Phỏng vấn độc quyền: Tác giả Cardfight!! Vanguard
Kilala đã có bài phỏng vấn độc quyền hoạ sĩ Akira Itou và vinh dự nhận bức tranh anh vẽ tặng riêng cho độc giả Việt Nam. Trong trang phục khoẻ khoắn, thân thiện của một vận động viên đua xe mini công thức 1 đội đua Tarina, thật khó hình dung đó chính là nghệ sĩ Manga nổi tiếng của Nhật Bản – Akira Itou đang làm mưa gió trên thị trường truyện tranh thế giới với tác phẩm “Vua trò chơi – Yu-gi-oh! R”. Trong chuyến đến Việt Nam với vai trò là giám khảo và phát động “Cuộc thi hoạ sĩ Châu Á” do Wedge Holdings tổ chức tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Mông Cổ.
Xin chào anh Akira Itou, anh có thể cho biết mình bắt đầu vẽ manga từ khi nào và câu chuyện dẫn dắt anh đến với nghề thú vị này là gì?
Tôi là người mê mẩn manga như những người Nhật khác, cũng không nhớ chính xác mình bắt đầu xem manga từ khi nào. Nhưng nhớ rõ nhất là lúc nhỏ… nghèo nên không đủ tiền mua manga đọc mà xem hoạt hình manga nhiều hơn, từ đó những hình ảnh manga thấm vào đầu. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu nguệch ngoạc hình họa manga ra giấy, vẽ riết cho đến 25 tuổi thì chính thức trở thành hoạ sĩ manga. So với các mangaka khác thì độ tuổi 25 là… quá già để khởi đầu.
Nói như anh thì cảm giác trở thành một mangaka thật đơn giản, vậy làm mangaka có những khó khăn gì mà anh hay gặp phải không?
Cái khó là mọi công đoạn trong sáng tác manga đều tự thân nghệ sĩ thực hiện, từ lên ý tưởng, thể hiện ra nét vẽ và khiến người đọc hiểu được nội dung muốn truyền tải. Tôi không qua trường lớp đào tạo vì thời tôi vào nghề cũng chưa có trường lớp nào dạy vẽ manga. Để thành mangaka, tôi phải đọc nhiều các tác phẩm khác, tìm lỗi trong tác phẩm để rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân, sau đó luyện vẽ, rồi tự sáng tác ra tác phẩm cho riêng mình.
Hình họa đóng vai trò quan trọng trong một tác phẩm manga, anh lại không qua trường lớp, vậy anh xử lý hình họa thế nào?
Tôi phải tưởng tượng ra góc nhìn của độc giả, sắp xếp cách bố cục hình ảnh, ô lời thoại sao để người đọc không bị phân tâm. Mỗi khi đặt bút vẽ, tôi luôn đặt mình ở vị trí độc giả.
Ảnh: Nguyễn Đình
Độ dài ngắn của một tác phẩm manga thông thường ở Nhật là thế nào?
Có nhiều thể loại manga, có họa sĩ chỉ vẽ một chương là kết thúc truyện. Kỷ lục ở Nhật hiện có tác phẩm gồm hơn 200 quyển. Và thông thường một tác phẩm manga nổi tiếng có độ dài trên 10 quyển cũng đã là khá hiếm.
Thế còn các tác phẩm của anh đã và đang sáng tác?
Tập truyện Vua trò chơi - Yu-gi-oh! R đã hoàn thiện gồm 5 quyển, còn Vanguard tôi đang sáng tác và phát hành được 12 quyển. Tôi nghĩ sẽ kết thúc nó ở quyển thứ 13. Thực sự khi sáng tác Vanguard, tôi dự định dừng ở tập 5, đẩy cao trào cốt truyện vào tập cuối đó. Nhưng rồi độc giả yêu thích nên tôi kéo dài thêm đến tập 13, tập truyện với các phân cảnh cho nhân vật phát huy tối đa khả năng để đẩy cốt truyện lên cao trào trước khi kết thúc.
Anh muốn dừng ở tập 13 nhưng ngộ nhỡ độc giả lại muốn anh sáng tác tiếp, ý anh sẽ thế nào?
Cao trào tôi đang hình dung cũng đã đạt đến ngưỡng tối đa rồi, nên tôi nghĩ gói gọn tác phẩm trong 13 tập là đủ. Nghĩ tiếp ý tưởng để tiếp nối câu chuyện cũng sẽ rất khó, nhưng nếu có thời gian, tôi sẽ thử.
Khi sáng tác hoàn thiện một tác phẩm, bằng cách nào một mangaka ngoại đạo như anh có thể đưa tác phẩm vào các nhà xuất bản danh tiếng?
Tôi đem tác phẩm đến các nhà xuất bản truyện tranh, tham gia dự thi các chuyên mục về manga ở các số báo chuyên đề về manga được phát hành định kỳ. Khi được chọn, tạp chí sẽ dành đăng một đoạn tác phẩm lấy ý kiến độc giả. Nếu có phản hồi tốt, nội dung tác phẩm sẽ tiếp tục được đăng báo, nếu dở thì bị cắt bỏ. Mỗi số báo nhà xuất bản dành 20 – 24 trang cho một tác giả, ai trụ lại được liên tục trong 3 tháng thì sẽ được chọn và gộp đủ các truyện đăng 6 tháng để ra một quyển manga hoàn chỉnh.
Một tác phẩm manga mới toanh khi in thông thường sẽ có số lượng bao nhiêu? Và cụ thể như Vanguard của anh thì thế nào?
Thông thường số phát hành dao động từ 8.000 – 10.000 bản, vì nhà xuất bản sẽ dựa vào phản hồi sự đón nhận từ độc giả khi đăng các trích đoạn trên tạp chí manga chuyên ngành. Riêng tác phẩm của tôi lần in đầu tiên là 100.000 bản.
Khi sáng tác, anh phó mặc ý tưởng bay bổng theo bản năng hay có dụng ý nhắm đến lượng độc giả nhất định, chẳng hạn độ tuổi, giới tính…?
Những ý tưởng đều do tôi bất chợt nghĩ ra và muốn chia sẻ với mọi người qua nội dung truyện, và khi thể hiện tôi cũng có ý thức điều chỉnh nội dung cho phù hợp với đối tượng sẽ đọc tác phẩm của mình, thường là các bạn học sinh cấp 2 – 3.
Trở thành nghệ sĩ, yếu tố sáng tác hẳn rất quan trọng, vậy thời gian nào trong ngày với anh là quan trọng và sung mãn nhất cho việc sáng tác?
Khi tôi dự thi trên tạp chí chuyên ngành, đăng định kỳ hàng tuần, áp lực thời gian khiến tôi phải vẽ điên cuồng từ 10 giờ sáng mỗi ngày đến tận 3 giờ sáng hôm sau. Còn không đăng tạp chí thời gian của tôi rảnh rang hơn. Với tôi thời gian nào cũng là những giây phút quý giá, làm việc vất vả khi thấy kết quả ra báo thành công, cũng vui. Khi được nghỉ ngơi thoải mái, không phải làm việc, còn vui hơn rất nhiều vì có thời gian tham gia một đam mê khác của tôi là đua xe mini thể thức 1 vòng quanh Tokyo.
Tự nhận mình… già khi bắt đầu làm mangaka, vậy yếu tố tuổi tác và sự… già nua có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác?
Già bề ngoài nhưng nội tâm phải giữ phong độ trẻ trung vì đây là yếu tố quan trọng để tạo sức hấp dẫn với người trẻ. Tôi thường đọc sách báo, quan sát, đi nhiều để nắm bắt trào lưu và tâm lý giới trẻ. Tìm ra các chi tiết hấp dẫn để đưa vào cốt truyện. Đó là cách giữ phong độ trong nghề sáng tác mangaka.
Đã rất thành công với các tác phẩm sáng tác, là thầy dạy manga ở các trường học, vậy anh có kỳ vọng gì thêm từ các tác phẩm mình đã thể hiện? Chẳng hạn chuyển thể thành game trò chơi, lên phim hoạt hình…?
Thành công của một mangaka là tác phẩm của mình sống và đồng hành cùng nhiều thế hệ người đọc dưới nhiều hình thức bao gồm cả game, phim. Các tác phẩm của tôi được đón nhận, từ truyện tranh, chuyển thể sang trò chơi bằng thẻ (Cardfight- Vanguard), và cũng mong muốn các biến thể của tác phẩm gồm truyện – game – phim, nối kết thành vòng tròn liên hoàn để phát triển không chỉ trong phạm vi nước Nhật mà lan rộng ra thế giới.
Xin cảm ơn anh đã dành cho Kilala những chia sẻ thú vị và chúc cho hành trình của anh cùng “Cuộc thi hoạ sĩ Châu Á” sẽ tìm ra nhiều nhân tố mới cho ngành công nghiệp manga của Nhật và các nước khu vực trong đó có Việt Nam.
Bức tranh Mangaka Akira Itou vẽ tặng độc giả Kilala/ Ảnh: Nguyễn Đình
Bài và ảnh: Nguyễn Đình/kilala.vn
Mangaka Akira Itou
- Quê quán: Aichi
- Tác phẩm nổi tiếng: Vua trò chơi R (Yu-Gi-Oh! R), Cardfight!! Vanguard
- Tiểu sử nghề nghiệp: ban đầu, anh là trợ lý cho họa sĩ Kazuki Takahashi (cha đẻ truyện Manga lừng danh “Vua trò chơi - Yu-Gi-Oh”). Từ tháng 6/2004 - tháng 2/2008, loạt truyện “Vua trò chơi R - Yu-Gi-Oh R” do Itou vẽ chính dưới sự giám sát và hướng dẫn của Takahashi đã được đăng tải trên tạp chí truyện tranh V Jump. Hiện tại, loạt truyện này đã được xuất bản thành cuốn riêng (Tankobon). Sau đó, ông tham gia vẽ cho bộ truyện “Cardfight!! Vanguard” nói về chủ đề chiến đấu bằng những thẻ bài và được đăng trên tạp chí truyện tranh Kero-kero Ace số tháng 1/2011. Bộ truyện này cũng được chuyển thể thành card game và Itou Akira là họa sĩ chính đảm nhận phần vẽ minh họa cho game này.
25/05/2017
Thực hiện: Nguyễn Đình
Đăng nhập tài khoản để bình luận