Người đàn ông mắc chứng ADHD tỏa sáng với tài năng nghệ thuật

    Căn bệnh đã khiến anh Shoichi Nakajima phải dừng việc học, nhưng tài năng thiết kế lại giúp anh thành công trên con đường sự nghiệp.

    Shoichi Nakajima hiện đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ sản xuất phụ kiện thời trang do anh thành lập tại tỉnh Kochi, miền tây Nhật Bản, tên công ty cũng chính là tên tỉnh – Kochi. Vì tên này nghe giống như cách phát âm của thương hiệu thời trang Coach của Mỹ trong tiếng Nhật, nên anh đã lấy cảm hứng tạo nên các sản phẩm của mình. 

    Tuy nhiên, điều khiến mọi người khâm phục ở Shoichi Nakajima là anh mang trong mình căn bệnh Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD), một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần. Người bệnh sẽ có những biểu hiện khó tập trung, hiếu động thái quá và hành vi mang tính bốc đồng.

    nakajima

    Anh Shoichi Nakajima với sản phẩm ví Kochi. 

    Từ một người phải bỏ học

    Sinh ra ở Sendai, đông bắc Nhật Bản, Shoichi Nakajima thường xuyên chuyển trường do bố anh chuyển công tác. Nhưng dù ở bất cứ môi trường nào, anh ấy vẫn không thể tập trung. Thay vì nghe giảng như các bạn, Nakajima sẽ xếp những chiếc bút lên thành tháp. Khi những đứa trẻ khác đi thay quần áo cho lớp thể dục, anh thường quên tham gia cùng và không bao giờ giỏi trong các hoạt động nhóm.

    Chia sẻ về cảm giác lúc đó, Nakajima cho biết: "Tâm trí tôi dường như ở một nơi khác với mọi người". Không phải anh ấy không cố gắng để hòa nhập nhưng các bạn cùng lớp vẫn có một khoảng cách vì họ thấy anh là người kỳ quặc. Khi lên lớp năm hoặc lớp sáu, Nakajima đã sống với suy nghĩ rằng "có lẽ mình là người ngoài hành tinh".

    tăng động giảm chú ý

    Nakajima gặp khó khăn với việc tập trung học. Ảnh: Pixta

    Nakajima cố gắng tốt nghiệp tiểu học. Nhưng ở trường cấp hai, khi chứng kiến một trong những người bạn cùng lớp trở thành mục tiêu của sự bắt nạt Nakajima đã sợ hãi không muốn đến trường. Đến tháng 09/2008, năm thứ hai của trường trung học cơ sở, Nakajima đã đạt đến giới hạn của bản thân và quyết định ngừng đi học hoàn toàn.

    Ở nhà, anh thường dành thời gian ngồi máy tính hoặc chăm sóc cây cảnh trên ban công, nhưng trong lòng luôn nặng trĩu: "Tôi cảm thấy như mình đang ở trong tù và cuối cùng sẽ chết một mình".

    Đến lúc này, mẹ của Nakajima đưa anh đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), ngay khi biết được chính xác căn bệnh của mình, Nakajima nói rằng anh ấy cảm thấy nhẹ nhõm: "Tôi quyết định nghĩ về một số biện pháp để tự thích nghi với tình trạng bệnh”.

    bị cô lập

    Ảnh: Pixta

    Giáo viên chủ nhiệm cấp hai đã giới thiệu Nakajima đến với Mirai, một trung tâm hỗ trợ giáo dục tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Thành phố Kochi. Nơi đây chủ yếu giúp đỡ học sinh tiểu học và trung học cơ sở, những người không thể đi học trở nên độc lập về mặt xã hội. Phần lớn thời gian các em dành để học tập hoặc vui chơi cùng nhau.

    Mục đích hoạt động của trung tâm là chấp nhận trẻ em "như chúng vốn có" và tạo ra một môi trường mà chúng "cảm thấy thoải mái", không bị ép buộc. Họ không bị la mắng, ngay cả khi không học, chỉ đọc manga. Các em được khuyến khích tự làm những gì mình muốn, với mục tiêu cuối cùng là trở lại trường học hoặc bước ra ngoài xã hội.

    [subscribe]

    Nakajima cho biết điều may mắn lớn nhất của anh đến từ một giáo viên tại trung tâm hỗ trợ tên là Yutaka Konishi, người đã khen ngợi anh vì đã có những bước tiến mặc dù mắc chứng rối loạn ADHD. "Em không cần phải đến trường nhưng cảm ơn em đã đến đây", đó là câu nói mà Nakajima được nghe bởi Konishi. Đây là lần đầu tiên có người nói với Nakajima rằng không đi học là một lựa chọn không tệ.

    Khi mới bắt đầu đến trung tâm, anh ấy dành thời gian một mình trong sân chơi, xây tháp thẻ, nhưng chẳng bao lâu, Nakajima đã làm quen với những đứa trẻ khác. "Tất cả chúng tôi đã nghỉ học, vì vậy chúng tôi tự nhiên trở thành bạn của nhau. Đến nay, tôi vẫn có mối liên hệ sâu sắc với mọi người ở đó, như một gia đình".

    Đến một người sống với niềm đam mê nghệ thuật

    Nhận thấy được tài năng nghệ thuật của Nakajima, thầy Konishi đã khuyên anh nên vẽ thiết kế cho bảng hiệu lễ hội văn hóa. Ý tưởng của bức tranh là sự kết hợp của các nhân vật khác nhau cùng nắm tay quanh Trái đất, hay theo Nakajima mô tả là "một con rùa mang thị trấn trên lưng" khi bay qua không gian. Sự kiện này dường như đã thay đổi cuộc đời anh. 

    Konishi khen ngợi anh ấy về sự thú vị của tác phẩm và động viên anh trở thành một người làm nghệ thuật, chính lúc này, Nakajima nhận ra rằng, sống với nghệ thuật cũng chính là một cách sống.   

    bức tranh thay đổi cuộc đời

    Bức tranh tại lễ hội.

    Hồi tưởng lại quá khứ, anh nhớ lại rằng ở trường tiểu học, anh đã từng dùng đá bọt núi lửa ở trường để vẽ. Trong lớp học mỹ thuật ở trường cấp hai, trong khi tất cả mọi người đều vẽ bằng bút chì, anh ấy là người duy nhất dán cục tẩy lên tờ giấy và gọi nó là "nghệ thuật" và giờ đây là thời điểm anh có thể thể hiện những ý tưởng của mình, ngay cả khi chúng kì lạ.

    Sau lời khuyên từ Konishi, Nakajima vào trung học và tham gia câu lạc bộ nghệ thuật. Anh ấy vẫn phải vật lộn với các hoạt động nhóm, nhưng những ý tưởng của anh ấy đã nảy nở thành các tác phẩm nghệ thuật. Theo thời gian anh ấy đã học cách làm cho chứng rối loạn phát triển của mình trở nên phù hợp với bản thân.

    tác phẩm Mikan

    Tác phẩm Mikan của Nakajima. 

    Có lần anh ấy mang về nhà một chiếc quạt điện từ một bãi rác và đục lỗ trên cánh quạt để biến nó thành một chiếc máy thổi bong bóng xà phòng. Vào năm thứ hai trung học, Nakajima đã làm khuôn của một trái Mikan, bằng cách sử dụng thạch cao, nấu chảy các lon nhôm có ở nhà và đổ chất lỏng nóng chảy vào khuôn để tạo ra một Mikan nhôm.

    Anh ấy đặt nó trên đỉnh một lon nước trái cây Mikan và gọi nó là "arumikan no ue ni aru mikan” (tạm dịch: có một mikan trên đầu lon nhôm) nhưng trong tiếng Nhật, nó là một cách chơi chữ “arumikan - aluminum can (lon nhôm)” và "có một mikan" (aru mikan) nghe giống nhau.

    Tác phẩm đã nhận được giải thưởng “Special Recognition” tại Triển lãm Nghệ thuật Trung học Tỉnh Kochi. "Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên tác phẩm của tôi được công nhận”, anh Nakajima chia sẻ.

    ceiling motif

    Tác phẩm "ceiling motif" Shoichi Nakajima tạo ra để tri ân thầy Yutaka Konishi.

