Nhà sinh thái Earthship đầu tiên tại Nhật xây từ 100% rác thải
Là công trình Earthship đầu tiên tại Nhật, Earthship MIMA đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sáng tạo Tokushima năm 2016, trở thành một biểu tượng về công trình bền vững của Nhật Bản.
Điều đặc biệt của công trình Earthship MIMA là nó được xây dựng hoàn toàn từ rác thải, với 800 lốp xe cũ, 4.000 chai rỗng và 13.000 lon rỗng. Chưa dừng lại ở đó, tòa nhà còn hoạt động dựa trên điện, nước tự cung tự cấp, được xây dựng nhằm bảo vệ con người khỏi thiên tai.
Earthship là gì?
Earthship là nhà sinh thái bền vững, không lưới điện, sử dụng rác thải làm vật liệu xây dựng, kết hợp với hệ thống thông gió và năng lượng mặt trời. Mặc dù tập trung vào mục tiêu thân thiện với môi trường, Earthship đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của con người, từ thức ăn, năng lượng, nước sạch, chỗ trú ẩn, quản lý rác thải và xử lý nước thải.
Cha đẻ của mô hình này là Michael Reynolds, kiến trúc sư người Mỹ đã sử dụng nền tảng kiến trúc của mình để đưa ra giải pháp nhà ở bền vững với chi phí thấp, nhằm góp phần giải quyết vấn đề rác thải toàn cầu đang gây nhức nhối.
Hành trình xây dựng Earthship MIMA từ rác thải
Tính đến hiện tại, Earthship MIMA là công trình Earthship duy nhất tại
đất nước mặt trời mọc. Chủ sở hữu công trình này là cô Tomoko Kurashina, 47 tuổi, đến từ tỉnh Kanagawa. Cô hy vọng thông qua công trình sẽ lan tỏa thông điệp về
việc xây dựng một cộng đồng bền vững.
Ý tưởng xây dựng Earthship MIMA đến với Kurashina sau thảm họa động đất, sóng thần vào tháng 03/2011 và sự cố rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại vùng Đông Bắc Nhật Bản. Chính những sự kiện này khiến cô bắt đầu nghĩ đến các vấn đề liên quan đến năng lượng và môi trường.
“Sự cố hạt nhân xảy ra bởi nó là điều mà chúng ta không đủ khả năng để kiểm soát toàn bộ vào thời điểm bấy giờ”, cô nhớ lại.
Kurashina đã cố gắng thử sống mà không có điện khoảng 1 tháng sau thảm họa, và cô nhận ra vai trò quan trọng của điện với cuộc sống. Vì thế, cô muốn được sống trong một ngôi nhà luôn đầy đủ tiện nghi về điện, nhưng phải gây ít tác động nhất đến môi trường.
Cũng vào lúc đó, cô vô tình biết đến mô hình Earthship của kiến trúc sư Michael Reynolds. Vốn muốn sống tại nơi có thiên nhiên xanh mát bao quanh, vào năm 2015, Kurashina rời quê nhà ở thị trấn Hayama, tỉnh Kanagawa đến gia nhập một đội hoạt động vì sự phát triển của thành phố Mima, tỉnh Tokushima. Tại đây, cô quyết định xây dựng một Earthship cho riêng mình.
Thông qua dự án gây quỹ cộng đồng, Kurashina đã nhận được một khoản đóng góp trong tổng 40 triệu yên chi phí xây dựng dự kiến, và khi cô liên lạc với Reynolds, “cha đẻ” của Earthship, ông đã bằng mọi giá bay đến Nhật Bản để đưa ra lời khuyên cho Kurashina.
Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 2018 và đến mùa hè năm 2019, ngôi nhà sinh thái rộng 100m2 đã được hoàn thiện. Earth MIMA bao gồm hai phòng ngủ, một căn bếp, một phòng tắm và một nhà vệ sinh.
Khoảng 800 lốp xe cũ đã được thu thập để xây dựng công trình, nhưng theo Kurashima: “Quá trình thu gom lốp xe mất nhiều thời gian hơn các loại rác thải khác vì chúng tôi cần tìm loại lốp xe theo một kích thước nhất định”.
Các lốp xe có tác dụng cách nhiệt và giữ nhiệt cho công trình. 13.000 lon rỗng được đặt vào giữa các lớp xi măng cũng giúp tạo thêm lớp cách nhiệt. Điều này có nghĩa là vữa xây dựng đã được dùng ít hơn những công trình thông thường.
Nhờ vậy mà trong suốt cả năm, mùa hè hay mùa đông, dù gió thổi mạnh bên ngoài làm nhiệt độ của khu vực sườn núi xuống còn khoảng 10°C, không có máy sưởi hay điều hòa không khí, nhiệt độ trong nhà vẫn được duy trì mát mẻ vào khoảng 21°C.
Còn 4.000 chai rỗng sử dụng để lấy ánh sáng vào nhà, chúng được sắp xếp khéo léo đầy phong cách, trông giống như những mảnh kính màu trên tường. Hơn nữa, trên mái nhà cũng được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, năng lượng được thu thập vào trong các pin dự trữ để sử dụng dần.
Ngoài tự cung tự cấp điện năng, nguồn nước của Earthship MIMA cũng lấy từ nước mưa và được chứa trong thùng có dung tích 6.000 lít. Nước mưa sẽ đi qua một thiết bị lọc có khả năng loại bỏ đến 99,9% vi khuẩn. Thêm vào đó, một phần nước thải sinh hoạt của ngôi nhà sẽ được dùng để tưới cây, trồng rau, nhằm tránh tối đa việc lãng phí.
Không gian nhà bếp khá đặc biệt với bức tường kính hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, vừa sưởi ấm ngôi nhà, vừa giúp cây cối, rau xanh trồng trong căn bếp sinh trưởng, biến nó trở thành một nông trại ngay bên trong ngôi nhà.
Xem thêm: Thị trấn Kamikatsu và 20 năm nỗ lực loại bỏ 100% rác thải
Thu hút nhiều chuyên gia về môi trường
Dù không thể sử dụng máy sấy tóc và các thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng, Earthship MIMA cũng có thể được coi như một môi trường sống thoải mái giống các ngôi nhà thông thường.
Sau khi ngôi nhà được hoàn thành, tin tức về công trình Earthship đầu tiên của nước Nhật lan rộng khiến nhiều kiến trúc sư và chuyên gia quan tâm đến các vấn đề môi trường tìm đến.
Mang sức hút đặc biệt, kể từ tháng 05/2020, Earthship MIMA được khai thác như một nhà nghỉ và có thể cho tối đa 5 vị khách thuê. Kurashina bày tỏ: “Tôi muốn mọi người sử dụng nhà khách và nhận ra rằng rào cản trong việc sáng tạo nên một ngôi nhà thân thiện với môi trường không hề quá khó khăn như bạn vẫn nghĩ”.
Để đăng ký trải nghiệm hoặc tìm hiểu thêm về Earthship MIMA, bạn có thể tham khảo tại website earthshipmima.com (tiếng Nhật).
kilala.vn
20/05/2022
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận