Tabata Tomohiro và “chiếc hộp” tiếng Việt dành cho người Nhật
Trong nhiều năm qua, “Hộp tiếng Việt của Cà Chua” đã trở thành địa chỉ vô cùng hữu ích được nhiều người Nhật đam mê học tiếng Việt tìm đến.
Bén duyên với tiếng Việt được gần 8 năm, anh Tabata Tomohiro cũng tự đặt cho mình một nickname tiếng Việt rất dễ thương là “Cà Chua”. Cùng với cái tên ấy, anh đã lập ra website và kênh youtube “Hộp tiếng Việt của Cà Chua”, hướng tới mục tiêu dạy tiếng Việt trực tuyến và chia sẻ nhiều thông tin tiếng Việt cho người Nhật.
Với phong cách dạy dí dỏm, mở đầu bằng câu “Xin chào, mình là Cà Chua tươi ngon” cùng phát âm không khác gì người bản xứ, anh Tomohiro biến những cấu trúc ngữ pháp, từ vựng phức tạp thành các video ngắn trung bình khoảng 5 phút trên kênh Youtube, giúp người Nhật tiếp cận tiếng Việt một cách dễ hiểu nhất và có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Còn với website, các bài học sẽ đi từ tổng quát đến chi tiết từng ngóc ngách trong tiếng Việt với các nội dung như phương pháp học, phát âm, ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu, giao tiếp, luyện thi thử.
Là một người Việt chính gốc, bạn có phân biệt được chính xác cách sử dụng “ba năm sau” và “sau ba năm”? Hay cụm “máy bay bà già” trong tiếng Nhật được diễn đạt như thế nào? Những kiến thức cụ thể và có tính ứng dụng cao như các ví dụ trên, người học đều có thể tìm thấy ở blog của Cà Chua. Đồng thời, là một “phượt thủ” chính hiệu với nhiều lần đi xuyên Việt, các bài viết về trải nghiệm du lịch của anh cũng trở thành “cầu nối”, đưa người đọc khám phá thêm nhiều khía cạnh thú vị về văn hóa, con người Việt Nam.
Vừa qua, Kilala đã may mắn có dịp được nghe anh Tabata Tomohiro chia sẻ về “Hộp tiếng Việt của Cà Chua” cùng những kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ của anh trong hành trình gắn bó với tiếng Việt và đất nước Việt Nam.
Học tiếng Việt vì muốn nhìn thấy nụ cười của người Việt
Có lẽ vì là một người mê phiêu lưu và khám phá, dù sinh ra và lớn lên ở Tokyo nhưng Tomohiro lại chọn theo học tại Đại học Ryukyu, tỉnh Okinawa. Thời gian đầu nhập học, phải đăng ký môn ngoại ngữ thứ hai, anh đã rất phân vân giữa một số tiếng trong chương trình như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt.
Khi ấy, một senpai (đàn anh khóa trên) đã khuyên anh rằng: “Môn tiếng Việt có thầy dạy rất hay, thú vị và dễ lấy tín chỉ nữa, nếu không biết chọn môn tiếng nào thì cứ chọn tiếng Việt đi nhé!”. Cũng nhờ vậy mà anh bén duyên với tiếng Việt. Và đúng như lời senpai nọ, Tomohiro đã rất hài lòng với quyết định của mình: “Thầy giáo rất vui tính, dí dỏm, nhiệt tình dạy cả tiếng Việt lẫn văn hoá, lịch sử, con người Việt Nam nên nhiều học trò của thầy ngày càng quan tâm đến đất nước Việt Nam”.
Vào năm 2 Đại học, anh có cơ hội đi thực tập ở Tp. Hồ Chí Minh trong 10 ngày theo chương trình phái cử của tỉnh Okinawa. Trong chuyến thực tập, có một sự kiện giao lưu với các sinh viên của trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tại đây, anh Tomohiro đã giới thiệu bản thân bằng vốn tiếng Việt vẫn còn hạn chế của mình. Nhưng bất ngờ là anh đã nhận được những tràng pháo tay lớn và nhiều lời cổ vũ, khen ngợi từ các bạn sinh viên người Việt. Cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, Tomohiro bắt đầu nhen nhóm ước muốn học thật nhiều tiếng Việt để được nhìn thấy ngày càng nhiều người Việt cười vui vẻ khi nghe anh nói ngôn ngữ bản xứ. Sau khi kết thúc 10 ngày thực tập, anh quyết định sẽ du học ở Việt Nam trong 1 năm, mở ra cơ duyên sâu đậm giữa chàng trai người Nhật với đất nước hình chữ S.
Khó nhất là phát âm tiếng Việt
Nói về hành trình chinh phục tiếng Việt, anh Tomohiro chia sẻ: “Tôi nghĩ ngữ pháp tiếng Việt không khó lắm vì tiếng Việt là loại hình đơn lập, tức là không có hình thái và từ ngữ không bị biến dạng như tiếng Nhật. Với ngữ pháp, tôi có thể tự học được bằng sách tiếng Việt. Tôi cảm thấy khó nhất là phát âm bởi có đến 6 thanh điệu, nhiều nguyên âm, phụ âm đầu và phụ âm cuối mà trong âm tiếng Nhật không có. Nhiều người Nhật bỏ học tiếng Việt trong thời gian đầu mới tiếp xúc cũng vì phát âm khó kinh khủng”.
Do vậy, trong thời gian du học ở Việt Nam, anh Tomohiro đã cố gắng tự tạo cơ hội nói chuyện với những người bạn Việt không biết thêm ngoại ngữ nào khác. Anh cho biết: “Khi tạo môi trường giao tiếp như vậy, tôi bắt buộc phải nghĩ, nói và truyền đạt bằng tiếng Việt”. Tomohiro luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay, nếu có từ hoặc câu nào không hiểu, anh nhờ ngay bạn bè ghi giúp vào sổ để khi về nhà sẽ tra từ điển và ôn tập những từ không biết này.
Với Tomohiro, câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” chính là câu bản thân anh tâm đắc nhất vì “Lý do tôi có thể giỏi tiếng Việt được chính là nhờ những bạn bè người Việt đã giúp đỡ tôi học tập”. Anh còn dí dỏm chia sẻ: “Có một bí quyết giúp mau giỏi ngoại ngữ nhất chính là có người yêu bản xứ đó. Cũng đơn giản mà cũng khó. Hihi”.
Từ học tiếng Việt đến thành lập “Hộp tiếng Việt của Cà Chua”
Vào năm 2016, khi đã học tiếng Việt được 4 năm, xác định rằng mình “đã, đang và sẽ yêu thích, đam mê học tiếng Việt”, anh đã sáng lập nên website “Hộp tiếng Việt của Cà Chua” để thông qua kênh trực tuyến này chia sẻ kiến thức mình có với những người Nhật muốn học tiếng Việt. Trước khi quyết định “ra riêng”, làm việc độc lập bằng khả năng và niềm đam mê của bản thân, cụ thể là tiếng Việt, anh Tomohiro từng tham gia vào dự án phát triển nông thôn ở tỉnh Sơn La sau khi tốt nghiệp. Anh bộc bạch: “Lúc đầu, tôi thấy tự hào về công việc của mình vì có thể giúp đỡ được người Việt. Tuy nhiên, vì mối quan hệ với cấp trên người Nhật không thoải mái lắm nên tôi chỉ làm hết 1 năm và quyết định nghỉ công việc văn phòng”.
Anh Tomohiro tâm sự thêm: “Trước khi sáng lập website, tôi đã thích dùng cách diễn đạt dễ hiểu để giải thích những điều khó hiểu, nên trong quá trình viết nội dung cho website, tôi không gặp nhiều khó khăn đáng kể. Tôi chỉ làm những gì mình đam mê. Chỉ thế thôi”. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chính nhờ tâm huyết và chất lượng mà “Hộp tiếng Việt” của Tomohiro dần được nhiều người biết đến hơn với số lượng theo dõi đáng kể, dù tiếng Việt không phải là một ngoại ngữ được nhiều người theo học. Nói về dấu ấn này, anh Tomohiro bộc bạch: “Từ đầu, tôi không xem trọng số lượt theo dõi nhiều hay ít vì ai cũng biết, người Nhật học tiếng Việt vẫn còn ít và tiếng Việt chưa phổ biến ở Nhật như tiếng Anh hay tiếng Trung. Tôi xem trọng chất lượng hơn số lượng. Những người đang gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt khi đọc hoặc xem kênh của tôi và giải quyết được vấn đề là tôi hài lòng rồi”.
Những dự định tương lai với ngôn ngữ
Ngoài phát triển kênh trực tuyến “Hộp tiếng Việt của Cà Chua”, anh Tomohiro còn từng mở lớp biên dịch tiếng Việt sang tiếng Nhật dành cho người Việt có trình độ JLPT từ N2 trở lên. Anh Tomohiro chia sẻ: “Với các bạn đang học tiếng Nhật, việc dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt tương đối đơn giản, dịch ngược lại mới khó. Bản thân tôi là người Nhật và có hiểu biết về tiếng Việt, nên có thể so sánh 2 ngôn ngữ, đồng thời trau chuốt ý dịch sao cho hay. Vì thế tôi cảm thấy mình có những thuận lợi nhất định khi mở lớp biên dịch này”. Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục duy trì, phát triển “Hộp tiếng Việt của Cà Chua” trên các kênh hiện có để hỗ trợ cả người Việt lẫn người Nhật tiếp cận với ngôn ngữ nước bạn dễ dàng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Tomohiro cũng lên ý tưởng về một cuốn sách tóm tắt lại tất cả ngữ pháp tiếng Việt và đại cương tiếng Việt dành cho người nước ngoài theo cách đơn giản, dễ hiểu nhất, làm phong phú thêm kho tài liệu học tiếng Việt.
Qua những chia sẻ của Cà Chua, có thể thấy anh không chỉ dành tình yêu cho tiếng Việt mà còn rất am hiểu về văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. Tomohiro đã trở thành một “chiếc cầu nối” thân thiết, vô cùng đặc biệt giữa Việt Nam với Nhật Bản, truyền cảm hứng và niềm cảm mến cho bất kỳ ai khi biết đến câu chuyện của anh.
kilala.vn
Hộp tiếng Việt của Cà Chua:
- Website: vietomato.com
- Fanpage: Hộp tiếng Việt của Cà Chua -トマトのベトナム語ボックス
- Youtube: トマトのベトナム語ボックス Tomato Vietnam Box
30/11/2021
Bài: Rin
Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận