Có một mùa thu tôi đi qua
Nếu bạn chưa từng biết mùa thu, xin hãy đến Nhật. Có thể mùa thu cũng rất đẹp ở Canada, ở Hàn Quốc hay Paris, nhưng tôi yêu mùa thu nước Nhật. Không khí mát lạnh, cái nắng vàng ươm, những chiếc lá đỏ lấp lánh trong gió. Trong đó có chút gì của Sài gòn những ngày chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, khi nắng chợt vàng nhưng không còn nóng nữa, gió mát lạnh và khô, cây cỏ tươi tắn và lòng người nghe rạo rực, cảm thấy cái tết Nguyên Ðán đang đến gần. Mùa thu của bạn đã gợi nhớ mùa xuân phương Nam quê tôi.
Không chỉ như vậy, gợi nhớ cả tuổi thơ tôi. Trong khu đền chùa nào đó ở cố đô Kyoto, tôi nghe vẳng tiếng đàn Koto. Ðó là giai điệu quen thuộc hồi bé tôi vẫn hát. Cải lương, loại tuồng sân khấu mới hình thành đầu thế kỷ 20 ở Nam bộ quê tôi, diễn vở Tiếng hạc trong trăng. Trong chốn rừng sâu, nơi cô gái mù Xuyên Lan sống nghe vẳng tiếng hát “Xuyên qua núi, băng qua suối, đường chắn lối nhấp nhô núi cây rừng…”. Ðó chính là lời Việt của bài hát Sakura tôi đang nghe hôm nay. Trong giai điệu đó, có đầy đủ những gì tôi đang cảm nhận, ngây ngất. Có tiếng thác đổ trên đường lên núi Fuji, tiếng thông, tùng reo trên đường đèo đi Nikko, có âm hưởng buồn của những đêm nhớ nhà, nhớ tiếng còi xe lửa ở Phú Nhuận khi nằm trong khách sạn gần khu Idabashi. Tiếng quạ kêu đêm thu sao khắc khoải quá, tự dưng nhớ câu thơ: “Từ Ô y hạng rủ rê sang…”(Quách Tấn). Những con quạ như từ trong thơ Ðường bước ra…
Nếu bạn chưa từng biết mùa thu, xin hãy đến Nhật. Có thể mùa thu cũng rất đẹp ở Canada, ở Hàn Quốc hay Paris, nhưng tôi yêu mùa thu nước Nhật. Không khí mát lạnh, cái nắng vàng ươm, những chiếc lá đỏ lấp lánh trong gió. Trong đó có chút gì của Sài gòn những ngày chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, khi nắng chợt vàng nhưng không còn nóng nữa, gió mát lạnh và khô, cây cỏ tươi tắn và lòng người nghe rạo rực, cảm thấy cái tết Nguyên Ðán đang đến gần. Mùa thu của bạn đã gợi nhớ mùa xuân phương Nam quê tôi. Không chỉ như vậy, gợi nhớ cả tuổi thơ tôi. Trong khu đền chùa nào đó ở cố đô Kyoto, tôi nghe vẳng tiếng đàn Koto. Ðó là giai điệu quen thuộc hồi bé tôi vẫn hát. Cải lương, loại tuồng sân khấu mới hình thành đầu thế kỷ 20 ở Nam bộ quê tôi, diễn vở Tiếng hạc trong trăng. Trong chốn rừng sâu, nơi cô gái mù Xuyên Lan sống nghe vẳng tiếng hát “Xuyên qua núi, băng qua suối, đường chắn lối nhấp nhô núi cây rừng…”. Ðó chính là lời Việt của bài hát Sakura tôi đang nghe hôm nay. Trong giai điệu đó, có đầy đủ những gì tôi đang cảm nhận, ngây ngất. Có tiếng thác đổ trên đường lên núi Fuji, tiếng thông, tùng reo trên đường đèo đi Nikko, có âm hưởng buồn của những đêm nhớ nhà, nhớ tiếng còi xe lửa ở Phú Nhuận khi nằm trong khách sạn gần khu Idabashi. Tiếng quạ kêu đêm thu sao khắc khoải quá, tự dưng nhớ câu thơ:
“Từ Ô y hạng rủ rê sang…”(Quách Tấn).
Những con quạ như từ trong thơ Ðường bước ra…
Buổi sáng thu ở Nhật, tôi thích ngắm nhìn những con mèo hoang trong công viên. Chúng béo tốt, đẹp đẽ. Tôi ngắm nhìn và chợt quý mến những bà cụ Nhật Bản nhỏ bé, mang thức ăn nuôi lũ mèo hoang. Chắc hẳn không thể nuôi chúng trong những ngôi nhà ngói đen rất xinh xắn nhưng quá nhỏ nhắn kia. Những con mèo hoang tự do nhưng không thiếu hơi ấm của bàn tay con người. Lũ mèo lặng lẽ sưởi nắng ấm. Tôi giơ tay khẽ vuốt bộ lông ấm áp mềm mại của một chú mèo con, lặng nghe tiếng rù rù của chú. Một người đàn ông nằm ngủ trên ghế đá, mở mắt ra nhìn tôi rồi nhắm lại. Phía xa là công viên Hoàng cung. Một góc khác là hàng cây anh đào xanh mướt. Tôi thấy lòng mình tĩnh lặng lạ thường…
Buổi tối mùa thu, tôi đi trên những con hẻm nhỏ ở Osaka, rẽ vào một căn tiệm nhỏ. Người ta bán những chiếc hộp sơn mài cũ, những chiếc hộp tuyệt đẹp như phảng phất hương vị Edo xa xưa. Chợt nhớ mẹ tôi có một chiếc hộp sơn mài Nhật tuyệt đẹp bà được tặng từ những năm 1940. Vẫn là những hoạ tiết quen thuộc, cây tùng, con hạc, chiếc dù, kimono nhưng gợi nhiều mơ mộng về một đất nước thâm trầm, những con người thời Shogun xa xưa ngồi trong căn phòng nhỏ, lặng nhìn bóng tối nhẹ nhàng lan vào từ khu vườn thiền ngoài kia. Những màu sắc trang trí trên đồ mỹ nghệ Nhật dường như luôn có pha thêm màu đen để trầm đi và lại thêm màu trắng để dịu thêm một bậc. Nhưng màu rực rỡ của vàng kim loại lại được sử dụng, mạnh mẽ, chói chang như để nhắc đến vẻ huy hoàng của đất nước có một dòng dõi hoàng tộc ngự trị lâu dài. Trong tiệm lại có những hộp gỗ cũ, góc mòn vẹt do nhiều lần bàn tay người chạm đến, gỗ mộc, không một lớp vernis, những vân gỗ tuyệt đẹp, ấm áp như mới rời khỏi xưởng thủ công. Gỗ lưu giữ bản ngã người Nhật trong phong cách sống, giúp họ gần gũi thiên nhiên hơn trong khi sống xa nó trong lòng đô thị.
Tôi muốn mang tất cả những món này về vì chúng quá đẹp, và cuối cùng tôi rời cửa hàng với một con quay vụ trên tay, ít khi gặp món đồ chơi đẽo thô nào như vậy trên đất Nhật tinh tế, chuộng mỹ thuật đến độ say sưa. Nhưng có thể đó là con quay của một chú bé nào đó, những năm Meiji, hay là xa hơn, khi những đoàn Châu ấn thuyền từ Nhật Bản đến xứ Ðàng Trong thế kỷ 17, cập thương cảng Hội An. Có thể hai cô bé Kana và Riko, gia đình Kikugawa mà tôi đang ở homestay, cũng sẽ tròn xoe mắt nhìn khi tôi khoe chúng.
Trời buổi tối rất mát và yên tĩnh. Tôi tận hưởng không khí thanh bình ở một đất nước xa lạ nhưng thân thiện, trong một đêm thu dịu mát. Thế giới chợt thấy gần gũi và có lẽ không khác nhau lắm về ước vọng sống trong hoà bình, hạnh phúc bên cạnh người thân. Gia đình tôi đang ở rất xa, cũng trên một dãi đất dài tựa như nước Nhật. Hai đứa cháu kêu tôi bằng cậu chắc đang ê a học bài, vừa trông đợi ngày Trung thu rước đèn.Tầm mắt, tâm hồn tôi, mở rộng ra từ chuyến đi này có lẽ từ những điều trên chứ không chỉ ở những nhà cao tầng, siêu thị, cơ xưởng hiện đại.
Ngày trở về, xe đến sân bay Narita, tôi quay lại ngoái nhìn lần cuối. Có thể khó có dịp quay trở lại đất nước xinh đẹp này lần nữa, nhưng khi nhìn cây lá lao xao trong gió thu, nắng vàng như mật ong trải dài trên những con phố xanh, tôi biết ấn tượng này sẽ còn sâu đậm. Vẫn còn đâu đây, tiếng quạ kêu sương và mèo gù trong nắng thu.
01/01/2015
Bài: Phạm Công Luận. Ảnh: coward_lion/123rf.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận