"Kotaro sống một mình": Khi đứa bé 4 tuổi hiểu chuyện hơn cả người lớn
Chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Mami Tsumura, câu chuyện về cậu bé Kotaro 4 tuổi sống một mình trong căn phòng trọ đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ xót xa, thương cảm đến những phút giây ấm áp trong lòng.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.
Khi Netflix ra mắt trailer và poster của “Kotaro sống một mình”, tôi vẫn nghĩ rằng: “Chà, lại là bộ phim mới về chuyến phiêu lưu kỳ thú của cậu nhóc nào đấy mà!”. Trong đoạn clip giới thiệu về series, khán giả chỉ thấy đoạn cậu bé tự xưng tên khi đến nơi trọ mới, và những người lớn hàng xóm đến làm bạn với cậu. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng cậu nhóc này sở hữu năng lực gì đặc biệt lắm.
Cư xử như một người lớn, vì cuộc sống đòi hỏi cậu bé phải như vậy
“Chào chú, cháu là Kotaro sống ở phòng 302. Rất vui khi được biết chú” - Kotaro vừa cất lời chào họa sĩ Shin Karino, hai tay cầm hộp khăn giấy tặng anh.
Ngay từ chi tiết đầu tiên, tôi đã phải thốt lên: “Sao mà thằng bé hiểu chuyện đến thế”, vì chẳng đứa trẻ hồn nhiên nào lại có thể mang món quà là một đồ dùng sinh hoạt đi tặng người hàng xóm cả. Thông thường, khi một gia đình dọn đến chỗ ở mới, người lớn sẽ mở lời trước. Đằng này lại là một cậu nhóc 4 tuổi, nói bằng ngôn từ mạch lạc của người đáng tuổi cha mẹ mình.
Kotaro không có cha mẹ đi cùng, cậu phải tự lo cho chính mình. Gia đình của Kotaro chính là cậu, và cậu bé có một khoản tiền trợ cấp dư dả để chi trả chi phí hằng ngày như một người lớn thực thụ.
Mười phút đầu của tập một đã đánh đổ những nhìn nhận của khán giả về series phim: rằng đây không phải là cuộc dạo chơi kỳ thú của trẻ thơ, mà là về một cậu bé học cách sinh tồn giữa thế giới người lớn phức tạp, một mình.
Kotaro không cần lên rừng xuống biển để khai phá sự dũng cảm bên trong mình. Tự việc cậu đương đầu với mọi thứ trong căn phòng không người đã chứng tỏ tinh thần mạnh mẽ nhất.
Họa sĩ Mami Tsumura đã phác họa một đứa trẻ có tạo hình khác biệt với những hình mẫu trẻ em thường thấy trong các bộ phim hoạt hình. Kotaro sở hữu tỉ lệ chuẩn của một đứa trẻ con để khán giả cảm thấy đủ dễ thương, nhưng đôi mắt của cậu tạo cảm giác vô hồn. Xuyên suốt phim, người xem không biết được rõ cảm xúc của Kotaro qua biểu cảm đôi mắt, giọng nói và cử động cơ thể.
So với những đứa trẻ học chung mẫu giáo, cậu nhóc 4 tuổi sở hữu sắc thái khác biệt hẳn - từ âm sắc giọng nói luôn đều đều, không lên xuống giọng để thể hiện niềm vui hay nỗi buồn, cũng không bao giờ mở miệng to khóc váng lên.
Cả khi Kotaro bên cạnh thứ làm cậu thích thú, tuyệt nhiên em không nở nụ cười tươi. Điều này khiến khán giả cảm thấy tò mò, cuốn hút, vì thật khó để biết khi nào chú bé này thể hiện cảm xúc thực sự, hay vòi vĩnh mè nheo với những người lớn xung quanh.
Kể cả khi đó là một đòi hỏi với người lớn, lời cậu nói với người hàng xóm, nhân viên an sinh xã hội cũng là một yêu cầu mang tính khẩn nài. Trong nhiều tập phim, Kotaro còn đóng vai trò là người đưa lời khuyên cho họ, hay làm chỗ dựa cảm xúc mỗi khi ai đó tuyệt vọng.
Những đoạn đối thoại tuy ngắn nhưng đủ khiến khán giả đau lòng, vì để đứa trẻ có thể nói chuyện với một người lớn như cách hai người trưởng thành bầu bạn với nhau, không biết nó đã phải trải qua đau thương nhiều như thế nào.
Với "Kotaro sống một mình", ám ảnh nhất với tôi không phải là lúc hé lộ hoàn cảnh đen tối của gia đình cậu, mà là đôi mắt và khuôn miệng không bao giờ mỉm cười. Xen kẽ với những khoảnh khắc xử sự như người lớn là giây phút hồn nhiên, ngây thơ của Kotaro. Tuy nhiên, chúng vẫn không khơi gợi cảm giác sảng khoái, vui tươi, mà để làm bật lên sự cô đơn của cậu bé.
Phân đoạn khác không khỏi khiến khán giả thấy nhói lòng là ở tập 8. Trong một cuộc dạo chơi trong rừng, Kotaro thấy hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng khóc váng lên. Đi bộ một lúc, cậu phát hiện người anh trai độ tuổi tiểu học đang ngồi một mình nhâm nhi thức ăn. Khi cậu nhóc 4 tuổi trách móc người anh, cậu bé kia khóc nấc vì áp lực phải làm cha mẹ cho hai đứa em của mình.
Phân cảnh ấy khiến chúng ta không khỏi xót xa cho những đứa trẻ chưa thực sự sẵn sàng để làm "cha mẹ", nhưng hoàn cảnh ép buộc chúng phải làm thế. Những đứa trẻ như vậy được gọi bằng thuật ngữ "young carer", và đây cũng là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Nhật Bản hiện đại, khi nhiều đứa trẻ phải mang vác gánh nặng của trách nhiệm ở lứa tuổi vô tư, hồn nhiên.
“Kotaro sống một mình” phản ánh một hình mẫu trong sang chấn tâm lý tuổi thơ - phụ huynh hóa (parentification). Trong parentification, đứa trẻ phải đóng vai trò làm người cha hay người mẹ ngược lại với người nuôi dưỡng nó. Những đoạn phim rất ngắn hé lộ về nguyên nhân khiến Kotaro phải sống một mình cho thấy cậu phải làm chỗ dựa về mặt cảm xúc (phụ huynh hóa cảm xúc) cho cả cha mẹ ruột.
Trong những cảnh ấy, khán giả chỉ lắng nghe tiếng khóc bất lực và sự thờ ơ đáng sợ của người mẹ, hay lời nài nỉ đến tột cùng của người cha vũ phu. Những khi ấy, ta thấy Kotaro xuất hiện trong khung hình một cách mờ nhạt, nhỏ bé. Sau cùng, cậu phải làm phụ huynh của chính mình, kể cả khi những hàng xóm tốt bụng thay phiên đưa Kotaro đến trường.
Khi những người lớn không hoàn hảo tìm thấy nhau
Trong “Kotaro sống một mình”, khán giả vẫn cảm thấy ấm lòng vì cậu bé cuối cùng đã không một mình. Cậu nhóc nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ tất cả mọi cư dân trong xóm trọ. Tuy nhiên, mỗi tập lại hé lộ từng nỗi niềm riêng mà những người trưởng thành phải vật lộn hằng ngày. Sự xuất hiện của Kotaro như tia sáng rọi vào góc tối mà họ không dám nói ra.
Điểm đặc biệt ở những nhân vật này là họ ở độ tuổi tầm 30. Kể cả khi ở cột mốc được coi là chững chạc, vững vàng khi đưa ra những quyết định cuộc đời, chính họ vẫn còn khủng hoảng với các mối quan hệ phức tạp, những vất vả mưu sinh và sang chấn tuổi thơ.
Đó là một người đàn ông với vẻ ngoài giống yakuza đau đáu vì không được gặp đứa con trai nhỏ sau khi trải qua cuộc ly hôn. Hay cô gái làm việc mệt nhoài ở hộp đêm để có tiền chu cấp cho gã bạn trai ăn bám.
Với những người lớn này, họ được xem là những kẻ “lép vế”, ít có tiếng nói trong xã hội. Mỗi người có một cách phản ứng khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên sự tử tế khi cùng cố gắng bảo vệ Kotaro. Tuy nhiên, chính cậu bé cũng giúp họ giải quyết những bế tắc hằng ngày mà họ vẫn ray rứt.
Có thể nói, “Kotaro sống một mình” đã cho thấy một góc nhìn chân thực về những người lớn: họ tuy lớn về thân xác, nhưng chưa chắc trưởng thành bên trong tâm hồn. Người lớn cũng yếu đuối, mệt mỏi, thậm chí còn không dũng cảm như trẻ con.
Có một câu thoại khiến tôi nhớ mãi: “Dù mình có chăm sóc cậu bé tốt đến đâu, cũng không thể bằng cha mẹ tự tay chăm sóc.” Nhưng, chính người lớn còn không chịu trách nhiệm với mạng sống họ mang nặng đẻ đau, thì làm sao tự tay chăm sóc tốt con mình được?
Xem xong anime, đừng bỏ qua live-action năm 2021!
Trước series anime hiện đạt nhiều lượt xem trên Netflix, đài TV Asahi từng mua lại bản quyền của bộ truyện và chuyển thể thành phiên bản live-action năm 2021. Cậu bé Kotaro do diễn viên nhí Eito Kawahara thủ vai, còn Yu Yokoyama vào vai nhân vật họa sĩ Karino. Nếu muốn xem lại câu chuyện về Kotaro thì đừng bỏ qua nhé!
Nội dung nguyên tác được giữ nguyên, tuy nhiên cậu bé Kotaro trong phiên bản live-action có phần “cưng xỉu” hơn nhờ gương mặt bụ bẫm và đôi mắt có hồn cùng phần tóc mái được cắt bằng dễ thương. Bên cạnh đó, những mảng màu xanh lá trong cuộc sống hằng ngày tạo cho khán giả cảm giác dễ chịu, thư thái và chân thật. Nhận được số điểm 8.5/10 từ IMDb, đây chắc chắn là một bộ phim đáng để xem.
Hiện cả phiên bản anime và live-action của "Kotaro sống một mình" đều có mặt trên Netflix.
kilala.vn
04/04/2022
Bài: Vĩnh Anh
Ảnh: wallpapercave.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận