượng khảo sát là nữ sinh, ý kiến được chia thành hai chiều rõ rệt: có 32% học sinh đồng ý với sự thay đổi này, trong khi 27% là ý kiến phản đối. Mặt khác, với nam sinh thì tỷ lệ người đồng ý là 48%, còn phản đối là 15%.

    học sinh Nhật nghĩ gì về việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý?
    Biểu đồ thể hiện mức độ ủng hộ của nam sinh và nữ sinh theo phân cấp màu từ trái sang phải, lần lượt là là hoàn toàn đồng ý, đồng ý, không quan tâm, phản đối, hoàn toàn phản đối và không quyết định. (Ảnh: Soranews24)

    Tiếp đó, với câu hỏi họ có biết gì về những quyền mới khi tuổi trưởng thành giảm xuống còn 18 tuổi, câu trả lời nhận được nhiều nhất là độ tuổi kết hôn của nữ giới sẽ tăng lên, tức là từ 16 tuổi lên 18 tuổi, với 69% nữ sinh biết và 59% nam sinh biết. Độ tuổi kết hôn của nam giới không thay đổi, vẫn là 18 tuổi. Kết quả của những quyền khác như thế nào?

    • Đăng ký thẻ tín dụng cá nhân - nữ sinh: 48%, nam sinh: 49%
    • Đăng ký số điện thoại di động cá nhân - nữ sinh: 36%, nam sinh: 45%
    • Sống riêng/ tự thuê căn hộ - nữ sinh: 37%, nam sinh 41%
    • Thay đổi nơi cư trú hoặc đi làm mà không cần sự cho phép của cha mẹ/ người giám hộ - nữ sinh: 30%, nam sinh: 35%
    • Đăng ký vay ngân hàng - nữ sinh: 25%, nam sinh: 30%
    • Được phẫu thuật chuyển giới - nữ sinh: 12%, nam sinh: 15%

    Bên cạnh đó, để tránh một số tệ nạn có thể xảy ra khi giảm tuổi trưởng thành thì Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ lại một số luật cấm như:

    • Không thể uống hoặc mua rượu
    • Không thể sử dụng hoặc mua các sản phẩm thuốc lá
    • Không đánh bạc, cá độ, đua ngựa,.

    Lễ trưởng thành
    Những cô gái Nhật xinh đẹp trong bộ Kimono vào ngày lễ Trưởng thành. (Ảnh: justmyjapan.com)

    Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực như bảo vệ những đứa trẻ sống trong gia đình bạo hành khỏi những ràng buộc của người giám hộ khi đủ 18 tuổi. Còn đối với những người tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ thì thay đổi này có lẽ cũng không đem đến nhiều ảnh hưởng.

    kilala.vn

    04/02/2021

    Nguồn: Soranews24

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!