Chiêm ngưỡng bộ sưu tầm tem ngựa Nhật và truyện Kiều lớn nhất Việt Nam

    “Sưu tầm là cơ duyên” đó là những chia sẻ đầu tiên của anh Trần Hữu Tài, người vừa xác lập kỷ lục Việt Nam về ấn phẩm và vật phẩm liên quan đến “Truyện Kiều”. Nhưng ít ai biết, anh còn sở hữu nhiều bộ sưu tập đáng giá, trong đó có BST tem ngựa của Nhật Bản.

    Thú sưu tầm trước giờ luôn được mặc định là đam mê của những người có điều kiện, không chỉ về vật chất mà còn về thời gian, để có thể tìm kiếm, săn lùng và chi một số tiền không nhỏ sở hữu những món đồ yêu thích. Không chỉ có thế, phải có đủ “nhiệt” để có thể theo đuổi đam mê đến cùng. 

    Chọn và tập trung vào một hình thức sưu tầm đã khó, nay lại có những người sở hữu nhiều bộ sưu tập khác nhau, tất cả đều kì công và dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu. Kilala đã có dịp gặp mặt, trò chuyện cùng anh Trần Hữu Tài – một nhà sưu tập chuyên nghiệp để hiểu thêm về thú vui đắt đỏ này.

    nhà sưu tầm Trần Hữu Tài

    Nhà sưu tầm Trần Hữu Tài.

    Chào anh Tài, cơ duyên nào dẫn anh đến với lĩnh vực sưu tầm?

    Tôi nghĩ rằng, mỗi người đều có cho riêng mình một niềm đam mê riêng, nhưng với tôi, những gì mình làm thì phải mang lại giá trị nào đó cho cộng đồng. Trong một dịp tình cờ được biết đến Truyện Kiều, rồi tem, đồng xu cổ, tôi nhận ra việc theo đuổi đam mê này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn giúp lưu giữ văn hóa, câu chuyện lịch sử cho nhân loại.

    Trên thực tế, những món đồ mà tôi đang lưu giữ ở nhà thì mọi người khó có thể thấy được ở các bảo tàng trên thế giới, vì những gì quý giá sẽ nằm trong tay các nhà sưu tập chuyên nghiệp. Việc sưu tập này trong tương lai, đến một thời điểm thích hợp, tôi rất muốn để cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng.

    team Kilala

    Anh Tài chia sẻ về hành trình sưu tầm tem với Kilala.

    Đến với việc sưu tập tem ngựa Nhật, với anh thì điều gì ở tem Nhật gây cho anh ấn tượng?

    Tôi là một người yêu thích cái đẹp và màu sắc, có lẽ đó là một trong số những lý do để tôi có tình cảm đặc biệt với tem Nhật. Các bạn có thể thấy, dù tem mới phát hành hay có niên đại hàng trăm năm, thì chất liệu, màu sắc, đường nét của những con tem này vẫn còn rất sắc nét.

    Người Nhật họ không chỉ áp dụng thẩm mỹ mà còn trí tuệ vào các sản phẩm văn hóa. Nếu bạn để ý, trong hầu hết những loại tem ngựa trên thế giới, chỉ riêng tem ngựa của Nhật là bên trong con dấu có hình ngựa. Đó là một điểm đặc trưng riêng và những tem ngựa của Nhật rất khó tìm, cần thời gian sưu tầm rất lâu. Nhưng tôi tự tin rằng tôi là người sở hữu tem ngựa lớn nhất Việt Nam.

    [subscribe]

    Vậy việc khó nhất đối với anh trong quá trình sưu tầm là gì?

    Điều đầu tiên là chúng ta phải hiểu trong quá trình sưu tầm, không phải những gì mình muốn là mình có thể dễ dàng có được. Tìm được món đồ mình đang tìm kiếm nhưng đôi khi phải chấp nhận lấy chung với nhiều món khác theo yêu cầu của người bán.

