Khi Kanji hóa thân thành tranh vẽ
Nhà thư pháp Airi Hara biến Kanji thành động vật, hoa hồng và cảnh thần thoại để thu hút khán giả nước ngoài.
Nghệ sĩ thư pháp Airi Hara vẽ chữ Kanji bằng những nét vẽ cong vênh, uyển chuyển, phá vỡ các ký tự ra khỏi khuôn mẫu để cô có thể ghép chúng thành một bức tranh có chủ đích. Cô gọi những tác phẩm như vậy là “nghệ thuật Shodo” (nghệ thuật thư pháp) và điểm cốt lõi là sử dụng chữ Kanji để truyền tải sức mạnh, sự dịu dàng và duyên dáng đến người xem.
Hara bắt đầu áp dụng cách tiếp cận hội họa này vào năm 2017. Khi biểu diễn thư pháp trên một con phố ở Singapore, cô nhận ra rằng mình có thể thu hút người nước ngoài đến với nghệ thuật này thông qua những bức tranh dễ hiểu tạo nên từ chữ Kanji.
Kể từ đó, cô đã tạo ra nhiều tác phẩm thể hiện các vận động viên, nhân vật lịch sử như lãnh chúa Oda Nobunaga, các cảnh trong thần thoại Nhật Bản, Yokai... và chia sẻ chúng trên mạng xã hội.
Một trong những tác phẩm của cô có tựa đề “Tenro wa Hoshi to Tomoni Anata o Michibiku” (tạm dịch: Con sói và ngôi sao dẫn đường cho bạn), mô tả một con sói trắng trong thần thoại Nhật Bản và phía xa trông như mặt trời thật ra là sao Bắc Đẩu. Trên cơ thể của con sói có dòng chữ “Mamori akatsuki e michibiki tamae” (Xin hãy bảo vệ và dẫn đường cho đến bình minh).
Một tác phẩm khác có tựa đề “Fuku o Yobu Fukuro” (Con cú may mắn), mô tả một con cú với đôi cánh dang rộng. Đôi cánh bao gồm 52 từ và cụm từ mang ý nghĩa cổ vũ, bao gồm “Kizuna” (liên kết), “Yume” (giấc mơ) và “Nanakorobi yaoki” (bảy lần vấp ngã tám lần đứng dậy).
Nhìn kỹ, người ta cũng thấy trên người con cú có dòng chữ tiếng Anh “One for all, all for one”. Một phần niềm vui khi xem những tác phẩm như vậy đến từ việc khám phá những chứ trên bức tranh, đôi khi chúng ở những vị trí mà bạn không ngờ tới.
Sau khi quyết định chủ đề hoặc họa tiết cho từng tác phẩm, Hara vẽ một bản phác thảo đơn giản để có ý tưởng rõ ràng về các nhân vật cô sẽ sử dụng và cách sắp xếp chúng. Sau đó, cô bắt đầu vẽ và hoàn thành bức tranh chỉ trong một lần.
Một số tác phẩm của cô tập trung vào các từ và cụm từ tiếng Anh. Loạt tác phẩm dựa trên “Alice in Wonderland” bao gồm bốn bức tranh sơn dầu. Bên cạnh Alice là một chữ Kanji lớn cũng có nghĩa là lòng can đảm. Hara hy vọng thông qua tác phẩm này sẽ thu hút sự quan tâm ở nước ngoài về thư pháp và tiếng Nhật.
“Với sự phổ biến của máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, chúng ta có ít cơ hội viết mọi thứ bằng tay hơn. Đó là lý do tại sao tôi muốn mọi người cảm nhận được sức mạnh của những dòng chữ viết tay”, Hara chia sẻ về dự án của mình.
Hara nói rằng bất kỳ ai cũng có thể thử nghệ thuật Shodo nếu họ có bút vẽ: “Ban đầu, bạn nên phác thảo những gì bạn muốn vẽ, sau đó điền vào đó bằng các ký tự Kanji ít nét hoặc chữ Hiragana”.
Cô gợi ý bạn nên sử dụng những từ và cụm từ như “Arigato” (cảm ơn) hay “Mubyo sokusai” (an khang khỏe mạnh) để làm quà tặng cho bạn bè và gia đình.
kilala.vn
06/10/2023
Nguồn: japannews
Đăng nhập tài khoản để bình luận