NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Giảm lãng phí thực phẩm với mẹo sắp xếp tủ lạnh từ chuyên gia Nhật Bản

    Giảm lãng phí thực phẩm với mẹo sắp xếp tủ lạnh từ chuyên gia Nhật Bản

    Bạn đã từng gặp cảnh mỗi khi dọn tủ lạnh lại tìm thấy cơ số những món đồ đã hết hạn? Tích trữ quá nhiều thực phẩm và sắp xếp tủ lạnh không khoa học là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này. Miyuki Shimamoto - chuyên gia ẩm thực và cố vấn giảm thiểu thất thoát thực phẩm người Nhật có lời khuyên dành cho bạn!

    Trước khi bắt tay vào sắp xếp tủ lạnh, hãy ghi nhớ điều quan trọng đầu tiên là không mua nhiều hơn mức bạn cần. Bạn nên kiểm tra tủ lạnh ở nhà và lên danh sách những món cần mua trước khi đi siêu thị. Nếu không có nhiều thời gian để làm điều này, một mẹo nhỏ là dùng điện thoại chụp nhanh bên trong tủ trước khi đi mua sắm.

    Quy tắc 1: Ngăn mát dưới 70%, ngăn đông trên 70%

    Không nên nhồi nhét quá nhiều cũng như không nên để tủ quá trống trải. Khuyến nghị là nên để ngăn mát đầy ở mức từ 70% trở xuống và ngăn đông ở mức từ 70% trở lên. 

    Theo chuyên gia Miyuki Shimamoto, việc sử dụng dưới 70% không gian ngăn mát sẽ giúp không khí lạnh lưu thông dễ dàng và thực phẩm sẽ để được lâu hơn. Mặt khác, bạn càng trữ đầy ngăn đông thì không khí lạnh sẽ càng ít thoát ra ngoài.

    Tuy nhiên cần chú ý rằng việc lấp quá đầy ngăn đông sẽ khiến hơi lạnh không thể lưu thông đều và cần nhiều thời gian để làm lạnh, dẫn đến tốn điện hơn.

    tu-lanh
    Ảnh: kokocara.pal-system.co.jp

    Quy tắc 2: Dễ nhìn, dễ quản lý, dễ lấy

    Dễ nhìn

    Hãy sắp xếp sao cho khi mở tủ lạnh, bạn có thể nhanh chóng biết được món nào nằm ở đâu, tránh việc có những món đồ bị khuất trong góc tủ.

    • Đừng tích trữ quá nhiều để có thể nhanh chóng quan sát bên trong tủ.
    • Dùng hộp lưu trữ trong suốt để nhìn thấy được thực phẩm bên trong.
    • Không sắp xếp thành lớp trước và lớp sau vì những món đồ đặt ở sau sẽ bị che khuất.

    Dễ quản lý

    Sự khác biệt lớn giữa việc lưu trữ trong tủ lạnh và tủ quần áo là kích thước và hình dạng của những món đồ bạn cất giữ sẽ thay đổi sau mỗi lần lấy ra để sử dụng. Điều quan trọng là phải có đủ không gian trong tủ lạnh để lưu trữ những thứ cần thiết mà không cần phải suy nghĩ hay tính toán quá nhiều. Dưới đây là một số mẹo lưu trữ:

    • Bảo quản tất cả gia vị trong ngăn cửa tủ lạnh.
    • Sử dụng các khay, giỏ nông để dễ dàng xem đồ bên trong và bảo quản nhiều món dùng cùng lúc, chẳng hạn như đồ ăn sáng (mứt, phô mai kem...) một khay và nguyên liệu làm bento (nori, mận ngâm...) một khay.
    • Tạo và sắp xếp một góc dành cho “rau dùng dở”, “đồ ăn đã mở” và suy nghĩ về thực đơn để tận dụng chúng.
    • Cắt và cấp đông các loại gia vị như hành lá và gừng, đồng thời tạo một "khu vực đựng gia vị" trong tủ đông để gom tất cả chúng lại với nhau.
    luu-tru-tu-lanh
    Sắp xếp thực phẩm đang dùng dở vào một khu sẽ tránh được việc bỏ quên và tạo tâm lý ưu tiên sử dụng trước. Ảnh: kokocara.pal-system.co.jp
    cach-sap-xep-tu-lanh-khoa-hoc
    Đặt gia vị, các loại nước uống vào ngăn cửa tủ lạnh. Ảnh: kokocara.pal-system.co.jp

    Dễ lấy

    • Nếu để thức ăn ở sâu bên trong tủ, bạn sẽ khó lấy ra để sử dụng. Trong những trường hợp như vậy, hãy sử dụng khay có tay cầm hoặc giỏ nông để gom chúng vào.
    • Đối với những loại thực phẩm như rau xanh và cây gia vị, có thể tận dụng chai nhựa rỗng đã qua sử dụng để bảo quản chúng theo chiều thẳng đứng thay vì đặt nằm ngang.
    • Thực phẩm đông lạnh có thể được bảo quản theo chiều dọc như cách chúng ta sắp xếp sách. Chia chúng ra theo từng khu vực như thịt, cá, rau củ…
    meo-sap-xep-tu-lanh
    Sắp xếp theo chiều dọc giúp việc lấy ra dễ dàng hơn. Ảnh: kokocara.pal-system.co.jp
    mottainai
    Tận dụng chai nhựa để lưu trữ rau. Ảnh: yahoo.co.jp

    Quy tắc 3: Giữ “khoảng trống” ở phía dưới tủ

    Một kiến thức hữu ích khác cần biết là nhiệt độ của tủ lạnh. Không khí lạnh tích tụ ở phía dưới nên phần dưới của ngăn mát có nhiệt độ khoảng 3 độ C, phần trên khoảng 6 độ C. Tốt nhất nên bảo quản những đồ không để được lâu như đậu phụ hoặc thực phẩm đã mở ở phần dưới này.

    Khay hộc mát có nhiệt độ từ 0 đến 2 độ C, sẽ ngăn chặn quá trình lên men thực phẩm. Vì vậy ngoài thịt và cá, bạn cũng có thể lưu trữ các thực phẩm lên men như phô mai, kim chi, miso để dùng được lâu hơn.

    Ngoài ra, luôn để một khoảng trống ở phần dưới của ngăn mát sao cho có thể dễ dàng đặt vừa một chiếc nồi vào. Điều này sẽ giúp bạn giữ ngăn mát không đầy hơn mức 70% và dễ dàng bảo quản nồi thức ăn đã nấu khi cần.

    bao-quan-thuc-pham
    Ảnh: kokocara.pal-system.co.jp 

    kilala.vn

    MOTTAINAI - "XANH" HƠN MỖI NGÀY

    Lấy cảm hứng từ triết lý Mottainai - tránh lãng phí của người Nhật, series này sẽ gửi đến bạn những mẹo nhỏ để tái chế, tái sử dụng cũng như tiết kiệm nguồn tài nguyên xung quanh mình từ những điều nhỏ bé nhất. 

    Theo dõi và cập nhật những ý tưởng sống xanh sáng tạo tại đây!

    Nguồn: kokocara.pal-system.co.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!