NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Hatsu-uma: Những phong tục vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2

    Vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2, một lễ hội đặc biệt được tổ chức trên khắp Nhật Bản, gắn liền với vị thần Inari nổi tiếng và một món Sushi đặc biệt.

    Hatsu-uma là gì?

    “Hatsu-uma - 初午” có nghĩa là ''ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2'', đồng thời cũng đề cập đến lễ hội được tổ chức tại các đền thờ Inari* trên khắp Nhật Bản vào ngày này. Tại lễ hội, người dân sẽ cầu nguyện thần linh ban cho mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt cùng may mắn và bình an cho gia đình.

    Một số lễ hội lớn được tổ chức trên khắp đất nước vào dịp này như lễ hội tại đền Fushimi Inari ở Kyoto, Tamatsukuri Inari ở Osaka và Toyokawa Inari ở Aichi. Vào thời điểm này trong năm, xung quanh các đền thờ Inari lại nhộn nhịp các quầy hàng treo cờ đỏ, bán các món ăn như cơm đậu đỏ Sekihan, đậu phụ chiên, Dango...

    hatsu-uma-la-gi
    Ảnh: kyoto.travel

    *Đền Inari (Inari-jinja) là tên gọi chung của những ngôi đền thờ thần Inari - vị thần quan trọng bậc nhất trong Thần đạo, đại diện cho lúa gạo, nông nghiệp và công nghiệp, sự thịnh vượng và thành công chung của thế gian. Ngày nay có khoảng 30.000 ngôi đền thờ thần Inari tại Nhật Bản, với trụ sở chính là Fushimi Inari Taisha ở phường Fushimi, thành phố Kyoto.

    Nguồn gốc của Hatsu-uma

    Vậy tại sao đền thờ Inari lại tổ chức lễ hội vào ngày Hatsu-uma?

    Tương truyền cách đây rất lâu, vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2 năm Wado thứ 4 (năm 711), thần Inari đã hạ phàm tại núi Inariyama. Chính vì vậy mà lễ hội dành riêng cho thần bắt đầu được tổ chức vào ngày này.

    Ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2 âm lịch rơi vào tháng 3 - thời điểm đồng ruộng đang được chuẩn bị cho vụ xuân, do đó hình thành phong tục viếng đền Inari để cầu mong vụ lúa mới thuận lợi. Có một sự thật là cái tên “Inari - 稲荷” được cho là bắt nguồn từ chữ “inenari - 稲生り'', cũng có nghĩa là trồng lúa.

    Trong thời kỳ Edo (1603-1868), khi xu hướng khuyến học ngày càng tăng, vai trò của Inari như vị thần bảo hộ cho học tập và biểu diễn nghệ thuật được nhấn mạnh, do đó người dân tin rằng việc theo học Terakoya (trường học dành cho trẻ em) vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2 sẽ cải thiện kỹ năng đọc và viết của một người. Vì lý do này, Hatsu-uma được coi là ngày tốt nhất để bắt đầu học tập và rèn luyện.

    torii
    Những chiếc cổng Torii đỏ là biểu tượng của đền Inari. Ảnh: Tourist in Japan

    Ngày nay, Nhật Bản đã chuyển sang sử dụng Dương lịch nên Hatsu-uma cũng được tổ chức vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng Hai theo lịch mới. Kết quả là, mặc dù khởi nguồn như một lễ hội đầu xuân nhưng giờ đây nó lại được tổ chức vào ngày lạnh nhất của mùa đông.

    Ngoài ra lễ hội cũng được tổ chức ở một số khu vực vào ngày Ngọ thứ hai trong tháng 2 (Ni-no-uma) và ngày Ngọ thứ ba trong tháng 2 (San-no-uma).

    Cách tính ngày Hatsu-uma

    Tại Nhật Bản, 12 con giáp có một chút khác biệt với Việt Nam và bao gồm: Tý (Ne – Chuột), Sửu (Ushi – Trâu), Dần (Tora – Hổ), Mão (U – Thỏ), Thìn (Tatsu – Rồng), Tị (Mi – Rắn), Ngọ (Uma – Ngựa), Mùi (Hitsuji – Cừu), Thân (Saru – Khỉ), Dậu (Tori – Gà), Tuất (Inu – Chó), Hợi (Inoshishi – Lợn rừng).

    Ngày sẽ được xác định bằng cách xếp lần lượt 12 con giáp vào lịch theo thứ tự đã được quy định từ xa xưa: Ngày 1/1 là ngày Dậu, 2/1 là ngày Tuất... và cứ tiếp tục lặp lại cho đến ngày Ngọ đầu tiên trong tháng 2.

    Theo cách tính này, Hatsu-uma trong năm nay và các năm tới rơi vào các ngày sau:

    • Ngày 12 tháng 2 (Thứ Hai) năm 2024
    • Ngày 6 tháng 2 (Thứ Năm) năm 2025
    • Ngày 1 tháng 2 (Chủ nhật) năm 2026
    • Ngày 8 tháng 2 (Thứ Hai) năm 2027
    • Ngày 3 tháng 2 (Thứ Năm) năm 2028

    Những món ăn được thưởng thức vào ngày Hatsu-uma

    Inari Sushi (Inarizushi)

    Khi nhắc đến ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2, người Nhật sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của Inari Sushi hay Inarizushi.

    Về nguồn gốc của món ăn này, loài cáo (kitsune) vốn được xem là sứ giả của thần Inari và người ta tin rằng chúng thích Aburaage – đậu phụ chiên. Dần dà, gạo mới thu hoạch nhờ phước lành của thần Inari sẽ được nhồi làm nhân cho Aburaage để tạo thành lễ vật dâng lên thần – đây là hình thức sơ khai của Inari Sushi.

    Khi phong tục này lan rộng, Aburaage ninh với nước tương, đường và nhồi cơm Sushi bên trong chính thức có cái tên "Inarizushi" (Inari Sushi).

    Món ăn truyền thống của ngày Hatsu-uma này có chút khác biệt ở phía đông và phía tây Nhật Bản. Nó có hình dạng như kiện lúa (俵型 – tawara gata) ở phía đông, trong khi ở phía tây lại có hình tam giác giống như tai cáo.

    inarizushi
    Inarizushi phía Đông. Ảnh: tokubai.co.jp
    inari-sushi
    Inarizushi phía Tây. Ảnh: tiger-corporation.com

    Hatsu-uma Dango

    Đây là một loại Dango (bánh trôi Nhật) màu trắng có hình dạng giống như một cái kén. Ở các tỉnh Toyama, Gifu và Gunma, nơi nghề trồng dâu nuôi tằm rất phổ biến, vẫn còn phong tục làm Dango có hình kén tằm và dâng lên vị thần tằm vào ngày Hatsu-uma.

    Dango được phục vụ theo nhiều cách khác nhau chẳng hạn như nấu súp, nấu cùng Zenzai (chè đậu đỏ ngọt), phủ bột đậu đỏ hoặc nướng lên. Tuy nhiên, ở tỉnh Gunma có một nguyên tắc là không được nhúng Hatsu-uma Dango vào nước tương khi ăn bởi nước tương trông giống như vết nâu trên kén trắng và đây là một điềm xui xẻo.

    hatsuuma-dango
    Ảnh: gifu-kiwami.jp

    Shimotsukare/Sumitsukare

    Shimotsukare là món ăn địa phương được ăn vào ngày Hatsu-uma ở vùng Kanto phía bắc, bao gồm các tỉnh Tochigi, Saitama và Ibaraki. Nó được chế biến bằng cách ninh đầu cá hồi, củ cải bào, cà rốt, đậu phụ chiên Aburaage và đậu nành còn thừa lại trong lễ Setsubun với rượu Sake. Ở một số vùng của tỉnh Chiba, người ta thưởng thức món Sumizukare với đậu phụ vụn thay vì cá hồi.

    Người ta nói rằng nếu ăn món Shimotsatsu của nhiều gia đình khác nhau thì bạn sẽ càng khỏe mạnh nên những người hàng xóm thường trao đổi món hầm của gia đình mình.

    shimotsukare
    Ảnh: hyoki.jp

    Kẹo cờ Hata-ame

    Kẹo cờ là một cây gậy được bọc trong một lá cờ có gắn kẹo ở trên đầu, thường được tìm thấy ở tỉnh Nara. Những hộ gia đình buôn bán thường dâng kẹo này tại đền Inari và trẻ em sẽ đi quanh nhà họ, nói “Hata-ame choudai” để xin kẹo.

    hatsuuma
    Ảnh: Asahi Shimbun

    ​Những lễ hội Hatsu-uma nổi tiếng nhất

    Dù Lễ hội Hatsu-uma được tổ chức tại các đền thờ Inari trên khắp cả nước nhưng những lễ hội tại các ngôi đền dưới đây là nổi tiếng hơn cả.

    Fushimi Inari Taisha

    Fushimi Inari Taisha ở Kyoto là ngôi đền chính trong số 30.000 ngôi đền Inari trên toàn quốc. Vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng 2, Lễ hội Hatsu-uma được tổ chức, và hai ngày trước đó, tức ngày Thìn, một loại đồ trang trí làm từ cây tuyết tùng từ núi Inariyama sẽ được trưng bày. Những người đến thăm ngôi đền sẽ được tặng cành tuyết tùng như một lá bùa hộ mệnh cho kinh doanh và bình an cho gia đình.

    le-hoi-hatsu-uma
    Ảnh: ameba.jp

    Kagoshima Jingu

    Đền Kagoshima Jingu ở tỉnh Kagoshima nổi tiếng với Lễ hội Hatsu-uma quy mô lớn, thu hút tới 100.000 người tham dự mỗi năm. Mọi người đến thăm đền thờ và nhảy múa theo nhịp trống cùng tiếng đàn shamisen trong khi dắt theo những chú ngựa “Suzukakeuma'' với đồ trang trí trên lưng và chuông quanh cổ. Đây là một trong những sự kiện đại diện cho tỉnh Kagoshima.

    kagoshima-le-hoi
    Ảnh: kagoshima-kankou.com

    Tamatsukuri Inari Jinja

    Đền Tamatsukuri Inari ở Osaka được biết đến là ngôi đền kết nối với Toyotomi Hideyori, con trai của vị tướng thống nhất nước Nhật Toyotomi Hideyoshi. Ngôi đền nổi tiếng vì mang lại may mắn trong kinh doanh và mọi người đến đây để cầu thịnh vượng vào Lễ hội Hatsu-uma.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!