“Cổng vào địa ngục” Osorezan, nơi kết nối âm dương xứ Phù Tang
Theo truyền thuyết dân gian xưa, Osorezan là cánh cổng dẫn vào cõi âm, là vùng đất người Nhật tìm đến để “gặp lại” những người đã khuất.
Ngọn núi của sự sợ hãi
Osorezan, Koyasan và Hieizan là ba địa điểm linh thiêng nhất ở Nhật Bản. Trong đó, Osorezan tọa lạc tại bán đảo Shimokita xa xôi của tỉnh Aomori, thuộc phía Bắc vùng Tohoku. Ngọn núi này ẩn chứa những bí ẩn tâm linh với khung cảnh khiến nhiều người phải sợ hãi.
Ban đầu núi được người Ainu gọi là Usoriyama nhưng sau đó được đổi thành "Osorezan - 恐山”, có nghĩa là "ngọn núi kinh hoàng”. Bước tới đây, du khách sẽ cảm nhận rõ bầu không khí kỳ quái, đáng sợ gợi lên từ cảnh quan.
Đến Osorezan, trước khi đặt chân tới ngôi chùa Bodaiji trên đỉnh núi, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng mặt đất xám xịt, nứt nẻ cùng mùi lưu huỳnh bốc lên nồng nặc.
Lý do là vì Osorezan nằm ở độ cao 879m, nơi có nhiều ngọn núi lửa nên không khí tràn ngập mùi lưu huỳnh, tro bụi bay trong không gian tích tụ dần khiến mặt đất trở nên xám xịt, khô cằn. Những lỗ khí đầy hơi nước nóng phun lên.
Ở trung tâm Osorezan là Usori - hồ miệng núi lửa với nước có tính axit cao, có màu xanh do chứa nhiều lưu huỳnh. Tất cả tạo nên một khung cảnh tựa như lối vào địa ngục.
Nơi kết nối dương gian và địa ngục
Osorezan là nơi linh thiêng, được dân gian gọi là “cổng vào địa ngục”. Chuyện xưa kể rằng hơn một ngàn năm về trước, một vị sư đã tìm kiếm ngọn núi linh thiêng có cảnh sắc như nơi Đức Phật ngụ và núi Osorezan chính là địa điểm như vậy.
Địa hình của núi tương tựa như mô tả về địa ngục và thiên đàng của Phật giáo với tám đỉnh núi lửa bao xung quanh cùng con sông truyền kiếp Sanzu, con sông này dẫn hồn của người chết đến cõi âm.
Trong truyền thuyết, sông Sanzu tương tự như Hoàng Tuyền (Suối Vàng) của Trung Quốc, Vaitarani của Ấn Độ hay Styx của Hy Lạp. Nó là con sông thần thoại trong Phật giáo Nhật Bản.
Tương truyền, sông Sanzu dẫn từ Osorezan tới hồ Usori. Dân gian tin rằng đây chính là nơi nối giữa hai bờ âm dương. Trước khi đến thế giới bên kia, linh hồn của người đã khuất phải băng qua sông.
Có ba cách vượt sông là: đi bằng cầu với những ai đã sống một đời tốt đẹp, lội qua sông nếu sống đời tầm thường và vượt qua đoạn nước sâu đầy rắn rết, quỷ dữ cho những kẻ từng sống tàn ác.
Những linh hồn còn phải trả khoản phí thông hành tầm sáu mon (mon là tiền tệ từ thời Muromachi năm 1336 cho đến đầu thời Meiji năm 1870) để qua sông. Vì vậy mà trong các đám tang truyền thống của người Nhật thường đặt tiền trong quan tài cùng thi thể.
Trong số những linh hồn băng qua sông có những hài nhi chết yểu, được các bậc cha mẹ xây cầu để giúp con của họ siêu thoát. Thế nhưng lũ quỷ hay phá cầu nên phụ huynh của những đứa trẻ yểu mệnh thường cầu xin Thần Jizo bảo vệ cho con họ.
Vì vậy mà tại Osorezan, tượng Jizo cùng những đống đá và sỏi thường xuất hiện quanh mọi nơi ở khu vực hồ Usori. Những viên đá đặt xung quanh tượng Jizo mang đến niềm tin về sự siêu thoát, sớm lên thiên đường cho những linh hồn trẻ em không may qua đời.
Giao tiếp với những người đã khuất
Hằng năm chùa Bodaiji tại Osorezan sẽ tổ chức lễ hội từ ngày 22 – 24/07. Du khách từ khắp mọi nơi sẽ tập trung tại đây để kết nối, giao tiếp, trò chuyện và “gặp lại” người thân đã khuất.
Cách giao tiếp là thông qua những Itako - bà đồng mù. Itako hay còn được gọi là Ichiko hoặc Ogamisama, là những phụ nữ mù có khả năng kết nối với cõi âm.
Itako thực hiện những nghi lễ thanh tẩy nghiêm ngặt trong vòng ba tháng và bước vào trạng thái lên đồng (gọi là Kuchiyose) vào ngày diễn ra lễ hội. Họ thường đi đến núi Osorezan vào mùa hè và mùa thu, trong khoảng thời gian mà tại chùa Bodaiji có lễ hội Itako Taisai.
Trong mùa lễ hội, các Itako dựng lều ngay bên trong cổng chùa, tại đó khách hàng sẽ xếp hàng rồi chờ đến lượt để làm nghi lễ Kuchiyose. Khi Kuchiyose diễn ra, bà đồng sẽ triệu hồn linh hồn người chết và để hồn nhập vào cơ thể, truyền tải thông điệp đến người sống.
Tuy nhiên hiện nay số lượng Itako đã giảm dần, những người còn hành nghề thường đã trên 80 tuổi. Vì vậy việc giao tiếp với người ở cõi âm cũng ít dần đi.
Người ta nói rằng đường lên Osorezan là cả một hành trình đầy gian nan, thử thách. Cho tới ngày nay, du khách từ tứ phương vẫn tìm đến ngọn núi thiêng Osorezan để tưởng nhớ người thân đã khuất và kết nối với họ thông qua hình thức tâm linh.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận