Vụ án bé Nhật Linh: Có nên đóng góp chữ ký?

    Trong những ngày gần đây, vụ án dang dở của bé Nhật Linh đang khiến cộng đồng Việt Nam bức xúc vì sao nghi phạm Yasumasa Shibuya tuy đã bị bắt với những chứng cứ xác đáng nhưng lại chưa bị đem ra xét xử, dù vụ án đã sắp tròn một năm. Việc đóng góp chữ ký từ người dân Việt Nam có giúp đẩy nhanh quá trình xét xử?

    "Quyền im lặng" trong luật pháp Nhật Bản là gì?

    "Quyền im lặng" là “bình phong” mà nghi phạm Yasumasa sử dụng đến tận thời điểm này để chối tội.

    Thuật ngữ "Quyền im lặng" được ra đời vào cuối thế kỷ 18 ở Mỹ, được giải thích là: "Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại chính mình”. Theo nguyên tắc này, người bị bắt giữ và người trước khi thẩm vấn phải được cho biết rằng mình có quyền giữ im lặng vì bất cứ điều gì người đó nói ra sẽ được dùng để chống lại chính mình tại tòa. Người bị buộc tội cũng có thể chọn chỉ khai báo khi có mặt luật sư.

    Vụ án bé Nhật Linh
    Nghi phạm Yasumasa Shibuya. (Ảnh: Japan Info)

    Về cơ bản, quyền giữ im lặng để tự bảo vệ bản thân và quyền được có luật sư là hai trong số những quyền cơ bản của con người. Quy trình xét xử một vụ án ở Nhật Bản được chia ra 4 giai đoạn: Giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử, giai đoạn truy tố và giai đoạn thi hành án, trong mỗi giai đoạn đều xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể tham gia tố tụng. Theo luật pháp, dù các chứng cứ có xác thực tới đâu đi chăng nữa, cho tới thời điểm bị tòa án tuyên bố tội danh, các nghi phạm vẫn được tính là vô tội để đảm bảo tính nghiêm minh của quá trình điều tra.

    Khi nghi phạm quyết định giữ im lặng, ngay khi tập hợp được đầy đủ bằng chứng xác đáng cũng như nắm chắc trong tay những lý lẽ có thể thuyết phục được tòa án, các công tố viên sẽ đề nghị đem vụ án ra xét xử theo hệ thống bố trí thẩm phán Saiban-in. Phiên xét xử có thể được bố trí với 6 thành viên được lựa chọn từ công chúng cùng 3 thẩm phán chuyên nghiệp công bố về tội trạng của nghi can. Sau khi đạt được thống nhất, bản án cho nghi can sẽ được áp dụng.

    Có nên đóng góp chữ ký?

    Hiện tại, gia đình bé Nhật Linh mặc dù cũng muốn nhanh chóng kết thúc vụ án nhưng cũng hoàn toàn thừa nhận, phía Nhật Bản đang làm hết sức có thể để đảm bảo công lý cho tất cả mọi người.

    Việc có nhiều chữ ký sẽ khiến tòa án sẽ có thể xem xét đây là "vụ án có ảnh hưởng mạnh đến xã hội" và cân nhắc chuyện áp dụng mức tử hình. Quyết định cuối cùng vẫn là tòa án, hành động ký tên là hành động hợp pháp, được cho phép để tòa án hiểu được sự quan tâm của người dân với vụ án, từ đó đưa ra quyết định chứ không bắt buộc làm theo. 


    Mẫu đơn xin chữ ký .

    Tối cao Pháp viện Nhật Bản đã ban hành nhóm 9 tiêu chuẩn phải dùng để xem xét kết án tử hình một tội phạm:

    - Bản chất/tính chất của hành vi giết người trong vụ án
    - Động cơ giết người của thủ phạm 
    - Cách thức giết người
    - Số người bị giết 
    - Cảm xúc của gia đình nạn nhân đối với thủ phạm
    - Mức độ của ảnh hưởng xã hội từ vụ án 
    - Tuổi của thủ phạm
    - Thủ phạm có tiền án tiền sự hay không 
    - Thủ phạm đã thể hiện sự sám hối vì việc mình đã làm hay chưa

    Ngoài việc đóng góp chữ ký thể hiện mức độ của ảnh hưởng xã hội từ vụ án, chúng ta có thể thể hiện sự đồng cảm dành cho gia đình bằng cách hỗ trợ tài chính (tuỳ thuộc vào sự đồng ý của gia đình nạn nhân) hoặc đơn thuần là những lá thư nhắn nhủ, lời cầu nguyện thành tâm cho bé có thể yên nghỉ. 

    kilala.vn
    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!