Trẻ em Nhật sử dụng tiền tiêu vặt như thế nào?

    Một công ty sản xuất đồ chơi lớn đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 900 trẻ em Nhật Bản về cách sử dụng tiền tiêu vặt và thu được kết quả khá bất ngờ. 

    Năm 2019, công ty sản xuất đồ chơiBandaivới nhiều thương hiệu đồ chơi trẻ em nổi tiếng như Anpanman, Kamen Rider và Pretty Cure đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 900 trẻ em Nhật Bản gồm học sinh tiểu học và trung học về việc sử dụng tiền tiêu vặt. Mục đích của cuộc khảo sát là thống kê trẻ em Nhật Bản ngày nay nhận được bao nhiêu tiền tiêu vặt và sử dụng số tiền đó để mua gì. 

    trẻ em Nhật sử dụng tiền tiêu vặt như thế nào
    Trẻ em Nhật Bản được cho tiền tiêu vặt không chỉ từ bố mẹ, mà còn từ ông bà. Ảnh: fpwoman.co.jp

    Qua cuộc khảo sát, khoảng 450 trẻ em Nhật Bản nhận được tiền tiêu vặt một cách thường xuyên theo tuần hoặc theo tháng. Điểm đặc biệt là trong khi gần 90% trẻ nhận được tiền tiêu vặt từ bố mẹ thì khoảng gần 25% số trẻ cũng nhận được tiền tiêu vặt thường xuyên từ ông bà. Như vậy, trẻ em Nhật Bản nhận được tới tận 2 khoản tiền tiêu vặt. Cụ thể, ông bà thường sẽ cho cháu khoảng 2.000 - 3.500 yên (khoảng 417.000 - 730.000 VND)  mỗi tháng so với số tiền tiêu vặt trung bình 1.200 - 2.500 yên (khoảng 250.000 - 521.000 VND) từ cha mẹ. 

    Với số tiền nhận được từ cả bố mẹ và ông bà, 900 trẻ trong cuộc khảo sát đã sử dụng vào những mục đích gì? Top 10 mục đích sử dụng tiền tiêu vặt của 900 trẻ em Nhật Bản là:

    1. Thức ăn vặt (chiếm 60%)
    2. Văn phòng phẩm (chiếm 35,6%)
    3. Manga (chiếm 33,7%)
    4. Để dành (chiếm 25,6%)
    5. Sách, bao gồm cả manga (18,4%)
    6. Đồ chơi (16,5%)
    7. Trung tâm trò chơi (15,7%)
    8. Video games (15,4%)
    9. Phương tiện di chuyển trong suốt cả thời gian rảnh (12,9%)
    10. Đi ăn ngoài với bạn bè (12,1%)

    kết quả khảo sát mục đích sử dụng tiền tiêu vặt của trẻ em Nhật Bản
    Kết quả khảo sát mục đích sử dụng tiền tiêu vặt của 900 trẻ em Nhật Bản. 

    Như vậy, trẻ em Nhật Bản sử dụng tiền tiêu vặt nhiều nhất cho "Đồ ăn vặt", "Văn phòng phẩm" và "Manga". Nhưng việc "Để dành" đứng top 4 trở thành điểm nổi bật trong kết quả khảo sát này. Điều này xuất phát từ việc trẻ em Nhật ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dạy cách chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí. Số tiền tiêu vặt được chia làm 3 mục đích chính: “Sử dụng” – bé dùng khoản này để mua ngay những đồ bé muốn, “Tiết kiệm” là dành dụm cho tương lai, còn “Chia sẻ” là dành tặng hay quyên góp cho tổ chức từ thiện hoặc mua quà tặng ai đó. Ngoài ra, các bé cũng được dạy về cách sử dụng sổ chi tiêuKakeibo((家計簿) – phương pháp quản lý tài chính giúp tiết kiệm đến 35% chi tiêu cho năm kế tiếp. 

    kết quả khảo sát mục đích sử dụng tiền tiêu vặt đối với nhóm học sinh tiểu học và học sinh trung học
    Kết quả khảo sát mục đích sử dụng tiền tiêu vặt đối với nhóm học sinh tiểu học và học sinh trung học. 

    Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng đưa ra kết quả top 10 mục đích sử dụng tiền tiêu vặt của học sinh tiểu học và trung học tại Nhật và có những sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, 3 mục đích đứng top đầu của cả hai nhóm học sinh đều là "Đồ ăn vặt", "Văn phòng phẩm" và "Truyện tranh Manga". Điểm khác biệt là học sinh trung học thay vì dành tiền tiêu vặt cho "Trò chơi thẻ bài –  Card games" và "Quần áo, phụ kiện" thì các em sẽ sử dụng tiền để "Đi ăn ngoài" và cho "Phương tiện di chuyển". Mục đích "Để dành" trong bảng xếp hạng của học sinh trung học cũng rớt hạng so với bảng xếp hạng của học sinh tiểu học với top 8 chiếm 21.3%. Ngoài ra, học sinh trung học cũng không dành tiền để mua đồ chơi như học sinh tiểu học nữa, mà thay vào đó là các hoạt động như đi xem phim, mua quà tặng bạn. 

    Như vậy, dù là học sinh tiểu học hay học sinh trung học thì phần lớn số tiền của các em cũng sẽ chi vào 3 mục đích sau: Thức ăn vặt, Văn phòng phẩm và Manga. Thông qua khảo sát này, các công ty sản xuất đồ chơi trẻ em như Bandai sẽ hiểu hơn về nhu cầu của trẻ và ngày càng mang đến nhiều sản phẩm đánh trúng tâm lý của các em. 

    kilala.vn

    06/04/2021

    Bài: Ngọc Oanh
    Nguồn: soranews
    Ảnh bìa: jibunbank

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!