Chuyện đời kỳ lạ của cụ ông Nhật 43 năm sống trong hang động
Được mệnh danh là “ông chú hang động”, một người đàn ông Nhật Bản đã dành đến 43 năm sống cô độc trong hang động. Khi cuộc sống kỳ lạ của ông được phát hiện, tin tức này đã gây chấn động toàn nước Nhật.
Những năm tháng sống ẩn dật cùng nhiều biến cố cuộc đời ập tới, đã có lúc ông Kazuma Kamura tìm đến "khu rừng tự sát” Aokigahara. Toàn bộ hành trình đó đã được ông kể lại qua cuốn tự truyện cá nhân được nhiều người đón nhận, khi mang đến một góc nhìn khác về cuộc sống và tiếp thêm hy vọng cho những tâm hồn lạc lõng giữa đời.
Chạy trốn khỏi bạo hành
Kazuma Kamura sinh vào tháng 08/1946 tại thành phố Midori, tỉnh Gunma và là con thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em. Lớn lên trong cảnh nghèo khó, ông hầu như không thể đến nhà tắm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Các bạn trong lớp bắt nạt và nói rằng ông thật bẩn thỉu, hôi hám. Còn ở nhà, ông bị cha mẹ bỏ đói đến mức phải ăn bất kỳ thứ gì tìm thấy. Với cây gậy gỗ, họ đánh đập rồi bắt Kamura đứng cả đêm ngoài nghĩa trang.
Vào cái ngày mà Kamura không thể chịu đựng được nữa, ông đã bỏ nhà ra đi khi vẫn còn đang mặc đồng phục của trường. Đó là vào năm 1960, khi đang là học sinh trung học cơ sở năm thứ nhất, 13 tuổi.
Cuộc sống lang thang không điểm tựa
Đêm đầu tiên trốn chạy, ông ngủ gần tuyến đường ray xe lửa. Vào ngày tiếp theo, Kamura bỗng nghe thấy âm thanh quen thuộc, đó chính tiếng sủa của chú chó Shiro, vì nhớ Kamura nên đã đi tìm ông. Cứ thế, một người, một chó đi bộ 40km đến mỏ đồng Ashino bỏ hoang ở vùng núi của tỉnh Tochigi, giáp với tỉnh Gunma và tìm thấy một hang động để trú ẩn.
Để sống sót, ông uống nước sông và ăn bất kỳ thứ gì mình có thể bắt được, từ côn trùng, chuột đến rắn và thậm chí cả lợn rừng. Có lần, Kamura lên cơn sốt cao, chú chó Shiro cảm thấy có điều gì đó không ổn nên đã ngậm theo một miếng vải đem nhúng nước ở dưới sông rồi mang về cho Kamura, như mong chủ nhân nhanh chóng khỏe lại.
Tuy nhiên, Shiro lại ra đi một cách đột ngột vào mùa xuân thứ ba khi Kamura bắt đầu sống tại hang động. Thiếu đi chỗ dựa tinh thần, Kamura quyết định rời khỏi vùng núi này và bước vào một hành trình ngao du mới của cuộc đời.
Sau khi rời hang động, ông đã đi đến nhiều nơi khác ở tỉnh Niigata, Fukushima, Ibaraki và sống trong các vùng núi, hay lòng sông cạn. Để trang trải cuộc sống, ông bán rau củ, thảo mộc và cá sông bắt được.
Những năm tháng sống cô độc tha phương cầu thực khiến Kamura cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa, ông rơi vào hố đen tuyệt vọng và tự hỏi liệu kết thúc sinh mệnh có phải là cách duy nhất giúp ông giải thoát khỏi khổ đau.
Thế là ông đã nhờ một tài xế xe tải chở mình đến "khu rừng tự sát” Aokigahara nằm dưới chân núi Phú Sĩ, tỉnh Yamanashi. Nhưng khi đi lang thang băng qua các thi thể trong khu rừng, ông cảm thấy vô cùng sợ hãi. Ở độ tuổi 57, đã có sự thay đổi lớn trong nội tâm của Kamura và ông bắt đầu nghĩ khác đi về cuộc sống hoang dã của chính mình.
Vào tháng 09/2003, nổi cáu khi một chiếc máy bán hàng tự động không chịu trả lại tiền xu cho mình, Kamura đã cố gắng nạy nó ra bằng xà beng. Ngay sau đó, có người gọi điện báo cáo với cảnh sát nên ông đã bị bắt lại.
Trong quá trình thẩm vấn, viên cảnh sát đảm nhận vụ việc rất đau lòng trước hoàn cảnh của ông. Vụ việc của Kamura nhanh chóng trở thành tin tức nóng hổi trên khắp nước Nhật, và kể từ đó ông được gọi với biệt danh là “洞窟オジさん – Doukutsu Ojisan”, nghĩa là “Ông chú hang động”. Sau khi được hưởng án treo, một số người đã đề nghị giúp đỡ ông.
Vì không muốn gặp rắc rối với pháp luật, Kamura hứa sẽ từ bỏ cuộc sống lang bạt. Sau khi biết được hoàn cảnh đáng thương của anh mình, người em trai nhỏ nhất của Kamura, kém ông 2 tuổi, đã liên lạc. Người em này giúp lo liệu thủ tục để ông được chuyển vào sống ở cơ sở hỗ trợ người khuyết tật tại Kiryu, tỉnh Gunma.
Rời xa hang động và viết sách kể chuyện đời mình
Ban đầu, khi vào sống ở Kiryu, ông Kamura cảm thấy không tin tưởng mọi người và cố gắng chạy trốn vì không thể hòa nhập. Noriko Yasujima, 69 tuổi, một nhân viên tại cơ sở hỗ trợ nhiều lần cố gắng nói chuyện, thuyết phục Kamura từ bỏ ý định. Bà chia sẻ: “Có lẽ chẳng dễ dàng gì để ông ấy có thể tin tưởng người khác vì ông không bao giờ nở nụ cười trên môi. Nhưng hiện tại, ông ấy tươi tỉnh hơn rất nhiều”.
Vào năm 2004, cuốn tự truyện của ông với nhan đề “ 洞窟オジさん – Doukutsu Ojisan” đã được xuất bản bởi công ty Shogakukan Inc.
Vào tháng 07/2021, cuốn sách dành cho trẻ em được viết dựa trên những năm tháng tuổi thơ của Kamura cũng ra mắt, mang tên “洞窟少年と犬のシロ – Doukutsu Shonen to Inu no Shiro” (tạm dịch: “Cậu bé hang động và chú chó Shiro”), được xuất bản bởi Heart Suppan. Hiện tại, cuốn sách đang được tái bản ở lần thứ 8.
Nói về độ phủ sóng của cuốn sách, tác giả Manabu Haraikawa, 56 tuổi nhận xét: “Có lẽ nó liên quan đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rộng thêm, như cách mà nhà ăn trẻ em (chuyên mang đến các bữa ăn cho trẻ đến từ những gia đình khó khăn) đang thu hút dư luận trong vài năm trở lại đây”.
Về phía Kamura, ông thừa nhận rằng thỉnh thoảng vẫn cảm thấy rất muốn sống một mình trong hang động. Nhưng ông cũng nhận ra rằng không thể ép bản thân quá mức, nhất là sau khi lên cơn đau tim cách đây 10 năm và trải qua cuộc đại phẫu phình động mạch chủ bụng hồi tháng 4 vừa qua.
Khi được hỏi cảm nhận của mình về cuộc sống hiện tại, Kamura nhẹ nhàng trả lời: “Tôi không thể sống một mình thêm nữa. Điều này là không thể. Mọi người đối xử rất tốt với tôi. Tôi nhận được sự hỗ trợ từ người khác và cảm thấy niềm vui sống trong trái tim mình”.
kilala.vn
04/08/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận