Những góc nhìn nhân văn qua phim hoạt hình “Oni: Thunder God's Tale”

    Thông qua thế giới thần thoại trong bộ phim, đạo diễn Daisuke đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cách nhìn nhận và thấu hiểu vạn vật xung quanh. 

    Oni: Thunder God's Tale (tạm dịch: Oni: Chuyện thần sấm) là bộ phim hoạt hình của đạo diễn người Nhật Tsutsumi Daisuke, được phát hành trên Netflix vào tháng 10 năm 2022 với 4 tập phim. Tác phẩm đã giành được hai trong số các giải thưởng danh giá của Annie Awards (giải thưởng được ví như Oscar dành cho phim hoạt hình) vào tháng 2 năm nay.

    oni thunder god's tale

    Ảnh: news.newonnetflix.info

    Với những nhân vật hoạt hình đáng yêu, hài hước cùng cốt truyện cảm động, Oni đã nhanh chóng giành được sự yêu thích của công chúng và trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, tác phẩm của đạo diễn Daisuke không chỉ đơn thuần là một bộ phim hoạt hình trẻ thơ vui nhộn mà còn mang lại những góc nhìn nhân văn đầy sâu sắc. 

    Đối đầu với quỷ dữ Oni và quan niệm Uchi-Soto của người Nhật

    Bộ phim lấy bối cảnh trong một thế giới tràn ngập các vị thần Shinto và các sinh vật ma quái (hay còn gọi là Yokai) trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Ở thế giới thần thoại đó, có một cô bé tên Onari sống cùng với bố là thần sấm sét Naridon, trong ngôi làng tận rừng sâu và trải qua thời thơ ấu của mình như là một Yokai.

    Trong khi những người bạn Yokai khác đã tìm thấy sức mạnh nội tại của họ - kushi (sức mạnh bí ẩn trú ngụ trong linh hồn) để đối đầu với quỷ dữ Oni đe dọa tấn công ngôi làng vào đêm trăng quỷ, thì chỉ có Onari phải đấu tranh để tìm kiếm sức mạnh kushi của mình. 

    onari tìm kiếm sức mạnh kushi
    Onari phải đấu tranh tìm kiếm sức mạnh kushi của mình. Ảnh: fsm-media.com

    Câu chuyện mô tả sự khủng khiếp và tàn phá của quỷ Oni theo góc nhìn của Yokai. Tuy nhiên, khán giả cũng như Onari và những người bạn của mình sẽ không biết họ là ai hoặc trông như thế nào cho đến khi kết thúc câu chuyện.

    Onari cùng các Yokai khác tập luyện chăm chỉ để đối đầu với quỷ Oni chỉ vì người lớn bảo với chúng rằng phải giết Oni. Hiện tượng tâm lý đó có những điểm tương đồng với văn hóa Uchi-Soto của người Nhật.

    Người Nhật thường phân loại mọi thứ kể cả con người thành hai loại: Uchi (bên trong) và Soto (bên ngoài), tùy vào mức độ thân thuộc. Trong khi bất cứ thứ gì thuộc về Uchi đều được đối xử nồng nhiệt như gia đình và bạn bè, thì những thứ được phân loại là Soto lại bị coi là khác biệt và bị xa lánh khỏi cộng đồng do mọi người sợ hãi.

    [subscribe]

    Nỗi sợ hãi với những điều chưa biết

    Trong loạt phim, có nhiều cảnh trong đó các nhân vật phân định ranh giới và cố gắng loại trừ những thứ “lạc loài” khác ngoài trường hợp quỷ Oni. Dân làng tránh xa Naridon, cha của Onari vì ông ta là một kẻ lập dị; những cậu bé người Nhật Bản trêu chọc Calvin - người bạn con người của Onari vì cậu là người ngoại quốc. 

    onari và calvin
    Onari và Calvin - cậu bạn con người của cô bé. Ảnh: theenvoyweb.com

    Như những gì được mô tả trong tác phẩm, người Nhật thực sự đã từng sợ hãi và tránh xa những gì họ không hiểu và có vẻ khác biệt. Còn bây giờ thì sao?

    Những thế hệ mới, những giá trị mới, những hiện tượng mới. ngày nay có vô số thứ xuất hiện mà chúng ta chưa biết và không thể giải thích được. Việc một đạo diễn người Nhật tạo nên tác phẩm hoạt hình phản ánh những góc nhìn trên rất có ý nghĩa bởi tâm lý ngại chấp nhận bất cứ điều gì khác biệt vẫn ăn sâu vào tâm thức của người dân đất nước Mặt trời mọc. 

    Khi những đứa trẻ và giáo viên trong bộ phim tạo ra bước đột phá trong việc tìm hiểu về những điều chưa biết, phải chăng chúng ta cũng nên dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống của chính mình. Chúng ta có đủ tự tin để hiểu những điều chưa biết và chấp nhận sự khác biệt?

    kilala,vn

    09/04/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: Zenbird

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!