Giới công sở Nhật và chiến dịch Cool Biz – Warm Biz

    Nhằm tiết kiệm điện năng và giảm thiểu lượng khí CO2 ra ngoài không khí, Bộ Môi trường Nhật Bản đã phát động chiến dịch Cool Biz và Warm Biz, với phạm vi áp dụng đầu tiên dành cho giới văn phòng. 

    A. COOL BIZ

    Cool Biz là gì?

    chiến dịch cool biz

    “Cool Biz” là từ ghép giữa “cool – mát mẻ” và “business – thương mại”. Chiến dịch “Cool Biz” lần đầu tiên được Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng vào năm 2005. Khi đó, nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ điện vào mùa hè ở Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Môi trường Koike Yuriko đã kêu gọi các công ty điều chỉnh nhiệt độ của máy lạnh trong văn phòng ở mức 28 độ C và nới lỏng các quy định về trang phục công sở. Người đi làm được khuyến khích không cần mặc áo vest và không đeo cà vạt, thay vào đó là mặc trang phục thoáng mát như áo thun có cổ, giày sneaker, thậm chí là quần jean và giày xăng-đan.

    Ban đầu, chiến dịch Cool Biz được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Tuy nhiên, sau khi thảm họa Đại địa chấn vùng Đông Bắc Nhật Bản xảy ra vào năm 2011 dẫn đến tình trạng thiếu thốn điện năng trên cả nước, chiến dịch Cool Biz được kéo dài hơn từ tháng 5 đến tháng 10. Hiện nay, không chỉ có giới văn phòng mà ngay cả các hộ gia đình cũng thực hiện Cool Biz.

    Thay đổi nhỏ mang đến ích lợi lớn

    Đối với môi trường làm việc hà khắc như Nhật Bản, phải mất khá nhiều năm để các doanh nghiệp Nhật Bản quen với Cool Biz. Một số người thừa nhận rằng, mặc dù cảm thấy rất thoải mái nhưng họ không quen việc tiếp xúc với đối tác và khách hàng mà không mặc áo vest hoặc thắt cà vạt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao mà chiến dịch Cool Biz đã mang lại. Vào tháng 10 năm 2005, chỉ 1 tháng sau khi phát động chiến dịch Cool Biz, Bộ Môi trường đã công bố kết quả khảo sát cho thấy Nhật Bản đã giảm được 460.000 tấn CO2 trong khoảng thời gian thực hiện Cool Biz. Số liệu năm 2006 còn ấn tượng hơn với 1.140.000 tấn CO2 được cắt giảm.

    Bên cạnh đó, Cool Biz còn mang đến những lợi ích khác như “thân thiện” với túi tiền của mỗi cá nhân khi cắt giảm được hóa đơn tiền điện mỗi tháng và không phải chi nhiều tiền vào các bộ trang phục công sở. Những người có thể hàn cũng chia sẻ rằng, họ cảm thấy thoải mái hơn với môi trường làm việc có nhiệt độ vừa phải.

    lợi ích từ chiến dịch cool biz

    B. WARM BIZ

    Cùng với Cool Biz, Warm Biz cũng được phát động bởi Bộ Môi trường vào năm 2005. Ngược lại với Cool Biz, Warmbiz là chiến dịch dành cho mùa đông. Theo chiến dịch này, máy lạnh được khuyến khích đặt ở mức 20 độ C thay vì 27 – 28 độ như thông thường. Warmbiz kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

    Bên cạnh việc dân công sở phải mặc dày hơn để có thể giữ ấm, một số vật dụng hỗ trợ như chăn quấn ấm bụng, chăn đắp chân dành cho nữ giới khi mặc váy hay máy sưởi di động cũng được khuyến khích sử dụng. Chính phủ Nhật Bản còn có hẳn những hướng dẫn cụ thể về các chất liệu trang phục, món ăn, thức uống cần thiết để giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông.

    Tuy nhiên, khác với mùa hè, lượng tiêu thụ điện năng ở Nhật Bản vào mùa đông không nằm chủ yếu ở việc sử dụng máy lạnh. Người Nhật sử dụng điện để nấu nướng, đun nước, làm nóng các thức uống trong cửa hàng tiện lợi và những hoạt động sinh hoạt khác. Vì vậy, nếu như Cool Biz mang lại hiệu quả tiết kiệm điện năng cao, thì Warm Biz lại hướng đến mục đích giảm thiểu lượng khí thải ra ngoài môi trường. Dù là mục đích nào đi chăng nữa, Cool Biz và Warm Biz đều đang có những tác động tích cực đến nhận thức bảo vệ môi trường của người Nhật, đặc biệt là giới trẻ.

    kilala.vn

    21/02/2020

    Bài: Lê Mai/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!