Terakoya: Ngôi trường đầu tiên dành cho tầng lớp bình dân thời Edo
Các cơ sở giáo dục công lập vốn chỉ dành riêng cho con cái của Samurai và quý tộc, cho tới thời Edo, khi Terakoya xuất hiện và trở thành nơi những đứa trẻ xuất thân bình dân được học đọc, học viết và cả kỹ năng, cách ứng xử đúng đắn để trở thành người có ích cho xã hội. Khác biệt với hệ thống giáo dục hiện đại, thay vì áp dụng chương trình học chung cho mọi học sinh, các giáo viên tại Terakoya sẽ đưa ra bài giảng phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình của từng em.
Bối cảnh ra đời Terakoya
Thời kỳ Edo có thể xem là thời đại hòa bình, không có xung đột chưa từng thấy trong lịch sử Nhật Bản. Giai đoạn được gọi là “Pax Tokugawana” - thời kỳ hòa bình thịnh vượng - bắt đầu từ năm 1615 khi Tướng quân Tokugawa Ieyasu giành chiến thắng trước gia tộc Toyotomi trong “Cuộc vây hãm Osaka” và thành lập Mạc Phủ Tokugawa, cho đến cột mốc chính quyền này diệt vong vào năm 1867.
Trước đó, người dân Nhật Bản phải sống trong cảnh giết chóc, cướp bóc và nạn buôn người ở thời Chiến quốc (1467 – 1615), nên nền hòa bình mà chế độ Mạc phủ Tokugawa mang lại thật sự là món quà quý giá.
Tuy nhiên, Thời đại mà Mạc phủ Tokugawa thống trị cũng để lại "vết đen" khi tầng lớp chiến binh nắm giữ quyền hành áp bức ba giai cấp thấp hơn trong xã hội gồm nông dân, nghệ nhân và thương gia. Dù vậy, nó vẫn tồn tại đến 2,5 thế kỷ bởi bộ máy điều hành đã chuyển dần từ chính quyền quân sự sang nhà nước pháp quyền nhân từ hơn, trong đó các quy định được thực thi thông qua văn bản chứ không dùng vũ lực để áp đặt.
Công cuộc khai hoang khiến cho diện tích đất canh tác tăng gấp đôi, những hộ nông dân lớn được chia thành các đơn vị nhỏ hơn. Những hộ này cùng các nhánh của những gia tộc cũ bắt đầu có thể tự lập, ngày càng nhiều người sở hữu ruộng đất và nhà riêng. Việc thu thuế đất tùy tiện như trước cũng đã bị cấm, thay vào đó là hệ thống bản đồ chi tiết về đất đai và chủ sở hữu, đồng thời ban hành chứng từ xác nhận đã nộp đủ thuế.
Như vậy, sự cai trị của chính quyền với giai cấp nông dân đã được thực thi thông qua các thủ tục bằng văn bản chi tiết. Điều này được tiến hành nhờ vào việc tiêu chuẩn hóa chữ viết trong các tài liệu của giới cầm quyền, gọi là hệ thống chữ Oie-Ryuu, được áp dụng toàn quốc từ khu vực Ezo (Hokkaido) ở miền Bắc cho đến vương quốc Ryukyu (Okinawa) ở miền Nam.
Nhờ nền hòa bình kéo dài, kinh tế, giải trí và các hoạt động khác trong sinh hoạt của người dân cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Không chỉ thương nhân tham gia vào kinh doanh, mà ngay cả các gia đình nông dân cũng bắt đầu mua bán đất, vay mượn tiền và có tài sản để lại cho con cháu. Do vậy, nhu cầu về thủ tục hợp đồng bằng văn bản để tránh rắc rối sau này cũng tăng lên.
Từ đó, Edo trở thành một xã hội đòi hỏi phải biết đọc, viết chữ Oie-Ryu cũng như thành thạo bàn tính Soroban. Người dân buộc lòng phải đọc được các thông báo chính thức dán ở làng xã, cũng như các loại thông báo khác của chính quyền, hay hiểu rõ những thỏa thuận bằng văn bản khi trao đổi với người khác để không bị lợi dụng hoặc tụt hậu so với xã hội.
Trong khi đó, chính quyền Tokugawa cũng thúc đẩy các chính sách nhằm tạo điều kiện cho nông dân và dân thành thị sở hữu nhà, hỗ trợ cho gia đình của họ. Để một ngôi nhà được chuyển giao qua nhiều thế hệ, trẻ em cần được nuôi dạy để trở thành một công dân với đủ kiến thức, kỹ năng để có thể quản lý gia đình khi trưởng thành.
Chính do vậy, dân thường ở Edo cũng muốn con cái họ được giáo dục đàng hoàng để có thể biết đọc, biết viết. Cũng từ đó, các ngôi trường Terakoya được lập ra trên khắp Nhật Bản. Chính phủ bấy giờ giữ lập trường không can thiệp vào các vấn đề dân sự và người dân tự do thành lập trường Terakoya mới mà không cần phải xin phép.
Terakoya, ngôi trường dạy học theo năng lực
Khác với hệ thống giáo dục hiện nay tại Nhật khi các tiêu chuẩn chung từ cấu trúc trường học, cơ sở hạ tầng, trình độ giáo viên, chương trình giảng dạy. được áp dụng, Terakoya (寺子屋) chỉ cần một giáo viên, một căn phòng là có thể vận hành. Do vậy, Terakoya đã được thành lập ở hơn 60.000 ngôi làng trên khắp nước Nhật.
Bấy
giờ, giáo dục là thứ không bắt buộc nên có thể nhiều người cho rằng Terakoya
xét về khối lượng bài giảng cũng như chất lượng giảng dạy khó lòng bì
kịp những mô hình giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, đây là quan
điểm vẫn còn nhiều thiếu sót.
Tuy trẻ em thời Edo được tự do đến trường hoặc nghỉ học, cũng như nội dung bài giảng sẽ tùy vào từng giáo viên, nhưng các bậc phụ huynh - những người sẵn sàng đóng một khoản tiền mồ hôi công sức để đảm bảo con cái của họ trở thành công dân có ích cho xã hội - thì lại đầy nhiệt huyết biến Terakoya trở thành một phần quan trọng của cộng đồng địa phương, với đầy đủ chức năng như một hệ thống giáo dục toàn quốc.
Từ đó, Terakoya được xem là
những ngôi trường tốt nhất bởi giáo viên thường không đồng loạt giảng
cùng một bài cho tất cả học sinh, mà chuẩn bị tài liệu học tập cho riêng
từng em theo nhu cầu và năng lực học tập. Có khoảng 7.000 loại
sách giáo khoa được gọi là Orai vẫn còn tồn tại đến hiện nay, trong đó
có khoảng 1.000 bài giảng dành riêng cho nữ sinh.
Như tại trường
Tsukumoan ở làng Haranogou ở tỉnh Kouzuke (nay thuộc một phần của
Maebashi, tỉnh Gunma), trước tiên học sinh được học đọc và viết tên những gia
tộc nổi tiếng của Nhật Bản rồi chuyển sang khu vực mình sinh sống và dần mở rộng ra các tỉnh khắp cả nước. Ngoài kỹ năng đọc viết, học sinh còn được hiểu thêm về địa lý của địa phương.
Sau khi hoàn thành những bài học nền tảng trên, học sinh được giảng dạy thêm kiến thức dựa trên năng lực, hoàn cảnh gia đình và nhiều yếu tố khác. Ở bậc học trung cấp này, các bài giảng tập trung giới thiệu những sự kiện diễn ra hằng năm tại Nhật, những quy tắc cần được tuân thủ bởi Goningumi (nhóm gồm 5 hộ gia đình được thành lập để gách vác trách nhiệm tập thể về đóng thuế, duy trì an ninh trật tự).
Còn ở bậc học cao cấp sẽ tập trung vào kiến thức thương mại và Sewa senjimon – cuốn sách thư pháp giúp học sinh luyện đọc và viết chữ Hán. Ngoài ra còn có những bài giảng giúp nâng cao kỹ năng đọc, viết cần thiết cho cuộc sống sau này, chẳng hạn như mẫu thỏa thuận vay tiền, mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp, giấy tờ cần thiết để qua được những trạm kiểm soát dọc đường ở các tỉnh thành.
Rèn luyện đạo đức ở Terakoya
Không chỉ đọc, viết, tính toán, giáo viên ở Terakoya còn nỗ lực dạy bảo cách ứng xử cho học trò vốn quen được cha mẹ chiều chuộng.
Yuyama Bunemon đã lập ra một trường Terakoya tại làng Yoshikubo, tỉnh Suruga (nay là một phần của Oyama, tỉnh Shizuoka), hướng học trò của mình đạt được mục tiêu “Yoryoku gakumon”. Câu này xuất phát từ một đoạn trong tác phẩm "Luận ngữ" của Khổng Tử “行有余力、則以学文 – Hành hữu dư lực, Tắc dĩ học văn”.
Câu này mang hàm nghĩa những ai làm tròn bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, thuận hòa với anh chị em trong gia đình, đối nhân xử thế bằng sự chân thành, có đạo đức, làm được như thế rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch.).
Vào năm 1844, giáo viên Yuyama đã đưa ra 18 quy định về cách hành xử đúng mực để học sinh noi theo, ông chia sẻ cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Một số quy định này bao gồm:
- Khi đến trường phải quỳ ở tư thế Seiza với hai tay đặt hai bên, cúi đầu chào giáo viên trước ngồi vào chỗ.
- Khi có khách đến, chuẩn bị gạt tàn thuốc và một ít trà cho khách rồi cúi chào họ.
- Khi khách vẫn còn ở trường, không đọc bài với giọng to.
- Khi sử dụng nhà vệ sinh, không nên đi đồng loạt mà lần lượt từng người.
- Đối xử với bạn bè ở trường như anh chị em của mình. Hòa thuận, lịch sự và giữ mối quan hệ đến suốt đời.
- Nếu vướng vào cuộc cãi vã với bạn học thì là lỗi của mình, cha mẹ không liên can.
- Nếu không chào được giáo viên khi rời khỏi lớp học, hãy nói lời chào với các bạn trong lớp. Ở nhà, khi ăn sáng và tối, hãy đối diện với cha mẹ và cảm ơn họ trước khi ăn.
- Không ngủ dậy trễ vào buổi sáng. Đứng dậy, rửa mặt với nước, bày tỏ sự tôn kính với mặt trời, cầu nguyện trước tổ tiên.
- Đọc lớn những quy định này mỗi ngày và để không thất bại khi biến các hành động đúng đắn thành một phần của cuộc sống.
Wakamonogumi, chương trình học nối tiếp Terakoya
Sau khi hoàn thành chương trình học ở Terakoya, những chàng trai trẻ thời Edo thường tiếp tục theo học ở hệ thống “若者組 – Wakamonogumi” để tiếp tục con đường học vấn của mình thông qua những bài huấn luyện khắt nghiệt hơn. Còn với nữ sinh, chương trình học này mang tên gọi là “娘組 – Musumegumi” nhưng có rất ít tài liệu được lưu lại.
Wakamonogumi đại diện cho một hệ thống giáo dục chịu trách nhiệm huấn luyện thanh niên trẻ về các truyền thống, giảng dạy các bài học văn hóa thông qua truyền miệng, đào tạo để có cách hành xử đúng đắn. Chương trình giáo dục này được lập ra ở các làng xã, thị trấn và những cộng đồng khác, được tổ chức dựa trên độ tuổi của các thành viên. Các thanh niên dù xuất thân từ gia cảnh giàu có hay nghèo khó đều rời gia đình ở tuổi 15 và bước chân vào Wakamonogumi.
Họ gia nhập Wakamonogumi như bước vào một xã hội thu nhỏ, nơi họ sống cùng nhau và buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt những luật lệ mới. Ở trong tổ chức này, lời nói của thành viên lớn tuổi nhất chính là luật lệ.
Ở cấp độ
giáo dục này, các thành viên lớn tuổi hướng dẫn đàn em thông qua chỉ dẫn
bằng lời nói và hành động. Dĩ nhiên, cha mẹ
của học sinh không được phép can dự, ngay cả chính quyền địa phương cũng
không thể can thiệp vào các hoạt động của Wakamonogumi. Những thế hệ
thanh niên trẻ sau đó tiếp tục truyền dạy cho đàn em mới cho đến khi họ
trở thành một người có ích cho xã hội.
Đến nay, cách giáo dục này đã hoàn toàn biến mất khỏi hệ thống giáo dục hiện đại với mục tiêu phát triển cá tính và phát huy khả năng của từng em.
Xem thêm: Edo-Shigusa: Sự tinh tế trong văn hóa ứng xử của người Nhật
Tuy nhiên, trong thời Edo, Wakamonogumi chính là tiêu chuẩn giáo dục với số lượng lớn người theo học trên khắp nước Nhật. Các bé trai, bé gái được học đọc, viết, tính bằng bàn tính Soroban tại Terakoya, sau đó được đào tạo các kỹ năng sống ở Wakamonogumi và Musumegumi.
Hai chương trình Terakoya và Wakamonogumi vừa cạnh tranh vừa kết hợp tạo nên nền tảng vững chắc cho hệ thống giáo dục phổ biến ở thời Edo. Có thể thấy thông qua đó, khao khát cháy bỏng về việc đào tạo nên những lớp người có ích cho xã hội của người Edo đã được phơi bày rõ nét.
kilala.vn
03/11/2022
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận