Tiger Nguyễn: “Nghề BrSE không khó, nhưng phải kiên trì”

    Bắt đầu công việc kỹ sư cầu nối như một cái duyên, sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Văn Trọng (Tiger Nguyễn) đã trở thành một người anh tin cậy của những bạn trẻ đang trên con đường chinh phục ngành nghề này.

    Kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer - BrSE), một nghề nghe vừa quen lại vừa lạ! Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, “BrSE” đã trở thành một từ khóa “hot” trên các trang tuyển dụng việc làm đối với những ứng viên có xuất thân IT và sở hữu kỹ năng tiếng Nhật bởi mức lương vô cùng hấp dẫn và nhiều cơ hội làm việc tại Nhật Bản.

    Để mang đến cái nhìn tổng quát về khái niệm “kỹ sư cầu nối”, những yêu cầu cùng triển vọng của ngành nghề này trong những năm tới, Kilala đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Trọng, một “senpai” giàu kinh nghiệm và hiện đang sinh sống tại đất nước mặt trời mọc.

    kỹ sư cầu nối Nguyễn Văn Trọng

    Anh Nguyễn Văn Trọng là một "senpai" lão làng trong nghề kỹ sư cầu nối.

    Anh Trọng, hay Tiger Nguyễn, có lẽ là cái tên không còn xa lạ đối với cộng đồng BrSE Việt Nam bởi nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực với tư cách là một đồng nghiệp - người đi trước. Blog Ký sự BrSE, nơi anh chia sẻ những kinh nghiệm “xương máu” được đúc kết qua nhiều năm làm việc đã trở thành một cổng kết nối các BrSE và cả những bạn trẻ đang tìm hiểu, mong muốn dấn thân vào lĩnh vực này.

    Q: Chào anh Trọng! Trước tiên, anh có thể giới thiệu đôi điều về bản thân với độc giả Kilala được không?

    A: Chào bà con, mình tên là Trọng, thường được gọi với nickname Tiger Nguyễn. Mình là người có chút ít kinh nghiệm trong nghề kỹ sư cầu nối (BrSE), admin của blog Kysubrse - nơi mình chia sẻ những hiểu biết của bản thân về ngành nghề này.

    Sau một thời gian dài “chinh chiến” ở các dự án lớn nhỏ, thành có, bại có, trải qua vài lần chuyển từ các tập đoàn to đùng tới các công ty bé xíu, nay mình đang cùng các anh em chiến hữu xây dựng VHEC, một công ty chuyên về phát triển phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin. Hiện mình là người chịu trách nhiệm đầu cầu Nhật.

    Thực sự mình rất vui và bất ngờ khi nhận được lời mời phỏng vấn từ trang tin tức uy tín Kilala.

    Q: Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và đã bén duyên với nghề kỹ sư cầu nối hơn 10 năm, cơ duyên nào khiến anh chọn và gắn bó với nghiệp BrSE thay vì các công việc khác cũng thuộc chuyên môn IT?

    A: Thực sự nói cố ý theo đuổi thì không phải, đúng ra là “dòng đời đưa đẩy”. Thời đấy thị trường Nhật bùng nổ, mô hình “SE (System Engineer - Kỹ sư hệ thống) + Comtor (Phiên dịch)” bị lỗi thời và lộ ra nhiều nhược điểm.

    Các lãnh đạo cần người “2 in 1”, tức một kỹ sư hệ thống giỏi tiếng Nhật. Mình là đứa “giỏi” nhất trong đám ngáo ngơ mới ra trường vì suýt có… 4kyu (tương đương N5 hiện tại) và đã học hết… 45 bài Minano Nihongo vỡ lòng! Vậy là được cất nhắc cho đi học lên N2.

    Tiger Nguyễn chủ nhân blog kysbrse

    Trải qua 7 tháng ròng rã, mình cũng gọi là nghe hiểu được đôi chút, khi nói thì kèm với cử chỉ tay chân cũng khiến người ta gật gù. Thực ra tới giờ mình cũng không rõ các bác Nhật lúc ấy có hiểu hay không. Vậy là mình thành BrSE, mặc dù miễn cưỡng nhưng so với mặt bằng thời ấy thì thuộc dạng “dùng được”.

    Tới thời điểm hiện tại, mình đã trải qua 12 năm đi làm, trong đó phần lớn là làm BrSE. Nhưng vì theo thiên hướng kỹ thuật (SE) hơn là cầu nối (Br) nên ngay thời điểm hiện tại mình vẫn có thể đảm nhận được các vai trò khác như Developer, Tester, BA, QA và cả PM.

    Lý do là BrSE như mật thám, bạn sẽ phải cải trang thành bất kỳ nhân vật nào mà khách hàng cần. Và càng làm thì càng thích vì nó vừa khó, vừa kích thích nỗ lực, và cũng mang lại nhiều trải nghiệm cùng cung bậc cảm xúc trầm bổng trong thời gian ngắn, điều mà các công việc khác khó có được.

    Q: Những năm gần đây, lĩnh vực  IT nói chung và BrSE nói riêng đang là những nghề “hot” tại Việt Nam. Tuy nhiên, người ngoài ngành khi nghe đến “kỹ sư cầu nối” có thể vẫn còn cảm thấy khá mơ hồ. Vậy anh có thể chia sẻ khái quát về công việc này với độc giả không? Về cơ bản, nhiệm vụ hàng ngày của một BrSE là gì?

    A: Nói về nghề BrSE (cứ tạm gọi là nghề đi) thì ngay bản thân mình cách đây 6-7 năm về trước, mặc dù đã đảm nhận tới gần 4-5 năm rồi mà vẫn thấy mơ hồ, vì nó quá rộng và rất khó để định nghĩa. Vậy nên mình đã miệt mài viết hàng trăm bài blog để giải mã nó trong vòng… 5 năm.

    Tới 2020 thì cũng đủ để xuất bản cuốn sách nhập môn về BrSE “Ký sự BrSE – Những nẻo đường nghề BrSE”. Chi tiết các bạn có thể tìm blog hoặc sách để đọc.

    Nhân đây mình chỉ khái quát sơ lược như sau:

    BrSE là Br = Bridge + SE = System Engineer

    Trước tiên để trở thành BrSE  thì các bạn phải là một System Engineer – Kỹ sư hệ thống (trong đó đã bao hàm cả Software Engineer – Kỹ sư phần mềm) và tiếp đến mới là Bridge – Cầu nối. Nối hai điểm: Khách – Offshore Team; mọi dòng chảy về nghiệp vụ, kỹ thuật, yêu cầu, mong muốn, quan điểm, cảm nhận… từ hai phía đều phải luân chuyển qua cây cầu này.

    Còn để trở thành BrSE xuất sắc, ngoài việc truyền tải, các bạn còn phải là một “bộ lọc” tốt, để loại bỏ “tạp chất” và cho ra sản phẩm tốt nhất. Ví dụ, dựa theo yêu cầu của khách hàng, bạn phải phân tích, hiểu rồi “chế biến” sao cho Dev (Developer - Lập trình viên) dễ hiểu – hiểu đúng và đủ.

    Còn ngược lại, lúc Dev dùng code để giải thích bug (lỗi) cho khách nghe, mình phải đứng ở vai trò “không biết code vẫn hiểu được”, biến nội dung từ code sang nghiệp vụ – văn bản rồi mới truyền đạt.

    Để trở thành BrSE xuất sắc, ngoài việc truyền tải, còn phải là một “bộ lọc” tốt, để loại bỏ “tạp chất” và cho ra sản phẩm tốt nhất.

    Q: Vậy để trở thành “cầu nối” giữa các bên, một BrSE sẽ cần trang bị cho mình những gì, từ kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và cả về tâm lý để đối phó với áp lực trong ngành nghề này?

    A: Cơ bản của một BrSE là “Tiếng Nhật + Code”. Còn phân tích ra đầy đủ thì như bên dưới.

    • Kỹ năng cứng: Code, Test, Design, Proposal, Estimate, Project Manager…
    • Ngoại ngữ: JLPT N2+, Tiếng Anh đọc hiểu trôi chảy.
    • Kỹ năng mềm: Giao tiếp, tự học, xử lý vấn đề, làm việc nhóm, giải thích – thuyết trình, đàm phán…

    Ngoài ra về tâm lý thì các bạn cũng không cần phải quá lo lắng, cứ bất chấp “làm tới”, nghề sẽ dạy mình biết cần phải làm gì. Nhưng để được chọn và giao trọng trách thì các bạn cần phải kiên trì, trước mắt là tiếng Nhật. Khó thì không khó, nhưng mà dài. Mình phải ngồi 2 năm học từ vựng trong khi bạn bè đi tới tận đâu đâu cảm giác không hề dễ chịu, phải bịt tai che mắt và… tắt Facebook. Nhưng vượt qua được sẽ mở ra cho các bạn một khoảng trời mới với nhiều lựa chọn hơn.

    yêu cầu của một BrSE

    Q: Với nhiều yêu cầu về mặt kỹ năng và kiến thức, vậy thu nhập bình quân của một BrSE thường dao động trong khoảng nào? Liệu mức lương có giúp nghề BrSE thu hút được nhiều nhân tài so với các ngành nghề khác cùng trong lĩnh vực IT không, thưa anh?

    A: Thu nhập của BrSE so với các công việc khác khá cao, tương xứng với nỗ lực họ đã bỏ ra.

    Nếu ở Việt Nam thì sẽ dao động từ 1000 tới 3000 USD/tháng (trên 3000 là vai trò khác, không còn đơn thuần BrSE). Còn ở Nhật thì thu nhập năm sẽ rơi vào khoảng 400 tới 700 man (1 man ~ 2 triệu VND). Mức trung bình của các BrSE 3-5 năm kinh nghiệm hiện tại rơi vào khoảng 450 – 550 man.

    Tính ra thì cao nhưng lại không đủ thu hút, cái khó là không thể trả cao hơn vì cân bằng thu chi/rủi ro. Và để đào tạo ra 1 BrSE làm việc độc lập cần ít nhất 4 năm, trong đó 2 năm học tiếng Nhật/Code, 1 năm học việc, 1 năm Pre-BrSE dưới sự kèm cặp. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn trong thời buổi “giang hồ lướt sóng đu dây” như ngày nay.

    kỹ sư cầu nối brse

    Q: Trong quá trình thành lập và phát triển blog “Ký sự BrSE”, anh có những kỷ niệm nào thú vị muốn chia sẻ cùng độc giả? Lý do nào khiến anh có động lực “dốc hết tâm can” để viết và chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm đến với mọi người như vậy?

    A: Lúc vừa mới làm BrSE mình gặp vô vàn khó khăn, không có bất kỳ một tài liệu tham khảo nào, tìm trên mạng chỉ thấy một vài bài viết… than vãn chứ chưa có ai chia sẻ. Từ đó mình ấp ủ ý định trau dồi kiến thức và ghi chép lại, ai cần thì mình gửi thôi chứ không hề có ý định làm blogger.

    Dần dần, trải qua 4-5 năm, lượng bài viết và lượt view làm ngay cả bản thân mình cũng thấy choáng ngợp vì không ngờ viết nhiều và được đọc nhiều đến vậy. Thời điểm bắt đầu nổi lên vì người ta share nhau trên Facebook, có mấy người còn bảo “viết linh tinh, cái đồ báo lá cải, nghe theo có mà cháy dự án…” nhiều lắm. Nhưng riết thành… quen. Việc chửi là của họ, viết là việc của mình, việc ai người ấy làm, không liên quan.

