Ishikawa Satsuki: Cô gái bị cả làng tẩy chay vì dũng cảm vạch trần gian lận
Năm 1952, tại làng Ueno dưới chân núi Phú Sĩ, có một nữ sinh 15 tuổi đã đứng lên vạch trần hành vi gian lận bầu cử ở địa phương. Chính điều này đã khiến cuộc sống của cô rơi vào bể khổ bởi sự tẩy chay đáng sợ của cộng đồng.
Vào năm 1952 đã có một vụ việc gây rúng động cả nước Nhật, được biết đến với tên gọi "Vụ việc Murahachibu tại làng Ueno" với nạn nhân là thiếu nữ Ishikawa Satsuki.
Nữ sinh một mình chống lại thế lực chính trị
Ueno là một ngôi làng nhỏ ẩn dưới chân núi Phú Sĩ, nay thuộc thành phố Fujinomiya, tỉnh Shizuoka. Vào năm 1950 nữ sinh Ishikawa Satsuki, khi đó 15 tuổi, đang theo học tại trường Trung học Ueno của làng.
Bấy giờ Nhật Bản sắp kết thúc những năm dưới sự chiếm đóng của quân đội Hoa Kỳ. “Dân chủ” trở thành khẩu hiệu khi nước Nhật dần thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh, bước vào giai đoạn phát triển và tiếng nói của người dân được đề cao.
Tuy nhiên tại ngôi làng mà Satsuki sống, dân chủ là một điều xa xỉ khi “phép vua thua lệ làng” và bộ máy chính quyền địa phương vẫn họat động theo cách lạc hậu, bảo thủ, chỉ những kẻ có quyền mới được lên tiếng.
Từ trước năm 1952, tình trạng gian lận bỏ phiếu bầu lãnh đạo tại Ueno đã diễn ra. Những kẻ nắm quyền sẽ kiểm soát phiếu bầu và chi phối quá trình kiểm phiếu. Các phe cánh giúp nhau cùng thăng quan tiến chức, lạm dụng chức quyền để làm lợi cho bản thân, dung túng, bao che các sai phạm nghiêm trọng cho nhau.
Người dân không quan tâm về chính trị và nếu có ai lên tiếng thì cũng sẽ bị “bịt miệng”, đối xử ghẻ lạnh. Ishikawa Satsuki là một trong số đó.
Vào năm 1950, Satsuki đã phát hiện dấu hiệu gian lận trong cuộc bầu cử nghị sĩ Hạ viện Nhật Bản thường kỳ lần thứ hai được tổ chức vào tháng 6. Cô rất bất bình và quyết định phơi bày sự việc trên tờ báo của trường.
Sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng thu hồi bài báo và tiêu hủy toàn bộ tài liệu mà Satsuki cung cấp, tìm cách hủy đi những bằng chứng theo lệnh của trưởng làng Shigeki Sano. Tuy nhiên Satsuki vẫn không bỏ cuộc.
Hai năm sau, cô đã tìm thấy chứng cứ gian lận trong đợt bầu cử bổ sung được tổ chức vào ngày 6/5/1952. Ban đầu, cô định báo cáo vụ việc lên ủy ban giám sát bầu cử cùng các cơ quan chính quyền quyền địa phương nhưng vì không thể tin tưởng các tổ chức này, cô đã gửi các tài liệu thu thập được lên nhật báo Asahi Shimbun.
Vào ngày 8/5, các phóng viên của Asahi Shimbun đã có mặt tai làng Ueno để phỏng vấn, làm rõ sự việc với Satsuki. Nữ sinh đã không ngần ngại nêu ra những gì mà bản thân biết rõ, lên án vấn nạn tham nhũng, gian lận của chính quyền địa phương.
Vài ngày sau khi tin tức này xuất hiện trên tờ Asahi Shimbun, cảnh sát đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên cái kết của sự việc lại gây ra nhiều bất bình trong xã hội khi Satsuki phải hứng chịu sự trừng phạt vì dám đứng lên chống lại sai phạm.
Sự tẩy chay ở Ueno
Khi dân làng biết rõ sự tình về bê bối gian lận bầu cử trong bộ máy chính quyền, thì thay vì chỉ trích các lãnh đạo, ủng hộ việc điều tra làm rõ sai sót trong bầu cử, nhiều người lại quay ra ghét bỏ, kỳ thị Satsuki.
Cô bị mắng mỏ, chịu sự mỉa mai từ những người bị cảnh sát triệu tập để điều tra. Họ bắt đầu lên kế hoạch trả thù và bắt nạt gia đình nữ sinh.
Người dân trong làng thì tỏ thái độ ghen ghét ra mặt và bắt đầu xa lánh các thành viên trong gia đình Ishikawa. Ở trường, Satsuki bị cắt học bổng mà cô đã nỗ lực để đạt được, em gái cô bị bạn bè chửi rủa, dè bỉu là “đồ gián điệp”.
Mọi người cho rằng sự bình yên của làng Ueno đã bị Satsuki quấy nhiễu, cô đã bôi xấu lên hình ảnh tốt đẹp của làng. Báo chí địa phương đăng những tin tức tiêu cực về gia đình của Satsuki, chuyện cha cô nợ nần cũng bị đưa lên chế giễu. Họ tố cáo sự việc của cha Satsuki lên Bộ Tư pháp và đòi tống ông vào tù.
Satsuki đã lên tiếng chứng minh việc bố cô sai phạm, nợ nần và vấn đề gian lận bầu cử của địa phương là hai sự việc mang tính chất khác nhau. Tuy nhiên không ai lắng nghe lời thanh minh của Satsuki, họ cho rằng con gái của một con nợ không đủ tư cách để tố cáo sai phạm của làng.
Một số người vẫn đứng về phía nhà Ishikawa, đối xử bình thường và cố gắng giúp đỡ gia đình này. Tuy nhiên khi các bên liên quan đến cuộc bầu cử gian lận đều là những người có thế lực và quan chức chính quyền, nhiều người vì sợ hãi, lo ngại cho cuộc sống và công việc của chính mình mà đành im lặng.
Cứ thế Satsuki cùng gia đình bị cả làng tẩy chay, sống trong sự cô lập, kỳ thị của cộng đồng. Họ phải chịu đựng những tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần dưới sự chà đạp của dân làng Ueno.
Đoạn kết của vụ việc
Vào ngày 24/6/1952, tờ Asahi Shimbun đã đăng bài vạch trần việc cộng đồng dân cư trong làng đối xử tệ với gia đình Ishikawa. Sau đó, nhiều tờ báo đã đồng loạt đưa tin khiến câu chuyện của Ishikawa Satsuki trở nên nổi tiếng khắp nước Nhật.
Nhiều phóng viên, thành viên của các tổ chức nhân quyền, quan chức chính phủ, luật sư, nhà hoạt động xã hội và những người khác đã đến làng Ueno tìm hiểu rõ sự tình.
Trước sức ép tẩy chay của dân làng, Satsuki phải rời quê nhà một thời gian và chuyển tới Tokyo. Đến mùa thu năm 1952, khi tình hình dần lắng xuống, Satsuki trở lại và bắt đầu nối lại các mối quan hệ với làng xóm. Người dân cũng không còn quá gay gắt, đối xử thậm tệ với nhà Ishikawa như trước, một số đã dần hiểu ra và đồng cảm, hòa nhã hơn với gia đình cô.
Về việc gian lận trong bầu cử, cuối cùng đã không có thông báo chính thức nào về kết quả điều tra. Chuyện này dường như đã trôi vào dĩ vãng khi mọi sự chú ý của dư luận đổ đồn vào việc Satsuki và gia đình cô bị tẩy chay.
Năm 1953, vụ việc trên đã được dựng thành phim do Zenju Imaizumi đạo diễn, được phát hành dưới tên "Mura Hachibu". Satsuki cũng đã viết một cuốn hồi ký về sự việc này và xuất bản vào năm 1953.
Là một nữ sinh bình thường, không có đủ sức mạnh để đối đầu với các thế lực chính trị tại địa phương, những gì nữ sinh này phải chịu đựng khi dám lên tiếng vạch trần cái sai của chính quyền cũng cho thấy góc khuất trong chính trị lúc bấy giờ tại Nhật.
Sự chuyên chế, cổ hủ và lạm quyền trong bộ máy chính quyền theo kiểu phong kiến ở nông thôn vẫn còn tồn tại sau thời chiến. Việc một thiếu nữ bị trừng phạt vì đứng lên bảo vệ cho công bằng, dân chủ đã cho thấy sự đáng sợ của những kẻ quyền thế và số đông nghe theo họ.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận