Hành trình giúp đỡ trẻ vị thành niên của người đàn ông từng bị bắt 15 lần

    Một người đàn ông bị bắt 15 lần, bị đưa vào trại giam dành cho trẻ vị thành niên hai lần và từng là thành viên của tổ chức tội phạm lại đang nỗ lực hỗ trợ những thanh niên được thả tự do sau khi vào trại cải tạo. 

    Từ người của thế giới tội phạm

    Asato Takasaka lớn lên ở Hiroshima. Anh bắt đầu thực hiện hành vi phạm pháp khi là học sinh cấp 2, và tham gia một băng nhóm mô tô ở tuổi 14. Sau hàng loạt những lần phạm pháp, năm 16 tuổi, Takasaka bị đưa đến trại cải tạo dành cho trẻ vị thành niên, rồi bị bắt trở lại đây một lần nữa khi 18.

    Trong thời gian ở trại cải tạo, Takasaka chưa bao giờ nghĩ đến việc cắt đứt quan hệ với các thành viên của băng đảng. "Tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc sống một cuộc sống đúng nghĩa", anh nhớ lại.

    Takasaka

    Asato Takasaka năm 17 tuổi. 

    Lý giải về điều này, Takasaka cho biết những thành viên băng đảng mô tô ở Hiroshima lúc bấy giờ trông rất ngầu vì luôn chở những phụ nữ xinh đẹp trên chiếc xe “cực chất”, và “tôi khao khát được như họ”. Đến khi trưởng thành, Takasaka bước vào thế giới ngầm với tư cách là thành viên cấp thấp của một tổ chức tội phạm.

    Đến mong muốn thay đổi bản thân vì gia đình

    Mọi chuyện thay đổi khi vợ anh có thai, buộc Takasaka phải suy nghĩ cho tương lai của gia đình: “Cứ đà này, con tôi sẽ phải chịu đựng một cuộc đời bất hạnh ngay cả trước khi chào đời. Tôi cần phải thay đổi bản thân”. 

    Để làm được điều đó, hai vợ chồng đã chuyển đến Nagoya, nơi Takasaka không có bất kỳ mối liên hệ nào, vì anh không tin tưởng bản thân có thể cắt đứt quan hệ với bạn bè xã hội đen hoặc từ chối những lời đề nghị từ họ.

    Tuy vậy, cuộc sống ở Nagoya không hề suôn sẻ. Takasaka trải qua nhiều công việc trong khi cố gắng che giấu quá khứ của mình. Cuối cùng, anh làm việc tại một viện dưỡng lão vì nghĩ rằng chăm sóc người già sẽ là một ngành kiếm ra tiền, khi ngày càng có nhiều người già ở Nhật Bản. Hóa ra đây lại trở thành bước ngoặt trong cuộc đời anh.

    [subscribe]

    Tìm thấy niềm hạnh phúc khi giúp đỡ người khác

    Takasaka đã nói chuyện với nhiều người và tìm hiểu về cuộc sống của họ. Khi anh cùng họ đi đến các điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử hoặc đến các ngôi đền, Takasaka liên tục nhận được lời cảm ơn. Những trải nghiệm như vậy đã giúp anh dần đặt "niềm kiêu hãnh xã hội đen" của mình sang một bên, và khiến anh muốn dành thời gian để làm người khác vui vẻ.

    Takasaka

    Asato Takasaka phát biểu trong hội nghị vào tháng 03/2022.

    Sau đó, anh biết được thông tin về hoạt động tình nguyện của "Big Brothers and Big Sisters (BBS)", một tổ chức chuyên giúp đỡ những trẻ vị thành niên phạm pháp và quyết định tham gia. Là một tình nguyện viên của BBS, anh dùng bữa với các thanh niên từng phạm tội, lắng nghe họ chia sẻ về những lo lắng của mình.

    Đó là khoảng thời gian đứa con thứ hai của Takasaka được sinh ra. Mẹ anh đã từ Kyushu đến để gặp các cháu của mình. Trong khi đưa mẹ đi tham quan quanh Nagoya, Takasaka hỏi mẹ rằng bà đã nghĩ gì về anh khi anh lớn lên. "Giết anh rồi tự sát - đó là điều mẹ đã nghĩ đến hàng ngày", bà trả lời.

    Khi nghe những lời đó từ mẹ mình, nước mắt anh đã trào ra. Anh nhận ra rằng mình đã vô ơn với mẹ như thế nào bởi những lỗi lầm không thể sửa chữa trong quá khứ.

    hội đồng

    Các thành viên tham dự Hội nghị.

    Vào năm 2014, người đàn ông này đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận gọi là Trung tâm Hỗ trợ phòng ngừa hành vi sai trái Aichi (Re-Misconduct Prevention Support Center Aichi) ở Nagoya. Năm sau, anh bắt đầu điều hành một cơ sở tư nhân dành cho những người không có nơi nào để đi sau khi được thả khỏi các trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên, hoặc những người khó hòa nhập với nơi ở hiện tại, có thể sống tạm trong một khoảng thời gian.

    Nhân viên của nhà chung giúp trẻ vị thành niên làm quen với cuộc sống thông qua việc dạy họ cách nấu ăn, giặt giũ, quản lý tiền bạc và tư vấn việc làm. Takasaka nói: "Điều cốt lõi của nơi đây không chỉ là mang đến nơi ở, mà còn giúp những thanh niên này nhận thức được mối quan hệ của họ với người khác và biết cách xoay sở, tìm kiếm việc làm, nơi ở phù hợp trong tương lai”.

    Ngôi nhà cho những người lạc lối

    Theo số liệu của Bộ Tư pháp, tỷ lệ những người không có nơi ở tái phạm tội và bị tạm giam trong vòng 2 năm sau lần giam đầu tiên cao hơn 1,8 lần những người quay về với gia đình. Nhận thức được sự cần thiết của nhà ở đối với sự thay đổi tính cách, Bộ Tư pháp đã giới thiệu hệ thống “independence preparation home (IPM)” vào năm 2011, cung cấp nơi trú ngụ cho những người đã hết thời hạn giam giữ nhưng chưa có nơi để về.

    Tính đến tháng 04/2021, có 447 cơ sở như vậy trên toàn quốc, được đăng ký tại các văn phòng quản chế và nhận tiền hỗ trợ từ chính phủ trung ương. Khoảng 1.700 người sử dụng các ngôi nhà mỗi năm và số lượng đang dần tăng lên. Do các cơ sở được điều hành bởi những doanh nghiệp khác nhau, bao gồm công ty phúc lợi xã hội, tổ chức phi lợi nhuận và khách sạn, nên phòng ở cũng đa dạng, có thể là căn hộ hoặc nằm trong các cơ sở phúc lợi.

    nhà độc lập

    Bên trong nơi ở (trái) và bữa ăn dành cho một người ở nhà cộng đồng (phải). 

    Đến năm 2019, Takasaka thành lập một tổ chức ở quy mô quốc gia với sự giúp đỡ của các nhóm phi lợi nhuận từ Osaka và Hiroshima mà anh đã từng liên hệ. Việc đầu tiên Takasaka làm là nắm bắt tình hình thực tế của những ngôi nhà. Anh cùng cộng sự liên hệ với Bộ Tư pháp, và với sự hợp tác của các văn phòng quản chế trên khắp Nhật Bản, đã tiến hành một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp đang vận hành những ngôi nhà này. 

    Nghiên cứu nêu lên các vấn đề chung, bao gồm thiếu nguồn nhân lực và kinh phí, cũng như không có đủ thông tin về người dùng, chẳng hạn như quá trình lớn lên và lịch sử y tế của họ. Từ đó Takasaka nhận ra tầm quan trọng của việc tạo ra một mạng lưới để các doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin và cùng nhau giải quyết vấn đề.

    Sau đó, Takasaka tiến hành thành lập Japan Independence Preparation Home Council và bắt đầu chuẩn bị cho một hội nghị chuyên đề. Trong hội nghị có bài phát biểu quan trọng của Tổng công tố Makoto Hayashi.

    hayashi

    Tổng công tố Makoto Hayashi

    Ông Hayashi được biết đến là người không chỉ tập trung vào các cuộc điều tra và xét xử, mà ông dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phục hồi cho những người đã phạm tội. Hayashi đã dẫn đầu việc sửa đổi luật nhà tù năm 2005, thay đổi lớn đầu tiên đối với luật trong khoảng 100 năm; tăng cường các chương trình và phương pháp điều trị cho các tù nhân để giúp họ tái hòa nhập xã hội. Khi còn là Chánh văn phòng Công tố Cấp cao Nagoya, ông đã đi thăm cơ sở phi lợi nhuận của Takasaka. 

    Takasaka trở thành giám đốc đại diện của hội đồng mới thành lập. Khi được phóng viên Mainichi Shimbun hỏi rằng liệu các hoạt động của anh có phải để chuộc tội cho những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ hay không, anh thẳng thừng phủ nhận.

    "Thiệt hại mà tôi đã gây ra là không thể sửa chữa, trừ khi tôi có thể quay ngược thời gian. Tôi không nghĩ rằng các hoạt động hiện tại của mình sẽ có tác dụng chuộc tội. Sự thật rằng tôi là một tội phạm trước đây. Nhưng dù quá khứ không thể thay đổi, tôi vẫn có thể thay đổi bản thân và tương lai".

    kilala.vn

    28/06/2022

    Bài: Natsume
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!