    Sau này mình cũng thường có những buổi chia sẻ, tọa đàm cho các em mới vào nghề. Dịch COVID-19 nổ ra thì chuyển qua online, đa phần là cái gì biết thì mình nói dựa trên kinh nghiệm thực tế, nên các em cũng chịu khó nghe và làm theo.

    Tất nhiên do là trải nghiệm cá nhân nên mình cũng nhắc các em là có những khi cách xử lý đúng với người này chưa chắc đúng với người khác vì hoàn cảnh, dự án, khách hàng khác nhau, phải tùy cơ ứng biến dựa trên nền tảng vững về kỹ thuật – nghiệp vụ và thái độ cầu tiến.

    Cứ bất chấp “làm tới”, nghề sẽ dạy mình biết cần phải làm gì.

    Q: Anh có thường xuyên nhận được câu hỏi từ các bạn độc giả và kouhai (đàn em) không?

    A: Có, khá nhiều. Đợt đầu thì các bạn hỏi những câu cơ bản như BrSE là gì, công việc làm gì, lương cao không. Còn sau này thì độ khó các câu hỏi tăng dần, như là khách hàng bắt làm code lại theo yêu cầu mới nhưng không trả thêm phí, nếu làm thì phải làm OT không công, không làm thì mất khách, vậy phải xử sao cho khéo. Hoặc như có bug xảy ra, mình đề xuất phương án rất hay nhưng khách không hiểu lắm về code nên không chấp thuận, dùng cách cũ thì phát sinh rất nhiều lỗi, vậy phải thuyết phục họ như thế nào…

    Có thời điểm các bạn hỏi nhiều quá, sâu quá nên mình tổ chức hai đợt nói chuyện. Một đợt là trao đổi 1-1 qua Skype với mấy chục bạn lần lượt, một đợt thì cả bọn chuyện trò rôm rả trên Google Meet, vui lắm!

    Q: Một người có nền tảng về IT sẽ cần trang bị tiếng Nhật thật vững để đảm nhiệm vị trí BrSE, vậy ngược lại, những bạn học ngành tiếng Nhật hoặc có tiếng Nhật tốt cần phải trau dồi những kiến thức chuyên môn nào để có thể theo đuổi công việc này? Theo anh, lợi thế và bất lợi của họ là gì?

    A: Phải học code. Không phải tới mức code siêu, mà ở mức khi người ta nói về các vấn đề kỹ thuật, mình biết để còn truyền đạt lại cho đúng. Bất lợi ở chỗ, kỹ năng code phải có thời gian chín tới 4-5 năm, nên việc học 6 tháng – 1 năm thì mới chỉ ở mức… biết, không thể giỏi ngay được nên những cơ hội BrSE mở đường, tác chiến độc lập các bạn khó đảm nhận được.

    Còn lợi thế của các bạn là tiếng Nhật, hãy phát huy nó một cách hiệu quả, tận dụng lại mô hình cũ SE – Comtor. Nhưng mình khác Comtor ngày xưa ở chỗ “mình biết code”. Vậy nên mô hình mới này sẽ vận hành hiệu quả nếu bạn biết vận dụng sự trợ giúp từ các SE giỏi cộng với nền tảng tiếng Nhật tốt để đào sâu về nghiệp vụ, yêu cầu mà các BrSE yếu tiếng Nhật không thể làm tốt như bạn được.

    ký sự brse những nẻo đường nghề brseAnh Tiger Nguyễn ký tặng sách "Ký sự BrSE – Những nẻo đường nghề BrSE”.
    Q: Anh đánh giá như thế nào về độ khó của tiếng Nhật trong lĩnh vực IT? Người học cần trang bị vốn tiếng Nhật ở trình độ nào mới đáp ứng được yêu cầu từ công việc?

    A: Anh không nghĩ tiếng Nhật IT khó như mọi người nghĩ, phần lớn các từ – thuật ngữ đều được phiên âm từ tiếng Anh, vậy nên với một người học IT thuần túy đã sử dụng thành thạo tiếng Anh trong lĩnh vực IT thì không khó để tiếp cận, lượng từ mới Kanji trong IT không nhiều, trong vài tháng có thể học hết và đọc tài liệu tầm một vài dự án sẽ có thể nắm hết. Vậy nên cái cần là các bạn (Dev) học hết N2, học thêm vài trăm từ tiếng Nhật IT thông dụng là có thể bắt đầu làm Pre-BrSE được rồi.

    Q: Anh nghĩ thế nào về tiềm năng của nghề BrSE trong 5, 10 năm tới hoặc xa hơn?

    A: Dân số Nhật càng già, chắc chắn IT càng phải được số hóa, lượng việc IT càng nhiều nhưng nhân sự trong nước không đáp ứng được, vậy nên trong 5-10 năm nữa, outsource (thuê ngoài, gia công phần mềm) vẫn sẽ đi lên chứ không xuống. Bởi vậy BrSE sẽ ngày càng "hot".

    Nói thì nói vậy, nhưng đòi hỏi dành cho BrSE ngày càng cao, vì giá offshore của Việt Nam ngày càng cao, dẫn tới việc sẽ chảy về các nước khác. Để kéo lại thì cần phải có 2 thứ: một là năng suất, hai là chất lượng để bù cho phần giá cả (trong kiềng ba chân Cost – Quality – Delivery). Và để có được 2 thứ này đòi hỏi BrSE phải kiểm soát cả đầu vào lẫn đầu ra chặt chẽ.

    Mặt khác, công nghệ ngày càng thay đổi và trong tương lai, các BrSE bắt buộc phải giỏi ít nhất một mảng công nghệ nào đó như Cloud, AI, Low-code… hoặc chí ít cũng nắm vững web/win system. Hơn nữa còn phải sâu về ít nhất một mảng nghiệp vụ, ví dụ quản lý sản xuất, bệnh viện, bảo hiểm, quản lý kho, thương mại điện tử… để giúp cho việc phân tích nghiệp vụ, estimate (ước tính), proposal (đề xuất) và cả tạo ra các package giúp tăng chất lượng + năng suất.

    [subscribe]

    Q: Nước Nhật đối với anh là.? Một Nhật Bản khi anh vừa đặt chân đến và một Nhật Bản của hiện tại có điều gì khác biệt, và có điều gì vẫn vẹn nguyên không thay đổi?

    A: Nhật trong anh là xứ sở của phim. Phim hoạt hình và truyện tranh đã đi cùng tuổi thơ của anh. Về sau lúc đặt chân tới đất nước này, điều anh thán phục nhất ở Nhật chính là sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại.

    Shinkansen chạy qua các làng cổ, giữa chốn phồn hoa nhà cao tầng chọc trời luôn hiện diện bóng dáng của các ngôi đền, chùa với kiến trúc xưa. Các phong tục cổ truyền như lễ lạc, trang phục vẫn được lưu giữ tới bây giờ, mặc dù có mai một phần nào nhưng vẫn khá đậm nét. Và đặc biệt tinh thần Samurai vẫn còn trong mỗi con người nơi công sở với các bộ vest lịch lãm bên ngoài.

    ngắm hoa đào tại Funaoka

    Ảnh: Looktarn

    Còn về nước Nhật từ lúc anh tới so với hiện tại thì chỉ có. người già nhiều thêm, chứ ngoài ra không khác gì mấy. Tô ramen hồi xưa 650 yên thì giờ cũng chỉ 670 yên vì thuế tăng từ 5 lên 10%, giả sử thuế không tăng chắc nó cũng vẫn 650 yên. Mùa xuân Sakura, hạ tuylip/ajisai, thu momiji, đông tuyết. Cứ vậy, mùa nào cũng đẹp, không đổi. Hoặc có thể đổi nhưng do anh cắm đầu… code nên không nhận ra.

    Chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala!

    kilala.vn

    26/01/2022

    Bài: kirin
    Ảnh: NVCC

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!