Bộ phim Nhật do AI viết kịch bản tham dự Liên hoan phim ngắn châu Á

    Một bộ phim ngắn do trí tuệ nhân tạo AI viết kịch bản sẽ được giới chuyên môn đánh giá như thế nào? 

    Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng thông minh và tiến sâu hơn vào lĩnh vực sáng tạo, cụ thể là sáng tác kịch bản phim. Bộ phim Nhật đầu tiên do một AI viết kịch bản đã được dựng thành công và chuẩn bị tham gia liên hoan phim (LHP) lớn trong năm nay.

    Kịch bản của bộ phim ngắn dài 26 phút mang tên “Boy Sprouted” (tạm dịch: "Cậu bé nảy mầm") do một AI tên Furukoto "chắp bút" và được đạo diễn bởi Yuko Watanabe. Phim sẽ góp mặt vào danh sách tham dự Liên hoan phim ngắn “Short Shorts Film Festival & Asia” (SSFF & ASIA), một trong những LHP lớn nhất của khu vực châu Á. Được biết chủ đề LHP năm 2022 là “Meta Cinema”. 

    phim ngắn boy sprouted
    Cảnh phim "Boy Sprouted". Ảnh: Kyodo 

    Nội dung phim xoay quanh một cậu bé không thích cà chua, do vậy người mẹ phải tốn rất nhiều công sức để buộc cậu ăn chúng. Nhưng bà lại chẳng hề hay biết nguyên do chính là bởi sau lưng cậu bé có một cây cà chua đang mọc lên. Ý tưởng này do chính AI Furukoto tự mình nghĩ ra.

    Được phát triển bởi start-up Nhật Bản Ales Inc., Furukoto sáng tạo kịch bản dựa trên cấu trúc "Khởi, Thừa, Chuyển, Kết” (Ki-sho-ten-ketsu), hay chính là "Khai, Thừa, Chuyển, Hợp" mà chúng ta đã quen thuộc. Đây là cách triển khai nội dung phổ biến của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. 

    Cái tên Furukoto của AI xuất phát từ một từ tiếng Nhật cổ có nghĩa là “câu chuyện”. Furukoto sáng tạo ra kịch bản bằng cách lựa chọn những câu thích hợp từ một số lượng lớn các câu tiềm năng bằng công nghệ độc quyền “P-S-L” do đội ngũ Ales phát triển.

    Công nghệ P-S-L viết tắt từ “Plotline graph – Sơ đồ cốt truyện”, “Sentiment analysis – Phân tích cảm xúc” và “Logline – Bản tóm tắt nội dung câu chuyện”. Công nghệ này tạo ra kịch bản sau khi đánh giá 3 yếu tố trên bằng nhiều thuật toán hết sức phức tạp. Nó sử dụng mạng nơ-ron hồi quy gọi là LSTM (bộ nhớ dài-ngắn hạn) để tạo ra các câu mẫu. 

    Hiện tại, Furukoto có thể sáng tạo kịch bản dài khoảng một trang A4 từ một câu tóm tắt ngắn gọn khoảng 60 ký tự về câu chuyện, tương đương độ dài cần cho một phim ngắn có thời lượng 30 phút. 

    SSFF & ASIA 2021 tại Tokyo
    SSFF & ASIA năm 2021 được tổ chức vào ngày 21/06 tại Tokyo. Ảnh: prnewswire.com

    Theo đạo diễn Watanabe và nhà sản xuất Hiroki Tawada (cũng là Trưởng dự án phát triển Furukoto), mặc dù hệ thống AI Furukoto đã phát huy tối đa sức sáng tạo khi viết kịch bản “Boy Sprouted”, nhưng độ chi tiết của kịch bản vẫn không thể so sánh với kịch bản do con người viết. 

    Nhà sản xuất Ryohei Tsutsui cho biết, “Boy Sprouted” cũng là một dự án nghiên cứu và phát triển để xem xét tính hiệu quả của kịch bản do AI sáng tạo, chỉ với một chút điều chỉnh từ đạo diễn. 

    Ryohei Tsutsui, Giám đốc công ty sản xuất phim Trixta Co., chia sẻ: “Đó là thử thách lớn khi phải chuyển đổi một kịch bản chưa hoàn thiện thành một bộ phim. Đạo diễn cũng như đoàn làm phim đã gặp nhiều khó khăn bởi kịch bản chưa chi tiết”. 

    Để tránh kịch bản do AI viết còn sơ sài, Watanabe đã trao đổi với đoàn làm phim bằng cách sử dụng storyboard hơn là dựa vào kịch bản. Bà cũng chỉ chọn thêm vào các đoạn hội thoại không làm thay đổi nội dung cũng như không khí của cảnh phim. Những khoảng lặng kéo dài trong “Boy Sprouted” tạo ra bầu không khí kỳ quái nên có thể xếp nó vào dòng phim kinh dị. 

    đội ngũ làm phim boy sprouted
    Từ trái sang phải: nhà sản xuất Hiroki Tawada, đạo diễn Yuko Watanabe và nhà sản xuất Ryohei Tsutsui. Ảnh: Kyodo 

    Mặc dù tính đến nay, đã có một số phim ngắn được sản xuất từ kịch bản của AI nhưng Hiroki Tawada cho biết “Boy Sprouted” là bộ phim Nhật Bản đầu tiên được viết bởi trí tuệ nhân tạo. Ông cũng nói thêm: “Những bộ phim trước đây có cốt truyện chưa mạch lạc nhưng vẫn có điểm hấp dẫn riêng vì được viết bởi AI".

    Trước đó, vào năm 2016, phim ngắn khoa học viễn tưởng “Sunspring” của Hoa Kỳ với kịch bản do AI Benjamin sáng tạo đã được ra mắt với thời lượng dài 9 phút. Tuy nhiên, trong khi các diễn viên thể hiện vai diễn của họ một cách thuyết phục và gây xúc động, thì phần lớn các đoạn hội thoại lại tối nghĩa. 

    Theo chia sẻ từ Hitoshi Matsubara, nhà nghiên cứu AI hàng đầu đã sáng lập Ales vào năm 2018, AI Furukoto dựa trên mô hình biến đổi AR sẽ sớm ra mắt kịch bản tiếp theo sau "Boy Sprouted". Matsubara hài hước cho biết: “Giấc mơ của công ty là thắng giải Oscar”. 

    Furukoto vẫn chưa thể viết thoại một cách mượt mà, nhưng các nhà phát triển đang nỗ lực để thiết kế thêm tính năng này, bên cạnh khả năng sáng tạo ra kịch bản đủ dài để làm thành phim dài tập. 

    [subscribe]

    Matsubara cũng cho rằng, một ngày nào đó AI sẽ đạt được sức sáng tạo ngang với con người, nhưng có thể vẫn tồn tại sự khác biệt: “Con người luôn có thứ gì đó muốn thể hiện, nhưng AI và máy tính lại không có điều gì muốn nói. Con người thường rung động trước niềm đam mê của người sáng tạo, nhưng điều này lại thiếu vắng trong các tác phẩm do AI viết ra”. 

    Tuy vậy, “Boy Sprouted” là một minh chứng rõ nét cho những gì Furukoto đã đạt được trong 4 năm phát triển, khởi đầu cho việc ứng dụng AI trong ngành giải trí. Watanabe chia sẻ: “Thông qua bộ phim, tôi hy vọng mọi người cảm nhận được rằng không có giới hạn nào cho những lựa chọn trong cuộc sống”. 

    kilala.vn

    28/04/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!