    Nakajima đăng ký học tại Đại học Nghệ thuật Osaka. Tuy nhiên, vào năm 2013, khi đang là sinh viên năm nhất của trường đại học, thầy Konishi đã qua đời vì bệnh ung thư. Để bày tỏ lòng kính trọng với người thầy của mình, Nakajima đã tạo nên tác phẩm “ceiling motif”, lấy cảm hứng từ tấm ảnh cuối cùng mà thầy đã đăng trên facebook – bức ảnh chụp trần nhà trong phòng bệnh.

    Sau khi tốt nghiệp, Nakajima phải đối mặt với công cuộc tìm kiếm việc làm, nhưng anh chỉ muốn sống với nghệ thuật. Trong thời gian này, anh bắt đầu sáng tạo một kiểu chữ mới, kết hợp giữa chữ Ả Rập và chữ tiếng Nhật, trong đó có chữ Kochi, nơi anh sinh sống. Trực giác đã khiến anh nghĩ rằng sẽ rất thú vị khi in những chữ này trên ví.

    Cuộc sống không kết thúc khi bạn đi chệch hướng. Đó là cơ hội để bạn tỏa sáng ở thế giới của riêng mình"

    Để hiện thực hóa điều này, anh ấy tìm kiếm nhà máy sẽ đảm nhận việc sản xuất ở Nhật Bản nhưng không thể tìm thấy, vì vậy ban đầu, anh ấy đã làm chúng bằng tay. Cuối cùng, anh mở rộng phạm vi và tìm thấy một nhà máy ở Trung Quốc và sản xuất 200 chiếc. Anh ấy đã thử bán chúng trên internet và những nơi khác, nhưng không có nơi nào bán được. Trong khoảng thời gian thất bại này, anh nhớ lại điều mà giáo viên Konishi đã nói: "Những giấc mơ trở thành hiện thực nếu bạn nói về chúng 10 lần" và anh quyết không bỏ cuộc.

    ví kochi

    Ban đầu, những chiếc ví được làm thủ công.

    Bước ngoặt của Nakajima đến vào tháng 08/2018. Khi đang cố gắng bán đồ của mình ở góc cửa hàng bách hóa mà anh thuê ở Kochi thì Akira Ishida của bộ đôi hài Nhật Bản "Non Style" đã đến tham gia một buổi quay. Nakajima đã quyết tâm đưa cho Akira Ishida một chiếc ví trong quá trình ghi hình. Sau khi Ishida đăng một bức ảnh về chiếc ví trên Twitter, các đơn đặt hàng đã xuất hiện.

    Vào lúc cao điểm, anh nhận được tới 2.000 đơn đặt hàng trong một ngày. Cuối cùng, anh đã thành lập thương hiệu Kochi và trở thành chủ tịch của công ty.

    ví kochi

    Hiện nay, thương hiệu Kochi kinh doanh các sản phẩm liên quan đến tỉnh Kochi. Các sản phẩm khác của công ty bao gồm kem dưỡng da sử dụng nước biển sâu và thẻ kinh doanh làm bằng da hươu của tỉnh. Nakajima nói rằng anh mãi mãi biết ơn người thầy Konishi và trung tâm hỗ trợ ở thành phố Kochi. "Họ giúp tôi thay đổi suy nghĩ của mình, biến tư duy “Tôi không thể làm được” thành sức mạnh. Tôi yêu Kochi và muốn trả ơn bằng cách tạo ra một công ty nâng tầm Kochi, để nhiều người biết đến và yêu thích nơi đây", Nakajima nói.

    Và đối với những người mắc chứng ADHD, Nakajima đưa ra lời khuyên: "Cuộc sống không kết thúc khi bạn đi chệch hướng. Đó là cơ hội để bạn sẽ tỏa sáng ở thế giới của riêng mình”.

    kilala.vn

    04/11/2022

    Nguồn: Kyodo News
    Ảnh: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!