Điểm danh những ngôi đền kỳ lạ ở Nhật Bản

    Bên cạnh những ngôi đền Thần đạo mang đến may mắn về tình duyên, sức khỏe, kinh doanh. thông thường, tại xứ sở hoa anh đào còn có rất nhiều ngôi đền thờ phụng những vị thần đặc biệt ban phước lành cho những điều cũng đặc biệt không kém!

    Goou, ngôi đền của những chú lợn rừng thần thánh

    Tọa lạc ở phía Tây của Vườn quốc gia Kyoto Gyoen, đền Goou (護王神社) nổi tiếng khắp Nhật Bản là địa điểm tâm linh dành cho những người muốn cầu nguyện chấn thương phần cơ thể từ hông đến bàn chân sớm lành. 

    đền Goou
    Đền Goou. Ảnh: Mainichi 

    Vị thần chính được thờ phụng tại đền là hai nhân vật lịch sử sống ở thế kỷ 8, gồm ngài Wake no Kiyomaro và chị gái Wake no Hiromushi. Ngài Kiyomaro là một trong những người đã có công sáng lập nên Heian-Kyo (nay là Kyoto) và chân dung của ông cũng từng được in trên tiền giấy. 

    tiền giấy in hình Kiyomaro
    Tiền giấy in hình Kiyomaro. Ảnh: tsunagujapan.com

    Trước khi sáng lập Heian-Kyo, Kiyomaro đã vướng vào một cuộc tranh giành quyền lực, ông bị cắt gân chân và bị trục xuất. Trong hành trình lưu đày trùng điệp hiểm nguy, ở Kyoto, nơi ông nhiều lần bị kẻ thù ám sát, từ trên núi bỗng nhiên xuất hiện 300 con lợn rừng, chúng sát cánh và bảo vệ ông trong suốt đoạn đường còn lại. 

    Chân bị thương của Kiyomaro cũng được chữa lành một cách thần kỳ, ông có thể đứng lên và đi lại như bình thường. Chính từ truyền thuyết này, dân chúng đã lập đền thờ phụng Kiyomaro, xem ông như vị thần bảo hộ bộ phận hông và chân. Ngôi đền cũng có bộ sưu tập tượng lợn rừng đa dạng mang lại may mắn cho người đến viếng. 

    thẻ ema đền Goou
    Thẻ Ema của đền Goou. Ảnh: PIXTA 

    Tại quầy lưu niệm của đền Goou, du khách có thể tìm thấy loại Omamori cầu sức khỏe thông thường, cùng Omamori đặc biệt để cầu phục hồi phần cơ thể từ hông trở xuống. 

    • Địa chỉ: 385 Oukakuencho, quận Kamigyo, thành phố Kyoto, tỉnh Kyoto
    • Website: gooujinja.or.jp

    Đền Kaichu Inari, nơi cầu nguyện hoàn thành mục tiêu

    Được thành lập vào năm 1533, Kaichu Inari (皆中稲荷神社) được xem là ngôi đền chính ở Shinjuku với lịch sử lâu đời. Tên gọi của đền là “皆中 – Kaichu” có nghĩa là “bách phát bách trúng”, sau đó được hiểu theo nghĩa “mọi điều ước đều thành hiện thực”, xuất phát từ một câu chuyện có thật trong lịch sử. 

    đền Kaichu Inari
    Đền Kaichu Inari. Ảnh: PIXTA 

    Trong thời Edo, Mạc phủ Tokugawa từng thành lập đội quân gồm 100 thành viên đóng ở gần ngôi đền. Người chỉ huy đã dành nhiều thời gian, công sức để luyện bắn cung trúng hồng tâm nhưng chưa bao giờ thành công. 

    Một đêm nọ, thần cáo Inari xuất hiện trong giấc mơ và trao cho ông một lá bùa. Ngay ngày hôm sau, ông đã đến viếng đền để bày tỏ lòng thành kính với Thần. Kể từ đó trở đi, kỹ năng bắn cung của ông đã đạt đến trình độ điêu luyện, bách phát bách trúng. Cũng nhờ vậy, tên tuổi của ngôi đền ngày càng vang xa khắp nước Nhật.

    bùa Omamori đền Kaichu Inari

    Ngày nay, du khách viếng thăm đền Kaichu Inari có thể thỉnh bùa Omamori đặc biệt với thiết kế hình mũi tên với ý nghĩa giúp đạt được mục tiêu.

    Đền Hine với những chiếc gối sặc sỡ

    Đền Hine (日根神社) được cho là xây dựng vào năm 663 TCN bởi Jimmu, Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản, là nơi thờ tự các vị thần của ba quận, bao gồm cả Hineno ở thành phố Izumisano. Nhiều người viếng thăm đền để cầu cho sức khỏe an lành và đặc biệt là cầu mẹ tròn con vuông. 

    đền Hine
    Đền Hine. Ảnh: hine-jinja.jp

    Cứ vào tháng 5 hằng năm, đền Hine lại tổ chức Makura Matsuri (Lễ hội gối) độc đáo với màn diễu hành thú vị cùng ba chiếc cờ tre có gắn đầy những chiếc gối sặc sỡ. Những chiếc gối này tượng trưng cho điều ước gặp được ý trung nhân với nữ giới còn độc thân, cầu mẹ tròn con vuông và vụ mùa bội thu. 

    lễ hội Makura Matsuri
    Lễ hội Makura Matsuri nổi bật với những chiếc gối nhiều màu sắc. Ảnh: sangasaijiki.seesaa.net

    Tại quầy lưu niệm của đền Hine, đa dạng bùa may mắn Omamori được bày bán, trong đó nổi bật là những chiếc bùa giúp mang lại giấc ngủ sâu và thư thái. 

    • Địa chỉ: 631 Hineno, thành phố Izumisano, Osaka
    • Website: hine-jinja.jp

    Takabe, ngôi đền duy nhất dành cho nấu ăn

    Theo tỉnh Chiba, đền Takabe (高家神社) là nơi duy nhất ở xứ sở hoa anh đào dành riêng cho những ai muốn cầu về nấu nướng bởi nơi đây thờ phụng vị thần bếp núc Iwakamutsukari-no-Mikoto (hay còn gọi là Takabe-no-Kami). Theo Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ), đền Takabe là một trong những ngôi đền lâu đời nhất Nhật Bản. 

    đền Takabe
    Đền Takabe. Ảnh: bosotown.com

    Do vậy, không quá ngạc nhiên khi có rất nhiều đầu bếp tên tuổi từng viếng thăm đền. Các công ty trong lĩnh vực thực phẩm như doanh nghiệp sản xuất Miso, nước tương đều thành tâm đến đây để cầu kinh doanh phát đạt. 

    Đặc biệt, vào ngày 17/05, ngày 17/10 và ngày 23/11 hằng năm, lễ Hocho-shiki (lễ dao bếp) có lịch sử 1.000 năm sẽ được tổ chức ở ngôi đền, tái hiện nghi thức cung đình vào thời Heian (794 – 1185). 

    lễ Hochoshiki
    Lễ Hocho-shiki diễn ra 3 lần/năm tại đền Takabe. Ảnh: tokyo-bay.biz

    Là ngôi đền về bếp núc, du khách có thể thỉnh loại bùa Omamori đặc trưng là Ryouri joutatsu dành cho ai muốn cải thiện kỹ năng nấu nướng. Ngoài ra, bạn còn có mua nước tương phiên bản giới hạn Takabe, được làm ra để dâng lên thần Takabe-no-Kami. 

    • Địa chỉ: 164 Chikuracho Minamiasai, Minamiboso, tỉnh Chiba
    • Website: takabejinja.com

    Đền Mikami, nơi bảo hộ mái tóc và nghề làm tóc

    Nếu Takabe là ngôi đền dành riêng cho nấu ăn thì tại Kyoto cũng có ngôi đền duy nhất ở Nhật mang đến sự bảo vệ và phù hộ cho mái tóc – đền Mikami (御髪神社). Khu vực xung quanh đền được cho là nơi ra đời của nghề làm tóc chuyên nghiệp Nhật Bản. 

    đền Mikami
    Đền Mikami. Ảnh: tokyoweekender.com

    Nhiều thợ làm tóc viếng thăm đền Mikami với mong muốn cầu may mắn cho sự nghiệp. Các bùa may mắn Omamori tại đền đa dạng từ điều ước cho tóc phát triển tốt đến cầu thi đậu kỳ thi chuyên viên thẩm mỹ quốc gia, được thiết kế theo hình dáng chiếc kéo hay lược chải đầu. 

    bùa Omamori đền Mikami
    Bùa may mắn Omamori ở đền Mikami. Ảnh: kyoto-goriyaku.com

    Đền Hikou mở ra thế giới về chiếc máy bay đầu tiên của Nhật 

    Xuất phát từ chữ “飛行機 – Hikouki – Máy bay”, đền Hikou (飛行神社) cũng là một địa điểm tâm linh độc đáo khác của cố đô Kyoto, khi nơi đây không chỉ thờ phụng vị thần Nigihayahi no Mikoto, người đã bay trên khí cầu Ama no Iwafune cùng với 32 vị thần khác, mà còn là nơi tưởng niệm linh hồn nạn nhân trong những vụ tai nạn hàng không trên khắp thế giới. 

    đền Hikou
    Đền Hikou. Ảnh: kyotoside.jp

    Ngoài ra, kiến trúc của ngôi đền cũng không kém phần khác lạ khi được thiết kế và giám sát xây dựng bởi Chuhachi Ninomiya – nhà tiên phong về máy bay của Nhật. Ông Chuhachi nổi tiếng với mẫu máy bay kiểu con quạ “Karasu-gata mokei hikouki”, ông cũng từng thiết kế nên máy bay với ba động cơ sớm hơn anh em nhà Wright nhưng chưa thể cất cánh. 

    Ông đã sử dụng cùng vật liệu làm máy bay để xây dựng nên ngôi đền Hikou, chẳng hạn như cổng Torii chính của đền được tạo ra từ hợp kim duralumin. Dạo quanh đền thờ, du khách có thể ngắm nhìn các bức tượng và hiện vật liên quan đến những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử chế tạo máy bay đầu tiên ở Nhật. 

    bùa Omamori đền Hikou
    Bùa Omamori của đền Hikou. Ảnh: @hikoujinjya1915/ Twitter

    Viếng thăm đền Hikou, bạn có thể thỉnh loại bùa Omamori cho chuyến bay hay di chuyển bằng trực thăng bình an. Đặc biệt, nhiều người Nhật thường xuyên đến đây để cầu cho các chuyến bay quốc tế đường dài gặp may mắn. 

    • Địa chỉ: 44 Doi, thành phố Yawata, thành phố Kyoto
    • Website: hikoujinjya.com

    Đền Azusamiten, nơi mang mèo cưng về với gia đình

    Ngôi đền Azusamiten (阿豆佐味天神社) từng được nghệ sĩ Piano Jazz Yosuke Yamashita đặt biệt danh là “猫返し神社 – Neko-gaeshi jinja – Ngôi đền mèo trở về” bởi từng có lần, chú mèo yêu quý của ông đã đi lạc nhưng nhờ cầu xin các vị thần ở ngôi đền mà ngay ngày hôm sau, mèo đã trở về nhà an toàn. 

    đền Nekogaeshi
    Được mệnh danh là "Đền mèo trở về", ngôi đền Azusamiten trở thành địa chỉ tin cậy với các "con sen" lạc mất "boss". Ảnh: omatsurijapan.com

    Ông Yamashita còn kể rằng mỗi lần mèo đi lạc, ông lại viếng thăm đền Azusamiten và rồi chú mèo trở về nhà bình an. Từ câu chuyện của nghệ sĩ nổi tiếng, giờ đây, ngôi đền đã trở thành địa điểm tâm linh dành cho những người chủ cầu xin thú cưng thất lạc trở về nhà lành lặn. Thẻ Ema của ngôi đền cũng được vẽ hình mèo xinh xắn. 

    thẻ Ema ở đền Nekogaeshi
    Thẻ Ema dễ thương ở đền Azusamitengu. Ảnh: @zabi4256/ Twitter

    kilala.vn

    05/12/2022

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!