Cha mẹ khích lệ con thế nào cho hợp lý?

    Khích lệ con đúng cách có thể thúc đẩy sự tự tin của trẻ, từ đó giúp trẻ kiên cường hơn trước những thử thách và thôi thúc trẻ nỗ lực đến cùng.

    Tại sao nên khích lệ con?

    Xã hội phát triển kéo theo áp lực từ mọi mặt cũng gia tăng. Trong bối cảnh đó, có thể nói chìa khóa để giúp con người có thể giải tỏa căng thẳng và trở nên mạnh mẽ hơn chính là “khả năng tự phục hồi”. Khả năng này có thể hình thành và phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường giáo dục của trẻ từ khi còn nhỏ. Trẻ được khích lệ đúng cách có thể trở nên kiên cường hơn khi đứng trước những khó khăn, từ đó hình thành tâm lý luôn nỗ lực đến cùng và không sợ thất bại.

    cha mẹ nên khích lệ con

    Cha mẹ Nhật khích lệ con thế nào?

    “Chưa” và “không”

    Trong những cuộc hội thoại hằng ngày, hãy dạy con nói “chưa” thay vì khẳng định “không”, chẳng hạn như thay vì nói “con không hiểu” hãy nói “con chưa hiểu”, hoặc “con chưa làm được” thay vì “con không làm được”. Chính sự thay đổi trong cách dùng từ này sẽ thúc đẩy sự cố gắng tìm ẩn trong bản thân mỗi đứa trẻ. Từ đó, tư duy của trẻ sẽ đổi khác khi phải đối mặt với những vấn đề khó trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này: thay vì từ bỏ sẽ tìm cách giải quyết.

    “Gambatte!” – câu cổ vũ đầy “nhiệm màu”

    Từ trước đến nay, người Nhật luôn coi trọng quá trình thực hiện hơn kết quả cuối cùng. Nỗ lực trong quá trình vẫn là một điều đáng được khen ngợi và người Nhật dạy cho con cái của mình biết điều đó. “Gambatte!” trong tiếng Nhật được dịch sát nghĩa là “Hãy ráng lên!” hoặc “Hãy làm hết sức mình”. Bởi vì tiềm năng của một đứa trẻ là vô hạn, nên khi nói những lời cổ vũ như “Gambatte!” sẽ tạo cho con trẻ một niềm tin chúng sẽ làm được nếu cố gắng hết sức. Ngoài ra, đối với những thắc mắc của trẻ, thay vì giới hạn trẻ bằng cách nói ra câu trả lời, hãy khuyến khích trẻ tự tìm câu trả lời, sau đó mới cho lời giải đáp. Trẻ có thể làm bất cứ điều gì trẻ thích miễn là chăm chỉ và nỗ lực. Và sau đó hãy dành cho chúng một lời ngợi khen.

    cha mẹ Nhật khích lệ con thế nào?

    Sức mạnh của “hansei”

    Khái niệm “hansei” trong tiếng Nhật tức là “tự nhìn nhận lại bản thân”. Hansei mang một ý nghĩa về sự thừa nhận sai lầm của bản thân và cam kết cải thiện. Người Nhật cho rằng, trong sự phát triển của đứa trẻ, “hansei” là một yếu tố giúp trẻ nhìn nhận được lỗi sai, thiếu sót của bản thân và quan trọng nữa là làm thế nào để sửa sai. Trong môi trường học tập, học sinh ở Nhật Bản thường được yêu cầu lập các mục tiêu và lên kế hoạch rõ ràng để hoàn thành mục tiêu. Điều này buộc mỗi học sinh phải tìm ra suy nghĩ, lối đi riêng để đạt được mục tiêu đề ra. Trong trường hợp thất bại, học sinh sẽ phải tìm ra lỗi sai và làm một kế hoạch mới tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành được mục tiêu đó.

    kilala.vn

    03/02/2020

    Bài: Hoàng Thiên
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!