Nỗ lực của nghệ nhân Nhật để bảo tồn nghề làm "gương thần"

    Là nhà sản xuất “gương thần” duy nhất tại Nhật Bản, xưởng Yamamoto Gokin Seisakusho tại quận Shimogyo, Kyoto vẫn miệt mài nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề đặc biệt có từ thời Edo này.

    Thoạt nhìn, gương của xưởng Yamamoto Gokin Seisakusho trông không khác gì những chiếc gương bình thường. Tuy nhiên, khi dùng ánh sáng rọi vào, giương sẽ phản chiếu hình Đức Phật A Di Đà hay Chúa Giê-su, vô cùng kỳ diệu. Gương đồng vào thời cổ đại cũng có chức năng này giống với gương thần.

    Xưởng sản xuất gương thần Yamamoto Gokin Seisakusho

    “魔鏡 – Makyou – Gương thần” được sản xuất rộng rãi vào thời Edo (1603 – 1867). Bấy giờ, nhiều tín đồ Thiên chúa giáo đã sử dụng loại gương này để bí mật thờ Chúa Giê-su. Hiện nay, nghề làm “gương thần” cổ xưa này đang được gìn giữ bởi Yamamoto Gokin Seisakusho, một xưởng gương được thành lập vào cuối thời Edo.

    nghệ nhân làm gương Akihisa Yamamoto
    Nghệ nhân Akihisa Yamamoto đang cầm "gương thần".

    Shinji Yamamoto, người thừa kế thế hệ thứ ba của xưởng đã hồi sinh kỹ thuật làm gương thần vào năm 1974, sau khi bị thất lạc trong nửa thế kỷ. Ông Shinji cố gắng khôi phục lại việc sản xuất gương thần sau khi chứng kiến một học giả phương Tây vô cùng quan tâm và yêu thích quá trình chế tạo ra nó.

    Các kỹ thuật làm ra gương thần đang được bảo tồn bởi Fujio Yamamoto, 72 tuổi, thế hệ thừa kế thứ tư và con trai ông là Akihisa Yamamoto, 46 tuổi. Hai cha con Fujio và Akihisa đã cùng nhau làm ra chiếc gương thần từng được tín đồ Thiên chúa giáo sử dụng để tặng cho Giáo hoàng Francis vào năm 2014.

    mặt sau của gương thần
    Mặt sau có hình Đức Phật A Di Đà của gương thần.

    Ông Akihisa chia sẻ rằng gương thần còn trở thành nguồn cảm hứng cho anime, trò chơi điện tử và xưởng của ông từng nhận được "hoa hồng" đặc biệt cho sản phẩm gương thần từ các nghệ sĩ nước ngoài.

    Akihisa bộc bạch: “Tôi muốn kỹ thuật này được bảo tồn. Tuy vậy, những gì không còn cần thiết nữa thì khó lòng mà tồn tại. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để truyền bá kỹ thuật này”.

    Cận cảnh quá trình làm gương thần

    Gương thần được làm hoàn toàn từ kim loại, một mặt sẽ được đánh sáng bóng còn mặt sau thì chạm khắc nổi các họa tiết.

    Lý giải cho việc gương có thể phản chiếu họa tiết từ mặt sau, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do trong quá trình làm gương, bề mặt của gương bị cạo, mài và đánh bóng, sau đó được phủ một lớp hỗn hợp của thủy ngân, làm hình thành các vết lồi nhỏ mà mắt thường không quan sát được nhưng khớp với hoa văn ở mặt sau.

    Khi được chiếu sáng, bề mặt gương tạo ra phản xạ khuếch tán, từ đó các hình ảnh như Đức Phật A Di Đà hay Chúa Giê-su sẽ hiện ra.

    Do vậy, quá trình sản xuất gương đòi hỏi hàng loạt công đoạn vô cùng tinh vi và tỉ mỉ, bắt đầu từ việc đổ đồng và thiếc nấu chảy vào khuôn đúc sẵn hoa văn để tạo hình mặt sau của gương.

    Sau đó, mặt gương được mài bằng ba dụng cụ gọi là “Sen” và bốn dụng cụ gọt giũa khác. Với những chiếc gương thông thường, quá trình mài giũa chỉ mất nửa ngày, nhưng cần một tháng để làm ra được gương thần.

    dụng cụ sen trong làm gương thần
    Dụng cụ "Sen" để làm gương thần.
    Đặc biệt, bề mặt gương được mài càng nhẵn thì hình ảnh phản chiếu của gương thần càng rõ nét. Tuy vậy, nếu mài quá nhiều, mặt gương có thể bị vỡ nên yêu cầu sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao của người thợ thủ công. Ông Akihisa bình luận: “Điều đó có nghĩa là tất cả những nỗ lực trong một tháng đều lãng phí và phải bắt đầu làm lại từ đầu”.

    Ông Akihisa bày tỏ, những lúc xảy ra sự cố trên, “Đầu óc tôi trở nên hoàn toàn trống rỗng. Điều duy nhất bạn có thể làm trong ngày hôm đó là uống một cốc nước đầy và cho bản thân thêm cơ hội. Do vậy, để có thể làm được nghề này, đam mê chính là yếu tố quyết định”.

    dùng dụng cụ sen để mài mặt gương
    Công đoạn mài mặt gương bằng dụng cụ được gọi là "Sen".

    Sau khi mặt gương được mài đến độ mỏng vừa phải, vẫn phải tiếp tục đánh bóng cẩn thận bằng đá mài và 2 loại than. Toàn bộ quá trình làm gương kết thúc với lớp mạ kền trên mặt gương.

    Akihisa cho biết ông ông mất khoảng từ hai đến sáu tháng để hoàn thành một chiếc gương thần có đường kích khoảng 20cm, tính cả thời gian những lần hỏng và phải làm lại.

    Gương thần với công năng độc đáo đã làm say lòng nhiều người yêu nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca sĩ Takahiro Onishi, 45 tuổi, sống ở Kyoto. Onishi đã mê đắm gương ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy nghệ nhân Akihisa giới thiệu nó trong một sự kiện cách đây 3 năm.

    Ngay sau đó, Onishi đã ghé thăm xưởng Yamamoto Gokin Seisakusho và mua ngay một chiếc gương thần với hình ảnh phản chiếu là một ký tự trong tiếng Phạn. Ông đã đặt chiếc gương lên bàn thờ Thần đạo tại nhà, thỉnh thoảng sử dụng điện thoại để chiếu đèn lên gương và ngắm nhìn ký tự tiếng Phạn.

    Onishi bộc bạch: “Soi gương thường chỉ để nhìn ngắm khuôn mặt nhưng với gương thần, bạn bỗng nhận ra điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Nó làm cho tôi cảm thấy như chính tôi đang ngắm nghía niềm vui và nỗi buồn của nhân sinh. Điều đó cho phép tôi đối diện với con người thật của chính mình”.

    kilala.vn

    24/03/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi
    Ảnh: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!