Liên Quốc Đạt: Người “biến hóa” tiền lẻ thành nghệ thuật Origami
Có lẽ ai trong chúng ta từ nhỏ cũng đã nghe đến truyền thuyết 1000 con hạc giấy Senbazuru đổi lấy 1 điều ước, trở nên phổ biến khắp thế giới nhờ câu chuyện cảm động về cô bé Sadako Sasaki, nạn nhân nhiễm phóng xạ từ vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima. Cô bé 12 tuổi mạnh mẽ ấy đã cố gắng gấp 1000 con hạc giấy trong thời gian nằm viện để cầu mong hòa bình cho thế giới. Kể từ đó cho đến nay, không chỉ tại Nhật Bản mà ở nhiều nơi, người ta vẫn gấp hạc khi muốn cầu mong điều bình an, sức khỏe, đỗ đạt. Chính vì thế, hầu như thế hệ 8x, 9x Việt Nam thuở nhỏ đều có thể tự gấp nên những con hạc giấy cho riêng mình.
Và hạc giấy Senbazuru cũng là một phần của văn hóa Origami trứ danh đến từ Nhật Bản. Dưới bàn tay của người chơi Origami, những tờ giấy ban đầu bỗng “hóa thân” thành những vật mềm mại, có sức sống hơn. Không chỉ sử dụng những tờ giấy chuyên dụng cho Origami như giấy Washi, mà ngày nay nhiều người đã sáng tạo ra cách gấp từ những loại giấy khác nhau. Trong đó, phải kể đến Liên Quốc Đạt, một nghệ sĩ, tác giả Origami tại Việt Nam.
Tiếp xúc với Origami từ khoảng hơn 20 năm trước, đến nay, Liên Quốc Đạt đã sở hữu cho mình một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 200 tác phẩm do chính anh sáng tác. Bên cạnh đó, anh cũng tạo channel Youtube LQD Money Origami như một không gian để chia sẻ tình yêu Origami với mọi người.
Kilala đã có buổi gặp gỡ, phỏng vấn độc quyền cùng anh Liên Quốc Đạt để tìm hiểu và lắng nghe những tâm huyết của anh cho bộ môn nghệ thuật này.
Tình yêu với văn hóa Nhật trong anh được hình thành từ đâu?
Giống như nhiều đứa trẻ ngày đó, manga giúp tôi biết đến Nhật Bản. Thuở còn nhỏ, cạnh nhà tôi có một anh hàng xóm, sau khi đi nước ngoài đã để lại một gác sách chỉ toàn truyện tranh Nhật Bản. Hằng ngày, tôi đều sang đó để mượn truyện về đọc, rồi không biết từ khi nào, tình yêu đối với văn hóa Nhật đã tồn tại trong tôi.
Tuy nhiên, Origami mới thực sự là cầu nối giúp tôi “chạm ngõ” với văn hóa Nhật. Ngay từ lúc lên 5, mẹ tôi đã mua sách về và dạy tôi chơi trò gấp giấy. Tôi nhớ quyển sách đầu tiên tôi xem là Nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản (lúc đó thuật ngữ Origami chưa được phổ biến). Dù lúc đó chưa biết đọc nhưng chỉ cần nhìn theo những kí hiệu hướng dẫn, tôi có thể tự xếp được một mẫu vật hoàn chỉnh.
Liệu đâu là tác phẩm anh tâm đắc nhất?
Mẫu tâm đắc nhất của tôi là “Rùa biển”, ban đầu nó khá đơn giản với phần mai trơn. Nhưng sau đó, tôi tìm hiểu thì thấy mẫu của mình có điểm tương đồng với mẫu rùa biển của bạn Linh Sơn nên tôi nghĩ rằng mình cần làm một thứ gì đó khác đi. Cuối cùng tôi đã thay đổi và tạo ra phiên bản “Rùa biển” với phần mai có cấu trúc phức tạp hơn từ một tờ tiền giấy. Đến tận bây giờ tôi vẫn không tin mình có thể tạo ra được một tác phẩm phức tạp như vậy mà chỉ sử dụng 1 tờ tiền giấy.
Vì sao anh quyết định sử dụng tiền giấy Việt Nam thay cho giấy Washi chuyên dụng trong nhiều tác phẩm?
Cái này phải nói đến hoàn cảnh sáng tác của các tác phẩm. Công việc trước đây của tôi là nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành động vật. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi thường xuyên đến những nơi không có dấu chân người để thu mẫu, khảo sát, đánh giá độ đa dạng… của các loài động vật.
Điều kiện ở những nơi đó cũng khá thiếu thốn và đi kèm với 3 không: Không điện – Không Internet – Không sóng điện thoại. Công việc của tôi suốt thời gian ấy theo một thời khóa biểu cố định: tối đi thu mẫu, sáng xử lý mẫu, chụp ảnh, ghi chép… và có khoảng thời gian 8 tiếng không làm gì cả. Điều này buộc tôi phải kiếm một việc gì đó làm để giết thời gian. Giấy Washi thì không phải lúc nào cũng mang theo bên mình, nên tôi nghĩ đến việc tận dụng bất cứ loại giấy nào tôi có để gấp, như phiếu thu mẫu, sổ tay nhật kí thực địa, và đặc biệt là tiền giấy. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và sáng tác nhiều mẫu khác nhau từ tiền lẻ.
Sự khác nhau về chất liệu giữa tiền giấy và giấy Washi có gây khó khăn cho anh trong quá trình gấp không?
Khi đã quen với việc gấp bằng Washi thì chắc chắn chuyển qua bất kì loại giấy nào cũng sẽ cảm thấy khó khăn. Về cơ bản, tiền giấy khá dày, nhỏ và dai nên những mẫu tôi sáng tác từ tiền giấy sẽ có hạn chế về độ phức tạp và thường không quá 50 bước. Nhưng chính khó khăn đó lại là một ưu điểm, vì những mẫu gấp bằng tiền giấy khá đơn giản nên mọi người có thể dễ dàng gấp bằng bất cứ loại giấy nào.
Có thể thấy mẫu rồng Wyvern là tôi sử dụng giấy tái chế. Thường thì mọi người sẽ ít sử dụng loại giấy này vì khuyết điểm của nó là mềm, dai, xơ, không ăn nếp nhưng mẫu rồng của tôi lại có thể dùng giấy tái chế để gấp khá dễ dàng.
Trước đây, là một nhà động vật học nên tôi có cơ hội nhìn thấy được những tác động của con người ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào. Việc gấp giấy Origami cũng không buộc phải sử dụng giấy chuyên dụng mà chúng ta có thể sáng tác trên bất kì vật liệu giấy: giấy tái chế, tiền lẻ, giấy thừa bỏ đi. Với nhiều người, có lẽ giấy tái chế sẽ khó có thể làm Origami, nhưng những tác phẩm của tôi thường khá đơn giản, ít bước nên có thể dùng giấy tái chế để gấp. Tôi cũng hi vọng rằng thông qua những tác phẩm bằng giấy tái chế, phần nào tôi sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường đến những người yêu thích Origami.
Thông qua những tác phẩm bằng giấy tái chế, tôi hi vọng có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến những người yêu thích Origami.
Có quy tắc chung gì trong việc tạo ra một mẫu Origami không, thưa anh?
Tôi luôn theo quy tắc, đi từ cái tổng thể rồi mới đến cái chi tiết. Từ một tờ giấy, mình phải tạo ra base (phần nền), xác định được từng bộ phận của chủ thể: đầu, thân, chi, cánh. đúng tỉ lệ giải phẫu học. Sau đó mới đi vào chi tiết của từng bộ phận giống như xây nhà, mình phải luôn xây cái sườn trước rồi mới trang trí chi tiết sau.
Cơ duyên nào khiến anh nghĩ đến việc thành lập kênh Youtube hướng dẫn mọi người gấp Origami?
Giống như một nhạc sĩ hay họa sĩ, khi tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, tôi cũng muốn giới thiệu chúng đến với mọi người và mong rằng ai cũng có thể gấp được mẫu mà tôi đã sáng tác. Trước khi lập kênh Youtube, tôi đã thực hiện một cuốn sách nhưng để hoàn thành một quyển sách như vậy thì tốn khá nhiều thời gian. Sau khi hoàn thành cuốn sách đầu tay, tôi lập gia đình, có con rồi thành lập công ty riêng nên cũng không còn quá nhiều thời gian. Vì thế tôi nghĩ “Tại sao mình không thành lập một kênh Youtube để có thể chủ động đăng những clip hướng dẫn cho mọi người?”, và LQD Money Origami ra đời.
