Ryotaro Sugi và sứ mệnh phát triển văn hóa

    Đại sứ Ryotaro Sugi: "Hãy thay đổi từ trong “suy nghĩ” của mỗi người"

    Đại sứ Ryotaro Sugi

    Ryotaro Sugi / Ca sĩ, diễn viên Nhật Bản / Đại sứ hữu nghị đặc biệt Nhật Việt - Việt Nhật

    Trong 2 ngày 19 - 20/11/2016, tại công viên 23/9 (TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra sự kiện JAPAN VIETNAM FESTIVAL 2016. Tại lễ hội này, ca sỹ - diễn viên Ryotaro Sugi, người đảm nhận vai trò Đại sứ hữu nghị đặc biệt Nhật Việt - Việt Nhật, không chỉ có mặt tại sự kiện quảng bá chương trình truyền hình giao lưu Việt - Nhật do ông đầu tư sản xuất, mà còn tham gia dàn dựng buổi trình diễn ca nhạc với sự tham dự của các ca sỹ khách mời Việt - Nhật, ghi dấu tên mình vào những thành tích mới trong vai trò đại sứ. Dưới đây là những cảm tưởng về đất nước Việt Nam của ông, một người đã gắn bó với công tác hỗ trợ cho Việt Nam trong suốt thời gian dài.


    Phóng viên: Ngài đã đến TP.HCM rất nhiều lần, liệu ngài có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về thành phố hay không?
    Đại sứ Ryotaro Sugi: So với ngày xưa, số lượng xe máy và xe hơi ở TP.HCM đã tăng lên rất nhiều. Tình hình giao thông đã thay đổi đáng kể, lượng khách du lịch cũng nhiều hơn trước đây. TP.HCM ngày nay mang lại cảm giác có chút ồn ã và hỗn loạn. Các loại phương tiện tràn ngập đường phố dẫn đến ách tắc giao thông thường xuyên, do đó tôi nghĩ nếu tuyến đường sắt ngầm sớm đi vào hoạt động thì sẽ giải quyết được tình trạng này.


    PV: Vào tháng 11/2016, ngài đã được MEXT công nhận là người có nhiều thành tựu trong sự nghiệp phát triển văn hóa(*) theo cuộc bầu chọn hàng năm. Liền sau đó là đến lễ hội này, vậy ngài đã chuẩn bị tâm lý thế nào để đảm đương trọng trách của mình?
    (*) Nguyên văn: 文化功労者
    ĐS Ryotaro Sugi: Tôi đã lên kế hoạch cho sự kiện này trong suốt 1 năm nên việc có được MEXT công nhận hay không thực sự ảnh hưởng lắm. Song, một sự kiện được tổ chức ở nước ngoài vẫn cần đầu tư nhiều tâm sức hơn tôi tưởng tượng ban đầu. Nếu mọi người không cùng nhau cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ cũng như những khác biệt về mặt cảm giác trong tốc độ làm việc, thì sự kiện không thể nào thành công được. Cả kinh phí thực hiện cũng tốn kém hơn mức tôi đã hình dung. Dù những nghệ sỹ góp mặt trong chương trình ca nhạc đều tham gia trên tinh thần tình nguyện, nhưng với đội ngũ thực hiện, quản lý và nhân viên kỹ thuật đều cần tới những người chuyên nghiệp với số lượng rất đông. Khó có thể đòi hỏi toàn bộ ekíp thực hiện đều tình nguyện tham gia, cũng như có những chi phí buộc phải chi trả như phí sản xuất và phí đi lại. Sự kiện không thể tiếp tục một cách suôn sẻ nếu thiếu đi khâu hậu cần này. 


    PV: Vì sự “tiến triển” đó thì sự đầu tư là vô cùng cần thiết đúng không, thưa ngài? 
    ĐS Ryotaro Sugi: Giao lưu văn hóa là một dạng đầu tư không sinh lời. Đối với một doanh nghiệp, đã bắt tay vào đầu tư thì phải có lời, như vậy mới gọi là kinh doanh. Thế nhưng trong công tác tổ chức giao lưu văn hóa, về lâu dài sẽ nảy sinh những khó khăn về tinh thần, thể chất cũng như kinh phí. Để tiếp tục duy trì thì mỗi tâm niệm “muốn làm” thôi chưa đủ, mà cần phải hội tụ đủ các yếu tố con người, kinh phí và tinh thần.


    PV: Đến nay, ngài đã bỏ vốn đầu tư rất nhiều cho công tác giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ngài có thể chia sẻ về động cơ và tâm nguyện của mình khi xúc tiến các hoạt động này không?
    ĐS Ryotaro Sugi: Tôi đã tham gia hoạt động giao lưu với Việt Nam trong 30 năm nay. Khi ngẫm về đất nước Việt Nam, tôi cho rằng cần phải xem trọng hơn nữa nền giáo dục con người. Hiện tôi đang tham gia giảng dạy tiếng và văn hóa Nhật Bản tại trung tâm Nhật ngữ ở Hà Nội. Tôi cũng có hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường Nhật ngữ Sakura tại TP. HCM. Việc nuôi dưỡng những “hạt giống người” này mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam. Buổi đầu khi mới xúc tiến các hoạt động giao lưu tại Việt Nam, tôi nhận thấy ở đây không có công ty Nhật nào cả. Vì Nhật Bản có liên hệ với Mỹ, nên những tiến triển về cả mặt chính trị lẫn kinh tế liên quan đến Nhật trong thời gian này rất trì trệ. Khi đó Thủ tướng đương nhiệm là Đỗ Mười và tôi đã cùng bàn luận về vấn đề giao lưu văn hóa giữa hai nước với tinh thần “Cùng mở ra hướng đi mới bằng con đường Văn hóa”. Vì dẫu cho hình thái chính trị và kinh tế của một đất nước đổi thay, con người sinh sống ở đó vẫn không thay đổi. Vì lẽ đó, sức mạnh của văn hóa vẫn sẽ bám trụ lại và ăn sâu vào cội rễ của từng dân tộc, và những con người cùng lớn lên từ cội rễ đó sẽ dần có thể thấu hiểu lẫn nhau.


    PV: Ngài có thể chia sẻ những điểm đặc sắc của chương trình âm nhạc mà mình tổ chức lần này không?
    ĐS Ryotaro Sugi: Tất cả những nghệ sỹ người Việt và Nhật tham gia lần này đều đến trình diễn trên tinh thần tự nguyện, dù vậy họ vẫn dốc hết sức mình cho buổi diễn. Tôi có thể cảm nhận được nhiệt huyết mà họ đang truyền tới khán giả Việt Nam ngay cả khi tôi không thể hiểu được ý nghĩa ca từ họ trình bày.


    PV: Ngài có thể giới thiệu về chương trình truyền hình “Giao lưu VIỆT NHẬT 〜?! JAPAN × VIETNAM〜” do mình đầu tư sản xuất không?
    ĐS Ryotaro Sugi: Nhật Bản là một dân tộc có khả năng chế tạo những món đồ tinh xảo và có một tâm thế luôn muốn cải tiến, luôn thường trực suy nghĩ phải làm sao để làm ra những thứ tốt đẹp nhất. Khả năng ấy giúp chúng tôi thiết lập một chuỗi những hệ thống hoàn thiện, như những chuyến xe điện và xe buýt chạy đúng đến từng giây, nguồn nước máy tinh khiết hơn cả nước khoáng,. Những hình ảnh ấy của con người Nhật Bản đã được ghi nhận lại trong chương trình truyền hình này. Tại gian hàng của chương trình trong JAPAN VIETNAM FESTIVAL, chúng tôi cũng tổ chức buổi nếm thử những sản vật tươi ngon được vun trồng nhờ khả năng sản xuất không ngừng nghỉ của người Nhật. Đó là những quả dâu tây và cà chua có chất lượng tuyệt hảo, được trồng hoàn toàn “sạch”, không dùng thuốc trừ sâu, và vẫn còn tươi nguyên dù được vận chuyển đến một Việt Nam nóng ẩm.  


    PV: Cuối cùng, ngài có điều gì muốn gửi gắm đến người dân Việt Nam không?
    ĐS Ryotaro Sugi: Tôi hi vọng chương trình truyền hình này sẽ tạo cơ hội để mỗi người Việt Nam tự nghiền ngẫm và cải tiến tốt hơn trong công việc, trong quá trình phát triển đất nước. Một quốc gia sẽ không thể lớn mạnh nếu không học hỏi những quốc gia khác, mong rằng trong tương lai người Việt Nam cũng sẽ sáng tạo ra nhiều thứ mới mẻ bằng những ý tưởng độc đáo của riêng mình.

    Japan Festival in Vietnam

    Dưới đây là những hình ảnh được ghi nhận tại gian hàng của chương trình truyền hình hợp tác Nhật – Việt “Giao lưu NHẬT VIỆT 〜?! JAPAN × VIETNAM〜” của đài truyền hình VTV1 tại lễ hội Japan Festival in Vietnam. Một trong những sự kiện nổi bật tại gian hàng là phần nếm thử dưa lưới Đà Lạt, dâu và cà chua được trồng tại tỉnh Ibaraki với sự hỗ trợ của Công ty Nông dược và Phân bón Nhật Bản OAT Agrio. Khách ghé thăm gian hàng đã được nếm thử những nông sản vừa ngọt đậm đà, vừa gây kích thích vị giác đúng chất lượng Nhật Bản.

    Japan Festival in Vietnam

    Japan Festival in Vietnam

    Japan Festival in Vietnam


    Chương trình truyền hình “Giao lưu NHẬT VIỆT〜?! JAPAN × VIETNAM〜” do Nhật – Việt hợp tác sản xuất đã từng ra mắt khán giả trên kênh VTV1 từ tháng 7/2015. Phần 2 tiếp tục được lên sóng từ tháng 1/2016 nhằm mang đến cho khản giả Việt Nam cái nhìn sâu rộng hơn về những điểm du lịch hấp dẫn ít người biết đến ở Nhật, những kĩ thuật tiên tiến và tinh thần Nhật Bản. Chương trình sẽ được phát sóng vào lúc 22:30 các chủ nhật thứ 2 và thứ 4 trong tháng, bắt đầu vào ngày 24/12/2016 và kéo dài đến tháng 3/2017 trên kênh VTV1.

    Chương trình truyền hình Giao lưu Nhật Việt
    Chương trình truyền hình Giao lưu Nhật Việt
    Chương trình truyền hình Giao lưu Nhật Việt
    Chương trình truyền hình Giao lưu Nhật Việt

    Mayu Senda/ kilala.vn

    23/01/2017

    Bài: Mayu Senda/ Biên dịch: Yoshika, Lê L. Ngọc

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!