Tự làm món Hanami-dango dẻo ngon đi ngắm hoa đào
Những viên bánh tròn trịa trông ngon lành, màu sắc tươi sáng, món bánh Hanami-dango có ý nghĩa tinh thần rất đặc biệt với người Nhật. Đó chính là món ăn mang đầy niềm háo hức, phấn khởi của mùa xuân, của những buổi tiệc ngắm hoa anh đào.
Ý nghĩa sau mỗi màu sắc
Là một loại Dango, Hanami-dango cũng được làm từ bột Mochiko và phục vụ với hình thức xiên que. Tuy nhiên, đặc trưng nổi bật làm nên Hanami-dango chính là màu sắc của nó, theo thứ tự từ trên xuống sẽ là hồng, trắng và xanh lá. Và cũng vì giới hạn màu sắc nên một xiên que Hanami-dango sẽ chỉ có 3 viên, trong khi các loại Dango khác có thể có 2, 3 hoặc 4 viên.
Màu hồng của món bánh này thường được pha màu từ bột hoa anh đào, màu trắng là màu tự nhiên của bột và màu xanh lá là từ bột Matcha hoặc lá ngải cứu.
Có người nói rằng đây là một cách chơi chữ của người Nhật. Màu hồng tượng trưng cho hoa anh đào của mùa xuân, trắng là rượu trắng của mùa đông, xanh lá là cây cỏ của mùa hè. Tức không có mùa thu. Trong tiếng Nhật, “Không có mùa thu” dịch là “Aki ga nai”. Thật thú vị khi từ “Aki” - “mùa thu” - lại đồng âm với từ “Aki” - “chán ngán”. Vì vậy “Aki ga nai” - “Không có mùa thu”, cũng có thể là hiểu là “Không ngán”, một đặc điểm của món bánh này.
Một giả thuyết khác cho rằng hồng và trắng là màu của may mắn, màu xanh là màu của dược thảo giúp đánh đuổi bệnh tật.
Hoặc giả thuyết đơn giản hơn, đó chỉ là 3 màu sắc tươi sáng này có thể khiến các vị thần thấy vui vẻ và mang ý nghĩa có thể cùng ăn uống với Thần linh.
Tập quán dùng bánh Hanami-dango vào dịp Hanami
Nhật Bản những ngày vào xuân tràn ngập sắc hoa anh đào dịu dàng. Đâu đó dưới những tán cây người người rôm rả trò chuyện, giòn giã cười đùa, nhộn nhịp ca hát. Ngoài sự vui vẻ ấm áp, mùa Hanami - thưởng hoa anh đào - còn được yêu thích vì đây cũng là dịp để mọi người thưởng thức những món ngon chỉ có trong mùa này như cơm Bento ngắm hoa, bánh Sakura-mochi, trà Sakura,. Và tất nhiên không thể bỏ qua bánh Hanami-dango.
Có người cho rằng thói quen ăn Dango vào dịp Hanami bắt nguồn từ một buổi tiệc thưởng hoa của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi, diễn ra tại chùa Daigo, tỉnh Kyoto. Khi đó, Hideyoshi đã cho tập hợp món ngọt của khắp các địa phương Nhật Bản. Đến thời Edo, thói quen dùng món ngọt khi thưởng hoa lan rộng ra tầng lớp dân chúng và cho ra đời món bánh Hanami-dango như ngày nay. Tên “Hanami-dango”, nghĩa là bánh Dango dùng trong dịp Hanami.
花より団子
“Hana yori Dango”
Đây là một câu thành ngữ rất nổi tiếng, gắn liền với dịp Hanami của Nhật Bản. Dịch nôm na là “Bánh Dango hơn cả hoa”, câu thành ngữ này mang ý nghĩa: lấp đầy bụng đói bằng những xiên Dango nói riêng hay thức ăn nói chung, thì tốt hơn là thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào. Nói rộng hơn, “Hana yori Dango” ám chỉ những người luôn chú trọng nhu cầu vật chất hơn nhu cầu tinh thần.
Cùng làm Hanami-dango!
Bước 1:
Trộn đều bột, đường. Sau đó, vừa trộn bột vừa cho từng chút nước ấm vào, chú ý không cho hết nước vào một lần.Bước 2:
Nhào bột đến khi ít dính tay rồi nặn thành viên vừa ăn.Bước 3:
Thực hiện tương tự cho viên Dango hồng và xanh. Pha màu bằng bột Sakura và Matcha.Bước 4:
Luộc đến khi các viên Dango nổi lên mặt nước thì vớt ra ngâm ngay vào nước lạnh.Bước 5:
Đợi ráo nước rồi xiên Dango theo màu như hình là hoàn thành.Lăng Vi/kilala.vn
Curry Shika
Nhà hàng chuyên về món cà ri đậm hương vị Nhật Bản. Ngoài ra còn có các món bánh tráng miệng như Dango, Mochi,…
Địa chỉ: 1/4 Nguyễn Văn Tráng, Q.1
Điện thoại: (08)3925 6503
28/03/2018
Bài và minh họa: Lăng Vi / Ảnh: PIXTA, Shutterstock
Đăng nhập tài khoản để bình luận