Sompo Holding có nguy cơ đối mặt với vụ kiện về tác phẩm của Vincent van Gogh
Những người thừa kế của chủ sở hữu cũ bức tranh trong loạt tranh “Sunflowers” của Vincent van Gogh, cáo buộc Sompo phớt lờ vai trò của Đức Quốc xã trong lịch sử buôn bán bức tranh.
Công ty bảo hiểm Nhật Bản Sompo Holdings đã bị kiện về một bức tranh trong loạt tranh nổi tiếng "Sunflowers" của danh họa Vincent van Gogh bởi những người thừa kế của chủ sở hữu cũ, người là nạn nhân của cuộc đàn áp của Đức Quốc xã, phải bán tác phẩm dưới sự ép buộc.
Vụ kiện đã được ba người bao gồm người thừa kế và con cháu của Paul von Mendelssohn-Bartholdy - chủ ngân hàng Do Thái và nhà sưu tập nghệ thuật ở Berlin, đệ trình lên tòa án liên bang Illinois vào ngày 13/12. Vụ kiện yêu cầu việc trao trả lại bức tranh hoặc bồi thường thiệt hại với số tiền 750 triệu đô, dựa trên lợi nhuận mà Sompo kiếm được từ quyền sở hữu bức tranh, bao gồm cả lợi ích cho thương hiệu và hoạt động marketing.
Theo đó, vào giữa những năm 1930, Mendelssohn-Bartholdy buộc phải thanh lý một bộ sưu tập bao gồm các tác phẩm của Vincent van Gogh, Pablo Picasso và Claude Monet. Tác phẩm "Sunflowers" mà ông sở hữu đã được bán cho một phòng trưng bày ở Pháp, nơi nó được một nhà sưu tập người Anh mua lại vào năm 1934.
Năm 1987, bức tranh được mua bởi Yasuda Fire and Marine Insurance, công ty tiền thân của Sompo, trong cuộc đấu giá tại Christie's London với giá khoảng 5,3 tỷ yên, tương đương mức kỷ lục 40 triệu USD vào thời điểm đó. Hiện nay "Sunflowers" vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Sompo ở Tokyo.
Vụ kiện cáo buộc rằng việc mua bán là "bất chấp và liều lĩnh, không quan tâm xuất xứ của bức tranh" của Christie's London, khi Mendelssohn-Bartholdy buộc bán tác phẩm "Sunflowers" "vào thời điểm mà các chính sách của Đức Quốc xã đang nhắm đến các chủ ngân hàng Do Thái và tước đoạt những quyền lợi của họ."
Về lý do tại sao khiếu nại được đệ trình vào lúc này khi thương vụ mua bán đã diễn ra hơn ba thập kỷ trước, một nguồn tin từ phía nguyên đơn trả lời phỏng vấn với với Nikkei rằng "ngay cả nguyên đơn và luật sư cũng không phát hiện ra nguồn gốc của Sunflowers cho đến năm 2008".
Điều này bắt nguồn từ nội dung có trong Holocaust Expropriated Art Recovery Act of 2016 - HEAR Act (tạm dịch: Đạo luật phục hồi nghệ thuật bị Holocaust chiếm hữu năm 2016), theo đó những người từng hoặc có liên hệ với người sở hữu những vật phẩm mà bị buộc phải bán cho chính sách của Đức Quốc xã trong những năm 1930 – 1940 có quyền đệ đơn kiện. Thời hạn là 6 năm kể từ khi nguyên đơn biết được danh tính và vị trí tác phẩm đó.
Một đại diện của Sompo nói với Nikkei rằng công ty "chưa nhận được bản sao của đơn khiếu nại" và lưu ý rằng việc mua bán tại cuộc đấu giá của Christie là "một vấn đề được ghi nhận công khai. Sompo bác bỏ mọi cáo buộc và có ý định bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu của mình đối với “Sunflowers"”, người đại diện cho biết.
Có vẻ như những bức tranh "Sunflowers" của Vincent van Gogh vẫn còn chịu vận hạn, khi trước đó vào tháng 10/2022, hai người trong nhóm hoạt động chống biến đổi khí hậu, đã tạt sốt cà chua lên bức tranh "Sunflowers" ở Bảo tàng London. Sau đó, họ phun một ít keo lên lòng bàn tay để dán mình vào bức tường bên cạnh bức tranh. Nhưng may mắn điều này không ảnh hưởng đến bức tranh vì nó đã được bảo vệ bởi lớp kính trong suốt.
kilala.vn
06/01/2023
Nguồn: Nikkei
Đăng nhập tài khoản để bình luận