
YOSAGO: Luồng gió phóng khoáng, vui tươi của Yosakoi Sài Gòn
“Cùng nhảy và cùng cười với nhau!” – slogan của YOSAGO dường như gói gọn những ấn tượng ban đầu, cũng là những gì thu hút chúng ta nhất khi chiêm ngưỡng điệu nhảy Yosakoi: mọi người cùng nhau nhảy múa, và gương mặt thì bừng sáng nụ cười.
Dù không có bề dày lịch sử hàng trăm năm như các vũ điệu truyền thống của xứ Phù Tang, Yosakoi lại thu hút số lượng Odoriko (người nhảy) vô cùng đông đảo. Ở bên ngoài Nhật Bản, có lẽ cũng không điệu nhảy nào lại được nhiều người ngoại quốc tập luyện, biểu diễn đến vậy.
Yosakoi ở Việt Nam cũng đã có một hành trình gần hai thập kỷ, ngày càng lớn mạnh với sự ra đời của nhiều đội nhóm tại các thành phố lớn trên cả nước. Trong đó, một cái tên quen thuộc chính là YOSAGO – được biết đến là “anh cả” của cộng đồng Yosakoi Sài Gòn. Hiện YOSAGO là CLB thành viên của Hội Hữu Nghị Việt – Nhật Tp. Hồ Chí Minh, và trong tháng ba vừa qua đã có các màn biểu diễn thành công tại Lễ hội Việt – Nhật lần thứ 10, Lễ hội Tokyu Japan Festival – Bình Dương.
Kilala đã có cơ hội trò chuyện cùng anh Đức (Kashi) – leader hiện tại của đội về câu chuyện hình thành và phát triển của YOSAGO.

“Cùng nhảy và cùng cười với nhau!”
Động lực nào đã khiến các thành viên của YOSAGO bắt đầu hành trình này?
Yosakoi được biết đến rộng rãi lần đầu tiên ở lễ hội Hoa Anh Đào 2008 tại Hà Nội. Đầu tháng 11/2008, nhân dịp chị Thùy (thành viên đội Hà Nội Sennen Yosakoi - HSY) vào Nam công tác giới thiệu về Yosakoi, anh Trí (hay các bạn trong cộng đồng Yosakoi hay gọi là anh Ben) đã mạnh dạn đứng ra thành lập đội Yosakoi Sài Gòn, lấy tên là YOSAGO, gồm những bạn đến từ diễn đàn yêu văn hóa Nhật. Đây cũng có thể coi là một sự kiện offline của các bạn tại thời điểm này.
YOSAGO là tên viết tắt của Yosakoi Sài Gòn (YOsakoi SAi GOn).
Bước đầu luyện tập, biên đạo bài nhảy, chuẩn bị phục trang và đạo cụ... đều do các thành viên tự mày mò tìm hiểu, hay YOSAGO có nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nào không?
Thực ra mình là thành viên vào đội từ năm 2011 nên không được trải nghiệm, cũng như biết được hết khó khăn từ những ngày đầu của YOSAGO. Những hoạt động trước đó thì mình nắm được chút ít từ các thành viên đi trước.
Năm 2009, YOSAGO thiết kế và cho ra đời những chiếc naruko* handmade đầu tiên tại Việt Nam, do chính anh Ben tự tay làm cho từng thành viên thân yêu của đại gia đình YOSAGO. Việc tập luyện cũng là tự các bạn mày mò, tìm hiểu cùng nhau qua các clip trên YouTube. Đến trang phục cũng là mọi người cùng nhau mua vải, cắt may gia công rồi tự mang đi in.
Mình nghĩ khi đó khó khăn nhất là không thể vừa xem clip vừa tập luyện được, cũng không có loa bluetooth mà phải dùng chiếc cát-xét và đĩa CD để phát nhạc.
*Naruko là vật bằng gỗ, có cán cầm, phía trên có 3 thanh gỗ nhỏ để khi lắc phát ra tiếng kêu. Đây là đạo cụ quan trọng trong điệu nhảy Yosakoi.
Vậy nếu nói về một cột mốc đặc biệt trong hành trình của YOSAGO, theo Kashi đó là gì?
Một điểm mốc quan trọng cho sự trưởng thành của nhóm là vào dịp Genki Matsuri 2012, YOSAGO đã chính thức trình diễn bài Yosakoi Kaze Hatake (Đồng Gió) do chính thành viên của đội tự biên động tác theo lời nhạc từ phía Nhật Bản gửi tặng. Sau Hanoi Sennen Yosakoi (HSY), YOSAGO tự hào là đội thứ hai tại Việt Nam có bài nhảy riêng.

Vì sao mọi người lại nhảy Yosakoi? Có phải là vì một thứ cảm xúc “đặc biệt” nào đó?
Mình nghĩ mọi người nhảy Yosakoi đơn giản vì muốn có một nơi để hoạt động sau những giờ làm việc, học tập. Được nhảy, được cười chung với nhau là một cách xả stress hiệu quả. Và hơn hết Yosakoi là một bộ môn đề cao tính tập thể, những kết nối về cảm xúc của nhiều người với nhau đã tạo nên niềm yêu thích đặc biệt của từng cá nhân với Yosakoi.
Bọn mình hướng đến biểu tượng về một luồng gió phóng khoáng, mạnh mẽ, vui tươi trong cộng đồng Yosakoi Sài thành. “Cùng nhảy và cùng cười với nhau!” chính là slogan của đội, với mong muốn tất cả mọi người, từ những Odoriko cho đến khán giả đều tận hưởng được không khí lạc quan mà điệu nhảy mang lại.
Được biết đội đã có khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động. Điều gì đã thôi thúc các thành viên quay trở lại, và Kashi trở thành người anh lớn tiếp theo của YOSAGO?
Năm 2019, đội trải qua một bước ngoặt lớn, vì dịch COVID-19 cũng như công việc cá nhân của từng bạn mà phải ngưng hoạt động gần 3 năm. Sau đó, vì tình yêu đối với Yosakoi vẫn còn cháy, những thành viên còn lại của đội đã một lần nữa tập hợp lại để hồi sinh YOSAGO.
Không có một quyết định chính thức nào về việc mình tiếp nối anh Ben dẫn dắt đội cả. Các thành viên chỉ đơn giản là tại thời điểm đó đã tin tưởng vào những quyết định của mình và làm theo, rồi dần dần mình trở thành đại diện cho đội lúc nào không hay.
Hiện tại YOSAGO có bao nhiêu thành viên? Mọi người thường tập luyện và sinh hoạt như thế nào?
YOSAGO hiện tại có 15 thành viên thường trực, độ tuổi chủ yếu là cuối 8x trải dài đến đầu và giữa 9x. Thành viên nhỏ nhất sinh năm 2004. Tất cả các bạn đều có công việc riêng nhưng mỗi tuần sẽ tập với nhau vào chiều Chủ nhật, nếu có dự án lớn hoặc chuẩn bị đi diễn thì sẽ tập thêm 1 hoặc 2 ngày trong tuần.
Tình yêu với Yosakoi chính là thứ gắn kết mọi người với nhau vì dù bận rộn cỡ nào, các bạn cũng cố gắng dành ra một buổi trống cuối tuần để đi tập.

YOSAGO của hiện tại có phong cách như thế nào? Phong cách này được định hình từ đầu hay đã trải qua những sự thay đổi?
Hiện tại YOSAGO theo đuổi phong cách vui tươi, vũ điệu sôi động. Phong cách này hình thành khi mình bắt đầu biên đạo các bài diễn của đội. Trước kia thì những leader khác của đội biên đạo theo một phong cách “ngầu” hơn, mạnh mẽ hơn, ví dụ như Juunin Toiro, Kokushimusou. Sự thay đổi này chỉ đơn giản là do gu mỗi người khác nhau.
Mình thích những bài nhạc có tiết tấu nhanh, mang những màu sắc âm nhạc vừa truyền thống vừa hiện đại, hoặc là kết hợp những chất liệu Việt Nam, có thể thấy trong các bài diễn gần đây của đội như Isshokenmei, Yosakoi Eisa Ryukyu Ou, Sài Gòn Đẹp Lắm và Lý Kéo Chài.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc kết hợp các chất liệu văn hóa Việt Nam vào bài nhảy Yosakoi?
Trước khi dịch COVID ập tới thì đội đã có chuẩn bị cho một bài Yosakoi mang âm hưởng Việt Nam là Thái Điểu, được lấy cảm hứng từ câu truyện cổ tích Công và Quạ nhưng đến nay vẫn còn đang ấp ủ.
Tuy nhiên, sau khi đội hoạt động trở lại sau 3 năm tạm ngưng thì bài diễn đầu tiên của YOSAGO là Sài Gòn Đẹp Lắm (Xin phép từ TRAMOM) và năm nay là Lý Kéo Chài (Xin phép từ họa sĩ Huỳnh Thái Ngọc, tác giả của Thỏ Bảy Màu).
Với Sài Gòn Đẹp Lắm, bên mình chọn kết hợp cổ áo sơ mi, mũ nồi, dây nịt để tái hiện một phần thời trang cổ điển của Sài Gòn ngày xưa. Về Lý Kéo Chài, mình chọn dùng áo bà ba, khăn rằn và song lang, là những đặc trưng của miền Tây Nam Bộ để hợp với concept của bài nhạc.
Bọn mình cũng có kế hoạch cho ra mắt Thái Điểu - Irodori đã ấp ủ bấy lâu nay. Hy vọng đội sẽ có thể cho ra mắt bài diễn này trong tương lai gần.
Một cộng đồng gắn kết và lan tỏa
Đội có thường xuyên giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các đội Yosakoi trong và ngoài nước không?
YOSAGO thường xin bản quyền bài diễn từ đội Zokkon Machida ’98 từ thành phố Machida, Nhật Bản. Đây cũng là đội Yosakoi có ảnh hưởng lớn đến phong cách động tác của bên mình. Ngoài ra, các đội Yosakoi ở Hà Nội cũng truyền cảm hứng cho YOSAGO rất nhiều về việc đưa chất liệu Việt Nam vào bài diễn Yosakoi.
Tại Việt Nam, cộng đồng Yosakoi đã có sự phát triển như thế nào trong những năm qua? Liệu có sân chơi nào để các đội có thể giao lưu, gặp gỡ?
Cộng đồng Yosakoi ở Việt Nam khá phát triển, hầu như mỗi năm đều có những đội mới xuất hiện, đặc biệt là khu vực Hà Nội với sự đông đảo của gần 20 đội Yosakoi. Thường niên sẽ có các lễ hội Yosakoi tập trung các đội lại với nhau để giao lưu trong vòng 2 ngày với 6 lần biểu diễn dành cho mỗi đội.
Những năm gần đây, nhiều đội từ Nhật Bản, cái nôi của Yosakoi, đã chú ý đến các lễ hội Yosakoi tại nước ta và số lượng các đội Nhật Bản đến Việt Nam cũng ngày càng đông hơn. Tuy nhiên các sân chơi đều tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc nên mình mong là sau này sẽ có nhiều hơn những cơ hội dành cho các đội ở khu vực phía Nam.
Mọi người có nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức Nhật Bản hoặc các đơn vị khác không?
Nhiều đội Yosakoi tại Việt Nam đã được các đại diện của phía Nhật Bản hỗ trợ rất nhiều khi đăng ký tham dự lễ hội tại Kochi, Tokyo hoặc Hokkaido. Cũng như việc các đội Yosakoi từ Nhật cho phép Việt Nam sử dụng các bài diễn mà không thu phí bản quyền. Đó chính là những sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn mà phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Ngoài ra, từ phía Việt Nam cũng có các đơn vị, ban tổ chức sẵn sàng tạo ra những sân chơi, luôn hỗ trợ để các đội trình diễn tốt nhất trên sân khấu.
Vậy theo anh, điều gì có thể giúp Yosakoi phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam trong tương lai?
Mình nghĩ đó là quảng bá và truyền thông. Đây là một bộ môn đặc thù cần nhiều người tham gia, càng đông thì càng vui, âm thanh naruko càng rộn ràng hơn. Bên cạnh đó, việc có tài trợ hoặc hỗ trợ về âm nhạc, biên đạo cũng khá quan trọng bởi lẽ việc làm nhạc, trang phục hoặc biên đạo nếu đi thuê sẽ rất tốn kém. Nếu có sự hỗ trợ từ các chuyên gia về biên đạo cũng như âm nhạc thì Yosakoi Việt Nam sẽ có một bước tiến lớn.
Chân thành cảm ơn anh và YOSAGO. Chúc mọi người sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Yosakoi đến cộng đồng!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận