NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những di sản vàng của điện ảnh Nhật tại Liên hoan phim Cannes

    Năm nay, bộ phim Renoir của đạo diễn Hayakawa Chie là tác phẩm điện ảnh duy nhất của Nhật Bản được chọn tranh giải Cành Cọ Vàng 2025 tại Liên hoan phim Cannes. 

    Ngược về hơn trăm năm trước, kể từ khi các rạp chiếu bóng Nhật Bản bước vào kỷ nguyên của phim câm với sự hiện diện của các benshi - những người kể chuyện phim cho đến ngày nay, điện ảnh Nhật Bản đã luôn không ngừng vượt qua các giới hạn nghệ thuật. Những đạo diễn huyền thoại như Kurosawa Akira, Ozu Yasujiro hay Koreeda Hirokazu đã để lại những dấu ấn sâu sắc trên bản đồ điện ảnh thế giới với tư duy và phong cách điện ảnh sáng tạo, tinh tế và đầy chiều sâu.

    Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi Nhật Bản cũng sở hữu lịch sử lẫy lừng suốt nhiều thập kỷ tại Liên hoan phim Cannes - một trong năm liên hoan phim quốc tế lớn nhất thế giới. Hãy cùng Kilala điểm qua những di sản vàng của điện ảnh Nhật tại Cannes trong danh sách dưới đây nhé! 

    1. Gate Of Hell - Kinugasa Teinosuke 

    Được xem là bộ phim Nhật đầu tiên chiến thắng tại Cannes, Gate Of Hell của đạo diễn Kinugasa Teinosuke đã giành giải The Grand Prix tiền thân của giải Cành Cọ Vàng vào năm 1954. 

    Phim kể về câu chuyện của samurai Morito Endo - đã đem lòng yêu nữ quan Kesa sau khi cứu cô khỏi một cuộc bạo loạn. Nhưng Kesa là một người đã có chồng. Mối tình đơn phương của Morito dần biến thành khao khát chiếm hữu, khiến chàng từ bỏ mọi thứ, từ luân thường, đạo đức đến cả những phẩm chất tốt đẹp và nhân tính của chàng. 

    gate-of-hell
    Ảnh: Screenmusings

    Ra đời vào đầu kỷ nguyên phim màu Nhật Bản, Gate Of Hell là bữa tiệc nghệ thuật thị giác đầy choáng ngợp với những gam màu tương phản cùng phục trang hoa lệ. Không chỉ vậy, phim còn gây ấn tượng bởi cốt truyện và chuyển biến tâm lý nhân vật đầy chiều sâu. Đây cũng là bộ phim màu đầu tiên của Nhật được phát hành ra quốc tế và cũng thắng hai giải Oscar cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và “Thiết kế trang phục đẹp nhất”.

    2. Empire Of Passion - Oshima Nagisa 

    Empire Of Passion là bộ phim tiêu biểu của làn sóng điện ảnh mới Nhật Bản (Japanese New Wave) vào thập niên 60. Lấy bối cảnh một ngôi làng Nhật Bản cuối thế kỷ 19, phim kể về mối quan hệ bất chính giữa một phụ nữ đã có chồng và nhân tình trẻ tuổi của cô, đưa người xem trải qua một hành trình ác mộng về nhân tính, tội lỗi và sự trừng phạt.  

    empire-of-passion
    Ảnh: IMDb

    Nổi tiếng bởi những tác phẩm mang đậm màu sắc chính trị và tư duy điện ảnh đầy táo bạo, Oshima Nagisa là đạo diễn duy nhất đến nay của Nhật Bản nhận giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Cannes năm 1978 với bộ phim Empire Of Passion. Bộ phim này được đánh giá là sự kết hợp đầy màu sắc giữa đam mê tình ái và kinh dị, là câu chuyện kaidan (truyện ma) thực sự và duy nhất của Oshima Nagisa. 

    3. Kagemusha - Kurosawa Akira 

    Lấy bối cảnh vào thời kỳ Sengoku (1467-1615), bộ phim xoay quanh câu chuyện về tên trộm Kagemusha, vì có tướng mạo giống hệt lãnh chúa Takeda Shingen nên được chọn để trở thành thế thân của cố lãnh chúa nhằm qua mắt quân địch và giữ vững tinh thần cho binh lính. Khi Kagemusha dần dần hòa vào vai diễn cũng là lúc anh phải đối mặt với lằn ranh mong manh giữa bản ngã và cái bóng của lãnh chúa, đồng thời vật lộn với tham vọng ngày càng lớn của mình. 

    kagemusha
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Là bộ phim sử thi của đạo diễn huyền thoại Kurosawa Akira, Kagemusha đã giành được giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1980. Bộ phim này có tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ yên, tái hiện sống động Nhật Bản thời Chiến Quốc với những phân đoạn giao tranh hùng tráng và chân thực. Ngoài ra, phim cũng nhận được đề cử “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar năm 1981. 

    4. The Ballad Of Narayama - Imamura Shohei 

    Được đạo diễn bởi Imamura Shohei, The Ballad Of Narayama là bản chuyển thể đầy bi thương từ tiểu thuyết Narayama Bushiko của Fukazawa Shichiro. Phim lấy bối cảnh tại một ngôi làng miền núi nơi tồn tại tập tục ubasute - hủ tục cõng người già 70 tuổi lên núi và bỏ lại để tiết kiệm lương thực cho lớp trẻ. Đối mặt với chuyến hành trình cuối đời sắp tới, bà lão Orin, người sắp bước qua tuổi 70, đã lặng lẽ thu xếp mọi việc cho hai đứa con. Sau đó, bà thuyết phục con trai cả đưa mình lên núi Narayama và chấp nhận số phận của mình. 

    the-ballad-of-narayama
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Với phong cách điện ảnh gần với phim tài liệu, The Ballad of Narayama là bản khắc họa giàu tính nhân văn về sự sống, cái chết và tình mẫu tử. Phim đã giành được giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes năm 1983. 

    5. The Eel - Imamura Shohei 

    Chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Yoshimura Akira, phim kể về Yamashita Takuro - một nhân viên văn phòng phải ngồi tù sau khi sát hại người vợ của mình. Khi ra tù, anh mang theo một con lươn - người bạn đồng hành của anh trong thời gian thụ án. Sau đó, anh gặp một người phụ nữ có khuôn mặt giống hệt vợ cũ, hai người phải đối mặt và dần vượt qua những tổn thương từ quá khứ. 

    the-eel
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Không giống như The Ballad Of Narayama, The Eel tập trung vào hành trình nội tâm của con người khi đối mặt với tội lỗi, sự chuộc tội và chữa lành giữa hai con người xa lạ. Với bộ phim The Eel, đạo diễn Imamura Shohei đã nhận giải Cành Cọ Vàng lần thứ 2 tại Cannes năm 1997. 

    6. Shoplifters - Kore-eda Hirokazu 

    Chiến thắng giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2018, Shoplifters xoay quanh câu chuyện về những mảnh đời lưu lạc, ghép vào nhau thành một “gia đình”, sống ở một khu ổ chuột tại Tokyo hoa lệ. Một ngày, người bố Osamu đưa một cô bé bị bỏ rơi về nhà và dạy cô bé trộm vặt để kiếm sống. Từ đó, ngôi nhà lại thêm phần tươi vui và đầy ắp tiếng cười.

    shop-lifters
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Shoplifters là bộ phim thách thức định nghĩa truyền thống về “gia đình”, đồng thời là tiếng nói mạnh mẽ về tình người giữa xã hội hiện đại lạnh lẽo. Phim cũng nhận được đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho "Phim nước ngoài hay nhất", đưa tên tuổi đạo diễn Kore-eda Hirokazu lên tầm quốc tế.

    7. Renoir - bộ phim Nhật Bản duy nhất được chọn tranh giải Cành Cọ Vàng 2025

    renoir
    Ảnh: Tokyo Weekender

    Với phim điện ảnh Renoir, đạo diễn Hayakawa Chie trở lại Cannes sau thành công với Plan 75 (2022) - bộ phim từng đoạt giải đặc biệt Caméra d'Or dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc.

    Renoir lấy bối cảnh vùng ven Tokyo năm 1987, xoay quanh cô bé Fuki 11 tuổi, có người cha đang mắc bệnh nan y. Mẹ của Fuki luôn căng thẳng khi vừa phải chăm sóc gia đình, vừa phải làm việc toàn thời gian để kiếm tiền. Khi chỉ còn lại một mình, cô bé Fuki thường chìm đắm vào thế giới tưởng tượng của riêng mình và tin rằng mình có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác.

    Thông qua qua ống kính đầy cảm thông, đặc tả cảm xúc của từng thành viên trong gia đình, đạo diễn Hayakawa đặt ra câu hỏi: “Liệu con người có thể thực sự thấu cảm nỗi đau của nhau?”

    kilala.vn

    Ngoài Renoir, một tác phẩm điện ảnh Nhật Bản khác cũng góp mặt tại Cannes năm nay là A Pale View Of Hills của đạo diễn Ishikawa Kei, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ishiguro Shizuo. Phim được chiếu trong hạng mục Un Certain Regard - hạng mục khuyến khích các tài năng trẻ với những tác phẩm mới và đầy táo bạo. 

    Bộ phim đan xen giữa quá khứ ở Nhật Bản thập niên 1950 và nước Anh thập niên 1980, theo chân một nhà văn trẻ người Anh gốc Nhật với kế hoạch viết một cuốn sách dựa trên những ký ức của mẹ mình về thời hậu chiến ở Nagasaki cùng nỗi đau từ cái chết của chị gái. Tác phẩm điện ảnh này đào sâu vào sự đồng cảm với những mất mát, những nỗi đau ám ảnh trong ký ức hậu chiến đang phai nhạt của Nhật Bản.

    Nguồn: Tokyo Weekender

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!