70% phụ nữ Nhật chấp nhận bỏ việc sau khi sinh con
Thời gian qua chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách để tăng bình đẳng giới nhưng tại sao vẫn còn gần 70% phụ nữ Nhật chọn ở nhà làm nội trợ sau khi sinh con. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?
Áp lực môi trường công sở
Môi trường công sở với thời gian làm việc dài, cơ chế tạo điều kiện vừa chăm sóc con cái vừa làm việc còn thiếu khiến phụ nữ Nhật rất khó có thể tiếp tục công việc sau sinh. Bên cạnh đó là định kiến đã hằn sâu trong tâm thức người Nhật, đặc biệt giai đoạn nước Nhật phát triển thần kỳ thì hình ảnh đàn ông là trụ cột lo cho cả gia đình, còn phụ nữ ở nhà làm nội trợ và chăm con đã trở thành khuôn mẫu. Dù sau này Nhật Bản trải qua khủng hoảng kinh tế sau khi bong bóng bất động sản vỡ, khiến cho nhiều giá trị truyền thống thay đổi dưới tác động của kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người chồng không lo nổi cho cả gia đình. Từ đó, nhiều đàn ông Nhật Bản ngại lập gia đình, ngại sinh con. Tuy nhiên, trong tâm thức người Nhật khuôn mẫu gia đình chồng là trụ cột kinh tế và vợ ở nhà làm nội trợ chăm con không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.
Nắm giữ tay hòm chìa khóa
Đa số phụ nữ Nhật có đặc quyền rất lớn trong khâu quản lí tài chính gia đình. Dù không trực tiếp làm ra nhiều tiền nhưng họ được chồng giao gần như toàn bộ lương hằng tháng. Nhiều người vợ còn quản lí luôn tài khoản của chồng để hằng tháng nhận lương thay chồng và lo tất cả vấn đề chi tiêu trong gia đình và phát tiền tiêu vặt cho chồng. Nên phụ nữ là người nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình nên họ thực sự là người nắm quyền. Họ cũng thường lập “quỹ đen” để chi tiêu cá nhân, đôi khi tự nuông chiều bản thân hoặc để dành lúc về già hoặc sau khi ly hôn.
Dịch vụ chăm sóc y tế tuyệt vời
Nói về dịch vụ thai sản, không đâu tuyệt vời như Nhật Bản. Với tỷ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong thuộc loại thấp nhất trên thế giới. Sau khi sinh con, sản phụ được ở lại 5 - 10 ngày để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Trong thời gian này, các bà mẹ sẽ được các chuyên gia hướng dẫn về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Các gia đình có thể chọn giữa bệnh viện tư và bệnh viện công để sinh con và bảo hiểm y tế xã hội sẽ chi trả một khoản tiêu chuẩn là 420.000 yên (tương đương 3.500 đôla) cho bà mẹ, số tiền này dựa trên chi phí trung bình cho một ca thai sản.
Quyền giám hộ con sau ly hôn
Theo luật Dân sự của Nhật Bản liên quan đến việc ly hôn, quyền nuôi dạy con được trao cho chỉ bố hoặc mẹ chứ không phải cả hai. Việc chia sẻ quyền nuôi con là bất hợp pháp và lịch sử cho thấy người mẹ luôn chiếm tỷ lệ giành được quyền nuôi con tới 80 - 90%. Người không có quyền nuôi con thường hiếm khi có dịp gặp lại con mình. Việc thăm con có thể được sắp xếp theo thỏa thuận hai bên nhưng nhiều phụ nữ không cho phép chồng gặp con.
