Dương Linh: Tôi yêu Nhật, một tình yêu kì lạ khó giải thích


    Tốt nghiệp Đại học, thay vì tìm một công việc ổn định, Dương Linh đã quyết định tìm học bổng đến Nhật để học ngành Giáo dục, tự mình kiếm tiền sinh hoạt nhờ làm thêm, tham gia các cuộc thi hát, viết lách. Hiện nay, bên cạnh công việc chính về giáo dục tại Tokyo, Linh còn là tác giả của cuốn sách “Nhật Bản đến và yêu", dịch giả tiểu thuyết "Orange", admin của Fanpage Sugoi, có nhiều clip hướng dẫn học tiếng Nhật, hát nhạc Việt, nhạc Nhật nhận được rất nhiều sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng mạng.

    Profile của “Ca sĩ – Cô giáo – Cây bút” Dương Linh

    Họ tên:Dương Thuỳ Linh
    Sinh ngày:22/9/1988
    - Cựu học sinh chuyên Anh trường PTTH Chuyên Lam Sơn TP. Thanh Hoá.
    -Cựu  sinh viên khoa ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
    -Thạc sỹ chuyên ngành giáo dục trường Đại học Saga- Nhật Bản.
    -Tác giả cuốn sách“Nhật Bản đến và yêu”(AlphaBooks, 2016)
    -Đồng dịch giả tiểu thuyết“Orange”(NXB Kim Đồng, 2017)
    -Đồng tác giả“Làm thế nào đọc sách hiệu quả”(AlphaBooks, 2017)
    -15 cúp và bằng khen giải thưởng âm nhạc tại Nhật.
    -Bằng khen của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka về các đóng góp cho các hoạt động của Hội sinh viên tại Fukuoka
    Giải nhất cuộc thi hát Muhomatsu tại Kitakyusyu là một trong những giải thưởng âm nhạc Linh nhận được. (Ảnh: NVCC)

    Dương Linh là đồng dịch giả tiểu thuyết“Orange”(Ảnh: NXB Kim Đồng)

    Tôi thích Nhật, một tình yêu kì lạ khó giải thích

    Qua gần 7 năm sinh sống tại Nhật, Linh nhận thấy có hai điểm giống nhau khi sống tại Nhật so với sống tại Việt Nam. Đầu tiên là về cảnh quan. Nếu không phải những thành phố lớn, đông đúc nhộn nhịp thì cũng có nhiều nơi ở Nhật có cảnh vật khá giống Việt Nam, “ngồi trên tàu nhìn cảm giác không khác ở quê hương mình là mấy”. Tiếp đến là con người, Linh may mắn có một “gia đình thứ hai” ở Nhật và cũng luôn được quan tâm, yêu thương hệt như  bố mẹ ở nhà. “Thực lòng, tôi không gặp quá nhiều khó khăn để hoà nhập với văn hoá Nhật vì tôi thích Nhật, một tình yêu tự nhiên khó giải thích. Nếu có khó khăn thì lớn nhất cũng vẫn chỉ là bức tường ngôn ngữ, sau đó đến sự khác biệt về cách suy nghĩ. Một khi bức tường ngôn ngữ được phá bỏ, dần dần bạn sẽ biết cách chủ động hơn khi giao tiếp với người Nhật cũng như tìm hiểu về văn hoá của Nhật.” – Linh tâm sự.
    Cách học tiếng Nhật tốt nhất theo Linh chính là “ Hãy đọc nhiều, viết nhiều, nói nhiều. Học không phải là nhớ hàng ngàn từ thật nhanh. Hãy học dần dần, từng chút một nhưng phải đều đặn mỗi ngày, dùng đi dùng lại. Học thuộc lòng 100 từ không bằng dùng nhiều 10 từ một cách nhuần nhuyễn”.

    “Nhật Bản đến và yêu” của Linh không chỉ đơn giản là câu chuyện về bí kíp chinh phục tiếng Nhật mà còn là những trải nghiệm của một cô gái đầy tài năng, mạnh mẽ trong nhiều năm sống, học tập và làm việc tại xứ sở Phù Tang. (Ảnh: Alphabooks)

    “Xin cám ơn Diễm Xưa”

    Từng trình diễn nhạc Nhật, nhạc Việt và tham gia một số cuộc thi hát, một trong những bài hát Linh yêu thích nhất là bài Diễm Xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát “Diễm xưa” được những người yêu thích dòng nhạc enka (một loại hình nhạc truyền thống của Nhật) rất yêu thích.

