Những dấu ấn và di sản quan trọng trong sự nghiệp của cố họa

    Khi họa sĩ Motoo Abiko qua đời vào ngày 07/04/2022, công chúng tiếc thương ông qua tư cách đồng tác giả bộ truyện tranh gắn liền với tuổi thơ "Doraemon". Tuy nhiên, di sản mà Fujiko Fujio A để lại cho hậu thế còn nhiều hơn cả câu chuyện về chú mèo máy và những người bạn. Bất kỳ khán giả ở độ tuổi nào, sở thích khác biệt ra sao cũng có thể tìm thấy một tác phẩm được gắn mác Fujiko Fujio A dành cho riêng mình.

    Nuôi dưỡng tình yêu manga cùng người bạn ấu thơ Hiroshi Fujimoto

    Motoo Abiko sinh ngày 10/03/1934 tại tỉnh Toyama, Nhật Bản. Cha ông là vị sư trụ trì tại một ngôi chùa ở tỉnh Toyama. Năm ông học lớp năm thì cha qua đời và cả gia đình chuyển đến sinh sống tại một vùng khác cũng thuộc tỉnh Toyama.
    Tại môi trường học tập mới, ông gặp người bạn Hiroshi Fujimoto (người về sau sẽ cùng ông tạo nên bút danh huyền thoại Fujiko Fujio) ở trường tiểu học tại thành phố Takaoka. Họ mau chóng trở thành bạn bè thân thiết, cùng chia sẻ niềm đam mê vẽ truyện tranh bí mật trong lớp học.Fujiko Fujio 
    Tình bạn của cả hai bắt đầu từ những bức vẽ trong giờ ra chơi. Ảnh trích trong “Tự truyện Fujiko Fujio”, Chapter 1 “Tạm biệt bạn tôi ơi”.

    Cặp bạn thân ngày càng đam mê với việc vẽ, đến mức ước muốn trở thành mangaka (họa sĩ truyện tranh) của họ ngày một mãnh liệt. Lên cấp hai, cả hai thường xuyên vẽ cùng nhau và đều chịu ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật của họa sĩ Osamu Tezuka sau khi đọc bộ truyện “Shin Takarajima”. 

    Hiroshi Fujimoto đã tự chế tạo chiếc đèn chiếu phản xạ và cùng Motoo Abiko vẽ nên bộ truyện “Tenkuma” dựa trên món đồ này. Bộ đôi bắt đầu nộp tác phẩm cho các ấn bản định kỳ như Manga Shonen, cũng như tự mở tài khoản tiết kiệm để mua thêm họa cụ.

    Bước ngoặt sự nghiệp của họ xảy đến khi bộ truyện “Tenshi no Tama-chan” được xuất bản nhiều kỳ trên báo Mainichi vào năm 1951. Cùng năm đó, cả hai đến nơi ở của tác giả Osamu Tezuka và đưa cho ông xem tranh vẽ tác phẩm "Ben Hur" của họ.

    Hai họa sĩ trẻ nhận được lời khen ngợi từ thần tượng của mình, đó là ký ức đẹp đẽ đến mức họ đã giữ lại những bức tranh ấy cho đến cuối đời. Mãi sau này, họa sĩ Osamu Tezuka cho hay ngay vào giây phút đó, ông biết bộ đôi Fujiko Fujio sẽ tạo nên tiếng vang trong ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản.

    tác giả doraemon
    Đôi bạn Hiroshi Fujimoto (trái) và Motoo Abiko (phải).

    Sau khi tốt nghiệp trung học, Motoo Abiko làm việc cho một tòa báo địa phương ở Toyama, trong khi đó, Hiroshi Fujimoto tập trung vào vẽ truyện tranh sau khi bị thương tại nơi làm việc, một công ty bánh kẹo. Sự ra đời của tác phẩm “Utopia - đại chiến thế giới cuối cùng” vào năm 1953, do Fujimoto vẽ chính và Abiko ở vị trí hỗ trợ, là bước ngoặt đánh dấu việc cả hai đến Tokyo để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. 

    Studio Zero và sự thành công của series Obake no Q-Taro

    Năm 1963, Fujimoto và Abiko thành lập Studio Zero cùng nhiều tác giả khác, trong đó có Shotaro Ishinomori (cha đẻ của series “Kamen Rider”) và Fujio Akatsuka (cha đẻ của “Osomatsu-kun”). Xưởng đã tạo nhiều anime mang tính thành tựu, trong đó có "Astro Boy" từ nguyên tác của Osamu Tezuka.

    Còn với bộ đôi tác giả, đây được coi là thời kỳ sung sức nhất trong sự nghiệp của họ. Series “Obake no Q-Taro”, từng được xuất bản tại Việt Nam với tựa đề “Ninja Quytaro”, được đón đọc bởi vô số độc giả trên khắp thế giới. 

    Fujiko Fujio 
    Chapter 2 trong “Tự truyện Fujiko Fujio” kể về những ngày đầu gian khó của Studio Zero. Những họa sĩ trẻ nghèo nhưng nhiều tham vọng và nhiệt huyết đã cùng vẽ trong một tòa nhà xập xệ, rách nát. 

    Câu chuyện về chú ma hậu đậu, háu ăn nhưng đáng yêu sống cùng gia đình cậu bạn Ohara - một cậu nhóc hay vướng vào rắc rối, đã chinh phục trái tim của biết bao độc giả thời ấy. Motif của bộ truyện này cũng được sử dụng lại rất nhiều trong bộ truyện "Doraemon" (mèo máy sống chung với gia đình Nobita và dùng bảo bối, lời khuyên để giúp đỡ Nobita thoát khỏi những rắc rối), hay bộ truyện "Ninja Hattori" của Motoo Abiko (ninja Hattori cùng cô em gái và chú chó sống chung với gia đình Kenichi). 

    Obake Q Taro

    "Obake Q Taro" là tiền thân của rất nhiều bộ manga sau này của Fujiko F Fujio và Fujiko Fujio A.

    Những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, cùng bắt tay cho ý tưởng bộ truyện đã được Motoo Abiko vẽ thành series “Tạm biệt bạn tôi ơi” - tác phẩm kỷ niệm sau khi Hiroshi Fujimoto (Fujiko F. Fujio) qua đời vào năm 1996. Phần truyện này được đưa vào tập 2 của “Manga Michi” (tên Việt: “Con đường dẫn đến truyện tranh” hay “Tự truyện Fujiko Fujio”) và bộ “Tình yêu từ thuở mới bắt đầu”.

    Chú mèo máy Doraemon ra đời

    Năm 1964, Motoo Abiko và Hiroshi Fujimoto tạo nên bút danh Fujiko Fujio. Phần tên Fujiko ghép từ tên của hai người - FUJImoto và AbiKO. Phần họ Fujio đến từ “Fujio Tezuka”, bút danh lấy cảm hứng từ thần tượng Osamu Tezuka mà Hiroshi Fujimoto sử dụng trước khi ra mắt chính thức trong giới manga. Và cũng trong thập niên 60, họ sáng lập công ty riêng mang tên Fujio Studio Co., Ltd.

    Bộ đôi cùng nhau sáng tác tác phẩm "Doraemon" trứ danh vào năm 1969. Câu chuyện về chú mèo máy đến từ tương lai với chiếc túi thần kỳ chứa nhiều món bảo bối luôn khiến các khán giả nhí tò mò và thích thú. Không chỉ dừng lại ở sự kỳ diệu đến từ các món bảo bối, lồng ghép trong đó là những thông điệp cảm động về tình bạn, tình thầy trò và gia đình. 

    Fujiko

    Những mẩu chuyện về cuộc sống hàng ngày, chuyến phiêu lưu lớn của Doraemon cùng bộ tứ Nobita, Jaian, Suneo và Shizuka đã tạo nên sức hút lớn trên toàn thế giới. Ngay khi được phát sóng dưới dạng anime trên TV Asahi năm 1979, series thu hút đông đảo người xem và nhanh chóng được chuyển ngữ thành tiếng Anh. Đây cũng là series duy nhất trong sự nghiệp cộng tác của cả hai được chuyển ngữ và lồng tiếng Anh để chiếu ở các nước sử dụng Anh ngữ, đặc biệt là Mỹ.

    Những chuyển biến trong phong cách sáng tác của bộ đôi Fujiko Fujio

    Thời điểm thành lập xưởng sản xuất manga Fujiko Fujio cũng đánh dấu sự chuyển biến trong phong cách sáng tác của Motoo Abiko. Ông bắt đầu vẽ truyện cho đối tượng trưởng thành hơn, cụ thể là tác phẩm "Teresa Tang" và bộ one-shot trứ danh "Laughing Salesman" (hay Warau Salesman, Kuroi Salesman) ra đời vào năm 1968. Trong khi đó, người bạn thân Fujimoto vẫn trung thành với việc sáng tác cho đối tượng thiếu nhi và chú trọng vào chủ đề khoa học giả tưởng.

    Phong cách của Motoo Abiko lúc này đã mang sự đen tối, thậm chí được coi là hài đen (black humour) khi đề cập tới nhiều chủ đề nhạy cảm như tình dục, giết người, cờ bạc. Nổi bật trong đó là các oneshot kinh dị và bộ "The Laughing Salesman" (tựa Việt: Người bán hàng tươi cười).

    Nhân vật Moguro Fukuzou với khuôn miệng đỏ chót cười ngoác ra và luôn thao túng những “khách hàng” bằng nỗi bất an của họ khiến người đọc cảm thấy ám ảnh. Mỗi truyện đều kết thúc không có hậu - những con người tuyệt vọng phải trả giá khi phạm vào thỏa thuận với Moguro. 

    saleman

    Fujiko saleman
    Fujiko Fujio A với kiểu chỉ tay huyền thoại của Laughing Salesman.

    Phong cách sáng tác trong oneshot kinh dị của Fujimoto HiroshiMotoo Abiko cũng đã phản ánh rõ rệt sự khác biệt trong quan điểm sáng tác của cả hai. Nếu các truyện của Fujimoto Hiroshi mang motif giả tưởng và thông điệp nhân văn, thì oneshot của Motoo Abiko lại khai thác về mặt tối của cuộc sống, sự tham lam và tàn độc của con người. 

    Thậm chí, một số oneshot đến nay vẫn mang hơi thở thời đại khi phản ánh những góc khuất của đất nước Nhật Bản - như “Mỗi ngày đều là ngày chủ nhật” nói về thế hệ Hikikomori, hay “Văn phòng không cần làm gì cả” nói về việc người có thực lực bị vùi dập trong môi trường làm việc.

    Xem thêm: Nổi da gà với những câu chuyện kinh dị của “cha đẻ” Doraemon

    Năm 1987, nhận thấy sự khác biệt trong phong cách sáng tác, cặp bạn thân chấm dứt quá trình cộng tác nhiều năm để tập trung vào những dự án cá nhân. Đến khi này, bút danh Fujiko Fujio được thay đổi. Fujimoto Hiroshi sử dụng bút danh Fujiko F. Fujio để tiếp tục vẽ Doraemon, còn Motoo Abiko dùng bút danh Fujiko Fujio A cho những bộ truyện sau này. 

    Tuy nhiên, lý do thật sự khiến cả hai tách ra sử dụng nghệ danh riêng, theo lời của Motoo Abiko, là do tác giả Fujimoto Hiroshi phát hiện mình mắc bệnh ung thư gan và bệnh tim năm 1986. Cặp bạn thân đều mong muốn giải quyết những vấn đề về bản quyền và tài chính trước khi Fujimoto qua đời năm 1996. 

    Tạm biệt bạn tôi ơi

    Nhân kỷ niệm 24 năm ngày mất của Fujimoto Hiroshi, Motoo Abiko đã vẽ thêm 5 chương truyện để tri ân người bạn quá cố. 

    Đó là lý do vì sao khi nhắc về sự thành công của "Doraemon", khán giả đã quen thuộc với cái tên Fujiko F. Fujio trên bìa của mỗi quyển truyện. Thậm chí trên bất kỳ món đồ nào liên quan đến chú mèo máy và những người bạn - thú bông, áo, huy hiệu,. đều chỉ đề tên Fujiko F. Fujio, mà không có sự xuất hiện của Fujiko Fujio A. 

    Có thể nói, so với Fujiko F. Fujio, Fujiko Fujio A thể hiện sự đa dạng về phong cách lẫn đối tượng hướng đến trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu không có người bạn thân Hiroshi Fujimoto, Motoo Abiko cũng sẽ không có được danh tiếng như ngày hôm nay. Bởi vì vào năm 1955, nếu không có sự động viên của người bạn thân trước thất bại của bản thảo gửi đi, sẽ không có Fujiko Fujio A của sau này. 

    Đó là lý do ông vẽ bộ truyện "Manga Michi" (tựa Việt: Con đường manga của tôi, 1997-1982) kể về hành trình theo nghiệp họa sĩ của mình, Hiroshi Fujimoto cùng vài người bạn khác vào những ngày đầu. Ông tiếp tục vẽ bộ truyện “Ai. Shirisomeshi Koroni…” (Tình yêu từ thuở mới bắt đầu) vào năm 1995. 

    Nhưng sự ra đi lần lượt của hai người bạn hoạ sĩ còn lại khiến ông cảm thấy suy sụp. Motoo Abiko chia sẻ cảm giác chứng kiến bạn bè qua đời giống như việc mất đi người đồng đội trong chiến tranh, vì trước đó họ đã phải động viên nhau cùng viết nên bộ manga mới sau cái chết của Fujiko F. Fujio. 

    Sự tò mò và bạn bè là nguồn động lực, cảm hứng sáng tác

    Xuyên suốt chặng đường sáng tác dài đến bảy thập kỷ, tác giả bộ truyện Doraemon cho hay sự tò mò không giới hạn đã giúp ông đạt được những thành tựu.

    Thế hệ 8x đã từng quen thuộc với bộ truyện tranh “Cậu bé siêu năng lực” (tên gốc: Pro Golfer Saru). Tác phẩm được lấy cảm hứng từ niềm đam mê của Motoo Abiko với bộ môn golf. Còn “Laughing Salesman” được sáng tác dựa trên đề xuất của một biên tập viên, rằng ông “hãy tạo nên thứ gì đó mà bản thân chưa từng làm trước đây.”

    Motoo Abiko trân trọng nguồn cảm hứng mà ông khai thác từ những thứ xung quanh mình. Trong bài phỏng vấn kỷ niệm 50 năm chặng đường manga, ông cho rằng “Những người bạn là điều giá trị trong cuộc đời tôi”, “Những mối quan hệ đều quan trọng với tôi - không chỉ trong công việc, mà với những người bạn đánh golf và bạn rượu.”

    Ninja Hattori

    Luôn đề cao tình bạn, nên những tác phẩm hướng đến đối tượng thiếu nhi lẫn người lớn của tác giả đều xoay quanh câu chuyện của những mối quan hệ. Với những bộ manga thiếu nhi, độc giả luôn cảm thấy dễ chịu, ấm áp và vui vẻ trước câu chuyện về tình bạn, tình cảm gia đình cùng những trò chơi của đám trẻ. Thông điệp chính từ những bộ truyện này là việc chấp nhận sự khác biệt của người khác. 

    Như trong "Doraemon", Jaian đến từ gia đình nghèo khó, nhưng cậu vẫn là một phần trong hội bạn Nobita và cùng chia sẻ nhiều trò chơi, sở thích với bạn bè mình. Cũng như trong "Ninja Hattori", những cô cậu bé Ninja vẫn được đi học bình thường và đối xử bình đẳng như bao người khác.

    Và điểm đặc biệt mà độc giả quan sát được trong các tác phẩm thiếu nhi của bộ đôi Fujiko Fujio chính là giá trị của những mối quan hệ bền vững và sự hồn nhiên của mỗi nhân vật. Do dù Jaian có bắt nạt bạn bè cỡ nào, hay Kemumaki có “chơi khăm” nhiều lần đi chăng nữa, những đứa trẻ không vì thế mà ghét nhau. Gây nhau đó rồi lại làm hòa, đứa này gặp nạn thì đứa kia giúp, đó là sự đáng yêu trong tất cả mọi tác phẩm thiếu nhi của hai người bạn thân.

    Điều này được thể hiện rõ nét hơn qua bộ phim slice-of-life “Shonen Jidai” (tựa Anh: “Childhood Days”) năm 1990 mà Motoo Abiko vừa là tác giả nguyên tác manga, vừa giữ vai trò sản xuất. Được đạo diễn bởi Masahiro Shinoda - một trong những tên tuổi quan trọng của phong trào Làn sóng mới của Điện ảnh Nhật Bản, tác phẩm đến nay vẫn được xem là viên ngọc quý khi mang giá trị lịch sử cùng những thước phim thanh bình và đẹp đến nao lòng. 

    Do thành phố Tokyo bị đánh bom, cha ở quân ngũ và người anh làm nhà máy, Shinji 10 tuổi và mẹ phải về quê sơ tán. Cậu gặp người họ hàng Takeshi, một cậu bé trạc tuổi đến từ gia đình nghèo khó, và cả hai nhanh chóng bắt chuyện. Tuy nhiên, vì là đứa trẻ đến từ thành phố, Shinji trở thành mục tiêu bắt nạt của Takeshi và nhóm bạn. Một nhóm trẻ mới đến từ thành phố nhanh chóng chống lại sự lộng hành của đồng bọn Takeshi, và tìm cách “lật đổ” vị trí thống lĩnh của cậu nhóc. 

    Tuy lấy bối cảnh chiến tranh, nhưng xuyên suốt "Shonen Jidai", khán giả không thấy bất kỳ một phân cảnh bom rơi đạn lạc nào. Tác phẩm chỉ nói về hành trình thích nghi của Shinji, về những trận đánh nhau của bọn trẻ và sự trưởng thành của Takeshi. Phân cảnh khiến bao người xúc động là lúc Takeshi cố gắng chạy theo chiếc tàu của Shinji để tạm biệt cậu lần cuối.

    những ngày thơ ấu

    Poster phim “Shonen Jidai” ( Những ngày thơ ấu) năm 1990.

    Ở nhân vật Takeshi phảng phất hình ảnh của Jaian trong "Doraemon", khi Jaian cũng tên thật là Takeshi. Cậu cũng nghèo, phải tự chăm em như cậu bé rốn lồi kia, và cũng mang thói bắt nạt. Tuy nhiên, Takeshi cũng là người giàu tình cảm, sẵn sàng bảo vệ bạn. Và bên cạnh sự trưởng thành của những cậu nhóc tiểu học, người xem cũng cảm nhận nỗi đau của những gia đình khi bị chia cắt, của cặp đôi khi có người ra trận. 

    Những cảm xúc được mô tả rất mực chân thực trong bộ phim. Qua đó, Motoo Abiko đã chứng minh được thực lực của mình khi không chỉ tạo ra một bộ manga hay, mà còn góp công tạo nên một bộ phim đẹp và ý nghĩa dành cho những người lớn muốn nhìn về tuổi thơ. "Shonen Jidai" cũng đã được bầu chọn là Phim hay nhất tại lễ trao giải của Giải thưởng Điện ảnh của Viện Hàn lâm Nhật Bản.

    Bên cạnh việc khai thác về giá trị của tình bạn, tình cảm gia đình, sự cô đơn là khía cạnh đối lập mà đồng tác giả truyện Doraemon muốn nêu bật ở các oneshot horror. Trong "Laughing Salesman", bản thân Moguro luôn xuất hiện một mình. Gã doanh nhân mang dáng vẻ cô độc luôn săn đuổi những khách hàng đang cảm thấy cô đơn ở bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống. 

    saleman

    Nụ cười của Laughing Salesman tạo cảm giác ám ảnh. Nhân vật này khiến nhiều độc giả cảm thấy bức xúc vì cách thao túng tâm lý nạn nhân đến tận cùng, cho dù “khách hàng” của hắn đã một mực từ chối những thỏa thuận mà hắn đưa ra. 

    Đó có thể là một cô vợ nội trợ dù sống trong gia đình hạnh phúc nhưng vẫn cảm thấy cô đơn vì tự ti vào giá trị bản thân. Có thể là một người trẻ không hòa nhập được với công ty và tìm kiếm một mối quan hệ an ủi. Trong bộ oneshot kinh dị toàn tập của ông, những kẻ thủ ác cũng thường là những người cô độc, hay yếu thế trong cuộc sống hằng ngày. 

    hikikomori

    Tập 1 trong oneshot horror đưa ra cái nhìn rùng rợn và buồn bã về thế hệ hikikomori Nhật Bản.

    đóa hoa dưới nước

    “Đóa hoa dưới nước” khai thác về những kẻ cuồng yêu đến mức sát hại người mình yêu thương.

    Ngày 7/4, Motoo Abiko qua đời tại nhà riêng ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của vị họa sĩ là một mất mát lớn trong ngành công nghiệp manga. Tuy nhiên, những di sản mà ông để lại vẫn giữ nguyên giá trị lớn lao và tạo nên tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp 2D trên toàn thế giới. Đồng thời, những oneshot horror và tác phẩm điện ảnh của "cha đẻ" Doraemon đã chắp cánh ước mơ và tạo động lực cho những sáng tạo bứt phá của những họa sĩ manga trẻ sau này. 

    Ngày sinh của cố hoạ sĩ Fujiko Fujio A

    Cố hoạ sĩ Fujiko Fujio A là cha đẻ có nhiều tập truyện tranh nổi tiếng, tiêu biểu nhất chắc có lẽ là "Doraemon". Ông sinh ngày 10 tháng 3 năm 1934 ở Himi, Toyama, Nhật Bản và qua đời vào ngày 7 tháng 4 năm 2022. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm manga nổi tiếng và truyền động lực nổi tiếng cho thế hệ trẻ ngày nay.

    kilala.vn

    18/04/2022

    Bài: Vĩnh Anh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!