Hajime Tanoue, luật sự về thị thực tại Văn phòng Luật biên giới quốc tế giải thích: “Trước Thế chiến thứ Hai, chỉ các ông bố được quyền giám hộ con. Nhưng sau chiến tranh, Đại tướng Douglas MacArthur đã thay đổi đạo luật này, trao lại quyền giám hộ con cho các bà mẹ trong trường hợp ly hôn. Các bà mẹ chiến thắng trong khoảng 90% số vụ giành quyền nuôi con. Một số bà mẹ kiên quyết không cho chồng gặp lại con nữa. Ngay cả khi tòa án quyết định người chồng có thể gặp con một lần mỗi tháng thì người vợ hoàn toàn có quyền từ chối mà không phải chịu bất kì hậu quả nào”.
"Nghề" được tôn trọng tại Nhật
Ở Nhật, làm mẹ thực sự được coi là một nghề của phụ nữ. Người mẹ cống hiến 100% sức lực với việc chăm sóc con cái, quan tâm việc học và lo toan việc nhà. Và đây là điều họ cực kì tự hào về bản thân. Thực tế, rất nhiều người Nhật không hiểu nổi vì sao những người phụ nữ ở nhà nội trợ không được coi trọng tại nhiều quốc gia phương Tây.
Phụ nữ Nhật kì công dành nhiều giờ liền để chuẩn bị những bữa cơm trưa rất dễ thương và đầy đủ dưỡng chất cho con mang đến trường. Khi trẻ đi học mẫu giáo, người mẹ luôn theo sát con trong mọi hoạt động ở trường, từ những việc thêu bảng tên của con lên đồ vật của con hay việc đảm bảo con biết thể hiện thái độ đúng mực với giáo viên, người lớn tuổi.
Rất khó thuê người giúp việc
Ở Việt Nam, với các gia đình khá giả hoặc công chức thì người giúp việc là giải pháp hữu hiệu có thể thay mình làm tất cả công việc nội trợ như giặt giũ, nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chăm sóc em bé hay đưa đón trẻ đến trường. Tuy nhiên, “người giúp việc” là khái niệm rất ít gặp tại Nhật Bản, một đất nước với những con người có tính tự lập cao. Đối với người Nhật, nội trợ là một nghề, công việc tại nhà như chăm lo nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái. Do đó việc thuê một người giúp việc tại Nhật là hy hữu. Người giúp việc ở Nhật thường được thuê để giúp những gia đình có người già neo đơn hoặc chăm sóc các cụ già tại bệnh viện.
Ở Việt Nam, mức lương trả cho người giúp việc dao động từ 4 đến 6 triệu/tháng, thấp hơn mức lương của nhân viên văn phòng hoặc chỉ bằng một phần nhỏ so với mức thu nhập của gia đình trung lưu. Tuy nhiên ở Nhật, phải trả lương cho họ theo giờ tương tự với mức lương mỗi giờ của một người đi làm bên ngoài (mức giá khá cao đối với những gia đình có thu nhập trung bình). Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà đa số phụ nữ Nhật chọn ở nhà làm nội trợ và chăm con thay vì đi làm và thuê người giúp việc với chi phí cao.
Thuế thu nhập
Tại Nhật đóng thuế thu nhập khá cao, chính vì vậy nhiều gia đình rất cân nhắc vợ có nên đi làm không hay là ở nhà làm nội trợ và đóng vai người phụ thuộc vào chồng thì mức thuế thu nhập người chồng đóng sẽ thấp hơn. Bởi theo luật thì thu nhập càng cao mức đóng thuế thu nhập càng cao. Do đó, nếu cả hai vợ chồng đều đi làm và đóng thuế theo luật định thì tổng thu nhập hằng tháng cộng lại của cả hai cũng không nhích hơn là bao so với mức thu nhập của người chồng đi làm và người vợ không đi làm và phụ thuộc vào chồng.
Từ các nguyên nhân trên giúp chúng ta có thể hiểu vì sao nhiều phụ nữ Nhật vẫn chọn ở nhà làm nội trợ và chăm con thay vì trở lại công việc sau sinh như phụ nữ ở các quốc gia phát triển khác.
kilala.vn
25/04/2019
Bài: Nguyệt Anh
Ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận