Hóa ra chương trình đình đám Shark Tank có nguồn gốc từ Nhật Bản
Đầu những năm 2000, một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng ở Nhật Bản đã trở thành nguồn cảm hứng để xây dựng nên game show Shark Tank nổi tiếng toàn cầu.
Nguồn gốc của Shark Tank
Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế gọi vốn khởi nghiệp do Mỹ sản xuất, phát sóng lần đầu vào ngày 9/8/2009 trên đài ABC. Trong chương trình, các doanh nhân sẽ giới thiệu ý tưởng kinh doanh của mình với một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm (gọi là “Shark”) với hy vọng nhận được đầu tư từ họ.
Đến nay, Shark Tank đã phát sóng đến mùa thứ 16 tại Mỹ, từng 2 lần giành giải thưởng Primetime Emmy Award cho hạng mục chương trình truyền hình thực tế xuất sắc nhất.
Không chỉ ở Mỹ, chương trình còn có hơn 50 phiên bản quốc tế tại các quốc gia trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Shark Tank ra mắt từ năm 2017 với tên gọi Việt hóa là Thương Vụ Bạc Tỷ. Bản Việt đã lên sóng được 7 mùa, thu hút đông đảo khán giả theo dõi.

Mark Burnett là người đã tạo ra Shark Tank dựa trên chương trình Dragons' Den của Anh, ra mắt lần đầu vào năm 2005. Và Dragons' Den lại dựa trên chương trình đêm khuya có tên Mane no Tora (The Tigers of Money), được phát sóng ở Nhật Bản vào năm 2001.

Mane no Tora là gì?
Mane no Tora (マネーの虎) là tựa đề tiếng Nhật của chương trình truyền hình thực tế phát sóng trên Nippon TV từ tháng 10/2001 đến tháng 3/2004. Cái tên Mane no Tora thực ra là một cách chơi chữ dựa trên biệt danh "Mare no tora”, nghĩa là “con hổ Mã Lai”, của Tướng Yamashita Tomoyuki trong Thế chiến thứ 2.
Sau khi ra mắt, Mane no Tora đã tạo nên bước đột phá lớn khi giới thiệu một mô hình game show ấn tượng, giúp các doanh nhân trình bày ý tưởng kinh doanh của họ với nhóm nhà đầu tư thiên thần.

Mane no Tora do Kurihara Jin đạo diễn và sản xuất và người dẫn chương trình là nam diễn viên Yoshida Eisaku.
Những nhà đầu tư được gọi là “Tora” (Hổ) và họ sẽ theo dõi phần trình bày gọi vốn của các doanh nhân. Vốn thường là tiền mặt, được các “Hổ” đặt trên bàn ngay tại trường quay. Mức vốn đầu tư cao nhất là 100 triệu yên và thấp nhất là 1,8 triệu yên.
Để tăng thêm phần kịch tính, các “Hổ” cũng tham gia vào cuộc chiến giành lấy cơ hội đầu tư vào những dự án tiềm năng. Họ tranh cãi rất quyết liệt và tạo nên nhiều phân đoạn gay cấn.

Thành công của Mane no Tora
Mane no Tora đã trở nên phổ biến ngay từ khi ra mắt vào năm 2001. Khi đó, dù phát sóng vào thứ Bảy trong khung giờ đêm khuya 00:50 - 01:50 ở vùng Kanto, chương trình đã thu về tỷ suất người xem hơn 7%. Chương trình đặc biệt thu hút các khán giả trẻ, khiến nhiều người nộp đơn tham gia, trong đó có cả người nổi tiếng.
Sau khi tạo được tiếng vang, Mane no Tora đã được Nippon TV chuyển sang phát sóng toàn quốc trong khung giờ vàng 20:00 - 20:54 thứ Sáu, từ tháng 4/2002 đến tháng 9/2003.
Mane no Tora không chỉ là một chương trình giải trí, nguồn gốc ra đời của nó xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi hoạt động kinh tế của Nhật Bản. Đi ngược lại với truyền thống của xã hội Nhật là sợ rủi ro và hệ thống kinh tế tập trung vào các tập đoàn lớn, game show tìm cách phổ biến và thậm chí "tô hồng" tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.
Qua những câu chuyện thành công và thất bại của các doanh nhân trên sóng, Mane no Tora dần xóa bỏ nỗi sợ thất bại trong khởi nghiệp. Những người ra về tay trắng được ca ngợi vì lòng dũng cảm, truyền tải thông điệp mạnh mẽ, dễ chạm đến trái tim thế hệ trẻ.
Chương trình này được ưa chuộng trong bối cảnh chính phủ nỗ lực thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong dân chúng, qua đó đưa Nhật Bản trở thành quốc gia tiên phong về công nghệ và khởi nghiệp.
Dù đã ngừng phát sóng vào tháng 3/2004 do suy giảm sức hút, Mane no Tora đã tạo nên một xu hướng trên toàn cầu, để lại di sản lớn trong lĩnh vực sản xuất chương trình thực tế.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận