Những Samurai ngoại quốc trong lịch sử Nhật Bản
Ngoài Yasuke đến từ châu Phi, đã có không ít trường hợp người ngoại quốc trở thành samurai trong lịch sử Nhật Bản.
Henry Schnell: Samurai súng máy
Henry Schnell cùng với anh trai Edward Schnell là những thương nhân buôn vũ khí, sinh ra vào đầu những năm 1830, là người gốc Hà Lan nhưng lớn lên ở Indonesia. Cả hai từng phục vụ trong quân đội Phổ và có thể nói được tiếng Mã Lai.
Anh em nhà Schnell đến Nhật Bản vào những năm 1860, trở thành những tay buôn vũ khí đúng vào thời điểm Chiến tranh Boshin (1868 – 1869) nổ ra.
Vào thời điểm đó, Henry Schnell đã có được vị trí cố vấn cho lãnh chúa Nagaoka ở Niigata, người đã mua từ ông hai khẩu súng Gatling. Hai anh em Schnell cũng cung cấp súng lục, súng trường và thậm chí cả đại bác cho miền Aizu ở đông bắc Nhật Bản và chuyển đến đây để hướng dẫn về vũ khí.
Lúc này, Henry Schnell đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với Matsudaira Katamori, lãnh chúa của miền Aizu. Vì mến mộ, Katamori đã ban cho Henry tên tiếng Nhật là “Hiramatsu Buhei” (平松武兵衛), trong đó họ “Hiramatsu” là sự đảo ngược của các Hán tự trong họ “Matsudaira” (松平). Henry cũng nhận được một ngôi nhà, đất đai và quyền mang kiếm – đủ tiêu chuẩn để được xếp là samurai.
Vào cuối cuộc chiến, Henry Scnhell đưa người vợ Nhật của mình cùng một vài gia đình samurai khác chuyển đến California để thành lập một đồn điền trà và tơ lụa. Thật không may, việc kinh doanh thất bại, cả gia đình ông đã biến mất không dấu vết.
Giuseppe di Chiara: Samurai linh mục bất đắc dĩ
Giuseppe là một nhà truyền giáo Dòng Tên người Ý hoạt động ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ 17. Ông đến Nhật vào thời điểm mà Kito giáo bị nghiêm cấm ở đất nước này để tìm kiếm người bạn - linh mục Cristóvão Ferreira, người đã từ bỏ đức tin vì bị chính quyền Nhật Bản tra tấn.
Chiara bị bắt vào tháng 6 năm 1643 và sau đó bị giam giữ tại một nhà tù tên là Kirishitan Yashiki. Ông cũng bị tra tấn và cuối cùng trở thành một kẻ bội giáo. Theo lệnh của Mạc phủ, ông kết hôn với vợ của Sanemon Okamoto, một samurai thuộc tầng lớp thấp đã tử vì đạo, và kế thừa cái tên này.
Mạc phủ cấp cho ông mười người tùy tùng, nhưng ông không được phép rời khỏi Kirishitan Yashiki. Sau đó, ông thường xuyên đệ trình thông tin về những người theo đạo Thiên chúa và các nhà truyền giáo cho Mạc phủ, đồng thời cũng nỗ lực cải cách giáo phái.
Chihara là nguyên mẫu của Sebastião Rodrigues, nhân vật chính trong tiểu thuyết “沈黙 – Chinmoku” (tựa Anh: Silence) của tác giả Endo Shusaku. Tác phẩm sau đó đã được chuyển thể thành phim vào năm 1971 và 2016 với David Lampson và Andrew Garfield lần lượt thủ vai Sebastião Rodrigues trong hai phiên bản.
Ran Kaiei: Samurai người Trung Quốc duy nhất trong lịch sử
Nạn đói, hạn hán và sự suy tàn của chính quyền đã kéo dài nhiều năm dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh ở Trung Quốc vào năm 1644. Sự hỗn loạn xảy ra sau đó đã khiến Ran Kaiei, một viên quan cao cấp ở Trung Quốc quyết định trốn sang Nhật Bản.
Ông đến miền Satsuma ở Kyushu đúng vào thời điểm Nhật Bản đang bước vào thời kỳ bế quan tỏa cảng, cấm mọi tiếp xúc và giao thương với các quốc gia khác bên ngoài các cảng được chỉ định.
Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với vương quốc Lưu Cầu (Okinawa ngày nay), một quốc gia chư hầu của Trung Quốc và đã bị gia tộc Shimazu của miền Satsuma chinh phục vào năm 1609. Chính vì vậy, đây là khu vực duy nhất ở Nhật Bản có thể giao thương với Trung Quốc trong thời kì này. Tại đây, họ cần một người phiên dịch đáng tin cậy và am hiểu về văn hóa, chính trị Trung Quốc.
Kaiei nhanh chóng được các lãnh chúa Satsuma chấp nhận, họ giao cho ông nhiệm vụ đánh giá chất lượng hàng hóa và cống phẩm của vương quốc Lưu Cầu cho Trung Quốc, đàm phán thay mặt cho lãnh địa, đồng thời duy trì quan hệ ngoại giao đúng mực.
Như một phần thưởng cho công lao, Kaiei được phong làm thuộc hạ của Shimazu với một khoản trợ cấp gạo và quyền mang theo hai thanh kiếm. Điều đó khiến ông đã trở thành samurai người Trung Quốc đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Kaiei cũng được phép chọn một họ Nhật Bản, đó là Kawaminami. Trở thành Kawaminami Genbei, ông đã tạo ra một đế chế thương mại đóng góp rất lớn vào sự giàu có của quê hương mới.
Miền Satsuma đã thịnh vượng trước khi Kaiei đến, nhưng với sự giúp đỡ của ông, quyền lực của miền đã tăng lên rất nhiều. Điều đó đã cho phép gia tộc Shimazu đóng vai trò quan trọng trong thành công của cuộc Duy tân Minh Trị và Chiến tranh Boshin chấm dứt chế độ Mạc phủ, đưa Thiên hoàng trở lại nắm quyền và đặt nền móng cho quá trình dân chủ hóa Nhật Bản.
Xem thêm: Giai thoại về Yasuke, vị Samurai da đen đầu tiên của Nhật Bản
kilala.vn
Nguồn: Tokyo Weekender
Đăng nhập tài khoản để bình luận