    Thứ hai là bản thân người sưu tầm phải hiểu cặn kẽ về món đồ mình sở hữu. Không giấu gì mọi người, thuở mới bước chân vào lĩnh vực này, tôi cũng đã gặp phải hàng giả, đôi khi không phải người bán cố ý, mà món đồ họ được thừa kế lại bản thân nó đã không phải bản gốc, những lúc này mình cần đến kinh nghiệm để nhận biết.

    tem ngựa

    Tem sưu tập phong bì FDC bao gồm hình in, tem và mộc đỏ có hình.

    Hơn hết, việc sưu tầm với tôi không phải là bỏ tiền ra, nhận món đồ mình cần rồi cất trong một góc, mà cái quan trọng của món đồ đó là câu chuyện lịch sử của nó. Vì thế với mỗi một món đồ, tôi đều phải trải qua nhiều bước để xác định thời gian ra đời của món đồ, câu chuyện xung quanh. đôi khi chỉ một con tem mà tiêu tốn của tôi mấy tháng trời để ra được nội dung. Vì truyền tải thông tin sai lệch đến với mọi người là điều tôi không bao giờ muốn.

    Quay trở lại với Truyện Kiều, được biết bộ sưu tập của anh đã xác lập kỷ lục Việt Nam. Vậy anh có thể chia sẻ về một câu chuyện thú vị trong hành trình “kiếm Kiều” của mình hay không?

    Tôi luôn tâm niệm rằng mọi việc, mọi cuộc gặp gỡ đến với mình đều là một cái duyên, một sự sắp xếp cố tình của số phận. Đôi khi người mình gặp đầu tiên không phải người mình cần nhưng họ lại mang đến cho mình cơ hội. Ví dụ như trong một lần tìm kiếm những cuốn Truyện Kiều ở một hiệu sách cũ, tôi có trò chuyện với một anh bạn trẻ, chủ tiệm sách, và ở đây không có món đồ mà tôi cần. 

    truyện Kiều

    Một vài cuốn sách trong "kho tàng" Truyện Kiều của anh Tài.

    Tuy nhiên tôi lại không rời đi ngay mà lại nán lại trò chuyện với chủ tiệm. Một lúc sau tôi mới được tiết lộ rằng tuy ở đây không có bán Truyện Kiều nhưng “sư phụ” của chủ tiệm lại sở hữu nhiều cuốn sách Kiều quý hiếm. Thông qua vị đó, tôi có thể tìm được những cuốn Kiều mà tôi mong muốn.

    Với rất nhiều bộ sưu tập quý giá, anh dự định sẽ làm gì với chúng?

    Việc mở một phòng triển lãm là tâm nguyện cả đời của tôi, đây sẽ là nơi trưng bày tất cả những bộ sưu tập mà tôi sở hữu. Nếu nhẩm tính, cần phải một tòa nhà 10 tầng lầu mới có thể chứa được. Và tôi cũng muốn xây dựng nhà triển lãm ấy tại một thành phố về du lịch, để mọi người từ khắp nơi trên thế giới, yêu thích nghệ thuật và sưu tầm, có thể dễ dàng tiếp cận. Vì đây là những thứ mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên các bảo tàng thế giới.

    Cảm ơn những chia sẻ của nhà sưu tầm anh Trần Hữu Tài!

    Dưới đây là một vài hình ảnh về những món đồ trong bộ sưu tập của anh Trần Hữu Tài.

    Tem Nhật 

    Tem ngựa

    Tại Nhật, loài ngựa đóng vai trò linh thiêng trong tôn giáo. Chiều sâu của mối quan hệ giữa người Nhật và loài vật này vẫn được thể hiện rõ tại các lễ hội, trong nghệ thuật cưỡi ngựa và ngành nghề thủ công truyền thống. Chính vì thế, nước Nhật phát hành rất nhiều tem ngựa. Ở những mẫu tem sưu tập phong bì FDC (First Day Cover) có thể thấy sự chỉn chu từ chất liệu giấy phong bì, màu sắc nổi bật, chất lượng in đẹp và ấn tượng. Còn có những bản phát hành đặc biệt dịp năm mới hay những sự kiện lớn.

    Những con tem sau khi sưu tầm sẽ được anh Tài nghiên cứu, lên nội dung, ý nghĩa để tạo nên một form hoàn chỉnh. Tổng cộng tại nhà anh Tài đang có khoảng 700 phơi (bản nhựa để lưu trữ tem). Trung bình nếu 1 bản ngắm trong 1 phút thì cần 5 – 7 tiếng để có thể thưởng lãm hết tất cả tem ngựa trên toàn thế giới.

    tem ngựa

    Bộ tem ngựa phát hành trong lễ kỷ niệm.

    tem ngựa

    Bộ tem ngựa đặc biệt mừng năm mới.

    tem ngựa

    Một mẫu FDC có cả thông tin người nhận.

    tem ngựa

    tem ngựa

    Thiệp có tem ngựa, đây là 2 tấm thiệp riêng biệt nhưng khi ghép lại sẽ thành bức tranh hoàn chỉnh.

    tem ngựa

    tem điện báo

    Những bản phơi này đều được anh Tài tự tìm kiếm thông tin, lên mẫu thiết kế, lựa chọn những mẫu tem phù hợp.

    tem ngựa

    Những bộ tem phát hành dịp đặc biệt.

    [subscribe]

    Tem chiếm đóng

    Tem chiếm đóng của Nhật xuất hiện vào chiến tranh thế giới thứ I và II. Khi đế quốc đi xâm chiếm thuộc địa, họ sẽ phải có phương tiện quản lý địa phận hành chánh. Nếu chờ in giấy tờ thì rất lâu, nên họ mang những con tem địa phương, in đè chữ Nhật lên trên để sử dụng trong thời gian quản lý nơi đó.
    tem chiếm đóng
    Bộ tem Nhật sử dụng khi chiếm đóng Philippines, với mộc chữ Nhật được đóng đè trên con tem của Philippines.
    tem chiếm đóng
    tem chiếm đóng
    Một số tem chiếm đóng ở các quốc gia khác.
    tem điện báo
    tem chiếm đóng
    Tem điện báo, dùng để gửi thư.

    Đồng xu cổ Nhật Bản – Khoan Vĩnh Thông Bảo

    “Kanei Tsuho - 寬永通寶” là một loại đồng xu Nhật Bản được sử dụng từ năm 1626 – 1868 trong thời kỳ Edo. Những đồng tiền này trở thành tiền tệ hàng ngày của người dân và được sử dụng cho các khoản thanh toán nhỏ.

    Năm 2018, trong quá trình sưu tầm các tài liệu hiện vật ở tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số đồng tiền xu cổ Nhật Bản, có niên đại vào thế kỷ XVII, gồm hai niên hiệu: Nguyên Phong Thông Bảo và Khoan Vĩnh Thông Bảo. Theo đó, hai loại xu cổ này được cho là đúc dưới triều đại Kanei. Và những đồng xu cổ xuất hiện vào thời người Nhật giao thương với Việt Nam.

    đồng xu

    đồng xu

    tiền xu

    Những đồng xu Khoan Vĩnh Thông Bảo được sử dụng khi thương gia Nhật sống tại Việt Nam.

    tiền xu

    Một đồng xu dành cho dân thường thời xưa ở Nhật, khi mua hàng, người bán sẽ đóng dấu lên đồng xu, khi đồng xu đã kín dấu thì sẽ không thể sử dụng được nữa.

    Truyện Kiều

    truyện Kiều

    Truyện Kiều bản dịch ở Nhật Bản, với 2 cách mở: cuốn bên trái sẽ mở theo cách thông thường là từ trái sang phải; cuốn bên phải sẽ mở từ phải sang trái theo cách mở của người Nhật. Điều quý giá của cuốn bên phải nằm ở việc còn giữ lại được phần thông tin đi kèm sách.

    truyện Kiều

    Hai bản Truyện Kiều phiên bản Đức năm 1964 (trái) mà được nhà sưu tầm chia sẻ rằng quý hiếm vì có chữ ký tác giả và hành trình có được cuốn sách cũng khá gian truân. 

    truyện Kiều

    Hai phiên bản khác của Truyện Kiều.

    kilala.vn

    31/08/2022

    Bài: Natsume
    Ảnh: Kilala

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!