Thẻ gỗ Ema - thư gửi các vị thần

    Trong khi người ta viết nhiều về tôn giáo ở Nhật Bản, đăng nhiều hình ảnh về chùa chiền cũng như đền Thần đạo, thì lại nói rất ít về một nét đặc trưng vô cùng quan trọng ở những ngôi đền, đó là Ema.

    Ema là những thẻ gỗ nhỏ, với những hình ảnh cầu phúc và tạ ơn, được treo ở gần cổng, hành lang, hoặc có thể là một sảnh lớn chỗ dành riêng cho chúng, đôi khi khiến những ngôi chùa trông giống một phòng triển lãm đặc biệt.

    thẻ gỗ Ema

    Ema không chỉ là lịch sử, phong tục, mà là một thứ chạm đến đời sống tâm hồn của người Nhật.

    Ngày xưa, để tưởng nhớ những chiến binh vĩ đại đã qua đời, người ta đặt rượu sake, gạo trước bài vị và bia mộ của họ. Nhưng với một số những vị tướng lừng lẫy hơn, người ta còn “cúng” cho họ thêm một con ngựa trắng. Những con ngựa trắng, không có vết đốm nào vô cùng hiếm, và chỉ có một số ít những ngôi đền Thần đạo được những người giàu có dâng cúng con vật hiếm hoi này.

    Tuy nhiên, có những ngôi đền không thể sở hữu một con ngựa trắng thật, vì thế, người ta thay thế nó bằng một bức họa, treo ở gần lối vào để cho dân chúng đến cầu nguyện. Từ đó, xuất hiện từ Ema, “E” là bức tranh, và “Uma” là con ngựa. Ema nguyên nghĩa là “Bức tranh ngựa”. Thời gian đầu, không có màu sắc nào khác được sử dụng ngoài màu trắng.

    Thẻ gỗ Ema nghĩa là Bức tranh ngựa
    Photo: Đức Trí

    Thoạt đầu, sự hiện diện của Ema chỉ hạn chế trong hệ thống Thần đạo. Nhưng Phật giáo cũng chấp nhận ý tưởng này, và bắt đầu cho treo những tấm tranh ở khắp các ngôi chùa, nhưng giờ thì không chỉ có vẽ ngựa, mà là bất cứ thứ gì thể hiện mong muốn của  người cầu xin. Và những người theo Thần đạo cũng mở rộng ý tưởng ban đầu theo chiều hướng đó.

    Phong tục hiến tặng Ema cho các ngôi đền được biết đến từ thời Nara. Ban đầu chỉ vẽ ngựa, đến thời Muromachi, những hình ảnh khác bắt đầu xuất hiện, cùng với kích cỡ Ema lớn hơn. Tuy vậy, những chiếc Ema nhỏ lại phổ biến hơn trong dân gian.

    Hình ảnh thông thường nhất là 12 con giáp vì ai cũng có tuổi là một con giáp nào đó để cầu khấn, đủ mọi hình thù. Chúng có thể là những bức tranh có khung do các họa sĩ danh tiếng vẽ, hoặc là những thẻ nhỏ được vẽ do các nghệ nhân không tên tuổi, cũng có thể do chính người cầu xin vẽ ra… Và về sau, người ta sản xuất hàng loạt bằng cách in trên thẻ gỗ.

    Thủy thủ sắp ra khơi sẽ gửi khấn nguyện đến Kompira, vị thần của ngư dân và lữ khách, bằng cách đem treo ở ngôi chùa gần nhất một bức vẽ con thuyền và mặt trời mọc. Chiến binh sắp ra trận sẽ mang đến những bức tường thiêng bức vẽ những anh hùng cổ đại, với khuôn mặt hung tợn và thanh kiếm tuốt trần. Những người mẹ tương lai treo một tấm thẻ vẽ hình đứa trẻ vui đùa đề khấn nguyện có một đứa con xinh đẹp và khỏe mạnh. Những cô gái điếm gửi lời cầu xin đến các vị thần bảo trợ.

    Quả thực, không có bất cứ khao khát nào từ đáy sâu trái tim con người, từ thuần khiết chân chính đến xấu xa ô trọc nhất, lại không thể tìm thấy ở những cái gallery độc đáo này. Tại một nhà hàng ở khu Gion, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều thẻ Ema được treo trên tường, với những hình ảnh hoàn toàn phi truyền thống, như các cô kỹ nữ khỏa thân…

    nhiều thẻ Ema được treo trên tường

    Chỉ cần mua một Ema giá khoảng 500 yên tại các ngôi đền, trên có vẽ hoạ tiết phù hợp với mong ước hay nguyện vọng của mình: thi đậu dù không cần học bài, tìm được tình yêu lý tưởng, có một đứa con khỏe mạnh, trở nên giàu có hay trúng số, người mẹ mong có sữa… Bất cứ mong ước gì, viết vào phía sau, khấn với các Kami (các vị thần) , rồi treo lên khung gỗ.

    Tất nhiên, bạn không cần phải biết tiếng Nhật, dường như các vị thần Shinto là những vị thần rất giỏi ngoại ngữ, vì thế chắc chắn họ sẽ hiểu dù bạn viết bằng thứ tiếng gì đi nữa.

    một Ema giá khoảng 500 yên

    Tuy các ema được trang trí bằng họa tiết theo lối Ukiyo-e (dòng tranh phù thế hội đẹp và nổi tiếng của Nhật), thường các bảng treo ema vẫn trông rất xấu, vì nhiều người chữ xấu mà vẫn ước đủ thứ.

    Mùa mua và viết Ema bùng nổ trước dịp Năm mới, và trước mùa thi.

    Với du khách phương Tây, Ema là một vật kỷ niệm xinh xắn, rẻ tiền và độc đáo từ Nhật Bản. Nó trở thành vật trang trí duyên dáng mang ý nghĩa cầu phúc… dù không được treo trước mắt các vị thần ở đền thờ Thần đạo.

    Dù sao, treo Ema không khác gì treo bức tranh nhỏ trong nhà, lại có được sự ấm áp về tâm linh khi đang phô bày ước muốn cho đất trời cùng biết và chia sẻ.

    Ema không khác gì treo bức tranh nhỏ trong nhà
    Photo: Đức Trí

    01/01/2015

    PHẠM CÔNG LUẬN

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!