Gặp gỡ Takahashi Reiko - Nhiếp ảnh gia "nàng tiên cá"
Hành trình tìm vẻ đẹp ẩn giấu
Bà Takahashi Reiko kể: “Một con cá mẹ và cá con xuất hiện. Thông thường, cá mẹ sẽ bơi dưới đáy đại dương, còn cá con sẽ bơi gần mặt nước thường xuyên hơn vì nó không thể nín thở quá lâu. Nhắm chừng thỉnh thoảng cá mẹ sẽ bơi đến gần cá con. Lúc đầu tôi chỉ quan sát. Tôi không chụp tấm ảnh nào, rồi chú cá con xòe vây đuôi ra đằng sau và nhìn về phía mẹ của nó. Đó là khi tôi nảy ra ý tưởng chụp ảnh một con cá voi từ phía sau. Sau đó, vào ngày cuối cùng của chuyến đi, cá mẹ và con của nó lại xuất hiện cách chúng tôi khoảng 2m. Tôi có thời gian khoảng 10 giây để chụp ảnh. Cái vây đuôi lớn của cá con làm tôi liên tưởng đến một nàng tiên cá. Vì vậy, tôi đã đặt tiêu đề cho bức ảnh là “Nàng tiên cá”.
Các giám khảo của cuộc thi rất thích thú với “Nàng tiên cá”. Một giám khảo nói rằng vẻ đẹp của bức ảnh đã đánh gục họ ngay lập tức. Một người khác nói rằng khoảnh khắc này có gì đó rất chân thật trông không giống như một bức ảnh.
Bà Takahashi Reiko cho rằng: “Bức ảnh của tôi đã giành được giải thưởng lớn nhất. Tự bức ảnh đã làm được điều đó”. Bà cũng cho biết bà không theo đuổi chụp một bức ảnh đẹp, thay vào đó, bà tập trung vào khoảnh khắc ngắn ngủi vài giây “Tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi thả mình vào khoảnh khắc đó”.
Cô kể đại dương có quá nhiều điều quyến rũ và bị cuốn hút bởi chúng: “Tôi chụp lại những thứ mà tôi thấy đẹp. Hơn nữa, tôi cũng muốn chia sẻ sức mạnh của những khoảnh khắc đó với người khác thông qua các bức ảnh của mình. Mọi người nói với tôi rằng họ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn, nhưng các bức ảnh của tôi đã cổ vũ họ hoặc tôi đã khiến họ muốn bơi cùng cá heo và cá voi. Điều đó làm tôi hạnh phúc".
Sinh ra ở Ofunato, một thị trấn bên bờ biển thuộc tỉnh Iwate ở phía Đông Bắc Nhật Bản. Cô học ngành hóa học ở trường đại học và tiếp tục làm việc với vai trò kỹ sư chất bán dẫn. Cho đến khi bước sang tuổi 30, cô bắt đầu có sở thích về nhiếp ảnh. Cô được truyền cảm hứng từ những chú chó cưng yêu quý của mình. “Tôi bắt đầu chụp ảnh trên đất liền. Ban đầu tôi chụp ảnh những chú chó của mình. Dần dần tôi bắt đầu kết hợp vào phong cảnh theo mùa vào những bức ảnh chụp cún cưng của mình. Tôi chưa từng theo học trường nhiếp ảnh hoặc bất cứ lớp học nào. Thay vào đó, tôi đọc tạp chí nhiếp ảnh cũng như những sách báo tương tự, và học theo cách của riêng tôi”- cô Takahashi Reiko nhớ lại.
Sau này, cô Takahashi Reiko rất thích lặn biển và hành trình nhiếp ảnh của cô đã đi từ đất liền ra biển. Cô cho rằng, vùng đất liền mà chúng ta đang sống chỉ chiếm khoảng 30% diện tích trái đất, còn lại 70% là đại dương. Và mỗi đại dương đều khác nhau. Ngay cả khi chỉ xét ở Nhật Bản thì đại dương bao quanh Hokkaido và đại dương bao quanh Okinawa cũng đã có những đặc điểm riêng rồi. Màu sắc của đại dương. Sự sống của đại dương. Mỗi trải nghiệm đều khác nhau. Bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào thế giới huyền bí và cô nghĩ rằng đều này thật hấp dẫn.
Cô nhấn mạnh: “Có thể lặn dưới nước giống như leo lên đỉnh Everest hoặc đi vào không gian vậy. Đó không phải là nơi chúng ta có thể dễ dàng đi vào. Những quang cảnh mà bạn nhìn thấy ở bên lề thế giới đều rất hấp dẫn. Mặc dù công việc kỹ sư rất bận rộn nhưng cô Takahashi Reiko vẫn cố gắng dành ra thời gian rảnh để chụp ảnh đại dương trên khắp thế giới.
“Trong ngành của tôi, tốc độ là điều cốt yếu. Quan trọng là bạn có thể phát minh và thao tác kỹ thuật nhanh thế nào. Đó là cách bạn tồn tại trong nghề này. Vì vậy mỗi buổi sáng đi làm tôi đều không biết đến khi nào mình có thể về nhà. Tôi thuộc tuýp người nói thẳng, vì vậy tôi cho rằng mình là người thường tranh luận với sếp. Nhưng có lúc, tôi thấy mình là người đóng vai trò trung tâm giữa các kỹ sư và trưởng dự án được phân công."- cô nhớ lại.
Và khi cô Takahashi Reiko đang do dự về cuộc sống của người làm công ăn lương, một chuyện có tác động rất lớn đến cô đã xảy ra. Một đồng nghiệp đàn chị rất thân thiết với cô đã qua đời. “Tôi nhận ra rằng chẳng có gì là đảm bảo rằng chúng ta sẽ còn sống để còn nhìn thấy ngày mai. Vì vậy, tôi quyết định phải tạo danh sách những việc nên làm trước khi chết. Tôi đã viết ra tất cả mọi thứ và danh sách của tôi rất dài. Rõ ràng là tôi càng làm công việc này lâu hơn thì càng có khả năng là tôi không làm được gì trong danh sách. Phải tôi phải làm những điều mình muốn trong những năm cuối đời, nhưng liệu tình trạng thể chất của tôi có cho phép hay không?
"Tôi muốn nghỉ việc. Tôi muốn theo đuổi những việc tôi muốn làm nhưng tôi không có can đảm. Tôi cần điều gì đó thúc đẩy mình. Tôi do dự, thiếu quyết đoán. Rồi tôi bắt gặp một video của Steve Jobs phát biểu trên Youtube. Ông ấy đang nói về việc mỗi buổi sáng, trước khi làm bất cứ việc gì, ông ấy sẽ tự hỏi mình rằng, nếu chỉ còn một ngày để sống thì ông ấy có muốn làm những gì sắp làm hôm nay không? Ông ấy trả lời nếu câu trả lời là “Không” trong nhiều ngày liên tiếp thì đó là dấu hiệu cho thấy ông cấy cần thay đổi điều gì đó. Bài phát biểu đó khiến tôi thực sự bừng tỉnh. Đó là những điều tôi cần nghe"- cô chia sẻ về quyết định nghỉ việc.
6 tháng tạo nên kỳ tích
Tạp chí “National Geographic” có độc giả trên khắp thế giới. Các nhiếp ảnh gia tên tuổi nhất mỗi năm đều gửi bài đến tạp chí với hi vọng một ngày nào đó sẽ giành được giải. “Tôi nhận được email vào lúc nửa đêm và tôi không thể tin được điều đó. Buổi sáng tôi đọc email cẩn thận. Tôi ồ lên và dần dần mới hiểu được thông tin trên email. Tôi nghĩ đây là chuyện đáng ăn mừng", cô nhớ lại khoảnh khắc nhận thông báo đoạt giải của Tạp chí này.
Tạp chí National Geographic hằng năm đều tổ chức cuộc thi “Nhiếp ảnh gia Du lịch”, cuộc thi ở 3 hạng mục: thiên nhiên, con người và các thành phố. Bài dự thi được gửi từ khắp nơi trên thế giới. Một trong những bức ảnh của cô Takahashi Reiko đã giành giải thưởng cao nhất trong cuộc thi năm 2018. Cô ấy đã chụp được khoảnh khắc chú cá voi lưng gù con nổi lên mặt nước để hít thở. Nếu nhìn kỹ bạn có thể thấy khắp đuôi chú cá con này có đầy sẹo. Tất cả đều là vết sẹo đẹp nhưng đó cũng chính là sự khắc nghiệt của tự nhiên. Chú cá con có lẽ chưa được 3 tháng tuổi. Có thể chú bị kéo vào cuộc chiến của các con đực. Cũng có thể chú đã bị một con cá mập biển sâu tấn công hoặc có thể là do sóng hoặc đá ngầm. Dù vậy chú cá voi con lưng gù vẫn tràn đầy sức sống. Chú ta đã nhảy lên nhảy xuống mặt nước rất nhiều lần. Chỉ là chú có quá nhiều vết sẹo.
Tháng 3/2019, với khởi đầu ngoạn mục trong sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp của mình, cô Takahashi Reiko tiếp tục hành trình ở ngoài khơi đảo Yonaguni, hòn đảo phía cực Tây của Nhật Bản. Nhiệm vụ của cô là chụp ảnh cá mập đầu búa.
Chúng ta sẽ khó có thể hình dung cô ấy làm việc đó như thế nào? Hãy nghe cô kể về quá trình tiếp cận với cá mập đầu búa: "Nếu đó là một chủ thể tôi chụp ảnh lần đầu tiên, tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng. Cá lớn như thế nào, tôi có thể đến gần tới mức nào, nhiệt độ nước, manh mối từ những lần nhìn thấy trước đó. Những điều tương tự như thế. Tôi tiến hành nghiên cứu của mình. Và lần gặp đầu tiên tôi không mang theo máy ảnh. Tôi quan sát con vật, cách nó di chuyển và hành động. Tôi thường mang theo máy ảnh vào lần lặn thứ hai hoặc thứ ba. Tôi nghĩ xem tác phẩm sẽ là gì, sau đó tôi theo dõi chuyển động của con vật và chụp ảnh. Bạn thường cảm nhận được là có thể đến gần chủ thể bức ảnh hay không. Với một số loài cá heo, khoảnh khắc bạn nhìn vào mắt chúng, chúng sẽ tiến về phía bạn" .
Triết lý nhiếp ảnh của Takahashi Reiko rất đơn giản. Đó là truyền đạt những điều cô thấy là chân thực, không hề tô vẽ. Theo cô, coi trọng việc chụp ảnh hay xử lí ảnh hơn là tùy thuộc vào mỗi người. Một số người đặt nặng việc xử lí ảnh. Đối với một số người, cả hai đều quan trọng như nhau. "Còn đối với tôi, tôi muốn tái hiện những điều chính mắt mình nhìn thấy. Đã có lúc tôi tập trung vào việc làm cho màu sắc của nước càng đẹp càng tốt. Nhưng điều đó không hợp với tôi. Tôi không có hứng thú làm cho màu nước sinh động hoặc khiến mọi thứ đầy màu sắc nhân tạo. Tôi chỉ muốn truyền đạt những điều đã cuốn hút tôi vào khoảnh khắc đó"
"Tôi muốn đến Nam Cực để quan sát và chụp ảnh cá voi sát thủ, hải cẩu, chim cánh cụt. Những loài động vật tương tự như vậy. Đó là giấc mơ của tôi". Đó quả là một hành trình rất mạo hiểm để tìm ra những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của nữ nhiếp ảnh gia Takahashi Reiko.
kilala.vn
Cô có châm ngôn sống nào không?
20/06/2019
Bài: T.Thanh (Theo NHK)
Ảnh: lensculture.com, Takahashi Reiko, Gettyimagess
Đăng nhập tài khoản để bình luận