    Clip Dương Linh trình diễn bài hát Diễm Xưa:


    “Nói về cảm xúc khi hát “Diễm xưa” thì không biết diễn tả thế nào ngoài hai chữ “Tự hào”. Không tự hào sao được khi tôi mặc áo dài, đứng trên một sân khấu tại nước bạn và cất lên ca từ của “Diễm xưa”. Mặc dù tự cảm thấy mình còn chưa đủ tuổi, chưa đủ trải nghiệm để cảm, để ngấm trọn vẹn được nhạc Trịnh nhưng rất cám ơn “Diễm xưa” vì ca khúc này đã giúp tôi “càn quét” và chinh phục được nhiều cuộc thi lớn nhỏ tại Nhật và trưởng thành hơn trong cách hát.” – Linh chia sẻ. 
    Một số giải thưởng của Linh: Giải nhất cuộc thi hát Muhomatsu tại Kitakyusyu, Giải nhất cuộc thi hát Valentine tại Tosu, Giải nhì cuộc thi hát Misora Hibari (Nagasaki), giải thưởng của nhạc sĩ Sugimoto Masato… (Ảnh: NVCC)
    Chia sẻ về dự định trong tương lai, Linh cho biết “Tôi đam mê “nghề gõ đầu trẻ”, nên hiện tại mình muốn đầu tư thời gian cho công việc này. Chính vì thế, trong thời điểm hiện tại tôi chưa có nhiều thời gian để làm clip, đi hát, viết sách. Thế nhưng đó là những đam mê tôi luôn muốn theo đuổi, nên chắc chắn tôi sẽ vẫn sẽ ấp ủ, và sẽ “bung” một lúc nào đó. Cũng đã có những stress, những áp lực nhưng tôi luôn quan niệm đó là con đường mình chọn, mình phải tự điều chỉnh công việc và cảm xúc sao cho luôn cân bằng.”

    5 tác phẩm, tác giả ảnh hưởng nhất

    Làm việc trong ngành giáo dục, lại là một người đam mê viết lách, đọc sách. Linh chia sẻ với Kilala những tác phẩm, tác giả ảnh hưởng nhất đến tư duy và phong cách sống của cô nàng:

    1.“学問のすすめ” (Fukuzawa Yukichi)

    Fukuzawa Yukichi viết “Khuyến học” vào những năm 1872 – 1876, khi nước Nhật đang chuyển dần từ chế độ phong kiến Mạc Phủ sang chế độ Minh Trị, xã hội còn đang bưng bít và rối loạn, tham nhũng tràn lan, dân chúng u mê ngu dốt. Làm thế nào để Nhật Bản – một đất nước không có tài nguyên, một dân tộc có vị trí cô lập vì địa hình đảo quốc của mình lại làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ? 250 trang sách là câu chuyện hấp dẫn về tự giáo dục, tự nhận thức, tự hoàn thiện của mỗi con người.

    2.“命の授業”(Matsumoto Gorugo)

    Đây là một cuốn sách dạy làm người thông qua câu chữ. Không những thế, nó giúp tôi yêu tiếng Nhật hơn, yêu thứ ngôn ngữ mình đã lựa chọn và kiên trì theo đuổi.

    3.“Người tình Sputnik” (Murakami Haruki)

    Tôi mê đắm ngòi bút của Murukami bởi sự trần tục, cuồng dại, say đắm, đau khổ trong câu chữ, yêu cái cách ông ấy khai thác triệt để cốt lõi bên trong mỗi nhân vật. Tác phẩm “Người tình Sputnik” là một câu chuyện tình yêu buồn, buồn kiểu bí ẩn, buồn đến nao lòng. Không phải chỉ những người đã từng yêu, từng đau khổ mới nên đọc mà những người chưa yêu và sẽ yêu cũng nên đọc vì chắc chắn sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trong tương lai. Tôi coi việc đọc tiểu thuyết của Murakami là cơ hội tốt để học tiếng Nhật, vì một khi thấu hiểu được những gì ông ấy viết, tiếng Nhật chắc cũng đã một tầm khác rồi.

    4.“The Catcher in the Rye” (J. D. Salinger)

    The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) là tiểu thuyết viết về cuộc sống của một chàng trai trẻ nổi loạn tên là Holden với những sai lầm rất nghiêm trọng trong cuộc đời nhưng sau này Holden lại trở thành một biểu tượng nổi tiếng cho những thanh thiếu niên dám dấn thân, biết theo đuổi ước mơ và kiên quyết chống lại những điều cũ kỹ, nhàm chán. Với ngòi bút chân thực, ngôn từ mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhưng không kém phần hấp dẫn, “The Catcher in the Rye” thực sự làm một tác phẩm truyền cảm hứng  mạnh mẽ đến thế hệ trẻ.

    5. “Đời thay đổi khi chúng thay đổi” (Andrew Matthews)

    “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” đem đến cho độc giả những tình huống vô cùng thực tế, thậm chí là những câu chuyện vừa “nhỏ nhặt” lại vừa “quan trọng” với cách ứng xử khôn ngoan, thú vị và hài hước. Đồng thời, độc giả như bắt gặp chính mình trong đó, với những khó khăn, thất bại, với những tình huống giao tiếp vừa chân thật lại vừa bổ ích. Thưởng thức bộ sách này của Andrew Matthews để học hỏi, giải trí và chắc chắn người đọc sẽ lĩnh hội được rất nhiều những bài học vô cùng ý nghĩa.
    “Ngoài ra, tôi còn rất thích đọc các tác phẩm của các cây bút trẻ Việt trẻ có cá tính, màu sắc như Gào, Phan Ý Yên, Minh Nhật.” – Linh chia sẻ.
    kilala.vn

    05/07/2017

    Bài: Phương Anh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!