Khi nói đến những loài cây biểu tượng của nước Nhật, hoa anh đào thường được nghĩ đến đầu tiên, nhưng bên cạnh đó còn có một loài thực vật tồn tại một cách lặng lẽ ít được chú ý đến nhưng lại rất được người Nhật yêu mến, đó là rêu. Trong cuốn sách "Rêu, người bạn thân thiết của tôi", tác giả Fujii đã viết rằng: “ Như một kho báu lặng lẽ đến từ thời đại khác, rêu dường như có ở khắp mọi nơi cùng một lúc. Nó đã bao phủ toàn bộ cây cối, những tảng đá và thậm chí cả mặt đất, gói cả khu rừng dưới lớp lông màu xanh lục của nó. Điều này, bạn có thể nói rằng, đó là sự khởi đầu cho tình yêu của tôi đối với rêu.”
Tại sao người Nhật yêu rêu?
Nếu như sự tồn tại của rêu thường bị lãng quên hoặc thậm chí không được thừa nhận tại nhiều nước trên thế giới, người Nhật đối với rêu luôn có một tình yêu sâu sắc. Điều này xuất phát từ một quan niệm thẩm mĩ gọi là Wabi-sabi (sự không hoàn hảo), đại diện cho lối thẩm mĩ chung của người Nhật. Rêu đáp ứng được một trong những tiêu chí của Wabi-sabi - sự đơn giản và vì chúng mọc ngẫu hứng chẳng theo một trật tự nào. Quan niệm này hoàn toàn trái ngược với thẩm mĩ của phương Tây - sự hoàn hảo, mọi thứ chỉ đẹp nhất khi nó hoàn toàn không có sự hư hao hay mất cân đối.
Rêu trên mái nhà. (Ảnh: Flickr)
Và dĩ nhiên lý do yêu thích rêu cũng xuất phát từ màu sắc của nó - một màu xanh “mát mắt”, tạo nên vẻ đẹp đa dạng khi kết hợp với màu xám của đá, màu hồng của những cánh hoa đào rơi và màu đỏ của lá rụng mùa thu. Nhiều người cũng vô cùng thích thú khi chạm tay vào bề mặt mềm mại như nhung của thảm rêu xanh, họ cảm thấy được giải tỏa căng thẳng khi ngắm nhìn từng mảng xanh rêu dịu mát.
Với số lượng loài từ 2500 lên đến 12.000, Nhật Bản là nơi vô cùng thích hợp cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu thêm về loài thực vật này. (Ảnh: Flickr)
Niềm yêu thích với rêu còn được thể hiện qua phim ảnh Nhật Bản. Màu xanh của rêu phủ trên thân cây, tảng đá, mặt đất trong những khu rừng hay trên mái nhà là hình ảnh quen thuộc qua những bộ anime của hãng Studio Ghibli, như Công chúa Mononoke, Hàng xóm của tôi là Totoro.
Trong các khu vườn Nhật, rêu thường được dùng nhiều hơn so với cỏ. Khi rêu mọc với tốc độ rất chậm, có thể mất hàng năm trời mới bao phủ được một tảng đá, vì vậy nó biểu trưng cho một vòng đời lâu dài, điều mà người Nhật rất trân trọng. Với tốc độ mọc rất nhanh chóng, cỏ được cho là tạo nên một sự “nhốn nháo”, làm mất đi không khí tĩnh lặng mà người Nhật cần. (Ảnh: Flickr)
Thú vị "trào lưu ngắm rêu" tại Nhật
Từ năm 2011, trào lưu ngắm rêu dần lan rộng tại Nhật Bản, nhờ vào một cuốn sách thú vị viết về rêu có tên gọi "Rêu, người bạn thân thiết của tôi" ( Mosses, my dear friends) - tác giả Hisako Fujii, cuốn sách được xuất bản vào năm 2011, bán được 40.000 bản. Sau đó, hoạt động leo núi ngắm rêu tại vùng Aomori lần đầu tiên được tổ chức bởi khách sạn Hoshino Oirase Keryu, ngoài ra vật dụng trong các căn phòng cũng được thiết kế theo chủ đề rêu như: gối nệm màu xanh rêu, khăn tắm, xà phòng.tất cả đều hoàn toàn là màu xanh của rêu.
Đối tượng tham gia vào các tour ngắm rêu gồm các nhóm nhỏ chủ yếu là phụ nữ, Takeshi Ueno - giáo sư hướng dẫn về rêu và sinh vật học tại trường Đại học Tsuru cho rằng phụ nữ thích hợp để tìm hiểu về rêu hơn có lẽ bởi vì họ giàu cảm xúc hơn nam giới. (Ảnh: Japantimes)
Một nơi vô cùng lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp của loài thực vật này là ngôi chùa Saiho-ji - một trong những di sản thế giới của cố đô Kyoto.(Ảnh: Flickr)
Gần 120 loại rêu đa dạng được trồng bên trong ngôi chùa mang đến tầm nhìn tràn ngập màu xanh dịu mát, chính vì được bao phủ bởi rêu xanh nên ngôi chùa còn có tên gọi khác là Koke-dera (chùa Rêu). Tờ báo The Guardian thậm chí còn miêu tả vẻ đẹp của nơi này như “một vùng đất của thần tiên, nơi mà rêu bao phủ toàn bộ mặt đất trông như cái thảm dày, xung quanh là cây phong và rừng tre.” (Ảnh: Flickr)
Gia Hân/ kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận