Truyện tranh Manga ngày càng hot
Đã từng có thời kì bạn chỉ có thể “bắt gặp” Manga ở những cửa hàng sách. Từ khi Internet xuất hiện, cơ hội để độc giả tiếp cận với truyện tranh ngày càng nhiều. Để thu thập những thông tin mới nhất về Manga, KILALA đã phỏng vấn ông Shinichi Sonobe - Trưởng Ban biên tập “Kono Manga ga sugoi!” và “Kono Manga ga sugoi! WEB”, NXB Takarajimasha.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án “Kono Manga ga sugoi!” (tạm dịch: “Bộ Manga này thật tuyệt vời!”) được không?
“Kono Manga ga sugoi” là một ấn phẩm được phát hành vào cuối năm, trong đó công bố bảng xếp hạng những bộ Manga thú vị nhất trong một năm qua. Tính đến năm 2017, chúng tôi đã phát hành được 13 số. Có khoảng trên 200 người bình chọn được tuyển lựa từ nghệ sỹ, nhân viên nhà sách và nhà phê bình vốn có niềm đam mê đối với Manga để giúp chúng tôi đề xuất các tác phẩm Manga xuất sắc nhất trong năm dành cho nam giới và nữ giới đến từ tất cả các NXB.
Đối với phiên bản website, chúng tôi sẽ công bố bảng xếp hạng hằng tháng dựa trên kết quả khảo sát từ những người bình chọn. Tuy website chỉ có tiếng Nhật nhưng các bạn độc giả người Việt nhất định hãy xem qua để biết được những bộ Manga đang “hot” nhất Nhật Bản hiện nay nhé!
Thể loại Manga nào được nhiều người bình chọn qua các năm? Theo ông, tác phẩm nào đang là xu hướng?
Tùy theo từng năm mà xuất hiện nhiều xu hướng Manga khác nhau. Như vào năm xảy ra thảm họa Đại địa chấn vùng Đông Bắc Nhật Bản, giữ vị trí thứ 1 của kì xuất bản năm 2012 dành cho hạng mục Manga nam giới là Black Jack Sosaku hiwa còn nữ giới là Hana no zubora meshi. Mặc dù cả 2 tác phẩm này đều không quá nhấn mạnh vào việc truyền tải những thông điệp mang tính xã hội nhưng do nội dung mang tính tích cực và hướng về tương lai đã khiến nhiều độc giả chú ý.
Nói về xu hướng Manga hiện nay thì theo ý kiến cá nhân, tôi cảm thấy chủ đề tình yêu có sự chênh lệch về tuổi tác đang được nhiều độc giả yêu thích như truyện Koi wa ameagari no
youni hay Watashi no shonen.
Trong thời đại mà các ấn phẩm dần được số hóa như hiện nay, thị trường Manga Nhật Bản cũng dần thay đổi?
Không chỉ riêng gì Manga mà đối với ngành xuất bản tại Nhật nói chung, ngày càng khó thuyết phục độc giả mua sách. Tuy nhiên, đổi lại thì một xu hướng mới lại ra đời.
Do là phiên bản điện tử nên một số mặt nào đó sẽ đơn giản hóa hơn, chẳng hạn như tái bản (vì cắt giảm được chi phí in ấn và quản lý hàng tồn), từ đó mà việc tái ấn hành những bộ truyện xuất sắc cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ vào những năm 2010, bộ Manga Oyanarumono, Dangai vốn chỉ được phát hành duy nhất 1 lần vào năm 1991 bỗng trở nên nổi tiếng sau khi phiên bản điện tử xuất hiện trên một website kinh doanh ebook. Sau đó, bộ truyện này được tái bản và nhanh chóng trở thành “best-seller”. Ngoài ra còn có bộ Hitorigurashi no shogakusei. Ban đầu tác giả Koichiro Matsushita tự bỏ tiền để phát hành online trên Kindle. Sau khi gây được tiếng vang, NXB Takarajimasha đã được ủy quyền phát hành phiên bản “Tankobon” (thuật ngữ dùng để chỉ hình thức phát hành riêng lẻ thay vì đính kèm chung với nhiều Manga khác) của tác phẩm này. Cho đến nay, xê-ri Manga này đã cán mốc 200.000 bản và là một trong những đầu truyện bán chạy nhất. Có thể nói quy trình “nổi tiếng trên mạng → xuất bản truyện giấy” đang được định hình.
Theo ông thì hiện nay những tác phẩm Manga được xuất bản thông qua “cửa ngõ” website đang ngày một tăng lên?
Đã từng có thời kì mà bạn chỉ có thể “bắt gặp” Manga ở những cửa hàng sách. Kể từ khi Internet xuất hiện, cơ hội để các độc giả tiếp cận với truyện tranh cũng mở rộng hơn và tôi nghĩ đây là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, website là một kênh truyền thông ít khi mang đến những phát hiện mang tính “tình cờ”. Do đó tôi luôn quan niệm rằng việc mang đến cho người đọc một kênh thông tin có tính tổng hợp cao được thu thập từ những người chuyên sâu về Manga như “Kono Manga ga sugoi!” là điều nên giữ gìn hơn bao giờ hết.
Hiện nay tại Nhật Bản, không khó để bắt gặp hình ảnh những người trưởng thành chăm chú vào cuốn Manga. Theo ông, Manga có vai trò gì đối với người Nhật Bản?
Tầng lớp người Nhật trưởng thành tại Nhật Bản hiện nay đều đã từng say mê Manga thời thơ ấu và bây giờ họ vẫn tiếp tục đọc. Nên tôi nghĩ rằng cũng sắp đến lúc người trưởng thành Việt Nam sẽ đọc Manga, phải không nào.
Tôi cho rằng nền tảng giúp cho văn hóa Manga được nhân rộng đến từ việc các em nhỏ truyền tay nhau đọc, trao đổi cảm nghĩ với nhau hay thích thú bắt chước nhân vật nào đó trong truyện. Khi chuyển thể các bộ truyện thành Anime hay phim điện ảnh, hiển nhiên sẽ xuất hiện các phản ứng khen che trái chiều. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng tích cực thì chẳng phải những ý kiến phản hồi này chính là chất xúc tác giúp cho ngày càng có nhiều tác phẩm mới xuất sắc hơn, hoàn thiện hơn được ra đời hay sao.
Mayu Senda/ kilala.vn
Kono Manga ga sugoi!
07/08/2017
Thực hiện: Mayu Senda/ Biên dịch: Lê Mai/ Ảnh: NVCC, NXB Takarajimasha
Đăng nhập tài khoản để bình luận