Về nông thôn - Xu hướng mới của nhiều thanh niên Nhật
Tokyo, Osaka, Yokohama, Nagoya, Kobe… thường được xem là nơi tuyệt vời để sống. Cuộc sống thành thị bao giờ cũng mang một bộ mặt sáng sủa trong tâm tưởng của tất thảy mọi người. Nhưng “thức đêm mới biết đêm dài”, không phải ai cũng thích ứng được với nhịp sống vội vã chốn đô thành.
¼ thanh niên Nhật Bản có ý định chuyển về nông thôn
Theo nghiên cứu của Bộ Đất đai – Cơ sở hạ tầng – Giao thông và Du lịch Nhật Bản, nhiều công dân thành phố trong độ tuổi từ 20 đến 29 mong muốn Chính phủ hỗ trợ người dân di cư về các vùng nông thôn (trong đó có 25% người trẻ sống tại Tokyo, Osaka, Nagoya). Khoảng 27% người già từ 60 đến 79 tuổi bày tỏ niềm mong mỏi Chính phủ sẽ ngăn chặn sự thu hẹp cộng đồng dân cư ở nông thôn trong những năm tới.Giải thích về vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, một bộ phận thanh niên thành thị không thật sự hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hàng triệu người đang trong độ tuổi thành niên ở Nhật không thể tìm được một công việc ổn định tại các thành phố. Họ đành chấp nhận làm những việc thời vụ - công việc khiến họ luôn phải lo lắng về vấn đề tài chính và nơm nớp lo sợ không biết khi nào mình sẽ mất việc.
Nhịp sống xô bồ ở thành thị bấy lâu nay vẫn thiếu vắng sự gặp gỡ giữa những người hàng xóm, những mối quan tâm cộng đồng và thiếu cả sự tin tưởng cần thiết giữa người và người. Đây có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn trẻ muốn tìm về một chốn bình yên, bằng lặng mà ấm áp nghĩa tình thay vì cứ phải chôn chân trong không gian thành phố ngột ngạt.
Phong cách “sống chậm” ở miền quê
Phong cảnh hữu tình của làng quê không còn là nơi mà các cụ già hưu trí muốn lui về xa danh lánh lợi. Ngày nay, những ngôi làng nhỏ bé nép mình trong thung lũng dưới chân núi còn hân hoan đón chào những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết muốn bắt đầu cuộc đời mới ở thôn quê.
Bà mẹ 29 tuổi, Sato Kanako, là ví dụ điển hình cho những người trẻ đã lựa chọn lối sống chậm rãi, giản đơn ở nông thôn. Sato chia sẻ rằng, công việc đồng áng đã giúp cô nhận ra những chân giá trị của lao động nông nghiệp. Chính những giá trị quý báu đó đã làm nên truyền thống của cộng đồng mà rộng hơn là của cả một vùng.
“Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, cả về vật chất lẫn tinh thần.” , cô nói, “Tôi đã tự xây dựng mọi thứ cho mình, từ công việc cho đến các mối quan hệ.” Hiện Sato đang quản lý 1 hécta ruộng lúa và 10 mẫu ruộng rau.Cũng như Sato, Kajiya Hitoshi – một kỹ sư sẵn sàng bỏ thành phố về vùng quê Nagano làm ruộng cho biết anh thực sự "chán ngấy" cuộc sống trong thành phố, nơi mà một ngày của anh bắt đầu với hàng núi công việc chất chồng. Giờ thì mọi thứ đã khác. “"Tôi muốn thay đổi bằng cách tìm đến một cuộc sống chậm rãi hơn. Công việc của nông dân khá chậm rãi và nó khiến tôi cảm thấy hài lòng.” - anh Kajiya vui vẻ nói.
Chính phủ Nhật hỗ trợ di cư
Nhằm đáp ứng ước muốn chuyển cư của người dân, Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình khuyến khích di cư để mọi người đều có điều kiện tìm hiểu trước khi quyết định chuyển hẳn về sống ở nông thôn.
Dịch vụ tư vấn dành cho người chuyển cư
Một số tổ chức được thành lập tại các khu vực đông dân với nhiệm vụ cung cấp thông tin, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ những ai muốn di cư đến các vùng thưa dân. Những đô thị khác cũng tiến hành kế hoạch tương tự nhằm làm giảm áp lực dân số trong khu vực.Chương trình khuyến khích các bà mẹ đơn thân về quê
Đứng trước tình hình dân số tại các ngôi làng ngày càng thu hẹp, chính quyền địa phương và một số tỉnh đang thực hiện chương trình khuyến khích tài chính cho những gia đình có trẻ con. Điển hình nhất là thành phố thưa dân Hamada, tỉnh Shimane. Chính quyền thành phố Hamada hỗ trợ những bà mẹ đơn thân tìm kiếm việc làm tại các viện dưỡng lão. Chương trình sẽ trả tiền thù lao khi họ chấp nhận đào tạo để giúp đỡ người cao niên làm các công việc thường nhật như ăn uống, tắm rửa. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, những người này sẽ nhận được khoản tiền 9000 đô la.
Làm mẹ đơn thân là điều chẳng dễ dàng, nhất là vì Nhật Bản là quốc gia Đông Á vẫn còn lưu giữ một vài tư tưởng phong kiến khắc khe. Kể từ khi chương trình hỗ trợ cư dân mới của thành phố Hamada được tiến hành vào năm 2015, 13 bà mẹ đơn thân đã chuyển về sống tại đây. Họ cảm thấy rất biết ơn thành phố đã cho họ cơ hội quý giá để làm lại cuộc đời mới.
Bộ lịch đặc biệt về những anh trai làng muốn “thoát ế”
11 thanh niên làng Otari cùng xuất hiện trong một bộ ảnh lịch đặc biệt. Bộ lịch này được phát hành không ngoài mục đích giúp các trai làng độc thân nhanh chóng tìm được “nửa kia” của mình. Anh Kobayashi Keito, 26 tuổi, xuất hiện trên tờ lịch tháng Tư cho biết: “Tôi hy vọng những phụ nữ trẻ sẽ thích ngôi làng Otari của chúng tôi vì nơi đây có những khu trượt tuyết rất tuyệt vời!” Còn anh Fujiwara Seigo, 29 tuổi, bày tỏ nguyện vọng muốn tìm một cô gái có nụ cười đẹp và sẵn lòng cùng anh “đi khắp thế gian”. Kể từ khi bộ lịch độc - lạ này ra mắt, làng Otari đã nhận được 8 bức thư “làm quen”, phân nửa trong số này còn gửi kèm theo ảnh chân dung và sơ yếu lý lịch.
Ngoài “chiến dịch” giúp thanh niên “thoát kiếp F.A”, chính quyền địa phương còn thực hiện một loạt các chương trình “hấp dẫn” như chuyển những căn nhà lớn bị bỏ hoang tới những vị trí giao thông thuận tiện để thu hút doanh nghiệp trẻ, “thưởng nóng” cho các cặp vợ chồng sau khi sinh con, khuyến khích “mỗi gia đình đẻ 3 đứa”…
Tuần lễ nông dân ở Nagano
Hằng tuần, những chuyến du ngoạn tham quan vườn táo và khu nhà kính trồng dâu tây ở miền quê được tổ chức khá nhiều. Các chuyến đi thực tế này vừa giúp những người dân thành thị có cơ hội tìm hiểu về đời sống nông thôn, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho những địa phương đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái tài chính.
20/09/2018
Bài: Nguyễn Ngân
Đăng nhập tài khoản để bình luận