Gyosen Asakura - người kết nối Phật giáo và nhạc điện tử

    “Điểm chung giữa một thầy tu và một DJ là đều mong muốn mang đến mọi người những khoảnh khắc tuyệt vời”, đó chính là lý do bắt đầu cho hành trình kết hợp kinh Phật và nhạc điện tử của nhà sư Gyosen Asakura (Nhật Bản).

    Nhà sư Gyosen Asakura, âm nhạc và ý nghĩa cuộc đời

    Sinh ra trong một gia đình với nhiều đời là trụ trì của ngôi chùa Shoonji, Nhật Bản, Gyosen Asakura từ sớm đã được nhắc nhở về việc tiếp quản ngôi chùa với tư cách là thế hệ thứ 17 của gia đình. Tuy nhiên, những lời ấy dường như đã trở thành áp lực khiến Asakura dần cảm thấy chán ghét với việc phải mang lấy trọng trách lớn lao này. Như bất kỳ người trẻ tuổi 20 nào, Asakura cảm thấy ngôi chùa với tuổi đời hơn 500 năm này đã trở nên quá cũ kỹ, lỗi thời, tẻ nhạt và khắt khe đối với mình. Những tháng ngày 20 ấy, Asakura, theo cách nào đó, đã từng mong muốn rời khỏi ngôi chùa Shoonji này và sống cuộc đời mình mong muốn.

    nhà sư Gyosen Asakura
    Nhà sư Gyosen Asakura (ảnh: tocka.com.mk).

    Sau khi tốt nghiệp trung học, Asakura từng làm ở vị trí nhân viên chiếu sáng tại một câu lạc bộ ở Kyoto vào các ngày trong tuần và làm DJ vào cuối tuần. Gyosen Asakura bắt đầu công việc trở thành DJ và một kỹ sư ánh sáng như thế như một cách để rời xa chốn yên ả, bình lặng của ngôi chùa Shoonji - nơi mà ngày ngày đều vang lên âm thanh đều đặn của những tiếng kinh Phật.

    Nhưng chính những tháng ngày làm việc với âm nhạc ấy đã khiến Asakura nhận ra rằng điểm chung giữa một nhà sư và một DJ đó chính là việc mang đến cho mọi người những điều tuyệt vời nhất, điều mà trước nay thầy chưa từng nghĩ đến. Thời khắc ấy, anh nhận ra một công việc có ý nghĩa thực sự là gì và sự đẹp đẽ khi làm một công việc có ý nghĩa. Asakura quyết định trở về ngôi chùa Shoonji, bắt đầu hành trình trở thành một trụ trì và đưa Phật giáo đến gần hơn với người trẻ.

    Âm nhạc và ánh sáng đưa con người ta đến Cõi Niết bàn

    Sau khi trở về tiếp quản chùa Shoonji, sư thầy Asakura nhận ra một thực tế đau lòng là số lượng Phật tử đến chùa ngày càng giảm, đặc biệt là những bạn trẻ. Tất cả dường như đang cố gắng lánh xa Phật giáo trong cuộc sống của mình, điều đó khiến thầy Asakura cảm thấy băn khoăn và mong muốn tìm cách để có thể kết nối mọi người đến gần hơn với Đức Phật.

    Với những gì mình đã từng làm trong những năm tháng tuổi trẻ, thầy Asakura đã đi đến một quyết định táo bạo và độc đáo đến không ngờ, đó chính là đem âm hưởng của Phật giáo kết hợp hài hòa với nhạc điện tử, trong đó đa phần là techno, từ đó cho ra đời những bản nhạc mang màu sắc linh thiêng nhưng hoàn toàn mới mẻ, tinh tế và cuốn hút. Cùng với đó, thầy cũng đã sử dụng công nghệ ánh sáng để tạo nên một không gian trải nghiệm thú vị vô cùng lạ mắt và thu hút với hiệu ứng kính vạn hoa, những tượng phật mạ vàng và nhạc điện tử. Đó có thể được gọi là IDM (Intelligent Dance Music - nhạc điên tử thông minh) phá vỡ không gian kinh điển của Phật giáo. Thầy gọi sự kết hợp này là “Techno Hoyo”.

    nhà sư Gyosen Asakura
    Nhà sư Gyosen Asakura (ảnh: tocka.com.mk).

    Khi thầy Asakura đọc các bản kinh Phật trên nền nhạc techno, một máy chiếu sẽ hiển thị các hoa văn ánh sáng hình học của nhiều loại màu sắc khác nhau như trắng, xanh dương, đỏ và tím, bên trong các căn phòng của ngôi chùa hoặc chiếu trên các bức tượng Phật, tạo nên sự giao thoa cảm quan giữa thị giác và thính giác đối với người tham dự.
    Trong Phật giáo, Cõi Niết bàn là một nơi tràn ngập ánh sáng và thầy Asakura mong muốn sử dụng những công nghệ tiên tiến để trang trí cho ngôi đền trở thành “một thế giới ánh sáng” gần hơn với thế giới của Đức Phật, khiến các Phật tử hoàn toàn đắm mình vào chốn linh thiêng và bình yên ấy. Một trong số những người đầu tiên tham dự nghi lễ “Techno Hoyo” tại chùa Shoonji đã phải thốt lên: “Hóa ra Cõi Cực lạc đẹp đến thế này!”

    Hành trình của sự kết nối

    Những nghi lễ “Techno Hoyo” đầu tiên tại chùa Shoonji chỉ có sự tham dự của một số Phật tử trong khu vực, số lượng chỉ vào khoảng 50 hay 60 người. Nhưng sau đó, khi một số video clip về “Techno Hoyo” được đăng tải trên các trang mạng xã hội, số lượng người tham gia dần tăng lên, 100 rồi đến 150 người, sau đó là 250 và nhiều hơn nữa. Thành phần Phật tử tham gia cũng trở nên đa dạng hơn, từ trẻ em cho đến những người lớn tuổi, tất cả đều mong muốn trải nghiệm “Techno Hoyo” và đắm mình vào không gian của Cõi Niết bàn tuyệt đẹp ở chùa Shoonji. Thầy Asakura chia sẻ đã từng thấy một gia đình với cả ba thế hệ cùng đến đây và thưởng thức nghi lễ đặc biệt này.

    Trong các buổi biểu diễn đòi hỏi nhiều về các thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại đã khiến thầy Asakura gặp không ít khó khăn về mặt kinh tế, vì thế số lượng các nghi lễ “Techno Hoyo” đến nay vẫn còn tương đối hạn chế. Để tổ chức được buổi biểu diễn này, thầy Asakura đã mở chiến dịch gây quỹ trên trang web readyfor.jp, với mong muốn gây quỹ được 300.000 yên (2684 USD). Nhưng kết quả lại hoàn toàn bất ngờ, chỉ sau 14 ngày, ông đã thu về hơn 373.000 yên với 38 lời cam kết ủng hộ. Điều đó thể hiện sự trân trọng và đề cao những gì mà thầy Gyosen Asakura đã và đang làm cho Phật giáo và cả âm nhạc.

    Khi được hỏi về khả năng lâu dài của nghi lễ “Techno Hoyo”, thầy Asakura cũng không thể chắc chắn được nhưng thầy khẳng định sẽ cố gắng duy trì nghi lễ này lâu nhất khả năng có thể.

    Bên cạnh việc có thể tìm xem các video clip về nghi lễ “Techno Hoyo” trên Youtube, các bạn cũng có thể dễ dàng tìm nghe những bài kinh Phật kết hợp cùng tiếng nhạc techno trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Apple Music.

    kilala.vn

    14/04/2020

    Bài: Khánh Hà / Ảnh: tocka.com.mk

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!