Vợ chồng Nhật 3 năm ly hôn một lần vì không muốn đổi họ
Không chấp nhận quy định vợ chồng phải sử dụng chung một họ sau khi kết hôn, một cặp đôi ở Nhật Bản đã "chơi lớn" khi ly hôn ba năm một lần, rồi đăng ký kết hôn để đổi họ qua lại cho nhau.
Cặp vợ chồng đã không thể đưa ra quyết định sẽ theo họ của ai để tuân thủ đúng quy định về hôn nhân của Nhật Bản. Cả hai đều không muốn từ bỏ họ khai sinh và dần mất hy vọng khi chờ đợi hệ thống tự do chọn họ sau khi kết hôn ở Nhật được áp dụng. Sau cùng, họ đi đến một quyết định táo bạo.
Quy định sử dụng họ chung sau kết hôn tại Nhật Bản
Luật pháp Nhật Bản quy định rõ cặp đôi đã kết hôn phải dùng chung một họ, có thể là họ của người chồng hoặc họ của người vợ, theo Điều 750 của Bộ Luật Dân sự. Hiện nay, không có bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Nhật Bản thực hiện quy định trên.
Theo đó, một cặp vợ chồng tại Nhật Bản phải quyết định họ chung sử dụng sau kết hôn để giấy đăng ký kết hôn của họ được chấp nhận và trở nên hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện về đôi vợ chồng Nhật ba năm ly hôn một lần
Đều đang ở độ tuổi 32, người chồng là một công chức nhà nước và người vợ là nhân viên của một công ty nước ngoài. Cả hai đang sinh sống ở Hachioji, vùng ngoại ô phía Tây Tokyo.
Họ gặp nhau khi đang học Đại học, và sau vài tháng hẹn hò,
cả hai quyết định sẽ tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, lúc này cô gái chia sẻ với bạn trai rằng mình không muốn thay đổi họ khai sinh sau khi kết
hôn. Bạn bè thân thiết thường gọi cô bằng biệt danh được đặt theo cách
chơi chữ dựa vào tên, nên cô cảm thấy không thể tách rời họ của mình.
Trước phản ứng khác thường của bạn gái, anh chàng thể hiện thái độ không mấy tán thành. Sau khi tốt nghiệp, cả hai bắt đầu đi làm và những cuộc thảo luận về hôn nhân cũng trở nên thực tế hơn. Một ngày nọ, anh nghe đồng nghiệp công ty nói rằng có một cặp đôi đổi họ cho nhau ba năm một lần. Ngay sau khi về nhà, anh thuật lại câu chuyện kỳ lạ này với bạn gái.
Vào năm 2016, cả hai quyết định làm giống hệt và có một đám cưới hạnh phúc. Trong tuần trăng mật tại Vienna, Áo, họ đã rút thăm và kết quả là trong 3 năm đầu kết hôn, cặp đôi sử dụng họ của người chồng.
Người vợ, khi ấy đang làm việc cho một công ty nước ngoài, muốn sử dụng họ khai sinh tại nơi làm việc. Tuy nhiên cô được yêu cầu phải sử dụng họ hợp pháp, tức họ của chồng, vì nhiều vấn đề bảo mật phát sinh, chẳng hạn như có thể bị ăn cắp danh tính. Về phần mình, cô cảm thấy phiền muộn mỗi khi có ai đó gọi cô bằng họ hợp pháp.
Ba năm sau, họ đã đệ đơn ly hôn và đồng thời đăng ký kết hôn; lúc này, cả hai chọn theo họ của người vợ theo kế hoạch ban đầu.
Về phía người chồng, sau khi đổi thành họ của vợ, anh vẫn sử dụng họ khai sinh của mình tại nơi làm việc. Nhưng trên một số giấy tờ, chẳng hạn như phiếu lương hay phiếu bầu cử, anh chỉ có thể dùng họ hợp pháp, tức họ của vợ. Anh chồng bộc bạch: “Trong các giấy tờ quan trọng ở công ty, tôi lại được nhắc rằng tên của tôi không phải là tên của tôi”.
Tình huống trên xảy ra không phải vì cặp đôi muốn ly hôn, dù là chỉ là về mặt giấy tờ. Được biết, cả hai đã đệ đơn lên tòa án chuyên xử lý các vấn đề gia đình để thay đổi họ trong sổ hộ khẩu hai lần nhưng đều bị từ chối.
Tuy nhiên, Tòa án Tokyo gần đây đưa ra một phán quyết khiến đôi vợ chồng có thêm lựa chọn trên con đường tìm cách hợp pháp hóa cuộc hôn nhân của họ mà vẫn giữ nguyên danh tính của mình.
Hướng đi mới cho các cặp vợ chồng không muốn đổi họ
Đạo diễn phim Kazuhiro Soda và vợ Kiyoko Kashiwagi kết hôn mà không đổi họ theo luật của bang New York vào năm 1997. Đến năm 2018, vợ chồng nộp đơn đăng ký kết hôn theo họ khai sinh tại văn phòng quận Chiyoda, Tokyo nhưng không được chấp nhận.
Tuy nhiên, vào tháng 04/2021, Tòa án Tokyo đã đưa ra phán quyết cho cặp vợ chồng. Cụ thể, tòa cho biết cách thức phù hợp để tìm kiếm sự chấp nhận hợp pháp cho các mối quan hệ hôn nhân được đăng ký với họ khác nhau là đệ đơn lên tòa án gia đình, tuy vậy tòa cũng công nhận tính hợp pháp của cuộc hôn nhân giữa họ.
Luật sư của cặp vợ chồng chia sẻ: “Có lẽ đây là lần đầu tiên cuộc hôn nhân giữa hai người có họ khác nhau đã đăng ký ở nước ngoài được công nhận tại Nhật”. Người này cũng nói thêm rằng: “Thật là kỳ quặc khi kết hôn bên ngoài nước
Nhật lại là cách duy nhất để mối quan hệ hôn nhân được chấp nhận hợp
pháp khi có họ khác nhau”.
Một phụ nữ 30 tuổi và chồng sống tại Tokyo đã làm điều tương tự. Họ ly dị vào mùa thu năm 2021 và sau đó đến Guam đăng ký kết hôn để không cần đổi họ.
Còn về phía đôi vợ chồng được nhắc đến ở đầu bài, đến tháng 7 năm nay, họ lại tiếp tục ly hôn rồi kết hôn để đổi lại về họ của người chồng. Ngoài ra, họ vẫn có thêm lựa chọn là du lịch nước ngoài cùng nhau để kết hôn hợp pháp mà không cần đổi họ. Cả hai đều ước mong có thể sống với họ khai sinh và nói rằng mặc dù họ cũng lo lắng nhưng muốn thử thêm nhiều lựa chọn khác.
Keiko Fukuzawa, nhà báo kiêm trưởng nhóm ủng hộ các vụ kiện liên quan đến đổi họ sau kết hôn cho biết bản thân cô cũng đã có cuộc hôn nhân không chính thức vì không muốn đổi họ.
Tuy vậy, Keiko cũng nhận thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh khi không đăng ký kết hôn, chẳng hạn như viện dưỡng lão không cho phép cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn được sống chung một phòng, hay họ không được đối xử như vợ chồng hợp pháp khi xử lý vấn đề thừa kế.
Keiko hy vọng lựa chọn đăng ký kết hôn ở nước ngoài để được công nhận hợp pháp tại Nhật Bản sẽ được biết đến rộng rãi và sau cùng, cô cũng muốn thực hiện điều tương tự cho bản thân mình, để rồi hướng dẫn cho các đôi vợ chồng khác có mong muốn tương tự.
kilala.vn
06/04/2022
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận