Cô gái mù, điếc trở thành giáo viên tiếng Nhật, tiếng Anh

    Tốt nghiệp ngành Nhật Bản (khoa Đông Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cô gái xinh đẹp Lê Dương Thế Hạnh trở thành trợ lí giám đốc cho một công ty Nhật. Thế nhưng số phận thật trớ trêu khi Hạnh mắc phải căn bệnh u não quái ác. Bằng nghị lực của bản thân, Hạnh đã trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, Nhật miễn phí cho người khiếm thị ở Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ và TP.HCM, dạy tiếng Việt cho học trò ở Australia, Mỹ, xây dựng tủ sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị… 

    Từ trợ lí giám đốc trở thành một người mù, điếc 1 tai, không thể cầm bát đũa

    Sau khi tốt nghiệp ngành Nhật Bản, trong khi bạn bè đang tìm việc thìThể Hạnh đã sớm có được công việc trong mơ: Trở thành trợ lí giám đốc của một công ty của Nhật. Hạnh phúc hơn, cô nhận lời cầu hôn của mối tình 10 năm. Cứ ngỡ rằng tương lai sẽ vô cùng tươi sáng, nhưng nào ngờ, Hạnh mắc phải căn bệnh quái ác: Bị khối u ở bán cầu não trái. Để duy trì sự sống, Hạnh đã phải liên tục trải qua 3 lần phẫu thuật, 27 lần xạ trị với nhiều đau đớn và di chứng nặng nề: Hai chân không đi lại được, hai tay yếu, điếc 1 tai, mắt mờ hẳn, cơ miệng lệch khiến phát âm bị biến dạng.  
    Thể Hạnh sống ở "cuộc đời thứ nhất" khi hoàn toàn khoẻ mạnh. 
    Từ những ngày mới phát hiện ra bệnh tật, chia tay với chồng sắp cưới, Hạnh đã bị sốc thực sự. tuyệt vọng lên tới đỉnh điểm, cô đã nghĩ đến suy nghĩ tự tử nhưng vì suy nghĩ đến tình thương của bố mẹ, Hạnh lại vượt qua nỗi đau và cố gắng luyện tập phục hồi. Hạnh khiến mọi người vô cùng khâm phục khi mỗi ngày dành 4 giờ để tập luyện các bài tập về vận động, kiên trì tập những động tác đơn giản nhất như tự cầm bát đũa để ăn, tự cầm ly để uống.
    Mỗi ngày Hạnh dành 4 giờ để tập luyện các bài tập về vận động, kiên trì tập những động tác đơn giản nhất như tự cầm bát đũa để ăn, tự cầm ly để uống.

    Dù bị khuyết tật nặng, thế nhưng Hạnh vẫn luôn có một niềm đam mê dành cho ngoại ngữ và luôn tranh thủ ôn lại kiến thức bằng cách chuyển những sự việc hằng ngày thành tiếng Anh, tiếng Nhật. Có lần đang tập bước đi, Hạnh nhận ra dáng đi hai hàng do khuyết tật của mình và không biết tiếng Nhật nói như thế nào, cô nàng liền gọi hỏi ngay cho chị bạn để biết từ “dáng đi hai hàng” này. Hạnh còn thường xuyên gọi điện cho những bạn Nhật của mình vào buổi trưa (Người Nhật không có thói quen ngủ trưa), buổi tối để tập nói tiếng Nhật cho khỏi quên và lắng nghe họ chia sẻ thêm về cuộc sống.

    Cô giáo dạy tiếng Anh, tiếng Nhật qua Skype

    Bằng việc tự tìm hiểu và nỗ lực học cách sử dụng các phần mềm dành riêng cho người khiếm thị:  Luyện ngón với chương trình NDC, bộ đọc tiếng Việt dành cho người mù, phần mềm Jaws tiếng Anh, phần mềm hỗ trợ tiếng nói PC Talker dành cho tiếng Nhật,… Hạnh đã tiến một bước xa hơn: Trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, Nhật miễn phí cho người khiếm thị ở Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ và TP.HCM. Hạnh cũng là cô giáo dạy tiếng Việt cho học trò ở Australia, Mỹ. 
    Khi sử dụng Skype, ngoài thao tác đơn giản là nhất Shift Space để nhận cuộc gọi đến, thì Hạnh không làm được thao tác phức tạp hơn do tay yếu.

    Buổi học bắt đầu bằng việc đầu bên này mở giáo trình tiếng Anh của trung tâm tin học vì người mù Sao Mai, hoặc giáo trình Minna no Nihongo do Hạnh tự nhờ một người bạn đọc và ghi âm bằng di động. Sau đó cô và trò cùng nghe, khi máy tạm dừng, Hạnh đọc tuần tự các câu tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, sau đó các học trò từng người đọc lại cho Hạnh nghe. Mặc dù cơ miệng bị lệch sang một bên nhưng Hạnh phát âm rất chuẩn và luôn luôn nghiêm khắc, đặt yêu cầu cao đối với học trò của mình từ cách phát âm đến cách dùng từ, đặt câu. Không ít học viên đã có thể giao tiếp tiếng Anh và tiếng Nhật thông qua lớp học của Hạnh. 

    Hạnh là người thành lập nhóm từ thiện Sắc màu hy vọng để quyên góp, tổ chức chương trình cho người khiếm thính, khiếm thị. Các kế hoạch, hoạt động của nhóm được cập nhật lên website riêng với 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Việt. 

    “Bà con ơi! Hạnh trở lại chém gió đây”

    Với giọng nói hơi ngọng nhưng vô cùng vang của Hạnh, cả hội trường phải bật cười khi cô mở đầu cuộc nói chuyện trong buổi ra mắt cuốn sách thứ hai “Bình yên sau giông bão”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bên trong Hạnh có một sức sống mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Khi nói lời cảm ơn đến cô giáo từng dạy tiếng Nhật và giúp đỡ Hạnh đến ngày hôm nay, Hạnh hài hước: “Cám ơn cô, em còn sống là còn quậy nên còn phiền cô dài dài ạ. Mong cô thông cảm và đừng phiền nhé!”. 
    Hạnh và người bạn thân - nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong giao lưu với khán giả. Ban tổ chức sắp xếp vị trí ngồi bên trái thay vì trung tâm để Hạnh nghe rõ hơn (Cô chỉ nghe được một bên tai phải).
    “Chưa bao giờ Hạnh đầu hàng số phận. May mắn được học tập và ảnh hưởng bởi văn hoá Nhật Bản, một dân tộc có ý thức sống độc lập cao, nên từ lâu phương châm sống của Hạnh là “Vươn tới một cuộc sống độc lập bằng hết sức có thể”. Tuyệt đối không để những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về hoàn cảnh và người đối diện ảnh hưởng đến cuộc sống. Bên cạnh đó, Hạnh luôn tìm việc để làm, không để bản thân “rảnh rỗi sinh nông nổi” – Hạnh tâm sự.

    Sau 3 năm nỗ lực để vượt lên số phận, Hạnh đã thực hiện được nhiều dự án ý nghĩa:
    -      Thành lập website www.sacmauhyvong.com cùng nhóm thiện nguyện mang tên Sắc màu hi vọng. 
    - Tháng 9-2013, Thể Hạnh đã đoạt được giải nhì cuộc thi viết văn “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” của Quỹ Bill & Melinda Gates. 
    - Năm 2014, Hạnh xây dựng dự án thư viện chữ nổi mini dành cho người mù với sự đồng hành của mái ấm Thiên Ân.
    -     Là một trong 20 gương mặt được vinh danh "Gương nghị lực phi thường" của chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt

    Những dự định sắp tới của Hạnh:

    - Hoàn thành bộ từ điển nói Nhật - Việt dành cho người mù
    - Viết lại câu chuyện đời mình bằng phiên bản tiếng Anh để chia sẻ với độc giả nhiều nơi trên thế giới,
    Quyến sách đầu tay của Hạnh: "Có một mặt trời không bao giờ tắt" được cô viết dưới dạng tiểu thuyết, nhân vật Dạ Ly trong sách cũng chính là Hạnh.

    Vận động kinh phí 100 triệu thực hiện dự án Chuyển ngữ Anh - Việt, biên soạn 500 cuốn “Ký hiệu âm nhạc chữ Bralle” theo quy ước quốc tế dành cho người mù.  Hạnh chia sẻ: “Chơi nhạc, đệm đàn là một nghề thích hợp và phổ biến với nhiều người khiếm thị. Người khiếm thị Việt Nam rất đam mê học nhạc nhưng phải chịu thiệt thòi lớn khi chưa có sách nhạc chữ Braille để học, các em phải nghe rồi học thuộc lòng hoặc tự tìm cách “viết đại”". 

    “Bình yên sau giông bão” là tác phẩm thứ hai của Lê Dương Thể Hạnh sau cuốn tiểu thuyết “Có một mặt trời không bao giờ tắt”.

    Phương Anh/ kilala.vn

    22/06/2017

    Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCC

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!