Thật ra thành lập kênh trên Youtube ban đầu chính là để cho bản thân mình, vì tôi đã sáng tác rất nhiều mẫu và khó có thể nhớ hết những “đứa con tinh thần”. Khi ấy, Youtube là nơi để lưu lại cách gấp của các tác phẩm đó. May mắn là kênh cũng được mọi người quan tâm và yêu thích.
Làm cách nào anh có thể phân bổ thời gian cho tất cả những công việc (đi làm, gấp Origami, quay video và cho gia đình) chỉ trong 24 tiếng mỗi ngày?
Trước đây, khi làm công việc nghiên cứu và giảng dạy thì tôi cũng chủ động được thời gian. Sau này khi ra kinh doanh riêng, công việc đã vào quỹ đạo thì thời gian đối với mình cũng linh hoạt hơn, nên công việc chính không ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê Origami.
Video của anh có những tác phẩm hoành tráng với độ phức tạp cao, từ đâu anh có nguồn cảm hứng để sáng tác những tác phẩm đó?
Cảm hứng đối với người làm nghệ thuật rất quan trọng vì không chỉ tạo nên những tác phẩm sáng tạo mà còn giúp nâng cao năng suất thực hiện. Có những mẫu tôi chỉ làm trong vài giờ nhưng có những mẫu tôi cầm tờ giấy cả tuần vẫn không thể gấp được, điều đó phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác. Mà cảm hứng sáng tác thì bắt nguồn từ cảm xúc với nhân vật, mẫu vật.
Đối với tôi, nguồn cảm hứng dồi dào nhất là đến từ cuộc sống xung quanh, ví dụ như các mẫu động vật là từ các bộ phim tài liệu của BBC mà tôi yêu thích, hay như mẫu rồng được lấy ý tưởng từ dáng đậu của đại bàng. Ngoài ra, có những tác phẩm là dựa vào các nhân vật trong phim ảnh, tiểu thuyết, anime, manga. mà khi tôi xem tôi rất có cảm xúc như Godzilla, hay Tôn Ngộ Không.
Gấp nhiều tác phẩm như vậy, có bao giờ anh cảm thấy. chán Origami chưa?
Chắc chắn là có, ban đầu tôi chỉ gấp giấy theo những mẫu có sẵn của các tác giả, tuy nhiên, nguồn “tài nguyên” nào rồi cũng sẽ đến lúc cạn kiệt, sau khi đã gấp hết những mẫu yêu thích thì tôi không biết lựa chọn mẫu nào để tiếp tục nữa.
Bên cạnh đó, có một khoảng thời gian phổ biến kĩ thuật sáng tác box-pleating, nghĩa là chỉ cần một tờ giấy, chia nhỏ thành nhiều ô vuông, sau đó phân thành đầu, mình, thân, chi tiết. Điều này rất tiện lợi, chỉ cần số lượng ô vuông chia đủ nhiều, thì bất kì mẫu phức tạp đến cỡ nào cũng có thể gấp được, như lắp ráp Lego vậy. Cách sáng tác này yêu cầu sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao, chúng ta có thể thấy nhiều ở những tác phẩm của các tác giả Trung Quốc, và một số tác giả Việt Nam nhưng tôi cảm thấy phương pháp đó không phù hợp với mình, nó ít sử dụng các bước cơ bản khác mà chủ yếu chỉ chia ô vuông, tôi cảm thấy nó như một công cụ vạn năng. Lúc ấy gần như tôi muốn từ bỏ Origami.
Đến một ngày, tôi nghĩ rằng, nếu không còn những mẫu mình muốn gấp thì tại sao không tự sáng tác nên những tác phẩm. Và đó là điều dẫn tôi đến với con đường sáng tác Origami.
Được biết nhiều sản phẩm của anh đã vinh dự góp mặt tại các triển lãm quốc tế. Vậy những lần tham gia đó đã mang đến cho anh những cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ nào?
Kỷ niệm thì có rất nhiều, bắt đầu từ việc gửi những tác phẩm qua đường bưu điện sang nước ngoài, vì những tác phẩm của tôi đều xếp bằng tiền giấy nên khi kiểm tra, nhân viên báo rằng không được gửi tiền mặt qua bưu điện, tôi chỉ có thể quy ra số tiền và chuyển cho người nhận, lúc đó tôi chỉ biết bật cười. Cuối cùng tôi phải nhờ bạn mang theo đường xách tay. Hay như cuộc triển lãm cho cuốn sách đầu tay (tại Mỹ), ngay lúc đó dịch COVID-19 bùng phát dữ dội khiến triển lãm phải ngưng trong vòng 1,5 năm và những tác phẩm của tôi cũng nằm “trong kho” từng ấy thời gian.
Đến khi mọi người bên Mỹ bắt đầu tiêm ngừa 2 mũi vaccine, các sự kiện được phép mở cửa các tác phẩm của tôi mới được đem ra triển lãm kết hợp với “nhiều” sự kiện triển lãm khác trong vòng 1 năm rưỡi đó tại Chicago.
Theo anh, môn nghệ thuật này mang lại những giá trị gì đến các bạn trẻ trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi mà các thiết bị thông minh phát triển gắn liền với các trò chơi giải trí?
Giá trị của Origami được chứng mình qua nhiều thời đại, Origami được ứng dụng rộng rãi trong khoa học không gian, kiến trúc hiện đại, y học, giáo dục. Mọi người có thể thấy Origami trong các cấu trúc pin mặt trời trên vệ tinh phóng vào không gian, hay trong các nội thất thông minh. Trong y học, môn nghệ thuật này được sử dụng để phục hồi chức năng tay sau tai nạn, giảm các triệu chứng run tay, đãng trí ở người già, một liệu pháp điều trị cho trẻ tự kỷ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, Origami được đưa vào giáo dục để giúp trẻ phát triển tư duy và óc sáng tạo, phát triển đồng bộ hai bán cầu não trái và phải.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, hầu hết các bạn trẻ tìm niềm vui, giải trí thông qua internet. Mình nghĩ nếu các bạn tiếp cận với Origami, sẽ có nhiều lợi ích hơn vì khi gấp giấy, trạng thái tinh thần lúc đó cũng tương tự như thiền hay Yoga. Giúp cho bản thân tập trung, giải tỏa căng thẳng, rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Origami là một môn nghệ thuật - khoa học, để thực hiện một tác phẩm Origami, nó không đòi hỏi sự khéo tay hay năng khiếu vì đa phần các nếp gấp là những nếp thẳng. Nó cần sự chính xác, tỉ mỉ, óc logic, tính kiên nhẫn, và sự nỗ lực rèn luyện. Theo ý kiến của riêng tôi, nếu có một môn giải trí nào thực sự tốt cho mọi người, thì đó hẳn là Origami.
Dự định trong tương lai của anh đối với môn nghệ thuật này như thế nào?
Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Origami được đưa vào trong giảng dạy, đặc biệt ở bậc tiểu học vì nó giúp các em nhỏ có thể phát triển đồng bộ cả hai bán cầu não. Như tại Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy cách gấp hạc, thuyền buồm, đông tây nam bắc trong sách kĩ thuật của các em tiểu học. Nhưng chưa hề có một nơi nào giảng dạy Origami chuyên nghiệp, từ gấp giấy cơ bản, đến sáng tác ra một tác phẩm. Vì thế, tôi cũng mong muốn có thể lập ra những lớp học dành cho các bạn trẻ có niềm đam mê với bộ môn này để mọi người có thể được đào tạo sáng tác một cách bài bản hơn.
Ngoài ra, tôi cũng mong rằng mình có thể hoàn thiện bộ sách hướng dẫn Origami của riêng tôi, hiện tại tôi chỉ mới hoàn thành được 1 cuốn, bao gồm 22 mẫu trong số hàng trăm mẫu mà tôi đã sáng tác. Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ dự án tập hợp tất cả những tác phẩm bằng tiền giấy của những tác giả Việt Nam, làm thành bộ sách để giới thiệu với bạn bè thế giới. Để sau này khi chúng ta thấy bạn bè thế giới gấp những mẫu bằng tiền giấy này thì chúng ta có thể tự hào nói rằng: "À, đó là do người Việt Nam sáng tác!".
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
kilala.vn
12/12/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận