Những sự thật thú vị về danh họa Katsushika Hokusai

    Là danh họa nổi tiếng của Nhật Bản, tạo nên không ít ảnh hưởng đến các họa sĩ trên khắp thế giới, nhưng Hokusai chỉ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp khi đã ở tuổi 60 và trải qua cuộc sống nghèo khó cho đến cuối đời.

    Hội họa là một trong những hình thức nghệ thuật cổ xưa và tinh tế nhất ở Nhật Bản. Nói về hội họa xứ Phù Tang, không thể không kể đến dòng tranh Phù Thế Ukiyo-e với nhiều họa sĩ vang danh thế giới, tiêu biểu là danh họa Katsushika Hokusai.

    kotsushika hokusai

    Chân dung danh họa Katsushika. Ảnh: mutualart.com

    Katsushika Hokusai (31/10/1760 – 10/5/1849), thường được gọi là Hokusai, hoạt động với tư cách là một họa sĩ và thợ in dưới thời Edo (1603 – 1868). Ông có công trong việc phát triển Ukiyo-e từ một phong cách vẽ chân dung chủ yếu tập trung vào các đối tượng như thiếu nữ đẹp, diễn viên kabuki thành phong cách nghệ thuật rộng lớn hơn, tập trung vào phong cảnh, thực vật và động vật.

    Các tác phẩm của ông được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến Vincent van Gogh và Claude Monet khi làn sóng Japonisme lan rộng khắp châu Âu vào cuối thế kỷ 19. Người đời thường biết đến ông qua tác kiệt tác “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” thuộc loạt tranh “Ba mươi cảnh núi Phú Sĩ” đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản.

    Bên cạnh những giá trị nghệ thuật để lại cho trần thế, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông cũng có không ít những câu chuyện thú vị. Hãy cùng Kilala khám phá 13 sự thật ít người biết về danh họa Katsushika Hokusai nhé!

    [subscribe]

    1. Bị đuổi khỏi trường của Katsukawa Shunsho

    Hokusai từng theo học và được đào tạo dưới sự hướng dẫn của Katsukawa Shunsho – họa sĩ bậc thầy trong dòng tranh Phù Thế. Sau khi Katsukawa qua đời, Hokusai vẫn ở lại trường của Katsukawa, bấy giờ do học trò hàng đầu của ông, Shunko điều hành. 

    Cũng trong khoảng thời gian đó, Hokusai bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi các phong cách chạm khắc của Hà Lan và Pháp từ các tác phẩm nghệ thuật phương Tây du nhập bất hợp pháp vào Nhật Bản (do chính sách đóng cửa thời bấy giờ). Qua đó, ông đã làm cho phong cách Ukiyo-e trở nên mới mẻ hơn. Tuy nhiên, khi Shunko nhận ra điều này, Hokusai đã bị đuổi khỏi trường.

    Dẫu vậy, Hokusai tin rằng việc bị đuổi có thể xem là một điều may mắn vì nó cho ông cơ hội khám phá phong cách nghệ thuật của riêng mình và đưa nó lên tầm cao mới.

    enoshima ở tỉnh sagami
    "Enoshima ở tỉnh Sagami" - tác phẩm thuộc loạt tranh "Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ". Ảnh: Wikipedia

    2. Có ít nhất 30 nghệ danh khác nhau

    Vào thời của Hokusai, việc các họa sĩ Nhật Bản chuyển và thay đổi nghệ danh nhiều lần không phải là hiếm. Danh họa có vô số nghệ danh như Shunro Katsukawa (được đặt bởi Katsukawa, sư phụ của ông), Sori, Kako, Taito, Gakyujin, Iitsu, Manji và Gakyoryojinmanji, cái tên có nghĩa là “ông già cuồng nghệ thuật.” Mỗi nghệ danh được sử dụng để phân biệt các phong cách và thời kỳ khác nhau của Hokusai.

    3. Là họa sĩ đầu tiên sử dụng thuật ngữ “manga”

    Năm 1814, khi Hokusai ở độ tuổi 50, ông đã xuất bản tập đầu tiên của “Hokusai Manga”, một bộ sưu tập các bức tranh chi tiết về động vật và các đồ vật khác nhau. Ấn phẩm hướng đến những người muốn học cách vẽ và tô màu, nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất.

    4. Đạt đến đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 60

    Mãi cho đến khi ở tuổi 60, Hokusai mới cho ra đời những tác phẩm được nể phục và nổi tiếng nhất của mình. Cho đến lúc đó, ông đã tạo ra vô số bản in khắc gỗ đa dạng chủ đề từ thác nước, cây cầu đến chim muông, hoa lá.

    5. Tạo ra hơn 30.000 tác phẩm nghệ thuật

    Các nhà sử học nghệ thuật tin rằng Hokusai đã dồn hết tâm trí vào nghệ thuật và làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã tạo nên hơn 30.000 tác phẩm nghệ thuật trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm sách ảnh, tranh minh họa, tuyển tập thơ, tiểu thuyết lịch sử...

    6. Thuộc tông phái Phật giáo Nichiren

    Phật giáo Nichiren là một tông phái của Phật giáo Đại thừa dựa trên giáo huấn của Đại sư Nichiren (1222-1282), một vị cao tăng Nhật Bản sống vào thế kỷ 13. 

    Kinh sách Nichiren liên kết núi Phú Sĩ với cuộc sống vĩnh cửu. Theo đó, cuộc sống vĩnh cửu được đặt trên đỉnh ngọn núi cao nhất Nhật Bản. Hokusai là một tín đồ của tông phái Nichiren và áp dụng những niềm tin này vào triết lý của riêng mình. 

    7. Con gái út của Hokusai cũng là một nghệ sĩ

    Katsushika Oi, người con gái út mà Hokusai vô cùng yêu thương cũng có niềm đam mê với hội họa và trở thành một họa sĩ tài năng như bố mình. Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Oi trở về nhà, nơi bà sống cùng cha cho đến khi ông qua đời. 

    Cuộc đời của Oi được ca ngợi trong Miss Hokusai, một bộ truyện tranh nổi tiếng vào những năm 1980, ngoài ra còn có một bộ phim hoạt hình được phát hành vào năm 2015.

    8. “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” - hình ảnh “viral” đầu tiên trên thế giới

    Có thể nói, tác phẩm “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” là một trong những hình ảnh đầu tiên được lan truyền nhanh chóng khắp thế giới, và là tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản có độ nhận diện cao nhất ở quốc tế. Bức tranh của Hokusai đã trở thành biểu tượng về sóng nước trong hội họa.

    sóng lừng ngoài khơi kanagawa
    "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" - bản in nổi tiếng nhất của Hokusai. Ảnh: WIKI MEDIA COMMONS

    9. Ban đầu định trở thành thợ làm gương 

    Người ta nói rằng cha của ông là một thợ làm gương có uy tín cho giới thượng lưu và Hokusai đã học theo nghề của gia đình. Tuy nhiên, tài năng nghệ thuật và đam mê đã đưa ông rẽ sang hướng khác.

    10. Chuyển nơi ở đến 93 lần trong suốt cuộc đời

    Hokusai ghét dọn dẹp, vì vậy ông đã để bụi bẩn chất đống trong xưởng vẽ của mình cho đến khi không thể sống ở đó nữa và chuyển đến nơi ở tiếp theo.

    11. Tác phẩm lớn nhất sự nghiệp

    Trong một lễ hội năm 1804, Hokusai đã dùng những xô mực để vẽ trên một cuộn giấy dài 180m bức chân dung khổng lồ của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodai Daruma trong tiếng Nhật), người được cho là đã sáng lập Thiền tông. 

    Đây cũng được cho là tác phẩm lớn nhất và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp hội họa của Hokusai. 

    12. Sống trong nghèo khó cho đến khi qua đời

    Với Hokusai, đói khát không quan trọng, miễn là ông vẫn còn được vẽ. Có tin đồn rằng, ông đã sử dụng những mảnh vỡ của chai rượu Sake làm bảng màu và phần dưới cùng của chai làm cọ vẽ.

    13. Một trận hỏa hoạn đã phá hủy phần lớn tác phẩm của Hokusai

    Năm 1839, xưởng vẽ của Hokusai bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn ở khu phố. Danh họa cùng con gái đã may mắn thoát được ra ngoài qua cửa sổ. Tuy nhiên, theo các nhà sử học nghệ thuật, hàng nghìn tác phẩm của ông đã bị mất trong vụ cháy và không bao giờ tìm lại được.

    Xem thêm: Những câu chuyện kinh dị trong tranh của Katsushika Hokusai

    kilala.vn

    26/04/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: Tokyo Weekender

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!