5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật

    Vụ án một nam thực tập sinh bị bạn cùng phòng ra tay sát hại ở tỉnh Toyama vào tháng 4 vừa qua đã khiến cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản rúng động. Khi ra nước ngoài làm việc hoặc học tập, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần tốt ngôn ngữ là được. Tuy nhiên, trên hết thảy điều quan trọng mà chúng ta cần phải làm tốt chính là tự bảo vệ bản thân mình. Dưới đây là bài viết chia sẻ về 5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật của chị Miikochan, một người Việt hiện đang định cư tại Nhật Bản. (Lưu ý: Bài viết được trích từ Miikochan.blog và được reup dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng ghi nguồn “miikochan.blog” khi trích vào tài liệu, báo cáo, trang… của bạn).

    Hôm qua, sau khi đọc tin về một kẻ đã giết bạn cùng phòng vì những mâu thuẫn vụn vặt, mình đã tự đặt rất nhiều câu hỏi về nhân tính, lòng người. Con người liệu có thể nhẫn tâm được đến đâu thì không ai lường trước được khi phần “con” trỗi dậy. Người ra đi thì đã ra đi, kẻ thủ ác sẽ phải trả giá cho hành vi tàn nhẫn. Vậy còn chúng ta? Những người cũng mang quốc tịch Việt Nam trên đất Nhật nên làm gì? Theo mình, chúng ta nên học cách tự bảo vệ bản thân và tự răn đe bản thân không làm việc sai trái dù là nhỏ nhất (Ví dụ như quăng rác sai qui định, hái trộm, đá tàu, mở loa ngoài nơi công cộng v.v…), học cách yêu thương – che chở đồng hương hơn.

    Vì vậy, mình viết bài này với hi vọng các bạn sẽ biết cách bảo vệ bản thân và những câu tiếng Nhật nên thuộc như CHÁO để có thể gọi cảnh sát.

    1. Gọi điện hằng ngày cho gia đình

    Để gia đình có thể nắm được tình hình của bạn hằng ngày và nếu không may có chuyện xảy ra cũng có thể giải quyết nhanh chóng. Báo sẵn với gia đình nếu không liên lạc với gia đình trong khoảng 1-2 ngày là bản thân đã gặp chuyện. Tùy theo tính chất công việc mà bàn bạc với gia đình để phòng ngừa trường hợp bất trắc xảy ra.

    5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật
    Ảnh: PIXTA

    Gia đình có người đi Nhật nên biết các thông tin liên lạc của con em mình ở nước ngoài như sau:

    • Địa chỉ chỗ ở chính xác của con em mình bằng tiếng Nhật lẫn phiên âm Romaji.
    • Thông tin liên lạc của công ty nơi con em mình đang làm việc (số điện thoại, địa chỉ) bằng tiếng Nhật lẫn phiên âm Romaji.
    • Hình chụp thẻ ngoại kiều (2 mặt) (在留カード- zairyu ka-do), hình chụp passport. Nhớ in ra và TUYỆT ĐỐI không để người lạ biết. Việc này cực kì quan trọng khi xảy ra chuyện.
    • Và gia đình nên có tài khoản Facebook để đăng tin vô những cộng đồng tiếng Nhật để nhờ những người Việt Nam ở Nhật giúp. Khi đăng tin tìm người, TUYỆT ĐỐI KHÔNG đăng hình THẺ NGOẠI KIỀU, PASSPORT của con em mình lên. Người xấu sẽ dùng 2 loại giấy tờ đó để làm chuyện phi pháp. Chỉ đăng ảnh cá nhân, ngày mất liên lạc, nơi ở (không ghi số nhà).
    • Nên biết thông tin liên lạc (Facebook, Zalo) của bạn thân con em mình ở Nhật. Để phòng trường hợp mất liên lạc với con em mình thì còn có thể nhờ người bạn thân đó giúp liên lạc hoặc tìm cách hỗ trợ phù hợp.

    Trường hợp không liên lạc được, gia đình đăng Facebook hoặc thông tin đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật. Các cộng đồng nổi tiếng ở Nhật:

    Cộng đồng Việt Nhật (Vietnam-Japan community)

    Link Facebook: www.facebook.com/groups/CongdongVietNhat/

    Cộng đồng này hơn 300 ngàn thành viên. Số người Việt Nam ở Nhật khoảng 400 ngàn người nên sẽ có sức ảnh hưởng và thông tin lan truyền nhanh chóng.

    Cộng đồng Việt Nhật

    一般社団法人 在日ベトナム人協会 (Pháp nhân) Hội người Việt Nam tại Nhật Bản

    Link Facebook: www.facebook.com/VAIJ.Fanpage/

    Đây là cơ quan pháp nhân tập hợp những người có tâm, có tầm. Bạn inbox hỏi admin và nhờ tư vấn sẽ nhận được sự chia sẻ hữu ích nhất.

    Hội người Việt Nam tại Nhật Bản

    Cộng Đồng Du Học Việt Nhật

    Link Facebook: www.facebook.com/groups/hotroduhocnhatban

    Cộng đồng này hơn 243 ngàn thành viên và tương tác tương đối tốt.

    Cộng Đồng Du Học Việt Nhật

    Thông tin liên lạc của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật

    Trang web: vnembassy-jp.org

    Thông tin liên lạc

    Đại sứ quán là nơi bảo vệ quyền lợi công dân của các bạn khi ở xứ người. Nên nắm thông tin để phòng bất trắc.

    Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản

    2. Nên có ít nhất 2 người bạn ở Nhật

    Để cùng chia sẻ tâm sự buồn vui và những chuyện “không hay” mình gặp (nếu có). Vụ án của bạn Đức, nếu không có người bạn thân khai với cảnh sát về những chuyện mà Đức gặp phải với kẻ thủ ác cùng phòng thì hung thủ đã có cơ hội thoát tội.

    Bạn bè ở Nhật có thể là những người đồng hương, đồng nghiệp hoặc chúng ta có thể làm quen với người Nhật, người Trung Quốc. Đừng quá phân biệt quốc tịch, vì bất cứ người ở quốc gia nào cũng có người xấu, người tốt. Nếu chúng ta tốt, hướng thiện thì sẽ gặp được người bạn tương đồng về suy nghĩ, tính cách. Hoặc nếu chúng ta siêng năng, chăm chỉ thì tự dưng người Nhật họ sẽ quý mến. Thời mình du học, người hại, ức hiếp mình là người Việt nhưng người giúp đỡ mình là người Nhật và Trung Quốc. Bạn bè người Việt mình có đúng 1 người là bạn thân có thể tâm sự được tất cả mọi chuyện. Và cũng nên dặn dò người bạn thân cách xử lý khi mất liên lạc với mình, cho thông tin liên lạc của gia đình phòng khi lỡ có sự cố thì người đó báo về gia đình mình.

    5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật
    Ảnh: PIXTA

    Còn nếu chỉ thích kết bạn với người Việt thì lên Facebook tìm những cộng đồng người Việt. Tuy nhiên nên chọn lọc kĩ, nên cắt đứt liên lạc với những người mượn thẻ ngân hàng, rủ bạn đi trốn ra ngoài, rủ bạn làm chuyện phi pháp như ăn cắp vặt, đá tàu, hái trái cây trộm… Và TUYỆT ĐỐI KHÔNG chỉ cho bất cứ người nào những thông tin như số passport, my number, địa chỉ nhà, thẻ ngoại kiều (Zairyu ka-do). Với những người trên mạng thì TUYỆT ĐỐI KHÔNG chia sẻ số điện thoại và địa chỉ. Mua hàng qua mạng của những trang người Việt bán thì tuyệt đối không mua ở những nơi hay chụp hình có địa chỉ khách rõ mồn một mà không che rồi post lên facebook để khoe thành tích.

    3. Thuộc-như-cháo tiếng Nhật để gọi cảnh sát

    Nên biết cách gọi cảnh sát ngay từ khi đặt chân đến Nhật. Tính mạng và sự an toàn của bạn là trên hết. Trên cả miếng cơm manh áo và những chuyện hóng hớt, thị phi. Mình nghĩ, tiếng Nhật nên học đầu tiên là cách gọi cảnh sát và cách kêu cứu!!!

    Gọi số: 110

    Bất cứ vùng nào của nước Nhật cũng gọi số này được. Đừng vì ngại người Nhật hay có thành kiến với người Nhật mà không gọi, cùng đừng vì ngại dở tiếng này nọ. Nếu dở thì ráng học cho giỏi vì chả ai giỏi mà chưa từng dở bao giờ (trừ thiên tài). Mình từng gọi 110 và cảnh sát Nhật đến sau 5 phút, sau đó họ còn thường xuyên đi tuần khu vực quanh nhà để bảo vệ an toàn. Tại sao mình gọi thì sẽ kể ở 1 bài khác.

    5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật
    Ảnh: PIXTA

    Cách gọi như sau:

    • Xưng tên
    • Nói lí do gọi
    • Đọc địa chỉ thật rõ ràng chi tiết
    • Nhờ sự giúp đỡ: Tasukete moraemasen ka (助けてもらえませんか), nghĩa là: Giúp giùm tôi nha. ( Đây là cách nói gây thiện cảm với người nghe)

    ** Tuyệt đối không dùng thể Tekudasai trong trường hợp này!!! Đang cần người ta giúp nên đừng “RA LỆNH” nha

    Cách gọi cảnh sát Miikochanblog
    Những câu tiếng Nhật cần thuộc-như-cháo để gọi cảnh sát ở Nhật (Ảnh:Miikochan.blog)

    4. Tham gia các cộng đồng người Việt tại Nhật để cập Nhật thông tin nhanh nhất

    Ngoài 3 cộng đồng trên còn có 8 trang Facebook chính thống mà mình đã review.

    **Lưu ý: khi tham gia thì đọc những thông tin liên quan đến pháp luật, xử lý tình huống… Hạn chế lên hóng hớt, bà tám cả ngày, tranh luận vô bổ về quan điểm cá nhân, chính trị… Nhiều khi nói chuyện qua lại, tranh cãi với người khác quan điểm lại gây mâu thuẫn rồi xảy ra chuyện không hay. Mình nghĩ nên dành thời gian tranh luận để học tiếng Nhật thì có ích với bản thân hơn nhiều.

    5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật
    Ảnh: PIXTA

    5. Học tiếng Nhật mỗi ngày

    Cho đến giờ, điều giúp mình thấy sống ở Nhật không quá trở ngại là do mình biết tiếng Nhật. Khi biết tiếng Nhật sẽ có nhiều cánh cửa thông tin mở ra với bạn để giúp cuộc sống của bạn dễ thở hơn. Có những thông tin về phiên dịch y tế, doanh nghiệp đen, mức lương tối thiểu của từng ngành nghề và hàng đống những kiến thức mà mình chia sẻ với các bạn là do mình tìm hiểu từ nhiều trang web Nhật.

    5 cách tự bảo vệ bản thân khi ở Nhật
    Ảnh: PIXTA

    Sống ở đất khách, ít nhất cũng phải biết tiếng Nhật trên N3, để lỡ có chuyện gì thì mình tự nói được. Ví dụ như bị vu oan, bị ức hiếp, bị đánh đập, bị bóc lột hay đơn thuần đi bệnh viện khi đau yếu,… Nên chuẩn bị sẵn khi có thể, đừng để nước tới chân mới nhảy. Thậm chí nước tràn rồi vẫn không chịu nhảy. Hơn nữa, khi về nước, tiếng Nhật bạn càng giỏi thì bạn càng dễ kiếm việc, N1 lương sẽ cao hơn N2, 3 (khi chưa có kinh nghiệm).

    kilala.vn

    13/05/2020

    Nguồn trích từ Miikochan.blog

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!